Điện Biên là một tỉnh thuộc miền Tây Bắc Tổ Quốc việt Nam, ngã ba biên giới của các quốc gia Việt - Trung - Lào. Đây là miền đất biên giới mà mỗi ngọn núi, dòng sông từng chứng kiến bao cảnh loạn lạc, gươm đao, súng đạn, là nơi viết lên bao trang sử đấu tranh bất khuất, nêu cao nhiều tấm gương chiến đấu oai hùng của đồng bào các dân tộc trong đại gia đình Việt Nam. Đồng thời, mảnh đất miền biên viễn này cũng là nơi sinh sống của cộng đồng 18 dân tộc anh em, mỗi dân tộc lại chứa đựng trong mình vốn truyền thống văn hoá lâu đời, đậm đà bản sắc.

Trong cộng đồng các dân tộc Điện Biên, Thái là dân tộc có lượng cư dân đông đúc và nền văn hóa mang nhiều sắc thái tiêu biểu, riêng có. Nói đến văn hoá Thái Điện Biên ta không thể không kể đến khăn piêu, một nét văn hoá độc đáo, gắn liền với đời sống hàng ngày của đồng bào Thái đen. Chiếc khăn piêu không chỉ góp phần làm đẹp thêm cho bộ trang phục truyền thống của người Thái mà nó còn chứa đựng những giá trị tinh thần, giá trị văn hóa được đúc kết, trao truyền qua nhiều thế hệ. Khăn piêu có nhiều loại và có thể phân loại theo cách gọi như Piêu đẳng (gồm có Piêu đẳng 3, piêu đẳng 4, piêu đẳng 5); Piêu cút pụa (gồm có cút pụa 4, cút pụa 6... đến cút pụa 12, tuỳ theo sở thích của mỗi người).   

Về hoa văn cũng có nhiều loại hoa văn, trong đó hoa văn hoa bầu thường được chọn làm hoa văn chủ đạo. Ngoài ra còn có các loại hoa văn như: hoa văn hoa rừng (bók mạy), hoa văn miệng đó chắn cá (ngá xáy), hoa văn cánh guồng quay sợi (kha pia). Ngoài hoa văn chính ra còn nhiều loại hoa văn khác: hoa, lá và hình tượng các loài vật có trong tự nhiên, thêu theo kiểu cách điệu xen lẫn với các hoa văn chính.

Do có nhiều loại khăn piêu, nên chỉ xin giới thiệu đôi nét chủ đạo cách làm truyền thống piêu cút pụa 6 (piêu cút pụa hốk). Khăn thường được làm từ vải sợi tự dệt của dân tộc Thái và được nhuộm màu chàm đen, hai đầu khăn sẽ được thêu hoa văn bằng chỉ màu các loại, qua đó sẽ tạo nên nét đẹp đặc trưng cho hoa văn trên nền vải chàm đen. Mỗi đầu khăn thường làm bốn nhóm đường đẳng, mỗi nhóm có ba cặp đường đẳng (đẳng xam). Ở mỗi đầu cặp đường đẳng phía mép khăn được đính một hoa cút (cút piêu), cút piêu làm bằng vải phin đỏ cắt theo chiều dọc vải (dài, ngắn) tùy theo người làm cút piêu lớn hay nhỏ, chiều rộng gần bằng ngón tay cái để bọc ngoài, lấy sợi trắng chập lại làm lõi khăn, sau đó cuộn đầu dây lại thành hình tròn như hình ngọn cây rau dớn (phắc cút. Hoa cút trên khăn piêu được các cô gái Thái thông minh, khéo léo, cách điệu ngọn cây rau dớn mọc trong tự nhiên thành bông hoa cút đính trên khăn piêu cổ truyền của dân tộc mình. Thường ở giữa hai nhóm đẳng có một đường ngăn cách thêu theo hình chân rết (tin chớ khếp).

Hai góc khăn thêu hình quả trám (mák cưởm), quanh hình quả trám thường thêu chỉ mầu đỏ gọi là “đường đẳng kẻo”. Quanh đường đẳng kẻo thêu chỉ xanh, chỉ vàng gọi là đường chân rết (tin chí khếp). Thường ở giữa các nhóm đẳng thêu hai bông hoa bầu cách điệu, Xen giữa hai bông hoa bầu là các lá bầu cũng thêu theo kiểu cách điệu, bố trí hợp lí, màu sắc hài hoà tạo cho người xem có một cảm giác như nhìn thấy một vườn hoa bầu thu nhỏ hình chữ nhật, xung quanh vườn hoa bầu có hai đường thêu bằng chỉ vàng, đỏ cũng được gọi là đường đẳng kẻo.

 

Phía bên ngoài của đường đẳng kẻo có thêu một đường chỉ trắng như hình nửa quả núi (mák nhính), nên còn có câu ca được truyền miệng như:

“Bảo vệ vườn bầu

Bốn mùa nở hoa

Rào dậu vững chắc

Núi non che chở.”

Viền ngoài của khăn được may bằng vải đỏ gọi là “Cóp piêu”, quanh cóp piêu được thêu một đường chỉ mầu da cam gọi là đường "táy tin pén", đường diềm của piêu được "Rua" một đường chỉ mầu vàng gọi là “Rua đường quả núi”.

Trước đây, để thêu được một chiếc khăn piêu, các cô gái Thái thường rất vất vả và phải trải qua nhiều công đoạn. Đầu tiên phải chọn vải. Vải làm khăn piêu là vải trắng thỏi tự dệt với sợi nhỏ, mịn. Chỉ dùng để thêu khăn cũng phải đạt tiêu chuẩn như bằng tơ tằm, sợi đều và to hơn sợi chỉ khâu một chút. Vải làm khăn có khổ vải thường dài một sải.

Sau khi lựa chọn được miếng vải ưng ý sẽ đến công đoạn nhuộm vải. Cách nhuộm vải truyền thống là dùng nước lá chàm tự nhiên. Người Thái lấy lá cây chàm ngâm vào chum nước khoảng 2-3 ngày, tiếp đến là chắt lấy nước, cho vôi vào ngâm và được khuấy lên khuấy xuống thành bọt, để khoảng 3- 4 ngày rồi lấy nước lắng đọng phía dưới chum để nhuộm vải. Khi nhuộm, họ lấy sải vải trắng nhúng vào, nhào lên, nhào xuống cho ngấm nước chàm khoảng 15 - 20 phút rồi mang ra phơi, ngày hôm sau lại đem nhuộm như cũ rồi đem phơi như vậy liên tục khoảng 2- 3 lần. Sau đó lấy củ nâu đem giã nhỏ cho vào nồi đun sôi, để hơi âm ấm, lấy sải vải đã nhuộm chàm ngâm vào, nhào lên nhào xuống khoảng 15- 20 phút đem ra phơi chỗ râm mát sẽ thu được sải vải màu đen nhánh.

Không chỉ nhuộm vải, chỉ dùng để thêu khăn piêu cũng được nhuộm rất công phu. Tương tự như nhuộm vải, màu sắc của chỉ cũng được lấy từ màu sắc của các loại cây cỏ, hoa lá, côn trùng... có từ thiên nhiên. Mỗi màu sắc được lấy từ một loại riêng biệt và trải qua nhiều công đoạn pha chế khác nhau. Kinh nghiệm đó được những người phụ nữ Thái truyền dạy cho nhau qua nhiều thế hệ, tạo nên những cách thức nhuộm chỉ đặc biệt. Chỉ màu xanh được nhuộm từ quả đu đủ xanh nạo nhỏ, vắt lấy nước, nhúng cuộn tơ đã được nhuộm mầu xanh vào, đập nhẹ vài lần (nhúng nước vắt quả đu đủ có tác dụng làm cho sợi tơ trơn và bóng mịn hơn). Chỉ màu đỏ lại được nhuộm từ cánh kiến còn nguyên ấu trùng (chưa làm kén) giã ra đun sôi để hơi ấm, lấy vải lọc lấy nước để nhuộm tơ, còn bã để sử dụng làm việc khác... Chỉ màu tím nhuộm từ lá cây lanh nan (lá cây lanh đồng bào Mông dùng lấy sợi để dệt vải) giã nhỏ đun sôi, để hơi ấm rồi bỏ tơ vào nhuộm. Chỉ màu vàng thì dùng củ nghệ giã nhỏ đun sôi, để hơi ấm; chỉ màu da cam nhuộm từ quả sum pú (loại quả giống chôm chôm nhưng không ăn được) giã nhỏ đun với nước tro bếp. Các loại chỉ trên sau khi ngâm nước nhuộm đều được vớt ra phơi vào chỗ râm mát một thời gian cho nước nhuộm ngấm đều vào chỉ, mang lại màu sắc tự nhiên, khó phai. Riêng chỉ màu trắng là màu nguyên chất của tơ tằm được giữ gìn sạch sẽ.

 Đối với các cô gái Thái, ngay từ lúc còn nhỏ (khoảng 8-10 tuổi) đã được mẹ hướng dẫn cho từng đường kim mũi chỉ, cách pha chế màu sao cho hài hoà, hợp lý. Ngoài học hỏi ở mẹ ra, thiếu nữ Thái còn tự học hỏi từ các bạn, các bà, các cô, thím... Họ tận dụng tất cả thời gian nhàn rỗi để thêu khăn như khi đi chăn trâu, khi vui chơi cùng các bạn. Lớn lên họ thực sự trở thành những thiếu nữ tài hoa. Với đôi bàn tay khéo léo, kinh nghiệm học hỏi được từ những thế hệ đi trước cùng tư duy sáng tạo, các cô gái Thái đã tạo ra những chiếc khăn piêu với đường nét hoa văn độc đáo, thể hiện được những suy nghĩ, tâm tư, tình cảm của mình thông qua nét đẹp của các hoa văn được thêu trên khăn piêu. Người Thái có câu:

                                     Khoẳm mứ pin lái

                                    Hai mứ pin búk.

Dịch:

                                    Úp bàn tay thành nụ

                                    Ngửa bàn tay thành bông.

Nét hoa văn trên chiếc khăn piêu không những thể hiện được sự khéo léo, tài hoa của các cô gái Thái mà còn chứa đựng trong đó tính giáo dục sâu sắc được truyền dạy, hướng dẫn trực tiếp từ người mẹ, sự tiếp thu lời hay, ý đẹp cùng tư duy sáng tạo của người con, sự chịu khó tìm hiểu, học hỏi... Thông qua chiếc khăn piêu, người xem có thể đánh giá được người thiếu nữ đã trưởng thành hay chưa, có đảm đang, có nề nếp, có giáo dục, có chăm chỉ hay không. Đó cũng chính là một trong những tiêu chuẩn để chọn nàng dâu của dân tộc Thái.

Khăn piêu không chỉ là một phần trong bộ trang phục mà còn gắn với đời sống người Thái nói chung, người con gái Thái nói riêng trong nhiều khía cạnh. Khăn piêu là vật trang sức tô điểm thêm vẻ mặn mà, xuân sắc cho người con gái Thái. Khi đội khăn, một đầu khăn buông xuống sau lưng, một đầu khăn hất lên trên đỉnh đầu, hai chùm cút pụa buông xuống hai bên má tô thêm vẻ đẹp trên khuôn mặt xinh xắn của các cô gái Thái. Trong đời sống tinh thần và sinh hoạt của người Thái, khăn piêu còn mang nhiều ý nghĩa, giá trị khác nhau, được coi như một món quà, một tín vật hay là nơi gửi gắm tâm tư, tình cảm... Khăn piêu có thể dùng để làm quà tặng bố, mẹ họ hàng nhà chồng khi cô gái chuẩn bị về làm dâu nên có câu:

                                        Piêu cút xí dam da pả

                                     Piêu cút hả dam da lúa.

Dịch

                                     Piêu cút 4 tặng bà bác

                                     Piêu cút 5 tặng bà thím.

Có thể dùng làm vật kỷ niệm kết nối tình duyên giữa các đôi trai, gái hay để tặng người tình, gửi gắm tình cảm của mình vào chiếc khăn cho người mình yêu. Khăn piêu còn được sử dụng trong các ngày hội, múa đêm trăng với những điệu múa “Xoè khăn”, hát giao duyên như Hạn khuống, cùng với những lời ca “Inh lả ơi, sao noọng ơi…” làm xao xuyến lòng người như muốn níu chân khách lạ. Đây cũng là dịp để các chàng trai, cô gái gặp nhau, cùng nhau đua tài, khoe sắc.

Khăn piêu còn để bảo vệ sức khoẻ của con người như đội đầu che nắng của mùa hạ, giá buốt của mùa đông..., đồng thời, khăn piêu cũng là một mặt hàng có giá trị kinh tế cao được trao đổi, buôn bán, làm quà lưu niệm...giúp người dân tăng thêm thu nhập trong cuộc sống.

Trong đời sống tâm linh, khăn piêu được dùng để đặt lễ như Lễ tạ ơn, Lễ cúng ma nhà họ ngoại, sử dụng trong lễ cúng hồn, lễ Xên phắn bẻ (chém cổ dê), lễ “Xên bản, xên mường” (cúng bản, cúng mường)...

Chiếc khăn piêu của dân tộc Thái ẩn chứa nhiều giá trị văn hóa, giá trị tinh thần đối với xã hội nói chung, với cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày của đồng bào Thái nói riêng... Về giá trị văn hoá, khăn piêu chứa đựng tính nhân văn sâu sắc, có tính giáo dục con người cao. Trong đời sống tâm linh, khăn piêu còn gắn liền với tín ngưỡng của đồng bào Thái, là vật không thể thiếu trong các nghi thức đặt mâm lễ. Về lĩnh vực kinh tế, từ chiếc khăn piêu có thể mở các làng nghề thủ công, tạo điều kiện cho hàng trăm lao động có công ăn, việc làm, tăng thêm thu nhập cho người dân trong cuộc sống, đóng góp thiết thực cho nền kinh tế xã hội. Do đó, khăn piêu cần phải được bảo tồn và phát huy giá trị.

Ngày nay, điều kiện kinh tế xã hội phát triển, quá trình giao thoa văn hóa đã tác động mạnh mẽ đến sự tồn tại của nhiều sản phẩm thủ công truyền thống trong đó có chiếc khăn piêu của dân tộc Thái. Con em đồng bào các dân tộc thiểu số được đi học đầy đủ nên việc tạo ra một chiếc khăn piêu theo cách làm thủ công truyền thống cũng gần như không còn nữa, thay vào đó là những chiếc khăn piêu được làm từ vải và chỉ mầu công nghiệp. Những chiếc khăn piêu được làm từ vải công nghiệp đã không còn giữ lại được vẻ đẹp mộc mạc truyền thống, sự tinh túy và cái hồn của mình.

Nhằm giữ lại những giá trị thiết thực của khăn piêu, rất cần sự quan tâm của các ban ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương về vấn đề đầu tư, phát triển làng nghề thủ công truyền thống nhằm gìn giữ, bảo tồn và phát huy những giá trị tinh hoa của các sản phẩm nghề truyền thống cho thế hệ mai sau./.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
     Liên kết website
    Thống kê: 10.319.836
    Online: 41