Xòe hay còn gọi là Xé của người Thái là kết quả sáng tạo của nhiều thế hệ, được tồn tại lưu giữ trong nhân dân. Xòe nảy sinh trong quá trình lao động, trong sinh hoạt, phong tục tập quán, lễ hội, v.v. Trải qua thời gian không ngừng điều chỉnh, bổ sung để phù hợp với đời sống và quan điểm thẩm mĩ của nhân dân. Họ vừa là người sáng tạo, vừa là người thưởng thức. Xòe đối với đồng bào Thái ví như cơm ăn nước uống hàng ngày, Xòe nuôi dưỡng tinh thần, kéo con người xích lại gần nhau hơn, xòe là sức mạnh vô hình khiến mỗi chúng ta mạnh mẽ, làm việc có hiệu quả hơn. Xòe chứa đựng những khát vọng, những ước muốn của con người. Do vậy, Xòe không thể thiếu trong cộng đồng dân tộc Thái.

Nhìn từ góc độ di sản, Xòe  Thái là một phần cơ sở để xác định bản sắc văn hoá của tộc người Thái tại Điện Biên. Xòe của dân tộc Thái là cách thức thể hiện những hành vi ứng xử của con người với con người, con người với môi trường sống, lao động, sản xuất được cụ thể hoá bằng ngôn ngữ hình thể để phản ánh nhiều cung bậc tình cảm và các hiện tượng tự nhiên trong cuộc sống của đồng bào. Xòe Thái thấy rõ trong đó đem lại sự sảng khoái, cộng cảm, sự trao truyền tri thức lao động sản xuất, mong muốn có sự che chở của thế lực siêu nhiên để con người chống lại thiên tai, địch hoạ. Chúng ta còn thấy trong đó những bài học đạo đức, có ý nghĩa giáo dục đối với các thế hệ sau của cộng đồng dân tộc Thái.

Nghệ thuật Xòe Thái  góp phần bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống của dân tộc, thể hiện trên các phương diện sau:

Thứ nhất, Nghệ thuật Xòe góp phần bảo tồn nghệ thuật trình diễn dân gian của dân tộc Thái.

- Việc duy trì Nghệ thuật Xòe Thái cũng đồng nghĩa với việc bảo tồn được nhiều điệu xòe và là cơ sở để phát triển nhiều điệu xòe do sự sáng tạo của các thế hệ trong quá trình thực hành di sản.

Tỉnh Điện Biên có hai ngành Thái gồm: Thái trắng và Thái đen, để đánh giá về sự tồn tại  của Nghệ thuât Xòe của 02 ngành Thái cho thấy:

+ Thái Đen ngày xưa ít múa, chưa hình thành những điệu múa theo bài bản; những ngày vui, ngày lễ họ múa theo ngẫu hứng, múa mô tả lại những chiến công của cha ông người Thái trên bước đường đấu tranh chống thù trong giặc ngoài và mở mang bờ cõi hoặc lịch sử thiên di và định cư của người Thái ở Điện Biên. Các cụ có câu ví: "Khắp báu đảy táy tẩư" (Hát không địch được với Thái Đen - Thái Đen hát hay, có bài bản, và giỏi hát ứng xử tức thời..) và câu "Sé báu đảy táy nưa" (Múa không đua được với Thái trắng). Câu nói này cho thấy người Thái trắng rất giỏi về múa, đã có những ghi chép, nghiên cứu về Nghệ thuật Xòe phát triển ở vùng Thái trắng.

+ Người Thái trắng nói chung, người Thái trắng Mường Lay nói riêng có tiếng từ xa xưa là đất xòe, con người từ khi sinh ra và lớn lên đã được tiếp xúc, thừa hưởng  truyền thống tốt đẹp của cha ông để lại. Xòe đã trở thành máu thịt, ăn sâu trong tiềm thức của mỗi người dân Thái trắng,  nên họ đã bảo tồn được nhiều điệu xòe.

- Bên cạnh việc bảo tồn sự phong phú của các điệu xòe, Nghệ thuật Xòe Thái còn góp phần bảo tồn nhạc cụ dân tộc:  Âm nhạc giữ vai trò quan trọng trong Nghệ thuật Xòe. Các loại nhạc cụ như trống, chiêng, tính tẩu, má hính (quả nhạc), chũm chọe được coi là âm thanh để gọi xòe, để báo hiệu cho một cuộc vui bắt đầu. Các nhạc cụ trong xòe làm tăng thêm khí thế, tiếp thêm động lực và tinh thần cho mỗi người khi tham gia xòe và đương nhiên khi cộng đồng không tổ chức xòe thì những nhạc cụ này sẽ không được sử dụng; âm thanh, tiết tấu, nhịp điệu xòe sẽ bị mai một. Do đó Xòe cần được diễn ra thường xuyên để phát huy giá trị của nhạc cụ dân tộc đồng thời giúp cho cộng đồng thỏa sức với sự sáng tạo và gửi gắm tình cảm, khát vọng về cuộc sống tốt đẹp.

- Xòe Thái giữ vai trò quan trọng trong việc bảo tồn dân ca Thái và nghệ thuật  Then Thái: Việc múa và hát trong nghệ thuật trình diễn dân gian luôn có sự gắn kết, bổ trợ cho nhau. Tương tự như vậy, giữa Xòe Thái và dân ca Thái hay nghệ thuật Then Thái cũng có sự đan xen, hòa quyện nhằm làm tăng giá trị của loại hình nghệ thuật này. Người Thái có thể vừa xòe vừa hát dân ca, đặc biệt là trong  xòe vòng, trai gái cầm tay nhau đưa bước chân xòe và cất lên những lời dân ca đối ứng để thể hiện tình yêu nam nữ. Xòe Thái đã trở thành nguồn cảm hứng để nảy sinh các làn điệu dân ca. Trong nghệ thuật Then Thái cũng  thể hiện khá rõ về sự kết hợp giữa xòe và hát, chẳng hạn như: Xòe khăn, xòe quạt kết hợp với các làn điệu Then để mời các quan Then từ mường trời về dự lễ hoặc xen lẫn với các nghi lễ, thầy Then và cộng đồng cùng gõ vang nhịp trống chiêng và kết nối vòng xòe với niềm hân hoan để tạ ơn Then. Do vậy các điệu múa phụ họa được sử dụng trong nghi lễ đã giúp cho các lễ thức trở lên sinh động và tạo sự gần gũi với đời thực, giảm bớt sự huyền bí, mô phỏng được ý nghĩa của các điệu Then và minh chứng về sự độc đáo của nghệ thuật Xòe trong nghi lễ.

Thứ hai,  Nghệ thuật Xòe góp phần  bảo tồn trang phục truyền thống của dân tộc Thái

 Trang phục người Thái tham gia xòe trong sinh hoạt hoặc xòe biểu diễn có màu sắc khá đa dạng và đẹp mắt, đặc biệt là trang phục phụ nữ Thái gồm: váy màu đen hoặc màu chàm kết hợp với áo cóm ngắn ôm sát cơ thể có điểm nhấn là hàng khuy dọc trước ngực được làm bằng bạc hoặc nhôm hình con bướm, ve sầu, cánh hoa; có dùng thắt lưng màu xanh lá cây để giữ chặt cạp váy và tạo điểm nhấn trang trí trên bộ trang phục. Cấu tạo bộ váy áo đã tôn vinh vẻ đẹp của phụ nữ Thái.

Trang phục truyền thống của người Thái ngày nay vẫn được gìn giữ, không chỉ người Thái mà các dân tộc khác cũng thường xuyên khoác lên mình bộ trang phục đẹp và đầy nữ tính vào các dịp lễ hội hoặc các sự  kiện quan trọng khác. Cộng đồng người Thái vẫn sử dụng khá phổ biến trong đời sống sinh hoạt, đặc biệt là những người cao tuổi, còn khi đã có tiếng trống xòe rộn rã thì hầu hết các cô gái đều chọn cho mình bộ váy áo đẹp nhất để bước vào vòng xòe hoặc trình diễn các điệu xòe tại các sân khấu hoặc không gian sinh hoạt văn hóa của cộng đồng. Qua đó, trang phục truyền thống của người Thái được bảo tồn và phát huy giá trị.

Thứ ba, Nghệ thuật Xòe góp phần  bảo tồn tập quán xã hội và tín ngưỡng của người Thái

Xòe không thể thiếu trong các nghi lễ như: Lễ Kin pang Then, Kin pang Một, xên pang lẩu nó, xên tra, xên bản, xên mường...; nói cách khác khi tổ chức các nghi lễ đó là phải có xòe. Sự tồn tại song song giữa các nghi lễ và xòe trong nghi lễ cho thấy sự tác động qua lại và hỗ trợ nhau để cùng phát triển. Các nghi lễ được tổ chức có sự thực hành của các điệu xòe đã cho thấy sức sống và vai trò của nghệ thuật xòe đối với việc bảo tồn tập quán xã hội và tín ngưỡng của người Thái.

-Trong nghi lễ kin pang Then của người Thái trắng thể hiện rất rõ các điệu xòe phụ họa cho từng chặng đường Mo Then hành lễ lên Thiên (tức mường trời) như: Xé chầu pú Then Luông ( múa Hầu ông Then Luông), Xé Nả lăng, Xé Táng xạ, Xé Nhụm hứa ( múa chèo thuyền), Tủm xoong tơ, Xé Khóa ước, Xé Khóa hô lột, Xé Quát bók héo (múa quét hoa tàn). Cuối cùng là xé voóng( múa vòng). Cùng là xé voóng , nhưng xé voóng trong nghi lễ khác với xé voóng trong đời sống sinh hoạt thông thường. Chẳng hạn như: Xòe trong lễ Kin pang Then ở mỗi địa phương có cách thể hiện, gửi gắm những ý nghĩa khác nhau, cụ thể:

+ Đối với người Thái trắng ở thị xã Mường Lay: Dân trong bản, già trẻ gái trai cùng đội gái xòe và mo Then xòe vòng quanh cây pang (sặng pang) tái hiện nhiều hoạt động lao động sản xuất như: cày bừa, hái nấm, quét hoa, đẩy thuyền, phát nương , đốt nương, dọn nương, tra hạt ....Thần rồng phun nước xuống trần gian, vạn vật sinh sôi nảy nở, ruộng nương tươi tốt. Thóc lúa đầy bồ, toàn dân đủ đầy, hạnh phúc....

+ Đối với người Thái trắng ở xã Mường Báng, huyện Tủa Chùa, khi kết thúc lễ kin pang Then cũng có xòe vòng quanh cây pang nhưng mang ý nghĩa khác và cách thể hiện cũng khác hẳn với xòe vòng quanh cây pang của người Thái trắng Mường Lay. Họ buộc nối hàng trục, hàng trăm sải vải trắng Thái tự dệt thành vòng to rồi tất cả già trẻ, gái trai của bản cùng nhau đặt tay vào vòng vải trắng, vừa xòe quanh cây pang vừa hát đối đáp, hát chúc nhau những lời tốt đẹp, cứ thế cho đến khi gần tan cuộc lễ mọi người vừa xòe vừa thu dần vòng sải vải cuốn chặt vào cây pang. Điệu xòe đó họ không gọi là xòe vòng mà mang tên gọi " sé băng mướng" - xòe chắn giữ bản mường, không để bất kì kẻ xấu nào lọt vào phá hoại mường bản .

- Ngành Thái đen tỉnh Điện Biên có các lễ như: xên pang lẩu nó, xên tra, xên bản, xên mường.

+  Lễ xên pang lẩu nó: người Thái cũng múa xòe nhưng chủ yếu là xòe vòng quanh cây pang, cầm tay nhau cùng xòe, tưng bừng, phấn khởi, tạ ơn các Mo, các thần đã ban cho họ khỏe mạnh hạnh phúc, hết bệnh tật, múa tăng bẳng tăng bu, cùng với các trò chơi dân gian...

+ Lễ xên tra: Xòe nhằm mô tả lại những chiến công của cha ông người Thái trên bước đường đấu tranh chống thù trong giặc ngoài và mở mang bờ cõi; diễn tả lịch sử thiên di và định cư của người Thái Điện Biên. Trong lễ xên tra thường trình diễn 05 điệu múa, gồm: Xé Lảng; đáp - xòe kiếm, xé pén  - múa dẻo,  xé sai hạng- xòe khăn thắt, xé vòong.

Lễ xên tra chưa được phục dựng, bảo tồn kể từ sau năm 1956 đến nay do nhiều nguyên nhân khác nhau. Những gì mà tôi ghi chép lại là những lời kể của một số cụ Mo, Then của những người đã từng tham gia xòe nghi lễ. Các cụ nhớ tới đâu kể tới đó, có thể còn rất nhiều thiếu sót cần bổ khuyết để hướng tới bảo tồn lễ hội này.

- Xòe trong xên bản, xên mường

Sau phần nghi lễ xên bản, xên mường trang nghiêm bước sang phần hội thì bản, mường nào cũng đều xòe và hát. Trong các buổi lễ, hầu hết các điệu xòe, bài hát đều được trình diễn mang tính chất lễ thức, được sắp xếp theo một trình tự nhất định. Trong phần hội có hát, xòe đan xen. Đầu tiên là bài hát mơi lảu- mời rượu trong nghi thức lảu khắt lảu khánh, tiếp là những điệu sắp hính- đuổi hính, páo khuôn- Báo hồn, … Sau là các điệu xòe. Những điệu xòe trong lễ xên bản, xên mường ngày xưa đơn giản, được xòe đi xòe lại. Điệu xòe có thể kéo dài và kết thúc tùy thuộc vào không khí và sự dẫn dắt của Mo  Một.

Như vậy chúng ta thấy rõ sự tương quan mật thiết về sự tồn tại của các điệu xòe với các nghi lễ phản ánh tập quán xã hội và tín ngưỡng của người Thái, phát huy được các nghi lễ cũng chính là phát huy giá trị các điệu xòe. Ngược lại nếu thường xuyên thực hành các điệu xòe kể trên sẽ bảo tồn được các nghi lễ bởi đây không phải là những điệu xòe thông thường, phổ biến trong đời sống mà xòe gắn với nghi lễ, gắn với không gian thiêng và chứa đựng những nội dung, ý nghĩa, giá trị rất riêng về lịch sử, về văn hóa.

Xòe Thái hấp dẫn, có sức lôi cuốn mạnh mẽ, bởi trong đó chứa đựng nhiều giá trị nhân văn, nhiều khát vọng của con người, nó như là ngọn lửa diệu kỳ cháy mãi để ngợi ca những gì tốt đẹp nhất của tình yêu và cuộc sống. Nghiên cứu xòe dân tộc Thái, chúng ta có thể nhận biết được thái độ, ý thức, thẩm mĩ trong lao động của người Thái xưa, thấy được tri thức, sức sáng tạo, tài năng văn hoá của quần chúng nhân dân Thái trong suốt chiều dài lịch sử của cộng đồng dân tộc Thái và trong tiến trình lịch sử của tỉnh Điện Biên. Những hình ảnh trong chiến đấu, trong lao động sản xuất, trong các mối quan hệ xã hội, trong phong tục tập quán, trong đời sống tâm linh... được thể hiện trong xòe Thái ở Điện Biên.

  Bảo vệ và phát huy Nghệ thuật Xòe Thái sẽ góp phần bảo tồn nghệ thuật trình diễn dân gian nói chung và nhiều loại hình di sản liên quan như: trang phục truyền thống, tập quán xã hội và tín ngưỡng đồng thời phát huy được vai trò của chủ thể văn  hóa trong cộng đồng cũng như khả năng sáng tạo của cộng đồng trong quá trình thực hành di sản. Vì thế, cộng đồng người Thái nói riêng, các dân tộc tỉnh Điện Biên nói chung cần phải bảo lưu, gìn giữ và phát triển Nghệ thuật xòe Thái./.

 


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
     Liên kết website
    Thống kê: 10.319.934
    Online: 20