Sáng ngày 13/4/2018, tại bản Na Sang I, xã Núa Ngam, huyện Điện Biên. UBND huyện Điện Biên tổ chức Lễ công bố và trao Chứng nhận Di sản văn Văn hóa phi vật thể Quốc gia đối với Tết Té nước (Bun Huột Nặm) của dân tộc Lào theo Quyết định số 3421/QĐ-BVHTTDL. Dự lễ công bố có đồng chí Lê Văn Quý - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành, đoàn thể tỉnh cùng đông đảo bà con nhân dân xã Núa Ngam, huyện Điện Biên.

 Bun theo tiếng Lào dịch ra tiếng phổ thông có nghĩa là lễ hội hoặc tết hay còn có nghĩa là phúc, huột dịch ra là té, nặm là nước, Bun huột nặm được hiểu là lễ hội té nước hoặc tết té nước.

Bun huột nặm (Tết té nước) diễn ra nhiều hoạt động như cúng bản, cúng tổ tiên…nhưng vấn đề cốt lõi của Bun huột nặm là cầu cho mưa thuận gió hòa và hoạt động chính là “té nước”. Theo cách hiểu của dân gian, té nước có ý nghĩa là để tẩy rửa “môn thín” (những điều xui xẻo) gặp phải trong năm cũ. Người dân té nước cho nhau với mong muốn người được té nước năm tới sẽ có những điều mới mẻ, tốt lành. Nhưng mục đích chính của té nước là mong muốn tống tiễn mùa khô, cầu mong mùa mưa trở lại để cho người dân bắt đầu một vụ gieo trồng mới. Quả như vậy, sau tết Bun huột nặm, mùa khô sẽ chấm dứt chuyển dần sang mùa mưa và một chu kỳ sản xuất nông nghiệp mới lại được bắt đầu.

Đồng chí Lê Văn Quý - TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trao Chứng nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

cộng đồng người Lào ở Na Sang

Tết Té nước gồm 2 phần chính: Phần lễ và phần hội. Phần lễ được bắt đầu trước bằng các nghi lễ cầu may mắn, cầu sức khỏe. Thông thường, phần lễ khấn này được giao cho những phụ nữ lớn tuổi có kinh nghiệm trong bản chủ trì. Lễ vật gồm bánh nếp, hoa quả, chỉ quấn tay, nước thánh, xôi nếp. Sau lễ khấn, mọi người cùng tiến lên ngồi cạnh bên lễ vật và được những phụ nữ lớn tuổi trong bản đeo chỉ tay chúc phúc một năm an lành, hạnh phúc, may mắn và mạnh khỏe. Ngoài ra các vị khách cũng được quàng lên cổ một chiếc vòng đủ màu sắc được làm bằng lõi cây được lấy trên rừng. Phần hội của Tết té nước có các trò chơi dân gian mang đậm bản sắc của dân tộc Lào như: Trò táu lasa (rùa ấp trứng), Sưa khốp mu (hổ bắt lợn), Ngù kin khiết (rắn bắt ngóe), Phăn viêng (múa bắt chân bắt đầu), Pít mắc tanh (hái dưa chín)… 

 Bun huột nặm là sợi dây cố kết cộng đồng, ngay từ khâu chuẩn bị cho ngày Tết, mọi người trong bản đều hăng hái đóng góp lễ vật và đại diện các gia đình, thường là nam giới về dự đông đủ vào ngày lễ cúng bản. Trong những ngày tết anh em họ hàng qua từng nhà thăm hỏi, chuyện trò và gửi tới nhau những lời chúc đầy ý nghĩa. Tổ chức các trò chơi, biểu diễn nhạc cụ hay múa Lăm vông đã huy động mọi người trong và ngoài bản tham gia. Qua đó, mối quan hệ họ hàng làng xóm được mở rộng, ràng buộc lẫn nhau và tinh thần đoàn kết được giữ vững.

Tham gia buộc chỉ cổ tay

 “Tết Té nước” của người Lào tại xã Na Sang góp phần phản ánh, bảo lưu và trao truyền các giá trị văn hóa truyền thống. Qua đó, giáo dục các thế hệ trẻ luôn có ý thức, trách nhiệm với lịch sử, với văn hóa của dân tộc, góp phần quảng bá và phát triển du lịch của huyện nói riêng và Điện Biên nói chung đến vơis đông đảo du khách trong và ngoài nước./.

Đào Duy Trình


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
     Liên kết website
    Thống kê: 10.436.426
    Online: 35