Để phục vụ bạn đọc ngày càng tốt hơn, trong những năm qua, Thư viện tỉnh Điện Biên từng bước đổi mới từ phương thức hoạt động; năng động, sáng tạo, tăng cường công tác khai thác, bổ sung nguồn tài liệu thích hợp, trong đó chú trọng những loại sách chính trị, chỉ thị, nghị quyết của Đảng, các bộ luật, sách khoa học kỹ thuật thuộc nhiều lĩnh vực, sách nghiên cứu, tham khảo; giới thiệu tuyên truyền rộng rãi thông qua các kênh thông tin đại chúng và các phương tiện trực quan nhằm thu hút ngày càng đông đủ bạn đọc tới thư viện.
Trong vòng 5 năm trở lại đây, bình quân mỗi năm thư viện tỉnh cấp từ 2.300 - 2.700 thẻ độc giả; phục vụ 140.000 - 170.000 lượt bạn đọc, 320.000 - 350.000 lượt sách, báo; bổ sung 3.000 - 4.000 bản sách, 200 loại báo, tạp chí. Vốn sách của toàn hệ thống thư viện hiện có gần 190.000 bản. Số người đọc với nhu cầu nghiên cứu, học tập, nâng cao trình độ, sử dụng tư liệu để làm đề tài, dự án khoa học vượt trội hẳn.
Với lớp trẻ, Thư viện đã trở thành trường học thứ hai, là một trong những cái nôi đào tạo nhân tài cho đất nước. Hầu hết các em học trường chuyên của tỉnh đều đăng ký mượn, đọc tại thư viện. Đáp ứng nhu cầu đó, Thư viện đã tăng cường bổ sung, chọn lựa các tài liệu phù hợp với yêu cầu nâng cao trình độ hiện nay. Vào dịp chuẩn bị thi hoặc nghỉ hè (thời kỳ cao điểm), mỗi ngày thư viện tỉnh thường xuyên phục vụ từ 300 đến 400 em. Đây thực sự là những tín hiệu đáng mừng trong chiến lược giáo dục, đào tạo thế hệ kế tục sự nghiệp cách mạng, xây dựng quê hương đất nước mà toàn Đảng, toàn dân ta đang hết sức quan tâm, đầu tư.
Thực hiện chương trình ứng dụng công nghệ tin học vào hoạt động chuyên môn nghiệp vụ, Thư viện tỉnh đã chú trọng công tác đầu tư cán bộ, tích cực xây dựng cơ sở vật chất, sắm sửa thêm trang thiết bị kỹ thuật, thực hiện có hiệu quả việc cập nhật CSDL, tìm tin, biên soạn các loại thư mục, các loại văn bản… để lưu giữ tư liệu và giúp bạn đọc thỏa mãn các nhu cầu ngày càng cao một cách kịp thời, chính xác. Đầu năm 2018, đơn vị đã được UBND tỉnh đầu tư phần mềm thư viện điện tử với số tiền 495 triệu đồng và còn tiếp tục được đầu tư các hạng mục khác trong giai đoạn 2019 - 2020.
Là một trong những trung tâm thông tin của tỉnh, ngoài việc lưu giữ và phục vụ tại chỗ, Thư viện đã phát huy có hiệu quả vai trò chỉ đạo, hướng dẫn điều phối các hoạt động của thư viện cấp huyện và cơ sở trên địa bàn. Hằng năm đã tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ, tham quan học tập, trao đổi kinh nghiệm với các tỉnh bạn. Đặc biệt là trong hoạt động của Liên Hiệp thư viện các tỉnh miền núi phía Bắc với sự đóng góp tích cực vào chương trình chung.
Trong nhiều năm liền, Thư viện tỉnh luôn là đơn vị được tỉnh và ngành đánh giá cao về hoạt động của các tổ chức: Đảng, Công đoàn, Thanh niên… Dưới sự chỉ đạo của Sở VHTTDL, Thư viện tỉnh Điện Biên đã nỗ lực vươn lên tự khẳng định vai trò, vị trí của mình trong việc thực hiện nhiệm vụ xã hội hóa công tác bạn đọc và làm theo sách báo trên địa bàn toàn tỉnh, nâng cao dân trí bồi dưỡng nhân tài, giáo dục thẩm mỹ cho các tầng lớp nhân dân, góp phần tích cực vào sự nghiệp CNH, HĐH đất nước. Kết quả của những đóng góp đó đã được các cấp lãnh đạo ghi nhận, biểu dương.
10 năm qua, Thư viện tỉnh đã liên tiếp lập thành tích xuất sắc hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. 10 năm liên tiếp được Giám đốc Sở VHTTDL tặng Giấy khen, UBND tỉnh tặng Bằng khen, năm 2013 được nhận Cờ thi đua của UBND tỉnh, Giấy khen của Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh; năm 2016 được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Các phòng chuyên môn và nhiều cá nhân đã được tỉnh, ngành khen tặng. Tích cực tham gia các hoạt động của Liên Hiệp Thư viện miền núi phía Bắc và trung ương tổ chức: Giải nhất khu vực tại Lai Châu năm 2009 Giải xuất sắc khu vực tại Cao Bằng năm 1013; Giải xuất sắc toàn quốc tại Điện Biên năm 2014; Giải xuất sắc khu vực tại Tuyên Quang năm 2015; Giải nhất toàn quốc năm 2015 tại Quảng Ngãi; Giải xuất sắc toàn quốc tại Thanh Hóa năm 2017. Hướng phấn đấu trong những năm tới của Thư viện tỉnh là trở thành một trung tâm thông tin mạnh của tỉnh và khu vực với nhiều phương thức phục vụ hiện đại và hiệu quả.
Tuy nhiên trong quá trình hoạt động của mình, hệ thống Thư viện tỉnh Điện Biên vẫn còn một số điểm yếu cần khắc phục. Do nguồn kinh phí hạn hẹp, công tác bổ sung sách báo, sắm sửa trang thiết bị, nhất là các thiết bị sử dụng vào việc tự động hóa, các hoạt động thư viện chưa cập nhật với yêu cầu hiện tại và tương lai. Là tỉnh miền núi, biên giới nên hệ thống thư viện huyện và cơ sở còn gặp rất nhiều khó khăn, nhất là với địa phương miền núi, vùng sâu vùng xa. Số lượng cán bộ Thư viện tỉnh còn thiếu nhiểu so với tiêu chuẩn một thư viện, Cán bộ đa số phải kiêm nhiệm nhiều việc nên hiệu quả phục vụ bạn đọc chưa cao, mỗi thư viện huyện chỉ có một đồng chí phụ trách, lại ở một tỉnh miền núi với phương tiện đi lại rất khó khăn, đã ảnh hưởng không nhỏ tới việc theo dõi, kiểm tra, duy trì và xây dựng mạng lưới thư viện cơ sở. Kinh phí văn hóa nói chung và kinh phí thư viện nói riêng rất eo hẹp. nhất là kinh phí bổ sung sách báo, nên đã hạn chế nhiều đến công tác phục vụ, mở rộng phạm vi địa bàn hoạt động cũng như việc tổ chức các hoạt động thông tin tuyên truyền.
Những khó khăn hạn chế trên rất cần sự đầu tư, giúp đỡ của các ngành, các cấp trung ương và địa phương. Nhất là khi pháp lệnh thư viện đã được ban hành để hệ thống Thư viện tỉnh Điện Biên cũng như cả nước nhanh chóng có điều kiện phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu đề ra trong những năm tới, xứng đáng với sự quan tâm và niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước và Nhân dân.
Hồng Ngọc