Trong nhiều năm trở lại đây, các cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn tỉnh phát triển tương đối mạnh Tuy nhiên, để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đòi hỏi các hoạt động du lịch, trong đó có các cơ sở lưu trú phải mang tính đồng bộ, chuyên nghiệp. Do đó, vai trò quản lý của Nhà nước phải được đặt lên hàng đầu để tạo hành lang cho các hoạt động và định hướng phát triển cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh cơ sở lưu trú du lịch.
Thực tế trong những năm qua, nhiều cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn đã dần khẳng định được thương hiệu của mình. Thông qua đó, các cơ sở lưu trú du lịch đã góp phần tạo dựng ấn tượng và hình ảnh đẹp về du lịch Điện Biên trong lòng du khách trong nước và quốc tế. Qua theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra các hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh cho thấy hầu hết các cơ sở lưu trú du lịch đã thực hiện niêm yết công khai về số lượng, chất lượng phòng ngủ, nội quy, quy chế, giá cả hàng hóa dịch vụ trong cơ sở lưu trú để khách du lịch xem xét và lựa chọn. Dịch vụ du lịch trong các cơ sở lưu trú được chủ cơ sở quan tâm, nhất là các dịch vụ bổ sung ngày một phong phú, tiện lợi đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của du khách, kể cả khách quốc tế có khả năng chi trả cao. Theo thống kê, năm 2008, toàn tỉnh có 39 cơ sở lưu trú với 835 buồng. Đến nay, toàn tỉnh đã có 142 cơ sở lưu trú du lịch trong đó 01 khách sạn đạt tiêu chuẩn 4 sao, 02 khách sạn đạt tiêu chuẩn 3 sao, 06 khách sạn đạt tiêu chuẩn 2 sao, 10 khách sạn đạt tiêu chuẩn 1 sao; 45 nhà nghỉ đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch. Như vậy, tổng số cơ sở lưu trú du lịch tăng 3,64 lần so với năm 2008 và đã giải quyết việc làm cho hơn 12.000 lao động trên địa bàn. Hệ thống các cơ sở lưu trú du lịch đã và đang phát triển theo xu hướng chung của thế giới, hướng đến hội nhập quốc tế và cạnh tranh được với các cơ sở lưu trú lớn của các tỉnh, thành phố trong khu vực.
Song bên cạnh đó, hiện nay các cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn vẫn còn tồn tại những hạn chế như: các cơ sở có thứ hạng cao (từ 2 sao đến 4 sao) có số lượng rất ít, cơ sở có quy mô nhỏ chiếm chủ yếu. Các cơ sở lưu trú hiện vẫn chưa hoạt động theo hướng chuyên nghiệp, chủ yếu là chủ đầu tư vừa là nhà quản lý, vừa là người điều hành. Nhiều chủ cơ sở chưa qua lớp bồi dưỡng quản lý cơ sở lưu trú du lịch. Hầu hết các cơ sở nhỏ lẻ thiếu tính chuyên nghiệp, chất lượng phục vụ còn yếu, chưa quan tâm đến đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và ngoại ngữ cho đội ngũ lao động. Ngay cả đối với các cơ sở lưu trú đã được xếp hạng cũng có những bất cập. Qua kiểm tra cho thấy vẫn còn một số cơ sở lưu trú chưa duy trì thường xuyên chất lượng phục vụ theo đúng loại, hạng đã được công nhận.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc các cơ sở lưu trú du lịch trong tỉnh chưa quan tâm thực hiện nghiêm túc việc đăng ký xếp loại, hạng theo quy định. Về khách quan, các quy định của Nhà nước luôn có sự điều chỉnh, vì vậy các cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn chưa nắm bắt kịp thời. Về chủ quan, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm tìm hiểu và chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh lưu trú du lịch. Nhiều cơ sở khi đầu tư xây dựng không quan tâm đến các tiêu chí theo Bộ tiêu chuẩn về kinh doanh lưu trú nên đến khi làm các thủ tục công nhận loại hạng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Các cơ sở lưu trú nhỏ, lẻ chưa thực sự quan tâm đến xu hướng, nhu cầu của khách du lịch, các dịch vụ còn nghèo nàn. Bên cạnh đó, đội ngũ nhân lực trong cơ sở lưu trú du lịch vừa thiếu, vừa yếu về số lượng, vừa hạn chế về chuyên môn, nghiệp vụ nên rất khó khăn cho việc hoàn tất thủ tục hồ sơ công nhận loại hạng cho cơ sở lưu trú. Công tác xúc tiến chào bán các sản phẩm dịch vụ lưu trú chưa được các cơ sở quan tâm đúng mức. Nhiều cơ sở lưu trú còn thụ động trông chờ vào chương trình quảng bá, xúc tiến của tỉnh, chưa chủ động liên doanh, liên kết, chào bán sản phẩm dịch vụ du lịch, do đó chưa thu hút được sự quan tâm của khách du lịch.
Trong thời gian tới, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch sẽ tăng cường phối hợp mở các lớp bồi dưỡng nâng cao nhận thức cho các chủ cơ sở và cán bộ quản lý về quy định của pháp luật đối với hoạt động kinh doanh lưu trú và tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch cho người quản lý và nhân viên phục vụ tại các bộ phận: buồng, bàn, bar, lễ tân... đang làm việc trong các cơ sở lưu trú du lịch. Phối hợp chặt chẽ với các địa phương để rà soát và hướng dẫn các cơ sở lưu trú du lịch đảm bảo các điều kiện kinh doanh lưu trú du lịch và trình tự đăng ký thẩm định, thẩm định lại loại hạng cơ sở lưu trú.
Để vai trò quản lý của Nhà nước đối với hoạt động kinh doanh cơ sở lưu trú du lịch đạt hiệu quả hơn nữa, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra giám sát, đồng thời có sự hợp tác chặt chẽ giữa cơ quan quản lý Nhà nước với các doanh nghiệp du lịch nói chung và cơ sở lưu trú nói riêng. Đồng thời tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp, chủ các cơ sở lưu trú cần phải quan tâm tới việc xây dựng thương hiệu cho chính mình; từng bước nâng cấp, hiện đại hóa cơ sở vật chất; nâng cao chất lượng phục vụ; đa dạng hóa dịch vụ, tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn cho du khách nhằm mang lại hiệu quả thiết thực./.
Nguyễn Mai Lan Anh
Phòng NVDL