Được thiên nhiên ưu ái ban tặng nguồn tài nguyên du lịch phong phú, lại là trung tâm lịch sử, văn hóa của miền núi Tây Bắc với Di tích lịch sử Chiến trường Điện Biên Phủ, một trong 10 di tích Quốc gia đặc biệt của cả nước. Bên cạnh đó Điện Biên có nhiều hang động, nguồn nước khoáng và hồ nước tạo thành nguồn tài nguyên du lịch thiên nhiên phong phú cũng như sự đa dạng về văn hóa của 19 dân tộc cùng chung sống, mỗi dân tộc có sắc thái văn hóa riêng, hiện nay vẫn còn lưu giữ và phát huy được các phong tục tập quán, lễ hội truyền thống….
Năm 2004, hướng đến năm Du lịch Quốc gia Điện Biên Phủ, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án tổ chức, xây dựng bản văn hóa để phục vụ khách tham quan du lịch; đầu tư hỗ trợ xây dựng 8 bản văn hóa của đồng bào dân tộc trên địa bàn thành phố Điện Biên Phủ và huyện Điện Biên phục vụ khách du lịch tham quan, tìm hiểu trải nghiệm thực tế các giá trị văn hóa, đời sống sinh hoạt, phong tục tập quán độc đáo của đồng bào các dân tộc. Đến nay qua nhiều năm triển khai thực hiện, hoạt động du lịch cộng đồng tại các bản thu được một số kết đáng trân trọng, góp phần làm thay đổi diện mạo của du lịch Điện Biên. Chủ trương phát triển loại hình du lịch cộng đồng tại các bản văn hóa đã làm cho người dân hiểu được ý nghĩa của việc phát triển du lịch cộng đồng gắn với phát triển kinh tế - xã hội, là điều kiện tốt để giao lưu văn hóa, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần. là công cụ quan trọng giúp xóa đói, giảm nghèo. Do đó nhiều hộ gia đình đã chủ động tham gia có hiệu quả vào các hoạt động như cải tạo và vệ sinh nhà ở, khôi phục các nghề thủ công truyền thống, tham gia các hoạt động để đón và phục vụ khách du lịch…. Hoạt động du lịch cộng đồng góp phần trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, hoạt động văn nghệ dân gian. Thông qua các hoạt động đón khách du lịch bản sắc văn hoá đồng bào các dân tộc được trân trọng, phát huy, các ngành nghề truyền thống được duy trì và phát triển theo hướng sản xuất hàng hoá; các sinh hoạt văn hoá truyền thống như nghệ thuật; ca, múa, nhạc, lễ hội … được khôi phục và dần trở thành sản phẩm du lịch được khách du lịch tìm hiểu trải nghiệm. Hiện nay mỗi bản đều có một đội văn nghệ và nấu ăn từ 15 - 20 người phục vụ khách có nhu cầu thưởng thức văn nghệ dân gian, ẩm thực. Các gia đình có điều kiện về kinh tế và trình độ nấu ăn đã tổ chức phục vụ khách đến thưởng thức ẩm thực, giao lưu văn nghệ, mua đồ lưu niệm. Thu nhập của người tham gia trực tiếp đạt từ 50.000 -100.000đ/người/đoàn khách.
![](/admin/anhup/1111.jpg)
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt động du lịch cộng đồng ở Điện Biên vẫn còn nhiều vướng mắc cần giải quyết như: các bản đón khách du lịch đều là bản dân tộc Thái, dịch vụ trùng lặp (ẩm thực và văn nghệ) và chưa được phong phú đa dạng; không có sản phẩm đặc thù cung cấp cho du khách; các hoạt động tín ngưỡng mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống chưa được phát huy hiệu quả để phục vụ du khách; việc triển khai thực hiện phát triển du lịch cộng đồng của cán bộ quản lý du lịch các bản còn nhiều lúng túng, chưa thực hiện được việc quảng bá hình ảnh của các bản hoặc kết nối với các đơn vị kinh doanh lữ hành đưa khách vì vậy lượng khách đến còn ít và không đều; đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch thiếu đồng bộ, vệ sinh môi trường chưa được giải quyết triệt để các công trình vệ sinh đạt chuẩn chưa đáp ứng nhu cầu cho khách lưu trú nhất là khách du lịch quốc tế, nhiều công trình xuống cấp chưa được đầu tư, tu sửa; công tác xã hội hóa các hoạt động du lịch phục vụ khách tại các bản còn nhiều hạn chế; vấn đề an ninh biên giới còn nhiều bất cập... Để du lịch cộng đồng phát triển thì điều vô cùng quan trọng là phải giữ nguyên văn hoá bản địa, đó cũng là mong muốn của du khách khi du lịch cộng đồng và cũng cần có định hướng để giúp đồng bào các dân tộc gìn giữ được những nét văn hóa truyền thống vốn có. Song thực tế, với tốc độ đô thị hóa nhanh như hiện nay thì nhiều giá trị truyền thống đang bị mai một.
![](/admin/anhup/_MG_0235.JPG)
Ảnh: Thu Thủy
Do đó, để phát triển du lịch cộng đồng theo hướng bền vững, ngoài việc đầu tư phát triển hạ tầng du lịch cộng đồng gắn với việc bảo tồn các giá trị tài nguyên thiên nhiên; bảo tồn, lưu giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thì cũng rất cần nâng cao ý thức của những người tham gia vào hoạt động du lịch, tạo cơ hội cho người dân làm chủ đồng thời hưởng lợi từ tài nguyên văn hóa… Phát triển du lịch cộng đồng phải gắn với phát triển kinh tế địa phương, tôn trọng những giá trị bản địa, giá trị cộng đồng thì du lịch cộng đồng mới phát triển đúng hướng và bền vững. Trong điều kiện nguồn ngân sách chi cho hoạt động du lịch còn khá hạn chế, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đẩy mạnh công tác xã hội hóa, trong đó đã phối hợp với các Dự án nước ngoài tổ chức tập huấn về du lịch có trách nhiệm cho các đối tượng học viên là cán bộ quản lý nhà nước, ban quản lý các khu bảo tồn thiên nhiên, đặc biệt còn có các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch tham dự. Cơ sở dữ liệu về du lịch cũng tiếp tục được duy trì bổ sung thông tin về các điểm đến, tuyến, cơ sở lưu trú và các dịch vụ du lịch tỉnh. Tỉnh tiếp tục tập trung đầu tư, xây dựng các công trình phục vụ việc đón khách tại các bản, khôi phục các nghề thủ công truyền thống để sản xuất hàng lưu niệm, phục dựng các lễ hội truyền thống, đào tạo kỹ năng phục vụ khách cho đồng bào tại các bản.
Cùng với đó, tỉnh Điện Biên cũng đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến cáo người dân, về ý thức giữ gìn và phát huy truyền thống văn hoá của dòng họ, dân tộc và quê hương mình… Quảng bá các sản phẩm du lịch trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm thu hút nhiều hơn nữa du khách trong và ngoài nước đến với Điện Biên; đặc biệt chú trọng du lịch cộng đồng, trải nghiệm thực tế tại các bản, làng văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Phát triển du lịch cộng đồng tại các bản của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh là hướng đi cần thiết và quan trọng nhằm đa dạng hóa các loại hình du lịch, khai thác tốt các giá trị văn hóa độc đáo, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, mang lại nhiều trải nghiệm hấp dẫn đối với khách du lịch. Từ đó, đưa du lịch sớm trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo Nghị quyết mà Trung ương và tỉnh đã đề ra./.
Lan Anh - Phòng NVDL