Tuyên ngôn độc lập được Bác Hồ đọc ngày 02/9 cách đây 73 năm tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội là tuyên ngôn chính thức đầu tiên, cơ sở pháp lý cho sự ra đời của Nhà nước dân chủ cũng đầu tiên tại khu vực Đông Nam Châu Á.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhân dân cả nước đồng loạt vùng dậy, tiến hành tổng khởi nghĩa, giành chính quyền. Từ ngày 14 đến ngày 18/8, cuộc tổng khởi nghĩa nổ ra giành được thắng lợi ở nông thôn đồng bằng Bắc Bộ, đại bộ phận miền Trung, một phần miền Nam và ở các thị xã: Bắc Giang, Hải Dương, Hà Tĩnh, Hội An, Quảng Nam... Ngày 19/8, khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi ở Hà Nội. Ngày 23/8, khởi nghĩa thắng lợi ở Huế và ở Bắc Cạn, Hòa Bình, Hải Phòng, Hà Đông, Quảng Bình, Quảng Trị, Bình Định, Gia Lai, Bạc Liêu... Ngày 25/8, khởi nghĩa thắng lợi ở Sài Gòn - Gia Định, Kon Tum, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Trà Vinh, Biên Hòa, Tây Ninh, Bến Tre... Ở Côn Đảo, Đảng bộ nhà tù Côn Đảo đã lãnh đạo các chiến sĩ cách mạng bị giam cầm nổi dậy giành chính quyền.

Chỉ trong vòng 15 ngày cuối tháng 8/1945, cuộc tổng khởi nghĩa đã giành thắng lợi hoàn toàn, chính quyền trong cả nước về tay nhân dân.

Ngày 02/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội) lịnh sử, trước cuộc mít tinh của gần một triệu đồng bào, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ Lâm thời trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố trước quốc dân và thế giới: Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời (nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Từ đó, ngày 02 - 9 là Ngày Quốc khánh của nước ta.

Bản Tuyên ngôn độc lập được Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo từ cuối tháng 8/1945, xin ý kiến của một sô đồng chí Thường vụ Trung ương Đảng trước khi công khai chính thức trước tàn dân. Ngay sau đó, 02/9/1945, một cuộc mít tinh với sự tham gia của hàng vạn quần chúng được tổ chức tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội; trong không khí trang nghiêm với sân khấu được làm vội vã từ gỗ và được trang hoàng bằng lớp vải trang trí trắng, đỏ, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời đã trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập. Bản tuyên ngôn gồm 3 phần:

Phần 1: Cơ sở pháp lý của bản tuyên ngôn;

Phần 2: Cơ sở thực tiễn của bản tuyên ngôn;

Phần 3: Lời tuyên bố độc lập.

Mở đầu bản Tuyên ngôn, Hồ Chủ tịch viết:

“Hỡi đồng bào cả nước,

Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc".

Đó là trích dẫn trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ, sau đó là trích dẫn Bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791: “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”. Chẳng căn cứ nào đắt giá hơn tuyên ngôn của hai cường quốc thế giới lúc bầy giờ, lại là những nước đang thực hiện áp đặt chế độ thuộc địa tại nhiều nước trên thế giới.

Trong bản Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chủ tịch, phần lớn đã nêu lên được cảnh cùng cực, khốn khổ của Nhân dân Việt Nam trong xiềng xích nô lệ suốt hơn 80 năm trước sự thống trị, xâm chiếm của Pháp, Nhật. Từ những chính sách về Chính trị (thi hành những luật pháp dã man, lập ra nhà tù nhiều hơn trường học,  thi hành chính sách ngu dân, đầu độc Nhân dân bằng rượu, thuốc phiện, …), về Kinh tế (bóc lột dân ta đến xương tủy, ướp không ruộng đất, hầm mỏ, nguyên liệu, độc quyền in giấy bạc, xuất cảng và nhập cảng, đặt ra hàng trăm thứ thuế vô lý), cho đến việc Phát, Nhật từ chỗ bắt tay nhau cùng khai thác, trấn áp Việt Nam rồi lại tự lật đổ nhau để tranh giành quyền lợi và sự thờ ơ, tiếp tay của Chính phủ bù nhìn Bảo Đại đã khiến Việt Nam ngày lầm than, cơ cực.

Khi Nhật đầu hàng Đồng minh, Nhân dân cả nước đã nổi dậy giành chính quyền, thực hiện các cuộc khởi nghĩa trên khắp cả nước trong tháng 8 năm 1945, trở thành phong trào khởi nghĩa tháng 8 và giành được thắng lợi to lớn khiến Pháp chạy, Nhật hàng và Bảo Đại thoái vị. Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 đã đập tan xiềng xích nô lệ, chấm dứt sự tồn tại của chế độ quân chủ chuyên chế gần một nghìn năm, lập nên nhà nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa. Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập trước đó, từ chỗ phải hoạt động bí mật, bất hợp pháp trở thành một đảng cầm quyền, hoạt động công khai với sứ mệnh lịch sử to lớn là lãnh đạo cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của Nhân dân Việt Nam.

Bằng những lời lẽ mạnh mẽ, đanh thép Chủ tịch hồ Chí Minh đã tố cáo tội ác của Pháp, Nhật trước quốc dân, lấy đó là cơ sở thực tiễn cho tuyên bố độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa:

“Bởi thế cho nên, chúng tôi, lâm thời Chính phủ của nước Việt Nam mới, đại biểu cho toàn dân Việt Nam, tuyên bố thoát ly hẳn quan hệ với Pháp, xóa bỏ hết những hiệp ước mà Pháp đã ký về nước Việt Nam, xóa bỏ tất cả mọi đặc quyền của Pháp trên đất nước Việt Nam”.

“Chúng tôi tin rằng các nước Đồng minh đã công nhận những nguyên tắc dân tộc bình đẳng ở các Hội nghị Têhêrăng và Cựu Kim Sơn, quyết không thể không công nhận quyền độc lập của dân Việt Nam”.

“Vì những lẽ trên, chúng tôi, lâm thời chính phủ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng: Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.

Bản Tuyên ngôn độc lập đực ký tên bởi 15 người (theo báo Cứu quốc số ra ngày 5/9/1945) bao gồm các đồng chí trong Chính phủ lâm thời (được  thành lập ngày 28/8/1945 trên cơ sở Ủy ban Dân tộc Giải phóng Việt Nam trong Cách mạng tháng Tám. Chủ tịch Hồ Chí Minh kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao).

Những diễn biến của Lễ độc lập tại Hà Nội tuy không đến được các tỉnh, thành trên cả nước, … nhưng sức lan tỏa của nó đã đến mọi ngõ ngách, mọi gia đình người dân Việt Nam, đặc biệt tại Huế và Sài Gòn.

Ngày Bác Hồ đọc tuyên ngôn lịch sử trở thành sự kiện quan trọng nhất của Cách mạng Việt Nam, đưa đất nước ta từ thân phận nô lệ trở thành nước tự do, độc lập, có chính quyền, được công nhận trên toàn thế giới. Từ đây nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa sẽ dựa vào chính mình, thực hiện kháng chiến kiến quốc, đánh đuổi mọi kẻ thù xâm lược.

Cho đến nay, những lời lẽ của Bản Tuyên ngôn độc lập đã trở thành bất hủ, khắc sâu vào tâm trí các thế hệ người dân Việt Nam và được vang lên hằng năm trong dịp kỷ niệm Lễ Quốc khánh..

Hồng Nhung


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
     Liên kết website
    Thống kê: 10.158.150
    Online: 67