Kính thưa quý vị đại biểu; Thưa các đồng chí !
Trong không khí cả nước sôi nổi thi đua lập thành tích chào mừng Kỷ niệm 73 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam, hôm nay Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức buổi gặp mặt nhân kỷ niệm 73 năm Ngày truyền thống Ngành Văn hóa Việt Nam. Trước tiên, tôi xin kính chúc quý vị đại biểu cùng toàn thể công chức, viên chức, nghệ sỹ, diễn viên, lời chúc sức khỏe, hạnh phúc, thành công.
Kính thưa các đồng chí!
Cách đây 73 năm, ngày 28.8.1945, Chính phủ Lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra Tuyên cáo thành lập nội các quốc gia với 12 Bộ, trong đó có Bộ Thông tin, Tuyên truyền. Những ngày đầu thành lập chỉ có chức năng làm công tác thông tin tuyên truyền, cổ động Nhân dân kháng chiến và kiến quốc. Ngày 01.01.1946, khi Chính phủ Lâm thời cải tổ thành Chính phủ Liên hiệp Lâm thời, Bộ Thông tin, Tuyên truyền được đổi thành Bộ Tuyên truyền và Cổ động. Thời gian sau đó và trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, tuy không thành lập Bộ nhưng tổ chức, bộ máy của Ngành vẫn được duy trì và nhiều lần được cơ cấu, tổ chức lại, phù hợp với mục tiêu, nhiệm vụ trong từng giai đoạn của cuộc kháng chiến: Tháng 8.1954, Hội đồng Chính phủ quyết định lập Bộ Tuyên truyền. Kỳ họp thứ Năm, ngày 20.9.1955, Quốc hội khóa I thông qua thành phần Chính phủ mới, Bộ Tuyên truyền được đổi thành Bộ Văn hóa. Từ đó đến nay, tổ chức, bộ máy của Bộ nhiều lần được sắp xếp lại thành: Bộ Văn hóa và Thông tin; Bộ Văn hóa; Bộ Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch; Bộ Văn hóa, Thông tin và Thể thao; Bộ Văn hóa - Thông tin và từ 31.7.2007 đến nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Trong 73 năm qua, lịch sử xây dựng và phát triển của Ngành Văn hóa luôn gắn chặt với lịch sử cách mạng và dân tộc. Trải qua chặng đường đầy khó khăn, thử thách, dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Bác Hồ và Chính phủ, Ngành Văn hóa đã không ngừng lớn mạnh, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây và xây dựng đất nước ngày nay.
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp (1946 - 1954), công tác thông tin, tuyên truyền, cổ động giữ vị trí hàng đầu trong 5 bước công tác cách mạng theo phương châm: “Kháng chiến hóa văn hóa, văn hóa hóa kháng chiến”. Cuộc kháng chiến 9 năm diễn ra vô cùng gian khổ, song ở đâu có kháng chiến, ở đó có văn hóa. Những “chiến sỹ trên mặt trận văn hóa” đã biết đưa nghệ thuật vào công tác tuyên truyền, và nâng công tác tuyên truyền thành nghệ thuật. Hoạt động văn hóa trở thành sợi dây tinh thần kết nối hậu phương với tiền tuyến, góp phần tạo nên sức mạnh vô song giúp quân và dân ta làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Trong giai đoạn xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (1954-1975), văn hóa-nghệ thuật đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng nền văn hóa mới của miền Bắc XHCN. Nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, các văn nghệ sỹ đã hăng hái tham gia cuộc trường chinh“Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, hình thành nên một thế hệ nhà văn, nhà thơ, nghệ sỹ - chiến sỹ, vừa trực tiếp tham gia chiến đấu vừa đem tài năng của mình phục vụ cho bộ đội trên các chiến trường. Nổi bật lên trong thời kỳ này là các phong trào “Tiếng hát át tiếng bom” và “Đọc sách có hướng dẫn”. Ở miền Nam, văn hóa, văn nghệ trở thành trận tuyến đầy cam go, nơi các văn nghệ sỹ hàng ngày hàng giờ phải hoạt động trước họng súng của quân thù. Hai mươi mốt năm chiến đấu và chiến thắng, các thế hệ nghệ sỹ-chiến sỹ hai miền Nam - Bắc đã tạc vào lịch sử tượng đài bất hủ về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, làm sáng ngời lên chân lý“Không có gì quý hơn độc lập tự do” và ước vọng cháy bỏng về một đất nước Việt Nam hòa bình, thống nhất.
Sau ngày đất nước thống nhất và những năm đầu đổi mới, trong bối cảnh đất nước bị bao vây, cấm vận và ảnh hưởng từ sự sụp đổ của hệ thống các nước XHCN, hoạt động văn hóa - nghệ thuật tiếp tục phát huy vai trò xung kích, làm thất bại âm mưu diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch trên mặt trận văn hóa-tư tưởng, đạt nhiều kết quả quan trọng trong thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương khóa VIII về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.
Kính thưa quý vị đại biểu, thưa toàn thể các đồng chí!
Ngành Văn hóa Điện Biên thành lập và phát triển trong điều kiện vô vàn khó khăn, lực lượng mỏng, cơ sở vật chất thiếu thốn, thiết bị đơn sơ, trình độ của cán bộ công chức viên chức còn rất hạn chế, địa bàn hoạt động rộng và chia cắt; Đời sống CBVC cũng như nhân dân vô cùng khó khăn gian khổ trong khó khăn chung của cả nước thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ diễn ra ác liệt.
Nhưng với niềm tự hào, say mê nghề nghiệp, ý thức tổ chức kỷ luật, những người làm công tác văn hóa đã hoàn thành tốt đồng thời hai nhiệm vụ vừa ổn định tổ chức, vừa phục vụ cán bộ chiến sỹ trên trận địa và nhân dân các dân tộc trong tỉnh; anh chị em trong Ngành đã ngày đêm khắc phục khó khăn, hăng say với công tác chuyên môn nghiệp vụ, từng bước khắc phục vô vàn những khó khăn ban đầu ngày mới thành lập, biến những gian nan thành những thuận lợi trong chặng đường phát triển mới của ngành.
Năm 1979 trong lúc cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc diễn ra, ngành văn hóa Điện Biên lại cử các đội văn nghê, đội chiếu bóng lưu động bám trụ phục vụ cán bộ chiến sỹ trên chốt tiền tiêu và đồng bào các dân tộc các xã vùng biên giới đã động viên khích lệ kịp thời tinh thần chiến đấu, hy sinh anh dũng của quân dân các dân tộc, để bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ Quốc.
Bước thời kỳ đổi mới đất nước Giai đoạn 1986 - 1995, ngành Văn hóa tiếp tục phát huy vai trò của mình trên mặt trận tư tưởng văn hóa. Đội ngũ các chiến sĩ văn hóa ngày càng được bổ sung cả về số lượng và chất lượng, ngày càng trưởng thành…Ngành Văn hóa đã khẳng định được vị trí, vai trò của mình trong đời sống xã hội, góp phần vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trong giai đoạn hiện nay, Đội ngũ các chiến sĩ văn hóa ngày càng trưởng thành về năng lực quản lý, khả năng chỉ đạo và tổ chức các hoạt động văn hoá, đóng vai trò nòng cốt trong việc bảo vệ, giữ gìn và phát huy vốn văn hóa truyền thống, tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại, xây dựng đời sống văn hoá phong phú, lành mạnh ở cơ sở. Sự nghiệp văn hóa không ngừng phát triển, ngày càng lớn mạnh. Văn hóa trở thành vũ khí sắc bén của Đảng, cổ vũ toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá, ngành Văn hóa đã khẳng định được vị trí, vai trò của mình trong đời sống xã hội, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Các phòng, đơn vị lĩnh vực văn hóa đã chủ động tham mưu Ban giám đốc trình Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành hệ thống văn bản chỉ đạo, định hướng nhằm cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực văn hóa làm cơ sở để Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các sở, ngành, địa phương có liên quan triển khai tổ chức thực hiện, tiêu biểu kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa, thể thao, du lịch tỉnh Điện Biên đến năm 2020; Đề án Bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc tỉnh Điện Biên gắn với phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020, định hướng đến năm 2025; Đề án xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao và phát triển văn hóa nông thôn tỉnh Điện Biên đến năm 2015, định hướng đến năm 2020
Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thông tin, tuyên truyền được tổ chức phong phú, sôi nổi, mang đậm bản sắc truyền thống văn hóa dân tộc, gắn với kỷ niệm các ngày lễ lớn của tỉnh, đất nước, thường xuyên được chú trọng đổi mới về nội dung và hình thức. Bên cạnh thực hiện nhiệm vụ chính trị, ngành chú trọng nâng cao mức hưởng thụ của nhân dân, xây dựng và phát triển văn hóa, con người Điện Biên, bảo tồn, phát huy di sản văn hóa truyền thống các dân tộc. Tiêu biểu là các hoạt động kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ; tổ chức định kỳ Lễ hội Hoa Ban; thực hiện triển khai Đề án bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc tỉnh Điện Biên gắn với phát triển kinh tế - xã hội; tiếp tục triển khai hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên địa bàn toàn tỉnh, thực hiện tốt các hoạt động về gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong lĩnh vực gia đình, bình đẳng giới…
Công tác quản lý nhà nước được tăng cường, thể chế văn hóa tiếp tục hoàn thiện. Các lĩnh vực hoạt động Ngành ngày càng gắn kết, phát huy vai trò trong phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện các nhiệm vụ chính trị của đất nước, của tỉnh. Hợp tác, giao lưu quốc tế về văn hoá, nghệ thuật ngày càng mở rộng và đa dạng, làm lan tỏa các giá trị văn hóa và hình ảnh mảnh đất, con người Điện Biên, phục vụ tốt các sự kiện chính trị của của tỉnh.
Với những thành tích đã đạt được, Ngành Văn hóa vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương lao động hạng nhì cho Ngành văn hóa thông tin (1982); Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; bằng khen của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh Điện Biên; cờ thi đua xuất sắc; Các tập thể, cá nhân của các đơn vị trực thuộc cũng nhận được nhiều danh hiệu, hình thức khen thưởng, tiêu biểu Huân chương lao động hạng III (3 tập thể), bằng khen của thủ tướng chính phủ (6 tập thể, 10 cá nhân); 02 Nghệ sỹ Ưu tú....
Trong quá trình xây dựng và trưởng thành, ngành văn hóa tỉnh Điện Biên có nhiều thay đổi từ chức năng, nhiệm vụ, tên gọi, song có thể khẳng định Văn hóa Điện Biên đã thể hiện được rõ vai trò, vị trí trong xã hội. Nhân dịp kỷ niệm 73 năm ngày truyền thống văn hóa Việt Nam, xin gửi tới đội ngũ cán bộ, công chức viên chức ngành văn hóa, thể thao và du lịch lời chúc tốt đẹp nhất, đồng thời thay mặt những người làm văn hóa, xin gửi lời cảm ơn sự quan tâm sâu sắc thiết thực của các đồng chí lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các cấp, các ngành tới sự phát triển của sự nghiệp văn hóa, thể thao du lich tỉnh nhà.
Kính thưa quý vị đại biểu!
Kế tiếp truyền thống vẻ vang của ngành, những thế hệ cán bộ văn hoá, những người làm công tác văn hoá Điện Biên sẽ tiếp tục tích cực thực hiện các Nghị quyết của Đảng, vì một nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đóng góp sức lực, trí tuệ trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa quê hương, đất nước. Góp phần xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học; thực sự là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".
Trước khi dừng lời, tôi xin trân trọng cảm ơn sự có mặt của toàn thể các quý vị đại biểu đã dành thời gian về dự trong buổi gặp mặt đầy ý nghĩa này. Xin kính chúc các quý vị đại biểu , cùng toàn thể các đồng chí và các bạn sức khỏe, hạnh phúc và thành công - Trân trọng cảm ơn!