Trong các ngày từ 22/8 đến 24/8/2018, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức Hội nghị về công tác hỗ trợ pháp lý cho Doanh nghiệp trong lĩnh vực quản lý của Bộ văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Theo đó, trong những năm gần đây, nhiều nội dung của các văn bản quy phạm pháp luật được chỉnh sửa nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển; tạo điều kiện thuận lợi, môi trường cạnh tranh lành mạnh cho các doanh nghiệp; Tuy nhiên, một số vấn đề vẫn còn chồng chéo trong các văn bản quy phạm pháp luật khiến cho mục đích ban đầu là tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển lại chưa thực sự hiệu quả.
Tại Hội nghị, một số điểm mới của Luật Du lịch, Luật thể dục Thể thao được giới thiệu sẽ từng bước nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp theo quy định của Nghị định số 66/2008/NĐ-CP của Chính Phủ.
1. Những điểm mới của Luật Du lịch 2017 liên quan đến tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch
Luật Du lịch 2017 với nhiều nội dung được chỉnh sửa nhằm tạo điều kiện thuận lợi, môi trường cạnh tranh lành mạnh cho các doanh nghiệp.
Chương I. Những quy định chung
Đối tượng áp dụng: So với Luật Du lịch 2005, đối tương áp dụng của Luật Du lịch 2017 được mở rộng hơn, điều chỉnh cả hành vi của các cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam hoạt động du lịch ở nước ngoài.
Chính sách phát triển du lịch:
- Khoản 2 Điều 5 quy định “Tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch được hưởng mức ưu đãi, hỗ trợ đầu tư cao nhất khi Nhà nước ban hành, áp dụng các chính sách về ưu đãi và hỗ trợ đầu tư”
- Khoản 5 Điều 5 quy định về chính sách của nhà nước trong việc đi lại, cư trú, thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh, hải quan, hoàn thuế giá trị gia tăng và bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp cho khách du lịch. Đây là chính sách thiết thực nhằm thu hút khách du lịch đến Việt Nam.
Việc thành lập Quỹ được Luật tách thành một mục riêng thuộc Chương về Xúc tiến du lịch với những quy định cụ thể hơn về địa lý, mục đích, nguyên tắc hoạt động và nguồn hình thành Quỹ, đảm bảo căn cứ pháp lý rõ ràng cho việc thành lập Quỹ trong thời gian tới.
Chương V. Kinh doanh du lịch
Dịch vụ lữ hành:
- Luật bổ sung quy định cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa
- Điều kiện kinh doanh dịch vụ lữ hành được điều chỉnh nhằm đảm bảo tính chuyên nghiệp trong hoạt động kinh doanh
- Thủ tục hành chính được quy định rõ ràng, đầy đủ hơn, đảm bảo đơn giản hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp.
- Quyền, nghĩa vụ của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành được điều chỉnh nhằm đảm bảo quyền lợi của khách du lịch
Ngoài ra, Luật bỏ quy định về chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp du lịch nước ngoài tại Việt Nam, chỉ quy định về văn phòng đại diện tại Việt Nam của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành nước ngoài; bỏ quy định về kinh doanh phát triển khu du lịch, điểm du lịch.
Vận tải khách du lịch
- Luật đã bỏ điều kiện về biện pháp bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe và tài sản của khách; mua bảo hiểm hành khách cho khách du lịch do những điều kiện này đã được quy định trong pháp luật về vận tải.
- Bổ sung vai trò của chính quyền địa phương trong việc quy định ưu tiên cho phương tiện vận tải được cấp biển hiệu phương tiện vận tải khách du lịch.
Lưu trú du lịch
- Về phân loại cơ sở lưu trú: bỏ loại hình làng du lịch; bổ sung tàu thủy lưu trú du lịch do đây là loại hình đã xuất hiện trong thời gian qua và có những đặc thù riêng, cần được quy định trong Luật để có biện pháp quản lý phù hợp.
- Về điều kiện kinh doanh: Luật đã thay điều kiện cụ thể bằng “điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật và dịch vụ phục vụ khách du lịch”, đồng thời giao Chính phủ quy định chi tiết những điều kiện tối thiểu này.
- Về xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch:
+ Xếp hạng được thực hiện trên cơ sở đăng ký tự nguyện của cơ sở lưu trú.
+ Bỏ quy định xếp hạng đạt tiêu chuẩn và hạng cao cấp; chỉ xếp hạng sao đối với khách sạn, biệt thự du lịch, căn hộ du lịch và tàu thủy lưu trú du lịch.
+ Phân cấp lại thẩm quyền thẩm định, công nhận hạng.
+ Thủ tục hành chính được đơn giản hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch.
- Về quyền, nghĩa vụ của cơ sở lưu trú du lịch
+ Bỏ quy định tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ lưu trú có quyền thuê tổ chức, cá nhân trong nước hoặc nước ngoài quản lý, điều hành và làm việc tại cơ sở lưu trú du lịch (do vấn đề này đã được pháp luật về lao động quy định).
+ Bỏ quy định tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ lưu trú có quyền ban hành nội quy, quy chế vì đây là quyền đương nhiên của cơ sở lưu trú; bỏ quyền được lựa chọn loại hình dịch vụ, hàng hóa không trái với quy định của pháp luật để kinh doanh trong cơ sở lưu trú du lịch (vấn đề này do Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư điều chỉnh).
+ Bỏ quy định cơ sở lưu trú du lịch được công nhận hạng sao hoặc hạng cao cấp không cần phải có giấy phép kinh doanh đối với từng hàng hóa, dịch vụ có điều kiện.
+ Bổ sung quy định tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ lưu trú có nghĩa vụ thông báo cho Sở Văn hóa; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch khi có sự thay đổi về các thông tin cơ bản của cơ sở; nghĩa vụ tuân thủ quy định của Luật trong việc sử dụng từ “sao” hoặc hình ảnh ngôi sao khi quảng cáo về cơ sở lưu trú.
Dịch vụ du lịch khác
- Về phát triển các loại dịch vụ du lịch khác: Bổ sung một điều về phát triển các loại dịch vụ du lịch khác, khuyến khích, định hướng tổ chức ,cá nhân đầu tư, phát triển cơ sở vật chất, kỹ thuật hoặc cung cấp hàng hóa, dịch vụ phù hợp với lợi thế của đất nước cũng như mục tiêu phát triển của ngành Du lịch.
- Về công nhận cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch khác đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch: Được áp dụng rộng rãi trên cơ sở đăng ký tự nguyện, không bị giới hạn trong phạm vi khu du lịch, điểm du lịch.
Hướng dẫn viên du lịch
- Điều kiện hành nghề được quy định chặt chẽ hơn:
+ Phải có thẻ hướng dẫn viên du lịch
+ Có hợp đồng lao động với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành hoặc với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hướng dẫn viên du lịch; hoặc là hội viên của tổ chức xã hội – nghề nghiệp về hướng dẫn du lịch.
+ Khi hướng dẫn các chương trình cụ thể, hướng dẫn viên du lịch phải có hợp đồng với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành (nếu hướng dẫn viên được thuê để hướng dẫn theo từng tour) hoặc văn bản phân công theo chương trình du lịch (nếu hướng dẫn viên là nhân viên có hợp đồng lao động với doanh nghiệp tổ chức tour); đối với hướng dẫn viên du lịch tại điểm, phải có phân công của tổ chức, cá nhân quản lý điểm du lịch, khu du lịch.
Sự điều chỉnh này nhằm tăng cường công tác quản lý hướng dẫn viên du lịch, tạo động lực cho doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành có chính sách quản lý, kinh doanh, cạnh tranh phù hợp nhằm thu hút được hướng dẫn viên có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của khách du lịch.
- Điều kiện cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch được điều chỉnh:
+ Về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của hướng dẫn viên du lịch quốc tế được điều chỉnh từ trình độ cử nhân thành trình độ cao đẳng.
+ Điều kiện cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch tại điểm được quy định rõ ràng, cụ thể.
- Thủ tục hành chính liên quan đếp cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ được quy định rõ ràng, minh bạch và đơn giản hóa
+ Thời hạn của thẻ hướng dẫn viên du lịch nội địa, thẻ hướng dẫn viên du lịch quốc tế được kéo dài; thời gian thực hiện thủ tục hành chính cấp đổi, cấp lại thẻ được rút ngắn.
+ Các trường hợp thu hồi thẻ hướng dẫn viên được điều chỉnh, bảo đảm tính khả thi phù hợp với thực tiễn. Hướng dẫn viên du lịch đã bị thu hồi thẻ chỉ được đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp thẻ sau 12 tháng kể từ ngày bị thu hồi thẻ. Sự điều chỉnh này nhằm tăng tính răn đe cũng như nâng cao hiệu quả của công tác quản lý đối với hướng dẫn viên du lịch.
- Luật bổ sung trách nhiệm quản lý hướng dẫn viên du lịch của các cơ quan, tổ chức có liên quan.
Chương VII. Xúc tiến du lịch, Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch
- Quy định cụ thể hơn việc thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam của cơ quan du lịch nước ngoài, tổ chức du lịch quốc tế và khu vực.
- Quy định cụ thể hơn, tạo lập căn cứ pháp lý đầy đủ cho việc thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch.
Chương VIII. Quản lý Nhà nước về du lịch
Đến thời điển hiện tại, các văn bản quy định chi tiết Luật Du lịch đã được các cơ quan có thẩm quyền ban hành, bao gồm:
- Nghị định số 168/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch.
- Thông tư số 42/2017/TT-BGTVT ngày 15/11/2017 của bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định điều kiện của người điều khiển phương tiên, nhân viên phục vụ, trang thiết bị, chất lượng dịch vụ trên phương tiên vận tải khách du lịch.
- Thông tư số 06/2017/TT-BVHTTDL ngày 15/12/2017 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch.
- Thôgn tư số 33/2018/TT-BTC ngày 30/3/2018 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp và quản lý phí thẩm định cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế, Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa; phí thẩm định cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch; lệ phí cấp Giấy phép đặt chi nhánh, văn phòng đại diện doanh nghiệp du lịch nước ngoài tại Việt Nam.
2. Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch
Dự thảo Nghị định gồm 4 chương với 27 điều. Trong đó, Chương I “Quy định chung”; Chương II “Hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả”; Chương III “Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính”; Chương IV “Điều khoản thi hành”.
Bổ sung nhiều hành vi vi phạm mới
Nội dung cơ bản của dự thảo Nghị định tập trung vào các vấn đề chính gồm:
- Bổ sung các hành vi vi phạm mới để phù hợp với quy định của Luật Du lịch năm 2017 và văn bản quy định chi tiết.
- Bỏ các hành vi vi phạm không còn phù hợp với quy định của Luật Du lịch năm 2017 và Nghị định quy định chi tiết.
- Giữ nguyên các hành vi vi phạm vẫn còn phù hợp với quy định của Luật Du lịch năm 2017 và Nghị định quy định chi tiết.
- Bổ sung một số hành vi vi phạm xảy ra thường xuyên trong lĩnh vực du lịch, không được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật về du lịch nên chưa được đưa vào Nghị định số 158/2013/NĐ-CP, Nghị định số 28/2017/NĐ-CP mà được quy định tại một số Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính khác của Chính phủ có liên quan.
- Bổ sung cụ thể về thẩm quyền xử phạt, thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính.
Xử phạt vi phạm hành trong trong kinh doanh lữ hành
- Kinh doanh lữ hành là mảng có nhiều quy định xử phạt và có mức phạt cao hơn các mảng khác. Trong đó, hành vi “không áp dụng biện pháp cần thiết, đảm bảo an toàn tính mạng, sức khoẻ, tài sản của khách du lịch”; “không mua bảo hiểm cho khách du lịch”; “Không sử dụng HDV để hướng dẫn cho khách du lịch theo hợp đồng lữ hành” bị phạt từ 15 - 20 triệu đồng.
- Hành vi “Không quản lý khách du lịch theo chương trình du lịch đã thoả thuận với khách du lịch”; “hoạt động KDLH mà không có giấy phép KDLH”; “sử dụng giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành của doanh nghiệp khác để hoạt động kinh doanh”... bị phạt từ 20 - 25 triệu đồng.
- HDV không có thẻ HDV du lịch khi hành nghề hoặc hành nghề không đúng phạm vi hành nghề theo quy định sẽ chịu mức phạt từ 10 - 15 triệu đồng. Người nước ngoài hoạt động hướng dẫn du lịch tại Việt Nam; phân biệt đối xử với khách du lịch; thu lợi bất hợp pháp từ khách du lịch; tranh giành, nài ép khách mua hàng hóa, dịch vụ;... bị phạt từ 15 - 20 triệu đồng, tước quyền sử dụng thẻ HDV có thời hạn và tịch thu tang vật (tuỳ theo hành vi vi phạm).
3. Những điểm đáng chú ý của Luật số 26/2018/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thể dục, Thể thao
- Quy định rõ trách nhiệm đối với UBND các cấp trong xây dựng cơ sở vật chất TDTT. Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải có các công trình thể dục, thể thao cấp tỉnh (sân vận động, nhà tập luyện, thi đấu thể thao, bể bơi).
- Luật điều chỉnh nhằm làm rõ hơn quan điểm của Nhà nước đối với thể thao chuyên nghiệp. Theo đó, Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân, thành lập các câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp, đào tạo vận động viên, huấn luyện viên và tổ chức thi đấu thể thao chuyên nghiệp.
- Quy định câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp được hưởng chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật để phục vụ hoạt động thể thao chuyên nghiệp.
- Luật TDTT sửa đổi bổ sung đã đưa nội dung về đặt cược thể thao: "Đặt cược thể thao là hình thức giải trí có thưởng mà người tham gia đặt cược thực hiện dự đoán về kết quả có thể xảy ra trong các sự kiện thể thao được sử dụng để kinh doanh đặt cược”.
- Về thể thao thành tích cao, Luật có quy định về trường hợp vận động viên đội tuyển quốc gia bị tai nạn trong khi tập luyện, thi đấu thể thao làm mất khả năng lao động hoặc chết thì vận động viên và thân nhân của họ được hưởng chế độ trợ cấp.