Thờ cúng tổ tiên là một hình thức tín ngưỡng sơ khai của con người bắt nguồn từ lòng thành kính tổ tiên, nhớ về những người đã sinh thành, dưỡng dục ra mình. Đó là đạo lý: "Uống nước nhớ nguồn/Ăn quả nhớ kẻ trồng cây" ăn sâu trong tiềm thức của mỗi con người Việt Nam.
Đối với người dân Việt Nam, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên được biểu hiện rõ nét nhất ở người Việt hay còn gọi là người Kinh qua việc mỗi một làng đều có thành hoàng làng của mình (thờ những người có công khai phá ra làng), mỗi dòng họ đều có gia phả riêng (ghi chép về những người trong một dòng họ theo thứ bậc, chi, phái.. để ghi nhớ gốc gác, quê hương, bản quán), trong mỗi gia đình đều có bàn thờ gia tiên...
Cách đây hơn 8 thế kỷ, những cư dân Thái đầu tiên đã di cư theo thủ lĩnh của mình là Pú Lạng Chượng đến định cư ở cánh đồng Mường Thanh rộng lớn và màu mỡ. Trước đó cánh đồng này đã được các chúa Lự khai phá, nhưng nhìn chung cánh đồng Mường Thanh lúc đó vẫn là một vùng đất hoang vu, khí hậu khắc nghiệt. Hơn nữa bối cảnh chung thời kỳ đó là trình độ sản xuất và canh tác còn khá lạc hậu, vì vậy để sinh tồn họ phải phụ thuộc rất nhiều vào thiên nhiên. Cụ thể ở đây là rừng (cây): nơi sinh sống của các loài muông thú, các loại cây hoa quả, các loại rau..; nước (sông, suối, khe..): nơi cung cấp nguồn nước sinh hoạt chủ yếu và còn là nơi sinh sống của các loài cá, tôm, ốc.. là những thứ trực tiếp liên quan đến cuộc sống con người thời bấy giờ. Nói chung, cuộc sống con người phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện tự nhiên, bị thiên nhiên khuất phục nên hình thành tín ngưỡng “vạn vật hữu linh”. Do đó để hạn chế những thất thường của thiên nhiên như mưa, gió, bão, lụt, hạn hán... để xoa dịu các vị thần và cũng để trấn an mình, mà từ đó họ nảy sinh ra tục thờ cây to (căm mương) là cây thiêng ở đầu bản và thờ những dòng sông, dòng suối, khe nước. Có thể nói, những ngọn núi, cây to và những dòng sông, dòng suối, khe nước là những vật linh trong tâm thức của tộc người Thái, và từ đó, để lại dấu ấn trong kiến trúc điển hình của vùng trung du miền núi.
Đối với tộc người Thái, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên ở mỗi gia đình, dòng họ được thể hiện khá rõ nét, còn việc thờ cúng những người khai phá ra bản, mường được thể hiện thông qua các nghi thức khác nhau nên khó nhận biết. Đến đây hẳn nhiều người sẽ băn khoăn, dân tộc Thái lại không nhớ về tổ tiên của họ chăng?
Trong quan niệm của người Thái, mỗi con người bao giờ cũng có hai phần là phần người và phần ma (phần hồn), mỗi một bản của người Thái hai nhân vật quan trọng bậc nhất của bản là chẩu sửa (trưởng bản) và thầy mo. Có thể coi họ là những người coi giữ phần ma (hồn) cho bản vì vậy trong bất kỳ một lễ hội nào của người Thái không thể thiếu hai nhân vật quan trọng này.
Hằng năm khi mùa xuân đến cũng là lúc làm lễ Xên bản (cúng bản). Mùa xuân là mùa của sự sống đâm chồi nảy lộc, mùa của hoa ban nở và cũng là lúc bắt đầu vào một vụ mới. Vào thời điểm đó, tiếng trống hoà với tiếng chiêng tạo ra một thứ âm thanh rộn rã rất riêng có của vùng Tây Bắc, như chào mời mọi người cùng tham gia lễ hội với nhân dân trong bản, trên mường.
Trong lễ Xên bản, người làm lễ thường là thầy mo. Phần lễ bao gồm hai phần chính là cúng cọp sửa (cúng ở chỗ cây thiêng đầu bản) và cúng chẩu xửa (cúng trưởng bản).
Theo quan niệm của người Thái, cây to được chọn để thờ là một cây to ở đầu bản gọi là co lắc mương (cây trụ mường). Gốc cây to được chọn để làm lễ cúng được coi là nơi hội tụ hồn bản, là nơi thần linh hội nhập và trú ngụ. Đây là nơi rất linh thiêng và kiêng kỵ đối với người Thái, con gái không bao giờ được vào, đối với con trai thì hằng năm cũng chỉ được vào một lần trước hôm cúng để phát dọn trước khi làm lễ, không một ai dám xâm phạm vì như vậy sẽ động đến các vị thần.
Khi làm lễ ở gốc cây to, thầy mo bắt đầu cúng các vị thần linh là những vị thần như thần sông, thần núi.. là những vị thần bảo hộ cho bản, cho mường. Họ là những đấng tối cao, đấng vô hình, mà con người luôn luôn ngưỡng mộ. Tiếp theo thầy mo cúng đến mười hai hồn, mỗi hồn tương ứng một bộ phận của cơ thể con người và cũng là tượng trưng cho mười hai tháng trong một năm. Sau đó thầy mo cúng và đọc tên những người chết theo trình tự từ xưa đến nay, tức là những ma (hồn) của những người đã chết của bản ở đâu thì về vui cùng con cháu trong bản và phù hộ cho mùa màng tốt tươi, con cháu mạnh khoẻ.
Thầy mo là nhân vật được cả bản coi trọng bởi lẽ, xung quanh thầy mo có một thế lực vô hình rất lớn, thầy mo được bảo trợ bởi các đấng tối cao và thầy mo có rất nhiều "phép". Nhưng theo chúng tôi còn một nguyên nhân khá quan trọng để thầy mo được kính trọng và nể sợ nữa là thầy mo là người trực tiếp cúng lễ, trực tiếp nói chuyện được với các vị thần và hơn nữa thầy mo còn nói chuyện được với ma (hồn) - tức là tổ tiên của những người đang sống trong bản. Như vậy thầy mo đã bao quanh được mình cả những yếu tố thần bí (các vị thần) và cả yếu tố quá khứ có liên quan trực tiếp tới tất cả nhân dân trong bản. Xên bản là sợi dây liên kết giữa người sống với người chết, giữa ma sống (ma của những người còn sống) với ma (hồn) của những người đã chết hay nói cách khác Xên bản là phương tiện thông quan giữa thế giới người sống với thế giới người đã khuất.
Việc đọc tên những người chết theo trình tự từ xa đến gần nói theo một cách nào đó như một gia phả thu nhỏ của người Việt, mặc dù không được đầy đủ vì chỉ được thể hiện qua trí nhớ của thầy mo.
Sau khi cúng ở gốc cây thiêng xong, đến phần cúng păn khoanh cúng chẩu xửa (trưởng bản) - tức là chủ áo, chủ hồn thường là người đứng đầu bản, được cha truyền con nối. Chẩu sửa ở bản trước tiên là ông cha của người có công khai phá ra bản đó, thì nay mọi người vẫn trân trọng tiếp tục được đưa ra làm người đúng đầu bản. Như vậy, theo chúng tôi đây chính là cách mà dân tộc Thái nhớ về tổ tiên, cha ông của mình - những người đầu tiên khai phá ra bản.
Như vậy là nhớ về tổ tiên hay nói cách khác là nhớ đến công đức của tổ tiên, là một đạo lý đã ăn sâu vào tiềm thức nhiều dân tộc, chỉ có điều nó được biểu hiện một cách trực tiếp hoặc gián tiếp qua một nghi thức, một lễ nghi nào đó mà thôi.
Xên bản dưới góc độ tâm linh còn lưu giữ trong mình nó nhiều giá trị văn hoá cần phải được phát huy hơn nữa sao cho nhiều người hiểu được, biết được cái hay cái đẹp của văn hoá dân tộc mình, đặc biệt là thế hệ trẻ để từ đó biết trân trọng, giữ gìn và lan toả được cái hay cái đẹp đến với tất cả mọi người.
Đào Duy Trình
Phòng Nghiệp vụ Văn hóa