Người Cống là 01 trong 05 dân tộc thiểu số ít người của tỉnh Điện Biên. Họ cư trú tại các bản: Púng Bon, Huổi Moi (thuộc xã Pa Thơm, huyện Điện Biên); Nậm Kè (xã Nậm Kè) và Lả Chà (xã Pa Tần, huyện Mường Nhé) với dân số là 1009 người (theo con số thống kê của Bảo tàng tỉnh tháng 06/2012).
Cũng như các dân tộc anh em khác trên địa bàn, tộc người Cống canh tác chủ yếu trên nương rẫy và ruộng nước, ruộng bậc thang, một năm một vụ chính; ngoài ra còn trồng trọt các loại rau màu trên đất bãi ven sông, suối để phát triển nghề chăn nuôi gia súc, gia cầm phục vụ tết, lễ, sinh hoạt. Bên cạnh đời sống vật chất, người Cống còn có đời sống tinh thần phong phú thông qua trang phục, các phong tục tập quán, lễ hội (Tết hoa, lễ cúng bản, Lễ cúng tổ tiên, Lễ cưới, Lễ lên nhà mới, Lễ lên lão, Lễ tạ ơn Ngọc Hoàng...) trong đó Tết hoa là độc đáo nhất bởi đây là nghi lễ trong ngày tết cổ truyền của người Cống. Các nghi lễ diễn ra trong Tết hoa ngoài yếu tố thiêng còn có sự tham gia của các yếu tố nghệ thuật trình diễn dân gian nên cuốn hút cả cộng đồng cùng hướng về cội nguồn tổ tiên và bày tỏ lòng biết ơn với các thần linh, các quan thổ thần thổ địa nơi đồng bào sinh sống đã phù hộ cho họ một năm có sức khỏe và mùa màng tươi tốt đồng thời cầu xin những điều tốt đẹp cho một năm mới.
Tết hoa (Mền loóng phạt ai) hiện chỉ còn tồn tại duy nhất ở bản Lả Chà, xã Pa tần, huyện Mường Nhé, các nơi khác do nhiều yếu tố đã mai một. Lễ được tổ chức vào tháng 9 âm lịch hàng năm, sau khi thu hoạch vụ mùa, công việc nương rẫy tạm gác lại để chuẩn bị đón mừng năm mới (người Cống ở giáp biên giới Việt - Lào, nên theo lịch của người Lào, một năm chỉ có 10 tháng); họ quan niệm kết thúc vụ mùa có nghĩa là kết thúc một năm cũ. Người Cống coi đời sống tâm linh là hết sức thiêng liêng, niềm tin về cõi thiêng đó không bao giờ tắt. Họ luôn tin rằng bên cạnh sự nỗ lực của bản thân trong cuộc sống mưu sinh, các thần linh, tổ tiên luôn đồng hành để tiếp thêm sức mạnh cho họ vượt qua thử thách và làm nên những điều kỳ diệu trong cuộc sống;
Theo tổ tiên người Cống lưu truyền, nếu Tết hoa chưa được tổ chức thì chưa ai được phép đi phát nương, đào củ mài và vui chơi, ca hát. Trước đây, Lễ diễn ra từ (03 - 04) ngày, nay rút ngắn lại chỉ còn 01 ngày, 01 đêm.
Già làng thường kiêm thầy cúng; địa điểm diễn ra lễ cúng cho Tết hoa tại nhà già làng. Trước khi lễ diễn ra 01 tuần thầy cúng chọn ngày lành, tháng tốt (tránh ngày mất, chôn cất của những người quá cố trong bản). Ngày diễn ra lễ cúng của Tết hoa, già làng, phát lệnh cấm bản (người trong và ngoài bản không được tự do ra vào bản), nếu ai làm trái lệ làng người Cống quan niệm sẽ bị ốm đau và gặp nhiều điều không may mắn.
Diễn trình Tết hoa gồm các lễ thức khác nhau: Sáng sớm ngày diễn ra lễ chủ mỗi gia đình lên nương lúa hái hoa mào gà gieo quanh nương mang đến nhà thầy cúng và cùng nhau trang trí hoa từ gốc tới ngọn trên một cây tre ngọn cao tới sát nóc còn nguyên cành dựng giữa nhà (Hoa mào gà theo quan niệm của người Cống là biểu tượng của sự may mắn, tốt đẹp). Màu hoa mào gà đỏ thắm, tạo nên không khí ấm áp khắp không gian lễ. Lễ vật mỗi gia đình mang đến làm lý là 01 con gà trống, trọng lượng tùy theo từ 0,5 - 01kg/con và 01 chai rượu. Mâm cúng được đặt ngay ngắn dưới gốc cây hoa, lễ vật gồm những chai rượu đặt trên bàn cúng và những con vật dâng lễ hiến sinh đặt dưới chân mâm cúng. Đạo cụ dùng trong lễ cúng gồm có trống và chiêng đồng (chiêng của người Cống có pha bạc nên âm thanh đánh lên vang giòn và ngân xa).
Sau những hồi trống, chiêng âm vang khắp bản mường là báo hiệu lễ cúng của Tết hoa bắt đầu.Thầy cúng ngồi trước mâm cúng, kính cẩn mời các thần linh, tổ tiên về dự lễ; xin phép tổ chức Tết hoa cho bản; dâng lễ vật lên các đấng thần linh, tổ tiên.
Lời thầy cúng: "Một năm cũ đã qua rồi, năm mới đến không phải kiêng kỵ gì nữa, chúng con báo cho các thần linh, tổ tiên biết chúng con tổ chức Tết hoa, múa xòe để được đi đào củ mài, phát nương".
Dịch nghĩa: "Nhóm nhưng con khọ lỵ kháp la chi lộ pi u tà lạng pa gô khum tảo ma, khum tang ma pa ga tà pu ga tang khu ma lậu, nha ma lỵ a lạ ma khô pa nhám y hủ ma mà loong, bà loong bà tang nạ la mừng bè giát lệ hán i ai mồi tù cảng xệ hán i ai tùng khựa tính gien hán í ai, poòng mèng pi lap, hán ia pa".
Những con vật hiến sinh sau đó được mang đi làm thịt để chuẩn bị mâm cỗ cúng (đồ chín). Mâm cúng lúc này gồm: rượu, thịt gà luộc vẫn đặt ở vị trí ban đầu. Thầy cúng trịnh trọng xướng lời mời các thần linh, tổ tiên ăn cỗ. Thầy thay mặt dân bản báo cáo tình hình mùa màng, chăn nuôi, sức khoẻ của bà con trong năm qua và cầu xin các thần linh, tổ tiên phù hộ dân bản sang năm mới dồi dào sức khỏe, mùa màng bội thu, gà, lợn đầy chuồng và cầu cho mọi sự tốt lành may mắn đến cho bản mường. Sau đó, thầy cúng nâng chén rượu chúc mừng mọi người sang năm mới những điều tốt đẹp nhất.
Kết thúc phần lễ, phần hội diễn ra trong không khí tưng bừng, náo nhiệt cả bản, cả mường cùng hân hoan trong điệu xòe, họ cùng hát những làn điệu dân ca truyền trống. Họ cùng nhảy múa, hát ca và ném những hạt giống thóc, ngô ra khắp không gian xung quanh với mong ước bản mường bước sang một năm mới vạn vật sẽ sinh sôi nảy nở như những trận mưa hạt giống này. Trong thời khắc thiêng liêng chuyển giao của đất trời nhịp trống chiêng, điệu xòe hoa rộn ràng như chắp cánh cho lời ca thêm bay bổng và ước vọng về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc, thịnh vượng đến gần hơn.
Các nghi lễ của Tết hoa kết thúc, thầy cúng lần lượt đi cúng cho từng nhà (mỗi gia đình kết sẵn một vòng hoa mào gà nhỏ đặt vừa đầu người treo trên một chiếc sào gác ngang xà gian chính giữa nhà). Thầy cúng thay lời gia chủ kính cẩn trước bàn thờ báo cáo và khấn cầu cho gia đình.
Ngày nay, do điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, dân số ngày càng tăng nên tại bản Lả Chà việc tổ chức lễ được chia thành nhóm luân phiên nhau mỗi năm 01 lần, mọi nghi lễ cũng được tổ chức giản đơn hơn. Qúa trình di cư hòa nhập cộng đồng không tránh khỏi sự giao thoa văn hóa, Tết hoa của người Cống ở mỗi địa bàn cư trú đã có phần nhạt phai, họ đã chuyển sang ăn tết nguyên đán như một số dân tộc khác. Sau tổ chức giao thừa tại nhà trưởng bản, thầy cúng bắt đầu đến cúng cho từng nhà để cầu xin các thần linh, tổ tiên phù hộ cho gia chủ một năm mới sức khỏe và làm ăn phát đạt. Mâm lễ cúng được chuẩn bị sẵn bày tại chân cột thứ 02 gần cửa chính. Đồ lễ gồm: 02 con cá khô được nấu canh với lá xả (pùm phi), khoai sọ (pùm xì) đồ chín, 01 ống rượu cần bằng tre, 02 cần hút.
Tết hoa là lễ hội cổ truyền đặc sắc mà không phải tộc người nào cũng có, nếu như không nói là rất hiếm; hình thức sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng lâu đời tiêu biểu đó được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác chứa đựng những yếu tố văn hóa tích cực gắn với xã hội người Cống; phản ánh sinh động đời sống vàbản sắc tộc người. Chính vì vậy,Tết hoa từ bao đời nay và mãi mãi vẫn là một nhu cầu tâm linh không thể thiếu được trong đời sống tinh thần mỗi dịp đón mừng năm mới của đồng bào dân tộc Cống.
Do đó, để bảo tồn, phát huy giá trị Tết hoa trong cộng đồng người Cống, giúp họ phục hồi và lưu truyền tại những nơi đã mai một, cần phải đẩy mạnh công tác sưu tầm, nghiên cứu, giới thiệu, lưu giữ (băng, đĩa hình, tiếng, ấn phẩm,…) nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp vốn có của đồng bào và khích lệ sự sáng tạo các giá trị văn hóa mới; tôn vinh và có những chính sách đối với những người đã có công bảo tồn và lưu truyền cho thế hệ hôm nay. Điều đó, cần có sự phối, kết hợp giữa nhiều cá nhân và cơ quan liên quan như: các hội viên Hội nghiên cứu văn hóa dân gian, Bảo tàng tỉnh, Hội di sản của tỉnh, Phòng Di sản văn hóa, các viện nghiên cứu của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, các nhà xuất bản...;thực tế công việc này đã và đang được tiến hành nhưng nhìn chung vẫn còn manh mún, chưa có kế hoạch lâu dài. Vì vậy, các cấp, các ngành cần quan tâm đầu tư kinh phí nhiều hơn nữa cho việc kiểm kê nhận diện văn hóa các dân tộc của tỉnh để tiến tới lập hồ sơ đề nghị đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tránh nguy cơ mai một, thất truyền vốn văn hóa quý báu như Tết hoa của đồng bào dân tộc Cống tỉnh Điện Biên; làm được điều đó sẽ giúp đồng bào giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc mình và góp phần giảm dần sự chênh lệch về mức sống, mức hưởng thụ văn hóa giữa các vùng miền, gắn kết giữa phát triển kinh tế với bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc, phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước.
Minh Phượng
Di sản Văn hóa