Di tích lịch sử Chiến trường Điện Biên Phủ - Di tích cấp Quốc gia đặc biệt, được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng theo Quyết định số: 1272/QĐ-TTg, ngày 12 tháng 8 năm 2009. Di tích này có 45 điểm di tích thành phần, đang được nghiên cứu hoàn thiện hồ sơ khoa học làm cơ sở cho công tác nghiên cứu khoa học, bảo tồn và phát huy giá trị.

 

Trong những năm qua, được sự quan tâm của Chính phủ và các cấp các ngành, Di tích lịch sử Chiến trường Điện Biên Phủ đã nhiều lần được đầu tư kinh phí để bảo tồn, phục dựng. Nhiều di tích tiêu biểu như: Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ tại Mường Phăng; Đường kéo pháo bằng tay ( Nà Nhạn); Trận địa pháo 105mm; Trận địa pháo H6; Đồi A1; Sở Chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ (Hầm De Castries)… đã được bảo tồn cơ bản và đưa vào phục vụ khách tham quan.

Di tích lịch sử Chiến trường Điện Biên Phủ hiện nay đã trở thành điểm đến của đông đảo các đối tượng khách tham quan, là nơi giáo dục truyền thống lịch sử cho học sinh, sinh viên, các lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Những năm gần đây, công tác quản lý và phát huy giá trị của di tích được Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đặc biệt quan tâm, có nhiều hoạt động đổi mới, trong đó việc vận động các tổ chức, cá nhân cùng chung tay góp sức để quản lý, khai thác, phát huy giá trị của di tích không chỉ là mục đích gìn giữ, bảo tồn di tích và giáo dục truyền thống lịch sử mà còn gắn với phát triển du lịch, góp phần không nhỏ vào phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, của tỉnh nhà.

Hiện nay, trong tổng số 45 điểm di tích thành phần có 7 điểm được đầu tư, bảo tồn, phục dựng và xây dựng, đưa vào khai thác phát huy giá trị phục vụ khách tham quan. Tại những điểm di tích này đã thay đổi nhiều từ công tác quản lý, phát huy giá trị đến cảnh quan, diện mạo của di tích.

Việc tổ chức các hoạt động dịch vụ, trưng bày giới thiệu và bán sản phẩm quà tặng lưu niệm, sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương, Tây Bắc được tổ chức và quản lý chặt chẽ, không còn tình trạng lộn xộn, chèo kéo khách tham quan, các gian hàng được sắp xếp, thiết kế hợp lý. Nguồn kinh phí hoạt động dịch vụ được huy động xã hội hóa từ chính các viên chức, lao động của Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đóng góp và tự khai thác có hiệu quả. Các sản phẩm bày bán được niêm yết giá công khai, cùng với thái độ phục vụ thân thiện, lịch sự, cởi mở, đáp ứng nhu cầu mua sắm của khách du lịch và tạo sự tin tưởng, yên tâm về chất lượng và giá cả.

Bên cạnh đó, hoạt động xã hội hóa từ một số tổ chức, cá nhân cùng chung tay, góp sức trong công tác cải tạo cảnh quan, tạo cho di tích một diện mạo mới, xanh - sạch - đẹp hơn, cụ thể: Những thảm cỏ, vườn hoa được quy hoạch hài hòa, thường xuyên được cắt tỉa, chăm sóc, để Di tích lịch sử Chiến trường Điện Biên Phủ không chỉ là điểm đến để giáo dục truyền thống lịch sử, khơi gợi lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ mà còn là tham quan du lịch ý nghĩa, hấp dẫn về cảnh quan môi trường, tạo ấn tượng tốt đẹp trong lòng khách tham quan. Để làm được điều này, ngoài việc hỗ trợ về vật chất của một số cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh phải kể đến sự hỗ trợ, phối hợp của Trung đoàn Bộ binh 82. Trong hai năm 2016 và 2017 đơn vị đã nhận được sự phối hợp, hỗ trợ rất tích cực về nguồn nhân lực trong hoạt động đổi mới, cải tạo cảnh quan, phát dọn vệ sinh tại các điểm di tích tiêu biểu như: Đồi A1, Hầm De Castries, Tượng đài chiến thắng, Đồi E (Trung tâm Hội cựu chiến binh)… Cho đến nay, cảnh quan môi trường tại các điểm di tích đã thay đổi, trở thành những điểm tham quan hấp dẫn, thu hút một lượng lớn khách tham quan, không chỉ là khách du lịch mà còn đón nhận một lượng không nhỏ đồng bào các dân tộc trong tỉnh. Đặc biệt, Nhà trưng và các điểm Di tích lịch sử Chiến trường Điện Biên Phủ đã trở thành nơi giáo dục trực quan sinh động, hấp dẫn đối với các em học sinh, sinh viên, tân binh… trong và ngoài tỉnh.

Tại Di tích lịch sử Đồi A1, Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã xây dựng phương án và tổ chức thực hiện điều chỉnh tuyến tham quan, bổ sung nội dung thuyết minh phong phú, phù hợp theo tuyến tham quan nhằm khai thác, phát huy tối đa giá trị của di tích. Đồng thời thí điểm thực hiện xây dựng khu vực trải nghiệm phù hợp với loại hình Di tích lịch sử Chiến trường Điện Biên Phủ, nhằm kéo dài thời gian tham quan của du khách tại các điểm tham quan nói riêng và kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch tại địa phương nói chung, tạo ấn tượng sâu đậm và tốt đẹp trong lòng du khách khi đến với Điện Biên Phủ.

Sau hơn hai năm thực hiện tổ chức hoạt động đổi mới tại các điểm di tích đã nhận được những phản hồi tích cực từ phía các cơ quan quản lý; các công ty lữ hành du lịch đưa khách lên Điện Biên; đặc biệt là phản hồi tích cực từ chính những du khách đã đến tham quan tại Bảo tàng và các điểm Di tích lịch sử Chiến trường Điện Biên Phủ. Lượng khách tham quan tăng hằng năm, cụ thể:

Năm 2016: 311.629 lượt người;

Năm 2017: 381.184 lượt người;

6 tháng đầu năm 2018: 263.086 lượt người

Hy vọng rằng cùng với sự quan tâm, động viên kịp thời của các cấp lãnh đạo, hiệu quả tích cực từ những hoạt động và tư duy đổi mới của những người trực tiếp tổ chức thực hiện, việc quản lý và phát huy giá trị của Di tích lịch sử Chiến trường Điện Biên Phủ sẽ ngày càng được đẩy mạnh, hiệu quả hơn, đóng góp một phần quan trọng trong việc tạo dựng thương hiệu và phát triển du lịch tỉnh nhà./.

Vũ Thị Tuyết Nga


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Liên kết website
 Bình chọn
Đánh giá mức độ hữu ích của trang thông tin điện tử
135 người đã bình chọn
Thống kê: 298.794
Online: 111