Hai chiến thắng, hai mốc son vàng chói lọi đưa đất nước ta thoát khỏi xiềng xích nô lệ, dần được sống trong hòa bình, tự do. Từ chiến dịch Điện Biên Phủ 1954, ta đã vận dụng sáng tạo được những bài học kinh nghiệm, sự thành công từ phương án tác chiến, nghệ thuật quân sự, ... để làm nên thắng lợi của cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975. Tuy có khác nhau về tính chất, địa điểm, cách đánh nhưng hai trận đánh khá tương đồng và giống nhau trên một số phương diện.

 

Những ngày này cả nước đang hướng về Sài Gòn trong không khí tưng bừng kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Trước đó một năm, tại Điện Biên ta cũng long trọng kỷ niệm 60 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ trong cuộc kháng chiến thần thánh chống Thực dân Pháp xâm lược. Hai chiến thắng, hai mốc son vàng chói lọi đưa đất nước ta thoát khỏi xiềng xích nô lệ, dần được sống trong hòa bình, tự do. Từ chiến dịch Điện Biên Phủ 1954, ta đã vận dụng sáng tạo được những bài học kinh nghiệm, sự thành công từ phương án tác chiến, nghệ thuật quân sự, ... để làm nên thắng lợi của cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975. Tuy có khác nhau về tính chất, địa điểm, cách đánh nhưng hai trận đánh khá tương đồng và giống nhau trên một số phương diện.

1. Chung một Tổng tư lệnh

Chiến thắng Điện Biên Phủ khẳng định vai trò quan trọng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người luôn giương cao khẩu hiệu tinh thần đánh thắng cao nhất của Trung ương Đảng và Bác Hồ, có trách nhiệm với vận mệnh dân tộc, đất nước và đưa ra những quyết sách chiến lược quyết định thắng lợi của chiến dịch. Ông cũng chính là người chỉ huy duy nhất, xuyên suốt cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp trong 9 năm bằng thắng lợi của một loạt các chiến dịch trước đó. Chiến dịch Điện Biên Phủ đã khẳng định tài năng thiên bẩm của Đại tướng, một học trò xuất sắc dưới thời đại Hồ Chí Minh.

Trong chiến dịch mùa xuân năm 1975, lúc này Đại tướng Võ Nguyên Giáp là Bộ trưởng Quốc phòng, Bí thư Quân ủy Trung ương, tiếp tục giữ vai trò Tổng tư lệnh chiến dịch, người trực tiếp đưa ra mệnh lệnh “Thần tốc, thần tốc hơn nữa; táo bạo, táo bạo hơn nữa; tranh thủ từng phút, từng giờ; xốc tới mặt trận; giải phóng miền Nam; thống nhất đất nước!” thúc đẩy tinh thần chiến đấu anh dũng ngoan cường của bộ đội. Cũng chính ông là người chỉ đạo mở đường mòn Hồ Chí Minh, con đường huyền thoại dẫn tới thắng lợi của một loạt các trận đánh thắng sau này và thành lập nhiều đơn vị chủ lực của quân đội ta tại miền Nam. Đến nay, sau hơn 70 năm thành lập và gần 2 năm ngày mất, Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn là "Người anh cả" không thể thay thế, một huyền thoại của chiến thắng trong lòng dân tộc Việt Nam.

2. Cùng một tinh thần "Cả nước ra trận"

Trong cả hai chiến dịch ta đã có những sự chuẩn bị kỹ lưỡng về mọi mặt để đảm bảo một trận quyết thắng từ công tác hậu cần, quân y, mở đường, sửa đường, các lực lượng chiến đấu. Ta đã huy động được dân công, thanh niên xung phong, nhân dân các vùng tự do tiếp tế cho chiến dịch với hàng trăm, nghìn xe vận tải, xe đạp thồ, thuyền, ca nô,... vận chuyển vũ khí, đạn dược, lương thực, thuốc men và mở và sửa mới hàng trăm km đường (trong chiến dịch Điện Biên Phủ) và hàng nghìn km đường (trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năn 1975) ra mặt trận. Ta cũng đã tổ chức, vận động và phối hợp tốt các lực lượng chiến đấu tại chỗ và bộ đội chủ lực, tạo nên thế và lực mới trong những trận đánh có tính chất quyết định của chiến tranh giải phóng dân tộc.

Tuy số liệu thống kê tại mỗi thời điểm, mỗi trận đánh là khác nhau nhưng về cơ bản, tinh thần "cả nước ra trận" lần đầu trong chiến dịch Điện Biên Phủ lại một lần nữa được khắc họa rõ nét trong cuộc chiến cuối cùng đánh đuổi đế quốc Mỹ ra khỏi bờ cõi Việt Nam để thống nhất đất nước. Thời nào cũng vậy, là chiến tranh chính nghĩa, là tự do, độc lập và hạnh phúc, nhân dân Việt Nam nguyện một lòng thà hi sinh tất cả chứ "không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ".

3. Tiếp tục phối hợp tổ chức đánh hiệp đồng binh chủng

Nếu như trong chiến dịch Điện Biên Phủ là trận công kiên lớn nhất, lần đầu ta phối hợp đánh hiệp đồng binh chủng với sự tham tham của lực lượng bộ binh và pháo binh mạnh; trong trận đánh này, pháo binh đánh mở màn, áp chế địch quân, mở cửa và tạo thời cơ để bộ binh tiến lên tiêu diệt địch; là bất ngờ lớn nhất ta giành cho địch góp phần to lớn tiêu diệt tập đoàn cứ điểm mạnh nhất, "chưa từng có" ở Đông Dương thì cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 là một điển hình của loại hình chiến dịch tiến công hiệp đồng binh chủng quy mô lớn. Đây là chiến dịch đã tận dụng được và phát huy cao độ thế chiến lược do các chiến dịch trước (Tây Nguyên, Huế - Đà Nẵng) tạo ra để tập trung lực lượng với ưu thế áp đảo quân địch cả về lực lượng, thế trận và tinh thần. Ta đã phát huy cao nhất sức mạnh của các binh đoàn, binh chủng hợp thành với quy mô lớn nhất, đập tan tuyến phòng thủ của địch ở vòng ngoài; đánh thẳng vào trung tâm đầu não, sào huyệt của địch, kết hợp với nổi dậy của quần chúng, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 - 1975).

Qua chiến đấu và trưởng thành ta từng bước huấn luyện bộ đội, chuẩn bị kỹ càng về trang bị, chiến thuật, kỹ thuật, thành lập thêm nhiều đơn vị bộ đội chủ lực đáp ứng yêu cầu của chiến tranh. Chính vì vậy ta đã phối hợp tốt và thành công trong việc đánh hiệp đồng binh chủng, phát huy tối đa ưu điểm và sức mạnh của bộ đội chủ lực, điều tất yếu làm nên chiến thắng.

4. Là những trận đánh có tính chất quyết định

Sau 8 năm tiến hành chiến tranh xâm lược Việt Nam, đến năm 1953 Pháp liên tiếp gặp những thất bại khiến chúng không thể thực hiện âm mưu "bình định". Kế hoạch Navarre, rồi đến Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ ở phía Tây Bắc Việt Nam là những con bài chiến lược nhằm kết thúc "cuộc chơi" trong danh dự cho nước Pháp, đưa Việt Nam trở thành thuộc địa hoàn toàn. Quyết định tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ của Pháp với những nỗ lực cao nhất, coi đây là trận đánh quyết định tiễn Pháp về chính quốc, nhân dân ta đã làm nên một chiến thắng "Lừng lẫy năm châu" sau 56 ngày đêm gian khổ, ác liệt từ 13/3 đến 07/5/1954. Sau thất bại này, nước Pháp đã buộc phải ký Hiệp định Giơnever, cuốn cờ rút quân khỏi Đông Dương, công nhận độc lập, chủ quyền của ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia, chế độ thực dân chính thức chấm dứt.

Bước vào chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử với phương châm “thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”, ta huy động vào chiến dịch này một lực lượng lớn hơn bất cứ chiến dịch nào trước đây, bao gồm cả lực lượng vũ trang và chính trị trong nhiều thời cơ thuận lợi. Những thắng lợi từ các cuộc tiến công chiến lược trước đó đã đẩy cuộc chiến cuối cùng này có tính chất quyết định số phận của chiến tranh. Cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 kết thúc toàn thắng, ta đánh đuổi Đế quốc Mỹ xâm lược và ngụy quyền Sài Gòn, đất nước sạch bóng quân thù, tiến vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập, thống nhất, xây dựng, phát triển.

Từ sau ngày giải phóng miền Nam, ta đã thực hiện thành công thống nhất đất nước, đi lên chủ nghĩa xã hội, đưa nước ta phát triển trên mọi lĩnh vực, từng bước hội nhập quốc tế. Lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc đã dần lùi vào quá khứ nhưng giá trị truyền thống và những bài học lịch sử của nó vẫn còn mãi mãi; là những tài liệu vô giá trong công cuộc gìn giữ hòa bình và chủ nghĩa xã hội hôm nay và mai sau./.

Hồng Nhung


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Liên kết website
 Bình chọn
Đánh giá mức độ hữu ích của trang thông tin điện tử
135 người đã bình chọn
Thống kê: 298.896
Online: 104