Thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ là sự tổng hòa của nhiều yếu tố, trong đó then chốt là biết lựa chọn cách đánh, thời điểm đánh và biết vận dụng, nâng tầm chiến thuật lên thành nghệ thuật quân sự độc đáo mà trước đó chưa từng có trong lịch sử chống giặc ngoại sâm của quân và dân ta.

 

Trong Đông Xuân 1953 - 1954 ta giành được nhiều thắng lợi trên khắp các mặt trận, đưa địch vào tình thế khó khăn khi kế hoạch Nava từng bước bị thất bại. Không chỉ có lợi thế trong nước, ta còn giúp hai nước bạn Lào và Căm pu chia càn quét địch tại những vùng chúng chiếm đóng, gây cho Pháp những thiệt hại nặng nề, buộc chúng phải có những tính toán mới nếu không muốn chấm dứt sự thống trị tại bán đảo Đông Dương. Và Điện Biên Phủ được chọn làm trận đánh có tính chất quyết định sau khi cân nhắc những lợi thế và thiệt hơn với quân đối phương, hi vọng đây sẽ là đòn chí tử dập tắt mọi âm mưu chống đối của Việt Minh.

Hạ quyết tâm tiêu diệt bằng được quân Pháp và tập đoàn quân sự khổng lồ của người Pháp tại Điện Biên Phủ, ta dốc toàn lực đầu tư vào trận đánh quan trọng này. Mọi phương án đều được tính toán đến nhằm đảm bảo cho một trận quyết thắng. Nằm ở địa đầu Tây Bắc đất nước, Điện Biên là một địa bàn xa trung tâm, đường xá đi lại hiểm nguy, là khó khăn lớn nhất ta gặp phải khi vận chuyển hậu cần đảm bảo cho toàn bộ quân số sẽ tham chiến. Tuy vậy bằng nhiều cách, ta không những vượt qua được con đường hiểm trở lên Điện Biên mà còn biến con đường ấy thành dòng chảy chưa bao giờ bị gián đoạn trong suốt chiến dịch. Một khối lượng lớn lương thực, thực phẩm, thuốc men, đạn dược được vận chuyển an toàn, đảm bảo sinh hoạt cho bộ đội một cách thiết yếu nhất.

Vận chuyển lương thực bằng xe đạp thồ

Trong những tính toán chiến lược của ta, bộ đội chính quy ngày càng lớn mạnh cả về chất lượng và số lượng được điều động tối đa lên Điện Biên Phủ nhưng vẫn đảm bảo chốt giữ tại những vị trí quan trọng khác. Bốn sư đoàn bộ binh, một sư đoàn pháo binh hành quân ra mặt trận. Đây là trận công kiên lớn nhất từ trước tới nay và cũng là lần đầu tiên ta phối hợp đánh hiệp đồng các binh chủng bộ binh và pháo binh. So sánh lực lượng giữa ta và địch, ta có nhiều lợi thế về bộ binh nhưng Pháp lại có những đơn vị vô cùng thiện chiến đã từng tham gia chiến tranh thế giới và chưa từng thua một trận đánh nào. Về pháo binh, Pháp hơn hẳn ta khi có những khẩu pháo hạng nặng như 155mm, có thể oanh tạc xa và gây những thiệt hại nghiêm trọng nếu trúng mục tiêu. Bên cạnh đó chúng còn có ưu thế tuyệt đối về xe tăng, máy bay (máy bay vận chuyển và máy bay chiến đấu) và nhiều vũ khí quân sự mạnh khác.

Ban đầu ta chủ trương đánh địch trong 3 đêm 2 ngày với phương châm "Đánh nhanh, thắng nhanh" nhằm hạn chế những khó khăn về mặt hậu cần. Tuy nhiên, nhận thấy những bất lợi có thể dẫn tới thất bại, Bộ chỉ huy chiến dịch, đứng đầu là Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã cân nhắc và lựa chọn phương án an toàn hơn là đánh dài ngày với địch. Phương châm "Đánh chắc, tiến chắc" được lựa chọn chỉ vài giờ trước khi ta chính thức đương đầu với Pháp, nhằm chuẩn bị kĩ càng nhất cho một trận chắc thắng, theo đúng lời dặn của Bác Hồ trước chiến dịch.

Hội nghị phổ biến phương án tác chiến tại Hang Huổi He

Và thực tế đã chứng minh, với việc xác định đúng phương châm tác chiến "đánh chắc, tiến chắc" ta đã thực hiện đánh từng cứ điểm địch từ ngoài vào trong. Địch chọn vị trí dưới lòng chảo, ta chọn vị trí trên cao xung quanh lòng chảo. Từ đây từng cứ điểm của địch đều trong tầm mắt của ta. Bộ chỉ huy chiến dịch đã biết tận dụng những nhược điểm của địch để chuẩn bị một chiến trường cho ta những điểm cộng để giành chiến thắng. Từng khẩu pháo được núp bằng những hầm được che chắn, ngụy trang kỹ lưỡng, đặt đúng hướng vào những mục tiêu đã định và từng vị trí đóng quân của các đơn vị bộ binh nhắm thẳng vào từng ngóc ngách, cứ điểm của địch.

Trận mở màn tại Trung tâm đề kháng Him Lam ngày 13/3/1954, là lá chắn đầu tiên phía Đông Bắc của địch, hướng tiến công chính của quân ta đã khiến cho địch tan tác. Những loạt đạn pháo không thể chính xác hơn của pháo binh đã dọn đường cho bộ binh xông lên tiêu diệt từng vị trí, từng tên địch trong các hầm trú ẩn. 5 giờ sau những tiếng súng đầu tiên của trận chiến, Him Lam hoàn toàn thất trận và được kiểm soát bởi Việt Minh. Liên tiếp hai ngày sau đó lần lượt các cứ điểm Độc Lập và Bản Kéo cũng nhanh chóng bị xóa sổ, mở toang cánh cửa phái Bắc và Đông Bắc vào khu trung tâm Mường Thanh, nơi tập trung sức mạnh chính của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Biết phát huy sức mạnh của các loại pháo đã cho thấy sức mạnh của cách đánh hiệp đồng, giảm bớt thương vong cho bộ binh. Đợt 2 chiến dịch, ta thực hiện những nhiệm vụ khổng lồ khi phải tiêu diệt dãy cao điểm phía Đông, bức bình phong che chắn cho trung tâm địch và sân bay Mường Thanh, là "cái rốn" của "con nhím" Điện Biên Phủ. Khó khăn thực sự tại A1, trong khi các cứ điểm bên cạnh như D1, D2, D3, E1, E2, C1 Việt Minh nhanh chóng chiếm đóng thì ta vấp phải sự chống trả quyết liệt của Pháp. Tại đây chúng bố trí hỏa lực mạnh tại các boongke, hầm cố thủ, lại liên tục được tăng viên xe tăng, lính dù và liên tiếp được yểm trợ của trung tâm. Ta chịu nhiều tổn thất nặng nề tại cao điểm mang tính chất sống còn này.

Bước vào giai đoạn 3 của chiến dịch, ta phát huy những chiến thắng đã đạt được, đánh những đòn cuối cùng sau khi chuẩn bị kỹ những điều kiện thiết yếu để tiêu diệt những vị trí quan trọng nhất. Cao điểm cuối cùng bị tiêu diệt là A1 và C2 vào rạng sáng ngày 07/5, đã khiến toàn bộ Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bị đập tan hoàn toàn chỉ hơn 12 giờ sau đó. Người Pháp từ lính chiến, Bộ chỉ huy Pháp từ Điện Biên Phủ tới Hà Nội và ngày cả chính quốc Pháp từ Thủ tướng tới nội các của mình bàng hoàng, đau đớn và thất vọng. Sau hơn 3 tháng chuẩn bị và 56 ngày chịu trận, cuối cùng những tham vọng về một "trật tự mới" tại Đông Dương của Pháp hoàn toàn không thể thực hiện được.

Tù binh Pháp đầu hàng chiều 07/5/1954

Về phía Quân đội Nhân dân Việt Nam, nhờ đánh dài ngày và chia làm những giai đoạn nhỏ với những mục tiêu cụ thể, ta có thời gian chuẩn bị, rút kinh nghiệm và đưa ra những phương án cho phù hợp với tình hình trận chiến. Thực tế đã cho thấy, kết thúc giai đoạn một, ta có thời gian xây dựng và hình thành một hệ thống giao thông hào bao quanh tập đoàn cứ điểm của Pháp. Hệ thống này sẽ lấn dần tới các cứ điểm của Pháp, siết chặt vòng vây quanh phân khu trung tâm, cắt đứt liên lạc giữa phân khu Nam và phân khu trung tâm, đặt các vị trí của địch trong tầm ngắm của súng, pháo và bộ binh ta. Mặc dù đã thực hiện nhiều biện pháp ngăn chặn, nhưng Pháp không thể cắt đứt được những đường hào ngày càng dày đặc xung quanh tập đoàn cứ điểm. Bằng cách này ta đã phá vỡ cấu trúc cơ bản của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, ta không chỉ bao vây mà con len lỏi vào từng ngóc ngách của Tập đoàn cứ điểm khiến chúng có muốn rút lui cũng khó. Như chiếc thòng lọng thắt cổ, hệ thống giao thông hào của ta đã tạo ra thế trận bao vây và tấn công, chuẩn bị cho những đợt đánh chiếm tiếp theo.

Trong từng giai đoạn của chiến dịch, ta đã chủ trương thực hiện những chiến thuật nhỏ nhưng lại có tác dụng lớn, đem lại hiệu quả cao. Ngay từ cuối tháng 3, phong trào "Săn Tây bắn tỉa" được phát động mạnh mẽ, đánh liên tục cả ban ngày lẫn ban đêm với nhiều hình thức như đánh tập kích, băn tỉa, đoạt dù tiếp tế, ... đã tiêu hao một phần lực lượng địch và làm nhiều tên khác sợt sệt, mệt mỏi, sống, trú ẩn trong hầm. Pháo phòng không của ta đã chiến đấu và giành lại vùng trời khu sân bay Mường Thanh khiến cho máy bay Pháp không thể hạ cánh. Dần dần, sức mạnh không quân đầy uy lực của Pháp cũng chỉ còn cách lượn lờ ngắm nhìn, hoặc có chăng là miễn cưỡng thả những dù hàng từ độ cao 200, 300 rồi đến 2000, 3000m và chấp nhận hơn nửa trong số đó rơi vào phía trận địa đối phương. Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ không chỉ bị tấn công từ bên ngoài mà còn bị hủy diệt dần dần từ bên trong.

Với những chiến lược, chiến thuật quan trọng, phù hợp tại từng thời điểm, ta đã làm nên một Điện Biên Phủ "chấn động địa cầu", đưa lịch sử Việt nam bước sang trang mới, đi lên chủ nghĩa xã hội và có tầm ảnh hưởng lớn tới phong trào giải phóng dân tộc trên toàn thế giới, đặc biệt là những nước thuộc địa Pháp. Lấy Điện Biên Phủ là tấm gương, là kim chỉ nam, nhiều quốc gia đã vận đụng thành công nghệ thuật quân sự độc đáo trong cuộc kháng chiến của nước mình. Đến nay trong thời kỳ đổi mới, đi lên, những kinh nghiệm đó vẫn còn nguyên giá trị trong công cuộc bảo vệ đất nước, bảo vệ hòa bình và độc lập dân tộc./.

- Hồng Nhung -


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Liên kết website
 Bình chọn
Đánh giá mức độ hữu ích của trang thông tin điện tử
135 người đã bình chọn
Thống kê: 298.880
Online: 106