Cứ mỗi dịp tháng Ba về, khi hoa sưa trắng muốt khắp nẻo đường Hà Nội và hoa gạo bung sắc màu rực rỡ thì cũng là lúc toàn ngành Thể thao tưng bừng kỷ niệm ngày thành lập ngành. Năm nay, thể thao Việt Nam đã bước sang tuổi 79 - tuổi đánh dấu một chặng đường dài phấn đấu và nỗ lực vì mục tiêu “Dân cường thì quốc thịnh” như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Những dấu son lịch sử
Ngược dòng thời gian, ngày 30.1.1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ Liên hiệp lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ban hành Sắc lệnh số 14 thành lập trong Bộ Thanh niên Nha Thể dục Trung ương, chính thức khai sinh ra nền Thể dục thể thao (TDTT) cách mạng Việt Nam, với nhiệm vụ “nghiên cứu phương pháp và thực hành thể dục trong toàn quốc”, nhằm “tăng bổ sức khỏe quốc dân và cải tạo nòi giống Việt Nam”.
Hơn 2 tháng sau, ngày 27.3.1946 trong bối cảnh đất nước vừa giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài “Sức khỏe và thể dục”, ra lời kêu gọi toàn dân tập thể dục - mở đầu cho phong trào TDTT nước ta.
Người căn dặn: “Giữ gìn dân chủ, xây dựng nước nhà, gây đời sống mới, việc gì cũng cần có sức khỏe mới thành công... Dân cường thì quốc thịnh. Tôi mong đồng bào ta, ai cũng gắng tập thể dục. Tự tôi, ngày nào cũng tập”.
Lời dạy của Bác chính là kim chỉ nam cho phong trào tập luyện thể dục thể thao trong nhân dân và là mục tiêu mà ngành Thể thao hướng tới và luôn nỗ lực hoàn thành tốt sứ mệnh trong quá trình xây dựng và trưởng thành.
Ngày 29.1.1991, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ra Quyết định số 25/CT về lấy ngày 27.3 hằng năm làm “Ngày Thể thao Việt Nam”.
Trong suốt chặng đường 79 năm đồng hành cùng đất nước, với tư tưởng “Dân cường thì quốc thịnh” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng với quan điểm, đường lối chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, nền TDTT nước nhà đã có những bước tiến mới qua từng chặng đường phát triển, trên từng lĩnh vực, luôn giữ vị trí quan trọng góp phần nâng cao sức khỏe và chất lượng cuộc sống của nhân dân, xây dựng lối sống và môi trường văn hóa lành mạnh; củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, đóng góp vào công cuộc bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước; mở rộng quan hệ hữu nghị và hợp tác quốc tế của đất nước.
Trong đó phong trào TDTT quần chúng phát triển sâu rộng, nhiều hoạt động TDTT ở cơ sở đã được tổ chức sôi nổi rộng khắp cả nước, thu hút được đông đảo quần chúng tham gia, nhiều sự kiện thể thao phong trào được tổ chức với quy mô lớn, như chạy việt dã, chạy địa hình, đua xe đạp, 3 môn phối hợp, bơi, yoga...
Cùng với đó, các hình thức tập luyện TDTT đơn giản, không cần đầu tư nhiều về sân bãi, trang thiết bị như chạy, đi bộ, thể dục dưỡng sinh, cầu lông, cờ tướng, võ thuật, bóng đá mini, bóng chuyền hơi… phát triển mạnh ở nhiều địa phương.
Nhiều thành tích đáng ghi nhận
Thông qua việc triển khai thực hiện “Cuộc vận động Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” và tổ chức các hoạt động TDTT, phong trào TDTT quần chúng đã có những bước tiến rõ nét, các chỉ tiêu cơ bản về TDTT quần chúng cơ bản hoàn thành.
Tính đến nay, tỷ lệ người tham gia tập luyện TDTT thường xuyên đã đạt 37,5%, số gia đình thể thao đạt 28,3%, hơn 95% số trường học trên cả nước đã thực hiện chương trình giáo dục thể chất chính khóa, 75% số trường có hoạt động TDTT ngoại khóa, 100% cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang thường xuyên tập luyện TDTT…
Bên cạnh đó, Đảng, Nhà nước và ngành Quân đội, Công an cũng đã chú trọng phát triển TDTT trong lực lượng vũ trang đáp ứng yêu cầu xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; phát huy vai trò của lực lượng vũ trang trong việc phát triển TDTT của nhân dân trên từng địa bàn, nhất là ở vùng biên giới, vùng cao, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Từ sự tiến bộ của phong trào quần chúng, thể thao thành tích cao trong thời gian qua cũng có sự tiến bộ vượt bậc ở hầu khắp các mặt trận. Với đấu trường khu vực Đông Nam Á, trải qua 18 kỳ tranh tài, thành tích của chúng ta đã không ngừng tiến bộ.
Từ bước đầu hội nhập với khu vực, chúng ta đã khẳng định được vị thế dẫn đầu toàn đoàn tại ba kỳ Đại hội các năm 2003, 2021, 2023.
Tại đấu trường lớn nhất châu lục và thế giới là Asian Games và Olympic, thể thao Việt Nam cũng đã tạo nên những phút giây huy hoàng, làm hàng triệu trái tim cùng reo ca trong niềm vui chiến thắng khi: Hoàng Xuân Vinh đoạt HCV, HCB môn bắn súng tại Olympic Rio 2016; hàng triệu con tim như vỡ òa trong niềm hạnh phúc khi đội tuyển bóng đá Việt Nam vô địch AFF Cup, đội tuyển U23 giành ngôi á quân Giải U23 châu Á, đội tuyển bóng đá nữ giành vé dự World Cup...
Dẫu có đối mặt với muôn vàn khó khăn, thách thức khi cơ sở vật chất, kinh phí đầu tư dù được quan tâm nhưng vẫn còn hạn hẹp, nhưng thể thao Việt Nam đã viết lên khúc ca của bản lĩnh, ý chí, sự vươn lên và tinh thần thép của người Việt Nam tại các đấu trường quốc tế. Từ đó tạo nên các khúc tráng ca của lòng tự hào, tự tôn dân tộc.
Giờ đây khi cả nước đang bước vào kỷ nguyên vươn mình mạnh mẽ của dân tộc, khi đất nước từng bước khẳng định vị thế, phấn đấu trở thành quốc gia hùng cường, thịnh vượng, sánh vai cùng các cường quốc năm châu.
Bối cảnh mới sẽ đặt ra yêu cầu cao đối với ngành để không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ nâng cao sức khỏe, thể lực cho nhân dân mà còn góp phần vào công cuộc hiện đại hóa, hội nhập sâu rộng của đất nước.
Để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đó, chắc chắn đòi hỏi mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và những người làm công tác TDTT trên cả nước phải không ngừng học tập, nâng cao trình độ, rèn luyện bản lĩnh chính trị, tiếp thu tinh hoa của thế giới, tận dụng khoa học công nghệ.
Đồng thời phát huy tinh thần nêu gương trong việc rèn luyện thể thao nâng cao sức khỏe, xứng đáng trở thành những “bông hoa đẹp trong vườn hoa việc tốt”, hướng tới mục tiêu chung là xây dựng đất nước hùng cường, phồn vinh và hạnh phúc.