Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, bộ đội Việt Nam không chỉ phải đối đầu với lực lượng Quân đội viễn chinh Pháp đội quân nhà nghề, trang thiết bị hiện đại, mà còn phải thích ứng với sự khắc nghiệt của thời tiết “Ngày nắng đổ lửa, đêm lạnh thấu xương” của khí hậu vùng núi Tây Bắc. Để khắc phục sự khắc nghiệt của thời tiết, ngoài mũ, áo, các chiến sĩ Điện Biên đã dùng những mảnh dù hàng (chiến lợi phẩm thu được của quân Pháp) sáng chế thành những chiếc khăn quàng đồng hành trong suốt mùa Chiến dịch.

 Khi đến với Di tích Đồi A1, du khách dừng chân tại Nhà đón tiếp để thắp nén “tâm nhang” tri ân các chiến sĩ đã không tiếc máu xương, hy sinh trong trận đánh khốc liệt, then chốt của chiến dịch Điện Biên Phủ nhằm giải quyết điểm phòng thủ mạnh nhất của quân Pháp, cứ điểm Eliane 2 - Phía Quân đội Việt Nam gọi là Đồi A1. Hiện nay, tại nhà đón tiếp Di tích Đồi A1 trưng bày 73 hiện vật, tặng phẩm, ảnh,… Một trong những hiện vật để lại ấn tượng và xúc động cho du khách là chiếc khăn quàng mang số hiệu BQLDTTĐB  38/V-1.

Chiếc khăn quàng được chế tạo từ mảnh dù hàng chiến lợi phẩm thu được của quân Pháp, các chiến sĩ Điện Biên đã tận dụng cắt ra thành những tấm khăn quàng giữ ấm cho cơ thể trong suốt thời gian tham gia chiến đấu tại cứ điểm A1 năm 1954. Chiếc khăn quàng hoa văn rằn ri, nhẹ, mỏng nhưng lại giữ nhiệt tốt, thích hợp với người lính khi tham gia chiến trận.

 Trở lại với lịch sử, cách đây hơn 70 năm, tại  Đồi A1 đã diễn ra nhiều trận đánh giằng co quyết liệt mang tính quyết định giữa Quân đội nhân dân Việt Nam với Quân đội viễn chinh Pháp. Đồi A1 (cứ điểm Eliane II) là một trong 05 cao điểm phòng ngự phía Đông của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, có vị trí chiến lược quan trọng. Quân đội viễn chinh Pháp coi cứ điểm này là “cuống họng, chìa khóa sống” bảo vệ phân khu Trung tâm, trực tiếp bảo vệ căn hầm của tướng De Castries. Tại cứ điểm này, quân Pháp xây dựng trận địa phòng ngự kiên cố với binh lực, hỏa lực mạnh bố trí thành 03 phòng tuyến. Phòng tuyến thứ nhất ở chân Đồi A1, có “lô cốt cây đa cụt”. Phòng tuyến thứ hai ở vị trí lưng chừng đồi nhằm chi viện cho tuyến ngoài và giữ vững hệ thống phòng tuyến thứ ba. Phòng tuyến thư ba ở trên đỉnh đồi có “hầm ngầm cố thủ”. Tất cả các tuyến được bố trí liên hoàn đều có giao thông hào, lô cốt, ụ súng kiên cố và đặc biệt thuận lợi trong việc hỗ trợ chi viện cho nhau. Bên cạnh đó, cứ điểm A1 còn có pháo binh ở Mường Thanh, Hồng Cúm, hỏa lực bắn thẳng từ cứ điểm A3, C2 kết hợp với không quân, xe tăng, pháo binh sẵn sàng chi viện khi bị Quân đội nhân dân Việt Nam tấn công.

 Diễn biến trận chiến giữa Quân đội nhân dân Việt Nam với Quân đội viễn chinh Pháp tại cứ điểm A1 kéo dài 39 ngày đêm với 04 đợt tấn công và 01 đợt phòng ngự.. Khoảng 18 giờ ngày 30 tháng 3 năm 1954, các cỡ pháo của Quân đội nhân dân Việt Nam đồng loạt dội xuống dãy đồi phía Đông trong đó có cứ điểm A1. Sau loạt đạn pháo, 18 giờ 30 phút cùng ngày, các chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam đột phá các lớp rào dây thép gai tiến công vào cứ điểm. Quân Pháp chống cự quyết liệt. Hai bên giành giật nhau từng tấc đất từng mét chiến hào. Đến ngày 03 tháng 4 năm 1954, sau ba đợt tấn công liên tiếp, Quân đội nhân dân Việt Nam giành được non nửa quả đồi. Lúc này phạm vi chiếm đóng của quân Pháp ngày một thu hẹp; binh lính Pháp phải sống chen chúc trong các căn hầm chật hẹp. Thêm vào đó, nhu cầu tiếp tế của quân đồn trú bị hạn chế nhiều do đường băng của 02 sân bay ở Điện Biên đã bị Quân đội nhân dân Việt Nam cắt đứt. Thời điểm đó, lực lượng pháo cao xạ của Quân đội nhân dân Việt Nam hoạt động mạnh. Không quân Pháp phải bay ở độ cao trên 2000 mét để thả dù hàng tiếp viện cho quân đồn trú vì sợ lực lượng pháo cao xạ của Quân đội nhân dân Việt Nam bắn trúng. Vì vậy có tới 50% dù hàng thả xuống đã rơi vào trận địa của Việt Nam. Các chiến sĩ thu nhặt dù tiếp viện với quân Pháp lấy lương thực, vũ khí, thuốc men, đạn  dược... bổ sung tại chỗ. Trong điều kiện thiếu thốn, quân tư trang được cấp phát hạn chế, các chiến sĩ nảy sinh ra nhiều sáng kiến hay. Đã có sáng kiến lấy dù hàng của quân Pháp cắt ra thành nhiều mảnh to, nhỏ khác nhau. Mảnh làm chăn đắp, mảnh dùng ngụy trang, mảnh  dùng  làm  võng, mảnh dùng băng bó vết thương và mảnh làm khăn quàng,…

 Thời tiết ở Điện Biên vào thời điểm diễn ra trận đánh mưa, nắng thất thường, các chiến sĩ chiến đấu dưới các đường  giao thông hào bùn lầy hầu như về ban đêm và sáng sớm; thời tiết ở vùng rừng núi thường có sương mù và se lạnh. Để đảm bảo sức khỏe và duy trì quân số chiến đấu với quân Pháp, nhiều chiến sĩ đã dùng mảnh dù làm áo choàng và làm khăn quàng cổ, giữ ấm cho cơ thể để có được sức khỏe tốt chiến đấu đến cùng với quân Pháp và làm chủ hoàn toàn cứ điểm A1 vào lúc 4 giờ 30 phút sáng ngày 07 tháng 5 năm 1954.

Có thể khẳng định chiếc khăn quàng làm từ dù hàng thu được của quân Pháp gần gũi, gắn bó với chiến sĩ Điện Biên trong suốt mùa chiến dịch, là một trong những sáng kiến trong thiết thực trong nhiều sáng kiến của bộ đội Việt Nam trong chiến dịch Điện Biên Phủ để vượt qua khó khăn, gian khổ, kiên cường chiến đấu giành thắng lợi cuối cùng, góp phần chung vào Chiến thắng Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”của Quân đội nhân dân Việt Nam./.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
     Liên kết website
    Thống kê: 10.602.915
    Online: 18