Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954, Trung đoàn 176 - Sư đoàn 316 đã chuyển về xuôi nhận nhiệm vụ mới, được lệnh của Bộ quốc phòng Sư đoàn 316 đã trở lại chiến trường cũ để xây dựng và bảo vệ Điện Biên. Ngày 11/4/1958, Trung đoàn 176 - Sư đoàn 316 đã có mặt tại Điện Biên (khi đó là tỉnh Lai Châu) và bắt tay vào việc xây dựng doanh trại, đồng thời tập trung phát hoang để kịp sản xuất vụ mùa và chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết cho việc thành lập Nông trường quân đội.

Ngày 08/5/1958, Nông trường quân đội Điện Biên được thành lập gồm 1954 cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn 176 (Mường Ảng là một bộ phận của Nông trường quân đội Điện Biên, đến năm 1964 tách ra thành lập Nông trường Mường Ảng). Thời gian này, Nông trường quân đội  Điện Biên trực thuộc Bộ Tổng tham mưu và có nhiệm vụ vừa huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, vừa phá vỡ bom mìn, khai hoang cải tạo đồng ruộng để phát triển sản xuất, đồng thời hướng dẫn đồng bào các dân tộc phát triển sản xuất, ổn định đời sống; giữ vững bờ cõi, phên dậu Tổ quốc...làm hậu phương vững chắc cho tiền tuyến, tất cả vì miền Nam ruột thịt.

Nông trường Quân đội Điện Biên ngày ấy như một biểu tượng của sự hồi sinh, kiến thiết, xây dựng cuộc sống mới trên vùng đất chiến tranh dày đặc bom mìn. Nông trường đã đi đầu trong các phong trào thi đua, là một điểm sáng về nông nghiệp trên toàn miền Bắc. Trong kế hoạch phát triển nông trường Quân đội Điện Biên, một đại đội độc lập đã được lệnh hành quân ngược về Mường Ảng để giúp đồng bào địa phương khôi phục sản xuất, phát triển kinh tế. Năm 1964 khi Nông trường Mường Ảng tách khỏi Nông trường Quốc doanh Điện Biên, cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của công nhân Nông trường lúc này  rất khó khăn, thiếu thốn về mọi mặt nên đã tận dụng những tàn tích sau chiến tranh, để chế tạo thành các dụng cụ lao động như dao, cuốc, xẻng, đồ dùng sinh hoạt như bát sắt, bình tông, màn, đèn dầu...trong điều kiện không có điện thắp sáng vì vậy công nhân Nông trường đã sử dụng đèn bão thay thế những bóng điện; không chỉ ở Nông trường mà trong các gia đình thời kỳ này cũng sử dụng khá nhiều.

Sau khi Nông trường giải thể đã phân chia đèn bão cho gia đình ông Dương Văn Côi (công nhân Nông trường Mường Ảng), ông đã sử dụng và lưu giữ làm kỉ vật một thời gắn bó với Nông trường. Đèn có hình dáng rất thon gọn có chân đế rộng, đồng thời là bình chứa dầu trên bình chứa có nút để đổ dầu và nút điều chỉnh bấc đèn, chính giữa có ống dẫn để luồn tim đèn bằng vải bấc dẫn dầu để đốt sáng, thân đèn được làm bằng các thanh sắt nhỏ quấn quanh bóng đèn, có tác dụng bảo vệ bóng đèn, tuy nhiên bóng đèn đã bị vỡ. Bình chứa dầu và ống thông hơi được nối với nhau bằng 2 thanh kim loại lớn, trên 2 thanh kim loại có gắn 1 thanh sắt nhỏ làm tay cầm. Trên thân có in dòng chữ Hán: “Khai Hoa Quang và Khai Đăng Bão Hoa Quang Hải Thượng”.

          Sau nhiều năm xây dựng và phát triển, Nông trường Mường Ảng đã đạt nhiều thành tích quan trọng, đặt nền móng cho sự phát triển của Điện Biên hôm nay. Vì vậy, việc lưu giữ, bảo quản, nghiên cứu và phát huy giá trị của những hiện vật Nông trường là việc làm cần thiết nhằm giáo dục cho thế hệ trẻ hiểu hơn về lịch sử và sự đóng góp của cán bộ, công nhân Nông trường Mường  Ảng trên mảnh đất Điện Biên anh hùng.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Liên kết website
Thống kê: 10.283.472
Online: 69