Từ lâu đời, người Cống có tập quán sống ở những vùng đất tương đối thấp, bên các sườn đồi và ở gần nguồn nước, thuận tiện cho việc canh tác và đời sống sinh hoạt hàng ngày. Do đó trong các hoạt động sản xuất, phát triển kinh tế chủ yếu họ làm rẫy, trồng lúa nước, chăn nuôi gia súc gia cầm...Đối với tập quán xã hội và tín ngưỡng của dân tộc Cống, lễ Mừng cơm mới là một trong những lễ quan trọng, không thể thiếu trong đời sống tinh thần của đồng bào.

Nghi lễ truyền thống này đã có từ xa xưa, gắn liền với tập quán canh tác nông nghiệp của người Cống. Cũng như nhiều dân tộc khác sinh sống trên địa bàn, người Cống phát triển kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, với tập quán canh tác lúa trên các thửa ruộng, trên nương rẫy. Phát huy đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, nhớ tới công lao của những thế hệ đi trước đã chỉ dạy những kinh nghiệm trong lao động sản xuất, mỗi khi thu hoạch mùa vụ lúa mới, đồng bào tổ chức lễ Mừng cơm mới để cúng mời tổ tiên về dự lễ.

Các thành viên trong gia đình lấy lúa làm cốm

Thời gian tổ chức lễ Mừng cơm mới cũng được các gia đình trong từng dòng họ lựa chọn kỹ càng, sau khi ấn định được ngày tổ chức, gia chủ sẽ thông báo họp gia đình, tuyên bố ngày tổ chức lễ và phân công chuẩn bị đồ lễ, vật dụng cũng như thống nhất các tiết mục văn nghệ, trò chơi dân gian vui trong ngày lễ. Thời gian  được tổ chức trong một ngày, duy nhất có dòng họ Mào sẽ tổ chức lễ  trong hai ngày. Các lễ vật trong mâm cúng của các gia đình gồm có: Gà trống, bát cốm, rượu cần, bông lúa, quả dưa chuột, lá dong. Tuy nhiên ngoài những đồ lễ trên với mỗi dòng họ lại có sự chuẩn bị đồ lễ cúng khác nhau như dòng họ Chảo có thêm củ kiệu, củ gừng, dưa chuột; dòng họ Lùng có thêm  chén bột cốm; với dòng họ Mào chuẩn bị thêm dưa nộm, cá sấy.

Đến ngày tổ chức lễ, khi gia đình chuẩn bị đồ lễ xong, mọi người trong gia đình tập trung trước ban thờ làm lễ cúng tổ tiên.

Chủ nhà dòng họ Lùng, thực hiện nghi thức cúng mời tổ tiên (lễ vật sống)

Lúc này chủ nhà mang con gà con sống đến trước ban thờ thực hiện nghi lễ cúng báo tổ tiên, ông bà, bố mẹ và những linh hồn đã mất xin phép được mời về chứng giám cho lòng thành của con cháu và được quét dọn ban thờ, đốt lửa bếp thiêng để làm lễ cúng. Sau khi chủ nhà khấn báo xong, những thành viên trong gia đình sẽ mang con gà đi chế biến để tiếp tục nghi lễ cúng chín.

Nghi lễ tiếp theo là nghi lễ cúng mời tổ tiên, ông, bà, bố, mẹ lần hai (đồ cúng chín). Khi gia đình đã luộc con gà trống ban đầu đã dâng cúng xong, tiếp đến là nghi lễ cúng mời tổ tiên bằng đồ lễ chín gồm có: gà luộc, 01 bát cốm, 01 ống rượu cần, 02 bông lúa.

Chủ nhà dòng họ Mào thực hiện nghi thức cúng mời tổ tiên (lễ vật chín)

Ngoài ra đối với dòng họ Lùng chuẩn bị thêm 02 chén đựng bột cốm. Các lễ vật chuẩn bị xong, chủ nhà cùng các con cháu tiến hành nghi lễ cúng mời tổ tiên, ông, bà, bố mẹ và thần linh về hưởng thụ lễ. Chủ nhà vừa khấn mời, vừa lấy mỗi thứ một ít thịt gà, xôi, cốm gói vào lá dong rồi rắt lên ban thờ với ý nghĩa dâng mời tổ tiên, ông bà, bố mẹ, thần linh hưởng thụ.

Sau khi chủ nhà mời đồ ăn sẽ mời tổ tiên uống rượu cần. Lúc này tay cầm một thanh que tre nhỏ, chấm vào hai ống hút rượu cần để bên cạnh bếp lửa thiêng của gia đình và thực hiện nghi lễ khấn mời. Nghi lễ tiếp theo đó chủ nhà cúng mời chim và ve sầu về ăn cám, cốm mùa vụ mới, với ý nguyện chim và ve sầu sẽ kêu báo cho dân bản thời điểm gieo cấy đúng thời gian để cây lúa phát triển tốt, được mùa bội thu.

Để xua đi ốm đau, bệnh tật và cầu mong sức khoẻ, may mắn cho từng thành viên trong gia đình, chủ nhà sẽ phải thực hiện nghi lễ gọi hồn với quan niệm ở mỗi con người dù còn sống hay đã chết đều có một linh hồn trú ngụ, vì vậy muốn cho linh hồn khoẻ mạnh, không bị lạc lối, không đi lang thang phải thực hiện giữ hồn bằng cách gọi hồn về để hưởng thụ đồ lễ.

 

Nghi thức cúng gọi hồn cho thành viên trong gia đình (lễ vật sống)

Bất cứ thành viên nào trong gia đình cũng được gọi hồn, đặc biệt là những thành viên hay bị ốm đau, bệnh tật hoặc không gặp may mắn trong cuộc sống.  Để thực hiện gọi hồn cho các thành viên, gia đình sẽ phải chuẩn bị cho từng thành viên của mình 01 con gà trống, 01 bát gạo sống, trên có để 1 vòng tay kim loại, 01 quả trứng và cắm que tăm bông trên cùng, 01 túi vải, 01 nến sáp ong. Cũng tuỳ vào dòng họ mà sự chuẩn bị đồ lễ cho từng thành viên lại có sự khác nhau, như dòng họ Chảo chuẩn bị thêm cho vợ chủ nhà 01 con lợn để gọi hồn. Dòng họ Mào chỉ cần 01 bát gạo, bên trên có 01 vòng tay kim loại, 01 quả trứng và tăm bông cắm trên cùng sử dụng làm vật cúng chung cho các thành viên, tuy nhiên mỗi thành viên vẫn phải có 01 con gà, hoặc lơn riêng khi gọi hồn cho mình. Đồ lễ chuẩn bị xong, chủ nhà thực hiện nghi lễ cúng gọi hồn cho các thành viên trong gia đình bằng hai nghi lễ cúng. Cúng lần thứ nhất lễ vật là con gà, hoặc lợn còn sống; cúng lần thứ hai lễ vật là con gà hoặc lợn đã luộc chín.

Các gia đình thuộc dòng họ Mào cũng thực hiện nghi lễ Cúng cơm mới như bao gia đình thuộc các dòng họ Lùng, Lý, Hùng, Chảo, Lò trong bản. Tuy nhiên, thời gian tổ chức nghi lễ của dòng họ Mào được kéo dài trong 2 ngày, gia chủ sẽ thực hiện các nghi lễ cúng báo tổ tiên, ông bà, bố mẹ và cúng mời tổ tiên, ông bà, bố mẹ vào buổi chiều của ngày đầu tiên diễn ra lễ, sang đến sáng ngày thứ 2, gia chủ sẽ thực hiện nghi lễ cúng cơm mới vào sáng ngày hôm sau. Mâm lễ cúng cơm mới gồm có cá suối sấy khô, dưa nộm, cốm đã đồ chín và ống rượu cần được làm từ cốm mới.

Múa xòe đoàn kết

Trong những ngày tổ chức lễ Mừng cơm mới, các gia đình trong bản tập trung đông đủ, không chỉ tham gia các nghi lễ để cầu mong tổ tiên, ông bà, bố, mẹ phù hộ cho mùa màng được bội thu, mọi thành viên trong gia đình có sức khỏe may mắn, đặc biệt là cá tiết mục dân ca, dân vũ, trò chơi truyền thống được người dân trong bản tham gia sôi nổi. Qua đó không những thể hiện tinh thần đoàn kết của người dân trong bản, mà còn là những khoảng thời gian bên nhau để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong lao động sản xuất và trong cuộc sống; đồng thời phát huy giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc Cống.

                                                             


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Liên kết website
Thống kê: 10.283.464
Online: 73