Trong bất cứ chiến dịch nào, công tác địch vận cũng vô cùng quan trọng, được Bộ chính trị trung ương Đảng và Bộ chỉ huy các chiến dịch quan tâm sâu sát. Cơ quan chính trị trong mọi điều kiện, hoàn cảnh luôn đẩy mạnh địch vận, tích cực kêu gọi đầu hàng, nhằm tránh những tổn thất cho cả hai phía.

Chiến dịch Điện Biên Phủ là trận chiến quy mô lớn, có ý nghĩa quyết định tới cục diện chiến trường Đông Dương. Địch xây dựng Tập đoàn cứ điểm phòng ngự tại đây để bẫy Quân đội ta đến để tiêu diệt. Bằng quyết tâm “đánh chắc thắng” ta cũng đã xây dựng trận địa tấn công và bao vây, đối đầu với kế hoạch quân sự của Pháp. Bên cạnh việc chuẩn bị các điều kiện để chiến đấu, ta cũng chuẩn bị rất nhiều nội dung truyền đơn, biểu ngữ để làm công tác địch vận.

Kinh nghiệm từ chiến dịch hòa Bình năm 1951, các đơn vị làm địch vận khéo léo, vô cùng hiệu quả nên đã có vô số hàng binh, có cả một tiểu đoàn Bắc Phi không chịu ra trận. Truyền đơn được rải khắp nơi khiến cho binh lính địch không kháng cự mấy hoặc đầu hàng ngay khi vừa đối đầu quân ta.

Nội dung những tờ truyền đơn, biểu ngữ, tranh cổ động hay loa kêu gọi đều dựa vào sự thật, nói lên sự thật và những chính sách khoan hồng của ta. Ta đem những tin chiến thắng của ta ở khắp các mặt trận và thất bại của Pháp, sự lúng túng trong chỉ huy và nguy cơ thất bại ngày càng cao thông báo cho chúng biết làm lung lay tinh thần và ý chí chiến đấu. Bên cạnh đó cuộc sống khổ cực, tù túng, không được tiếp tế đầy đủ, đói khát, bệnh tật đe dọa và có thể bị bỏ rơi hoặc chết bất cứ lúc nào khiến chúng cảm thấy bất an, hoảng loạn. Ta cần làm chúng nhận thức được rằng nên đầu hàng, quay trở lại tổ quốc đoàn tụ với gia đình, người thân thay vì tiếp tục chiến đấu một cách vô nghĩa.

Mỗi khi quân cơ động địch tập trung là cơ hội rất tốt để ta làm địch vận. Ta đã biết chọn thời điểm khi địch bị dồn vào đường cùng, đang trong thế thua, bị cô lập, bao vây thì địch vận lại càng có tác dụng. Một tờ truyền đơn, biểu ngữ hay loa gọi ra hàng đúng lúc chính là đã mở ra lối thoát cho chúng. Vì vậy bằng mọi cách phải làm cho từng tờ truyền đơn tới được tay quân Pháp, gọi loa cho địch nghe thấy, căng được biểu ngữ, tranh cổ động cho địch nhìn thấy. Mỗi cán bộ, chiến sĩ làm công tác địch vận đã tổ chức khéo léo, kiên nhẫn, linh hoạt, nhanh nhẹn trong từng cách thức thực hiện. Từng chiến sĩ luồn lách trong đêm, đi tới từng vị trí gần địch nhất có thể để phát tán tài liệu, hoặc làm bè, mảng thả sông, suối; có những lúc còn bắn truyền đơn bằng súng cối.

Trong trận truy kích địch, giải phóng Thị xã Lai Châu giữa tháng 12/1954, khi đuổi kịp một toán địch tại ngã ba suối Nậm Nhè gần Mường Toong một trung đội của ta đã kêu gọi 90 tên địch ra hàng và giao nộp vũ khí. Tiếp đó, trên con đường từ xã Quảng Lâm đi Mường Toong có một nhóm ngụy binh Thái gồm 11 tên với đủ vũ khí, chúng đều tháo băng đạn và sắp súng tại một nơi ngồi chờ bộ đội đến để ra hàng. Chúng viết một mảnh giấy gài ven đường cho ta dễ thấy, trong đó có câu: “Chúng tôi là những người lầm đường, nếu bộ đội bằng lòng thì chúng tôi đem nộp súng theo bộ đội”. Sau đó chúng xin hàng, được ăn uống và nghe giải thích chính sách, 9 người được thả quay về nhà, còn lại 2 người ở lại giúp ta vận động những ngụy binh khác còn đang lẩn trốn. Họ viết khẩu hiệu bằng tiếng địa phương dán ở các ngả đường, viết thư nhờ dân gửi cho những người quen còn đang lẩn trốn trong rừng. Nhờ đó có nhiều ngụy binh ra hàng với miếng vải trắng buộc ở đầu súng, chúc mũi xuống đất.

Tinh thần binh lính địch vốn đã bạc nhược, đây là điểm yếu rất lớn đã bị ta nắm được và khoét sâu. Trên khắp các chiến trường phối hợp, tin tức địch đào ngũ, giải ngũ ngày càng nhiều. Ở Nam Bộ 3 tháng cuối năm 1953 và đầu năm 1954, trên 1 vạn ngụy binh quay đầu về với ta. Ở Bắc Bộ, hàng chục đại đội địch đấu tranh không chịu ra trận. Ở Trung bộ, tại Pleiku, bộ đội ta tập kích và kêu gọi được 1 đại đội địch ra hàng. Phong trào quay súng bắn lại giặc trong chiến đấu cũng lẻ tẻ xuất hiện. Còn tại Điện Biên Phủ, tình cảnh của địch còn bi đát hơn, rất nhiều lính ngụy binh trốn ra, lính Âu Phi lúc giáp trận cũng thường xuyên bỏ chạy toán loạn.

Ta nhận định:

“Một tên địch nhặt được truyền đơn là có lợi cho ta.

Một tên địch hiểu chính sách, mau chóng đầu hàng là có lợi cho ta.

Một tên địch chạy sang là có lợi cho ta.

Một tên địch đấu tranh gây khó khăn cho chỉ huy là có lợi cho ta.”

Vì vậy cần phải “Nâng cao tuyên truyền binh lính địch lên một bước nữa. Càng ngày càng phải tích cực làm địch vận, làm được thì chúng sẽ mau chóng tan rã. Làm được tức là dễ dàng biến vị trí của chúng thành trại tù hàng binh của ta”. Chỉ tính riêng từ 3/2 đến 26/2 ta đã giải được 33.000 truyền đơn biểu ngữ gồm 50 loại, cắm 100 khẩu hiệu lớn viết trên giấy, treo 2 tranh to, làm 2 phòng thông tin, dán 1 bảng thông tin, đưa 300 thư tay của tù hàng binh kêu gọi bạn bè, thả 7 chiếc bè chuối có truyền đơn tranh ảnh, ngoài ra còn bố trí nhiều trận địa địch vận quanh vị trí địch và những chỗ chúng hay lui tới.

Ngay từ giai đoạn đầu của cuộc chiến, ta đã đẩy mạnh công tác địch vận. Thắng lợi giòn giã, nhanh chóng tại Him Lam và Độc Lập đã khiến hàng ngũ địch sợ sệt lo lắng. Tại Bản Kéo, hàng ngũ binh lính địch nhốn nháo, ngay cả chỉ huy ở đây cũng trốn chui lủi trong hầm vì sợ đại bác của quân ta. Đa số lính ở đây là lính Thái đã giữ những tờ truyền đơn trong tay và muốn ra hàng bộ đội, chờ cơ hội là chạy trốn. Cùng lúc đó, tiếng loa của QĐNDVN kêu gọi lính Thái hãy trở về mường bản, không theo Pháp, không dùng súng giết hại đồng bào. Nhiều truyền đơn được tán phát cả bên trong cứ điểm. Dưới chân đồn Bản Kéo xuất hiện một bức tranh lớn. Đập vào mắt mọi người là hình ảnh một đoàn lính Thái rời bỏ vị trí kèm theo dòng chữ: "Quay trở về với Tổ quốc, với đồng bào, các anh sẽ được đón tiếp tử tế". Đến chiều ngày 16/3, vừa đói khát, vừa lo sợ bộ đội Việt Nam sắp đến, lính Tây, lính Thái bỏ đồn chạy toán loạn. Hàng binh Thái chạy về phía ta khá nhiều, cảm thấy sung sướng, may mắn vì được thoát khỏi sự đàn áp của lính Tây, quay trở về với quân đội mình. Như vậy, không cần tốn một viên đạn, ta đã giải quyết nhanh gọn cứ điểm này. 3 cụm cứ điểm quan trọng ở phía Bắc và Đông Bắc đã thông thoáng, mở sẵn cánh cửa để ta tiến sâu hơn vào trung tâm Mường Thanh. Trước đó ngày 13/3, 139 tên thuộc trung đoàn cơ động ngụy ở Nam định đã mang vũ khí ra hàng ta. Đây là một cuộc phản chiến, đào ngũ tập thể của binh lính ngụy sau cuộc đào ngủ của 800 tên ở trường ngụy quân Quảng Yên và 2 đại đội Thái ở Điện Biên Phủ.

Cứ như vậy trong suốt 56 ngày đêm của chiến dịch Điện biên Phủ ta đã làm rất tốt công tác địch vật, càng đánh mạnh càng phải khắc phục mọi khó khăn để phát triển địch vận. Không có giấy thì làm bằng lá, bằng tre, cắt chữ từ báo cũ; không in được thì viết tay, không có mực thì lấy nhọ nồi, …, phải khiến cho chúng không muốn nhìn cũng phải nhìn, không muốn đọc cũng phải đọc. Mỗi tờ truyền đơn, biểu ngữ được ví như mỗi viên đạn, nếu đặt đúng chỗ thì đem lại hiệu quả tốt làm giảm sút tinh thần chiến đấu của địch, ta đỡ tốn xương máu trong chiến đấu. Bên cạnh đó, ta còn chủ trương thả tù binh bị thương nặng sau mỗi trận đánh vào vị trí địch làm cho chúng thấy rõ chính sách nhân đạo của ta, cảm phục cử chỉ của ta do đó sẽ thấy chiến đấu chống ta là vô nghĩa. Thêm một tên địch nằm trong nhà thương của chúng là thêm một khó khăn cho chúng trong điều kiện tiếp tế ít ỏi, hạn chế.

Cho đến ngày cuối cùng của chiến dịch, dù biết địch không còn đường lui, để tránh thương vong, tại Hồng Cúm ta vẫn dùng loa kêu gọi số lính còn lại ra hàng, đáng tiếc chúng cố thoát thân, tìm cách chạy sang Thượng Lào, bị ta truy đuổi và tóm gọn.

Ngay sau khi bắt được De Castries, ở Mường Thanh, từ 5 phía quân đồn trú Pháp tại Điện Biên Phủ với đủ mọi đơn vị tinh nhuệ bậc nhất của Pháp lần lượt ra hàng dưới sự hướng dẫn, chỉ đường của ta. Đối với nhiều người, sau gần 2 tháng chịu trận chúng mới lại thấy bầu trời xanh, hít thở không khí trong lành, được một bữa no và cảm thấy mình còn sống.

Trong chiến dịch này, ta đã kết hợp binh - địch vận với tác chiến, đẩy mạnh công tác địch vận trong chiến đấu; đưa công tác binh - địch vận trở thành một trong ba mũi giáp công (chính trị; quân sự; binh-địch vận) đã góp phần không nhỏ đưa đến thắng lợi cuối cùng của quân và dân ta./.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Liên kết website
Thống kê: 10.150.464
Online: 122