Tự hào với truyền thống cách mạng vẻ vang, người Ðiện Biên nói chung, Mường Phăng nói riêng luôn tự hào vì có khu di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Ðiện Biên Phủ. Nơi đây là địa danh gắn liền với Ðại tướng Võ Nguyên Giáp trong thời gian chỉ huy Chiến dịch Ðiện Biên Phủ. Bởi thế, sau 70 năm, bên cạnh việc bảo tồn, gìn giữ, các cấp, ngành và cả người dân nơi đây đang cố gắng phát huy giá trị di tích đặc biệt này để phát triển du lịch, đưa Mường Phăng trở thành “địa chỉ đỏ” trong mỗi cuộc hành hương về với cội nguồn của lịch sử, của chiến thắng vẻ vang năm xưa.

Thông tin từ Ban Quản lý Di tích tỉnh, năm 1962, Di tích Chiến trường Ðiện Biên Phủ được xếp hạng là Di tích cấp Quốc gia, đến năm 2009, được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định xếp hạng là Di tích cấp Quốc gia đặc biệt, trong đó có di tích Sở Chỉ huy chiến dịch Ðiện Biên Phủ tại Mường Phăng. Ðược sự quan tâm của Ðảng và Nhà nước, Sở Chỉ huy chiến dịch Ðiện Biên Phủ được đầu tư kinh phí phục vụ công tác trùng tu, tôn tạo phát huy giá trị di tích với nhiều hạng mục chính như: Ðường vào tham quan di tích dài 1.300m, gồm 12 ngôi lán ở và làm việc của Bộ chỉ huy chiến dịch, 3 đường hầm trong đó có đường hầm xuyên núi dài 69m, các biển, bảng bia chỉ dẫn, nhà đón tiếp khách tham quan rộng 135m2... và các hạng mục phụ trợ khác. Ngoài di tích trên, tại xã Mường Phăng còn một số điểm di tích khác, như: Ðài quan sát trên đỉnh Pú Tó Cọ, Khu bia Tổng cục Hậu cần, Ủy ban Kháng chiến tỉnh Lai Châu, Bãi duyệt binh mừng chiến thắng; Khu Tòa soạn Báo Quân đội Nhân dân Việt Nam vẫn đang được bảo vệ gần như nguyên vẹn.

Khách du lịch tới thăm di tích Sở Chỉ huy chiến dịch Ðiện Biên Phủ trong dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Hiện nay, di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Ðiện Biên Phủ do Ban Quản lý Di tích tỉnh quản lý luôn là địa điểm hấp dẫn du khách tới tham quan, tìm hiểu lịch sử về giai đoạn kháng chiến chống Pháp cách đây 70 năm. Ðể phát huy giá trị di tích, đơn vị đã tăng cường công tác nghiên cứu, sưu tầm các tài liệu, hiện vật, bố trí lực lượng bảo vệ, quản lý, thuyết minh viên túc trực sẵn sàng phục vụ du khách. Ðặc biệt, với di tích có ý nghĩa gắn bó quan trọng với Mường Phăng, tất cả cán bộ, viên chức, người lao động đang làm việc tại đây đều là người gốc Mường Phăng. Ông Lò Văn Hoàng, Tổ trưởng Tổ quản lý di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Ðiện Biên Phủ cho biết: “Thời gian qua, di tích đón rất nhiều đoàn về thăm, đặc biệt trong dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Ðiện Biên Phủ. Các đoàn đến Ðiện Biên hầu như đều đến dâng hương Khu tưởng niệm Ðại tướng Võ Nguyên Giáp và tham quan di tích. Như các năm trước thì thời điểm đông khách nhất vào dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5; ngày không phải lễ thì tập trung vào cuối tuần. Các tháng 6, 7, 8 thì vắng khách hơn do là mùa mưa, khách ít lên du lịch Tây Bắc. Dịp đông nhất có khi chúng tôi tiếp đón, phục vụ gần 2.000 lượt khách/ngày”.

Du khách chụp ảnh lưu niệm tại di tích Sở Chỉ huy chiến dịch Ðiện Biên Phủ.

Nắm giữ tài nguyên du lịch đầy tiềm năng, người dân Mường Phăng cũng đã biết khai thác lợi thế đó để mở các loại hình dịch vụ, thương mại thay thế cho canh tác nông nghiệp truyền thống. Nhờ hệ thống giao thông được nâng cấp, đồng bộ, nối khu di tích với các tuyến quốc lộ 12, trung tâm TP. Ðiện Biên Phủ mà lượng khách du lịch đến với Mường Phăng cũng đông hơn nhiều lần. Bám vào các tuyến đường mới mở, nhiều hộ dân tại bản Phăng 2 đã mở các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, quà lưu niệm… phục vụ du khách tham quan. Nhờ đó, cuộc sống người dân, diện mạo nông thôn mới xã Mường Phăng đã có đổi thay đáng kể so với trước đây. Theo thống kê của UBND xã Mường Phăng, hiện trên địa bàn đang có 37 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và dịch vụ ăn uống.

Chị Cà Thị Xuân, bản Phăng 2, xã Mường Phăng sắp xếp lại các mặt hàng phục vụ khách du lịch.

Gia đình chị Cà Thị Xuân, bản Phăng 2 mở nhà hàng Xuân Tiến phục vụ các món ăn dân tộc ở ngay gần cổng Khu di tích. Ngoài ra, chị Xuân còn mở thêm một gian hàng ngay trong khuôn viên Khu di tích kinh doanh các mặt hàng quà lưu niệm, đặc sản địa phương.

Các di tích trên địa bàn xã Mường Phăng là nguồn tài nguyên du lịch vô cùng quý giá của tỉnh Ðiện Biên. Ngoài giá trị văn hóa lịch sử, Mường Phăng còn là một trong những khu bảo tồn tự nhiên đa dạng với nhiều loài động thực vật quý hiếm. Ngay cạnh khu di tích là các bản văn hóa truyền thống người Thái với những nếp nhà sàn đơn sơ, độc đáo, nét văn hóa truyền thống, ẩm thực đặc sắc. Tất cả góp phần tạo nên sức hấp dẫn riêng có, một chuyến tham quan đầy ý nghĩa, trải nghiệm cho du khách khi đến với Mường Phăng.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Liên kết website
Thống kê: 10.283.423
Online: 49