Nhằm duy trì, phát triển các môn thể thao truyền thống trên địa bàn, các cấp, ngành, địa phương luôn lồng ghép vào các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể thao được tổ chức vào các dịp lễ, tết, liên hoan, ngày hội, giao lưu… Thông qua đó, đã góp phần giới thiệu, bảo tồn các môn thể thao dân tộc, góp phần thúc đẩy phong trào thể dục thể thao quần chúng, từng bước nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh.
Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp cùng nhân dân huyện Mường Nhé luôn ý thức việc phải giữ gìn, bảo tồn các môn thể thao truyền thống của các dân tộc sinh sống trên địa bàn huyện. Vì vậy, hầu như năm nào, huyện cũng đều lồng ghép tổ chức thi đấu các bộ môn thể thao truyền thống đan xen cùng những môn thể thao hiện đại trong Ngày hội Văn hóa Thể thao các dân tộc, các dịp lễ, tết. Những môn thể thao truyền thống như: Bắn nỏ, đẩy gậy, kéo co… đã mang lại sự hấp dẫn đặc biệt, thu hút đông đảo người dân tham gia thi đấu và cổ vũ rất nhiệt tình. Đặc biệt, các môn thể thao truyền thống đã góp phần giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc sinh sống trên địa bàn huyện.
Vận động viên thi đấu môn kéo co trong Ngày hội Văn hóa Thể thao các dân tộc TP. Điện Biên Phủ
Dịp nghỉ lễ 2/9 vừa qua, Mường Nhé tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc huyện năm 2024. Tuy năm nay, huyện cực Tây dành mọi nguồn kinh phí để tập trung khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ nên không tổ chức các họat động văn hóa, văn nghệ. Mặc dù vậy, ngày hội văn hóa các dân tộc huyện Mường Nhé năm nay vẫn diễn ra nhiều hoạt động thể thao dân tộc, mang đến không khí sôi nổi, hào hứng cho nhân dân các dân tộc trên địa bàn. Ông Trần Kỳ Năng, Giám đốc Trung tâm Văn hóa – Truyền thanh – Truyền hình huyện Mường Nhé cho biết: “Trong khuôn khổ Ngày hội Văn hóa vừa qua, huyện tổ chức một số trò chơi dân gian như: Bịt mắt bắt vịt, đu dây, Tó Má Lẹ, cà kheo, bịt mắt đập niêu, đi cầu khỉ, tung còn. Đặc biệt, là những điệu múa khèn Mông được biểu hiện qua tiết tấu đa dạng, biến hóa khi thổi khèn kết hợp vũ điệu uyển chuyển, nhịp nhàng khi múa làm cho chương trình thêm hấp dẫn; thể hiện bản sắc văn hóa đặc sắc, tạo nên bản sắc văn hóa độc đáo riêng của đồng bào dân tộc Mông. Qua đó góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát huy các môn thể thao truyền thống đặc trưng của các dân tộc trên địa bàn huyện”.
Để duy trì và phát triển mạnh hơn nữa các môn thể thao truyền thống dân tộc Thái, cuối năm 2023 vừa qua, Ban Tổ chức bảo tồn phục dựng các môn thể thao dân tộc truyền thống, trò chơi dân gian dân tộc Thái tổ chức thi đấu thực nghiệm các môn Tung còn, Tó sáng, Tó má lẹ, Tó phại tại nhà Văn hóa bản Nà Sự, xã Chà Nưa, huyện Nậm Pồ. Tham gia thi đấu thực nghiệm có 6 đội với hơn 100 vận động viên đến từ các bản Nà Sự, Nà Ín, Nà Cang, Pa Có và bản Cấu xã Chà Nưa. Các vận động viên thi đấu thực nghiệm nội dung ở các môn: Môn Tung còn 2 nội dung, môn Tó sáng 2 nội dung, Tó má lẹ 2 nội dung, môn Tó phại 1 nội dung
Ông Phạm Trung Hiếu, Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT, Phó trưởng Ban Tổ chức cho biết: “Tại các buổi thi đấu thực nghiệm các vận động viên đã thể hiện được đúng bản sắc dân thộc Thái (ngành Thái trắng). Qua thi đấu các vận động viên hiểu và nắm rõ cách chơi, cách thức tổ chức thi đấu các môn thể thao dân tộc. Để khi về cơ sở những vận động viên này là những hạt nhân, nòng cốt trong việc tuyên truyền hướng dẫn người dân tập luyện và tham gia chơi nhằm nâng cao sức khỏe để phát triển kinh tế gia đình, đồng thời quảng bá các môn thể thao dân tộc, trò chơi dân gian cho khách du lịch trong và ngoài nước được trải nghiệm khi đến địa phương”.
“Ngoài ra, vào dịp lễ, Tết, các địa phương trong toàn tỉnh tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, thể thao, lồng ghép vào đó là các trò chơi dân gian, thi đấu các môn thể thao truyền thống. Từ những hoạt động này đã bảo tồn và phát huy được các môn thể thao truyền thống trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, cũng phát hiện, bồi dưỡng nhiều vận động viên có năng lực để tham dự các giải thể thao từ cấp huyện đến cấp tỉnh. Từ nay đến cuối năm, Trung tâm sẽ triển khai các nội dung thuộc Dự án 6, Chương trình 1719 có nhiều nội dung liên quan đến công tác bảo tồn, phát huy các môn thể thao truyền thống lồng ghép vào các hoạt động trong cộng đồng các dân tộc thiểu số trên địa bàn toàn tỉnh…” – Ông Phạm Trung Hiếu cho biết thêm.
Từ điểm tựa là các môn thể thao truyền thống, đến nay cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” tiếp tục được duy trì, phát triển với nhiều hình thức thu hút được đông đảo cán bộ, quần chúng nhân dân tham gia tập luyện. Tính đến tháng 9/2024 số người tập luyện thể dục thể thao thường xuyên trên địa bàn toàn tỉnh là 230.151 người, chiếm 33,72% trên dân số toàn tỉnh, trong đó có toàn tỉnh có 438 câu lạc bộ thể dục thể thao cơ sở… trong đó có nhiều người luyện tập các môn thể thao truyền thống, góp phần thúc đẩy phong trào thể dục thể thao quần chúng trên địa bàn tỉnh phát triển.