Điện Biên là một tỉnh biên giới Tây Bắc; cách Thủ đô Hà Nội khoảng 500km, là tỉnh duy nhất có chung đường biên giới với 2 quốc gia Lào và Trung Quốc. Điện Biên được coi là tỉnh có nhiều tiềm năng, lợi thế về yếu tố lịch sử, tự nhiên và văn hóa, là điều kiện và cơ hội rất lớn để phát triển du lịch. Với sự đa dạng về tài nguyên giúp tỉnh định hướng phát triển các loại hình du lịch khác nhau như du lịch văn hoá, du lịch lịch sử, sinh thái, mạo hiểm, du lịch nghỉ dưỡng kết hợp chăm sóc sức khỏe,...
Đèo Pha Đin nơi cửa ngõ Điện Biên
Để tới Điện Biên, du khách có thể đi bằng đường bộ hoặc đường hàng không. Theo đường bộ, di chuyển từ trung tâm Hà Nội đến Điện Biên thì sẽ phải vượt qua quãng đường dài khoảng 500 km qua Quốc lộ 6. Đến cửa ngõ Điện Biên, du khách sẽ vượt qua Đèo Pha Đin, là di tích thành phần thuộc di tích Chiến trường Điện Biên Phủ. Vang danh là một trong “tứ đại đỉnh đèo” Tây Bắc, Pha Đin được du khách cực kì ưa thích bởi vẻ đẹp hoang sơ, kỳ vĩ nhưng cũng không kém phần thơ mộng. Để trải nghiệm Pha Đin đủ đầy hơn, du khách nên đến thăm các khu du lịch được xây dựng quanh khu vực đỉnh đèo như Pha Đin Top, Pha Đin Pass, Pu Pha Đin… Vào dịp cuối tuần, nhất là trong mùa du lịch đầu năm, Pha Đin đón hàng ngàn lượt khách cả trong và ngoài tỉnh.
Mỗi dịp xuân về, Điện Biên lại ngập tràn sắc trắng hoa ban
Hành trình khám phá Điện Biên sẽ tiếp tục đưa chân du khách đến với thành phố Điện Biên Phủ. Nhìn từ trên cao, cánh đồng Mường Thanh được bao bọc bởi dòng Nậm Rốm và những ngọn núi cao trập trùng, vẽ nên một tác phẩm nên thơ. Đây cũng là vùng đất cư ngụ lâu đời của người Thái đen. Đối với du khách yêu thích du lịch cộng đồng, muốn tìm hiểu văn hoá bản địa thì các bản văn hóa như: Him Lam, Phiêng Lơi, Co Mỵ, bản Mển, Bản Ten,… là điểm lựa chọn phù hợp.
Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ luôn thu hút đông đảo nhân dân, du khách đến tham quan, trải nghiệm
Điểm nổi bật cũng là lời mời gọi tiêu biểu nhất của du lịch Điện Biên tới du khách chính là chiến thắng Điện Biên Phủ. Chiến trường xưa và nay là Di tích Chiến trường Điện Biên Phủ được Thủ tướng Chính phủ công nhận là di tích Quốc gia đặc biệt, một sản phẩm du lịch đặc trưng, riêng có của tỉnh Điện Biên. Di tích gồm 45 điểm di tích thành phần nằm liên hoàn, chủ yếu tập trung trên địa bàn thành phố Điện Biên Phủ và huyện Điện Biên. Tất cả tạo nên bức tranh về cuộc chiến tranh nhân dân thần kỳ sống động, một bài học lịch sử vẻ vang không thể quên của dân tộc Việt Nam. Ngoài di tích chiến trường, du khách có thể thăm các công trình tôn vinh, tưởng niệm như Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ, Đền thờ liệt sĩ tại chiến trường Điện Biên Phủ, Nghĩa trang Quốc gia A1 và nhiều công trình văn hoá, lịch sử khác.
Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ là công trình mang tính biểu tượng của Điện Biên
Cách thành phố Điện Biên Phủ khoảng 20km, nằm giữa vùng thiên nhiên trùng điệp là thắng cảnh Hồ Pá Khoang. Nơi đây được Chính phủ quy hoạch thành Khu du lịch Quốc gia Điện Biên Phủ - Pá Khoang. Tham quan hồ Pá Khoang, du khách có thể đi thuyền tới các đảo, lên Đảo Hoa ngắm hoa anh đào dịp mùa xuân, có thể đi bộ xuyên rừng hay ghé thăm các bản của người dân tộc Thái, Khơ Mú sinh sống nơi vùng lòng hồ.
Cũng là một vùng mênh mang sông nước, song trải nghiệm du lịch lòng hồ Sông Đà tại Mường Lay lại cho ta những cảm nhận khác biệt với hồ Pá Khoang. Đi thuyền dọc hồ mang lại cảm giác thư thái tuyệt vời, có thể ngắm nhìn mây trời, những dãy nhà sàn mái đá mang đậm phong cách truyền thống của đồng bào Thái trắng. Vào dịp đầu năm, du khách có thể tham dự Lễ hội đua thuyền đuôi én để cảm nhận nét đẹp văn hoá của đồng bào Thái trắng Mường Lay.
Nếu du khách là người yêu văn hoá Mông, hẳn khi đến với Điện Biên sẽ nhất định mong muốn một lần đặt chân lên đất Tủa Chùa. Đây là huyện có tiềm năng du lịch hết sức giàu giá trị với nhiều tài nguyên đa dạng như hệ thống hang động, cao nguyên đá, rừng chè cổ thụ, ruộng bậc thang, đặc biệt là nét văn hoá độc đáo của đồng bào dân tộc Mông.
Đến Điện Biên, một trong những điểm du lịch mà bất cứ du khách ưa mạo hiểm nào đều muốn chinh phục, đó là cột mốc A Pa Chải - biểu tượng thiêng liêng đánh dấu chủ quyền quốc gia, điểm mốc biên giới giữa Việt Nam, Lào và Trung Quốc, nơi “một tiếng gà gáy, ba nước cùng nghe”. Cột mốc là Cực Tây của đất nước, nằm trên đỉnh Khoang La San, xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, có độ cao 1.864m so với mực nước biển, hàng năm đón khá nhiều du khách, đặc biệt là các bạn trẻ. Năm 2024, tỉnh Điện Biên xây dựng công trình cột cờ Tổ quốc cao hơn 45m tại cực Tây - trên đường lên cột mốc. Đây hứa hẹn sẽ là điểm đến không thể bỏ lỡ của mọi du khách khi đến với huyện Mường Nhé.
Cũng là một niềm tự hào của mảnh đất Điện Biên, được coi là tài sản tinh thần của 19 cộng đồng dân tộc mà du khách chỉ có dịp chiêm ngưỡng trong những dịp cuối xuân, đầu hạ, đó chính là hoa ban. Hoa ban được trồng quanh thành phố, và những cung đường Mường Chà đi Mường Nhé, cửa khẩu Tây Trang. Ngoài ra, du khách có thể ghé các rừng ban đẹp tại Tủa Thàng (huyện Tủa Chùa), Chiêu Ly (xã Sa Lông, huyện Mường Chà), bản Dư O (xã Nong U, huyện Điện Biên Đông) hay Nậm Cứm (xã Ngối Cáy, huyện Mường Ảng).
Tháng 3, khi đất trời bừng lên sắc trắng hoa ban, lòng người hướng về dịp kỷ niệm ngày mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ 13/3, tỉnh Điện Biên lại hân hoàn tổ chức Lễ hội Hoa Ban. Lễ hội Hoa Ban được coi là ngày hội chung của 19 dân tộc, nơi mà các sắc thái văn hoá tiêu biểu nhất hàng năm được quảng bá, giới thiệu tới nhân dân, du khách và bạn bè gần xa. Đây cũng là lời mời để du khách tò mò đi sâu tìm hiểu thêm về văn hoá truyền thống của đồng bào các dân tộc tại khắp các địa bàn trong tỉnh.
Hành trình khám phá Điện Biên sẽ mang lại cho du khách những trải nghiệm thật khác biệt và đậm sâu. Để mỗi người đến với miền đất này đều ấp ủ những yêu thương, lưu luyến, hứa hẹn một lần và thêm nhiều lần hơn nữa ghé thăm Điện Biên!