Nghề đan lát thủ công là nét đẹp truyền thống bao đời nay của đồng bào dân tộc Cống. Từ nguyên liệu vô cùng đơn giản, mộc mạc, gần gũi với thiên nhiên như tre, mây, giang qua bàn tay khéo léo của người thợ đã trở thành các sản phẩm hữu ích như giỏ bắt cá, hòm mây, mẹt, sàng...

Tại tỉnh Điện Biên người Cống sinh sống chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa nằm dọc theo tuyến biên giới Việt - Lào của 3 huyện: Điện Biên; Nậm Pồ; Mường Nhé. Tại bản Nậm Kè, xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé theo lời kể của các già làng trong bản, năm 1958, 03 hộ gia đình đầu tiên chuyển về dựng nhà bên cạnh suối Nậm Kè sinh sống. Dần dần bản Nậm Kè hình thành và cũng là một trong những bản định cư đầu tiên của xã Nậm Kè bây giờ.

Nghề đan lát của dân tộc Cống đã tồn tại từ rất lâu đời và được truyền lại qua nhiều thế hệ, là một trong những nét đẹp văn hóa của Việt Nam nói chung và của dân tộc Cống nói riêng. Tại bản Nậm Kè nghề đan lát được lưu truyền theo hình thức "cha truyền con nối", đàn ông từ thời niên thiếu đã được bố, ông dạy cách đan lát các vật dụng, đồ dùng phục vụ cho lao động và sinh hoạt của gia đình. Đồng bào tranh thủ lúc nông nhàn vào rừng khai thác nguyên liệu. Theo lời ông Lùng Văn An, nghệ nhân nghề đan lát tại bản Nậm Kè, xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên cho biết: Thời điểm khai thác các nguyên liệu tuỳ thuộc vào tính chất của từng loại cây như tre, giang: thời gian khai thác tốt nhất vào cuối mùa mưa, đầu mùa khô, đây là thời điểm thân cây có ít nước, giá trị sử dụng sẽ tốt hơn, khi khai thác nên lựa chọn tre, giang trưởng thành (3 - 5 năm), thân có màu xanh đậm, gióng dài, thẳng để đạt được độ bền cao và dễ dàng cho việc chẻ nan; đối với mây phải chọn những cây già, khi gai của những cây mây đã chuyển sang màu đen, lá rụng gần hết, lớp bẹ ở gốc đã khô, thân mây chuyển sang màu xanh đậm, cây đã có hoa hoặc quả”;

Nguyên liệu được các nghệ nhân vào trong rừng lựa chọn kỹ càng

Nguyên liệu khi khai thác về sẽ được sơ chế, cách sơ chế nguyên liệu rất đơn giản, tuy nguyên liệu khác nhau nhưng cách sơ chế cơ bản giống nhau như: cắt khúc, chẻ nan, vót nan, chuốt nan, chuẩn bị vành, đế, quai... cho sản phẩm. Trong các khâu sơ chế, khâu tạo nan đan (chẻ, vót nan) là khâu quan trọng nhất, nan đan có chuẩn, đạt yêu cầu thì sản phẩm mới đẹp và bền. Nan đan có độ dày, mỏng, rộng, hẹp phụ thuộc vào công dụng của từng sản phẩm hay từng bộ phận của sản phẩm, ví dụ như nan nẹp vành miệng phải dày, rộng; nan đan mặt đáy, thân của sản phẩm phải mỏng, hẹp; nan đỡ đáy phải dày, rộng...

Nguyên liệu sau khi được mang về nhà các nghệ nhân thực hiện sơ chế

Với các dụng cụ khác nhau nghệ nhân sử dụng các kỹ thuật đan và các cách tạo hình hoa văn khác nhau như đan: nong mốt, nong đôi, nong ba, đan vặn thừng, đan lục lăng: Đan nong mốt (lóng mốt): Là cách đan nhấc một, đè một. Các nan đan cài đối lập liên tiếp, các nan dọc gọi là nan công, các nan cài là nan ngang so với vị trí người ngồi đan; kỹ thuật đan này thường được người Cống sử dụng đan lớp trong của hòm mây (cạ pông), giỏ bắt cá (Sư lụ) lớp ngoài của gùi (mẹn nè), giỏ đựng thóc (kha trồ), sọt đựng (sình khạ). Đan nong đôi (lóng đôi): Đan nong đôi hay còn gọi là đan nong hai là cách đan nhấc hai đè hai; các nan đan cài chuyển dịch một nan liên tiếp, kỹ thuật này thường được người Cống sử dụng thường xuyên, phổ biến trong việc đan sàng (sình càng). Đan nong ba (lóng ba): Đan nong ba là cách đan nhấc ba đè ba; các nan đan cài chuyển dịch một nan liên tiếp, đôi khi để tạo hình vân chéo người thợ có thể bắt ba nan đè ba nan và cài nan ngang vào giữa. Kỹ thuật này thường được sử dụng trong đan mẹt (da pà). Đan vặn thừng: Kỹ thuật này thường được áp dụng đan các sản phẩm có thân tròn như giỏ bắt cá (đu xu); Đan lục lăng (đan mắt cáo): là kiểu đan tạo ra các mắt sáu cạnh, các nan đan cài chéo góc 60 độ về sáu phía tạo khoảng hở ở giữa, kỹ thuật này được sử dụng trong đan nôi (ư piền).

Ngoài các kỹ thuật đan cơ bản để hoàn thành một sản phẩm người dân sẽ sử dụng kỹ thuật buộc vành, cạp sản phẩm; nối nan ngắn lại thành những nan dài; cài giắt nan.

Sau khi sơ chế những nghệ nhân có chuyên môn sẽ tiến hành đan theo sản phẩm

 Đối với một số sản phẩm như hòm mây (cạ pông), gùi (mẹn nè), sọt đựng thóc (sình càng) người thợ sau khi đan xong 2 lớp: Lớp ngoài và lớp trong sẽ phải ghép 2 lớp với nhau sao cho phần lớp ngoài khớp, ôm sát với lớp trong. Cuối cùng dùng nan đỡ gài, giắt vào đáy của sản phẩm. Còn đối với một số sản phẩm người thợ sẽ hoàn thiện các phần tai đeo, dây đeo và buộc, hoàn thiện vành miệng cho sản phẩm. Làm tới đâu nắn chỉnh tới đó sao cho sản phẩm sắc sảo và tinh tế nhất.

 Từ tình yêu văn hóa truyền thống cùng với sự cần mẫn, khéo léo, đồng bào dân tộc Cống đã biến những ống tre, nứa, giang, mây thành những sản phẩm tiện ích, gắn liền với văn hóa dân tộc. Bảo tồn và lưu truyền nghề là giữ lại nét văn hóa, cội nguồn của tổ tiên, vì vậy những năm qua, dù nghề đan lát tốn nhiều thời gian, thu nhập không cao nhưng một số người thợ vẫn miệt mài gìn giữ và tận tâm truyền dạy cho con cháu. Việc bảo tồn và phát triển nghề truyền thống không chỉ đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội nói chung mà còn gìn giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc miền núi, nơi tạo ra những nét đặc trưng riêng có của đồng bào các dân tộc.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Liên kết website
Thống kê: 10.292.222
Online: 71