Lần đầu tiên trong quá trình hình thành và phát triển sự nghiệp Thể dục thể thao tỉnh Điện Biên ban hành đầy đủ hệ thống Đề án có tính dài hạn, đảm bảo cho sự phát triển vững chắc trong tương lai. Quyết định số 2183/QĐ-UBND ngày 28/11/2022 của UBND tỉnh phê duyệt Đề án phát triển thể thao thành tích cao giai đoạn 2023-2030 và định hướng đến năm 2035; Quyết định số 1277/QĐ-UBND ngày 11/7/2024 của UBND tỉnh phê duyệt Đề án phát triển thể dục thể thao cho mọi người giai đoạn 2024-2025 và định hướng đến năm 2030.
Với mục tiêu lấy phong trào làm nền tảng, là nền móng vững chắc cho sự phát triển, Đề án xác định “Tỷ lệ người tham gia tập luyện thể dục thể thao thường xuyên đạt 35% vào năm 2025 và 41% vào năm 2030; tỷ lệ hộ gia đình thể thao đạt 24% vào năm 2025 và 30% vào năm 2030; 460 Câu lạc bộ Thể dục thể thao cơ sở vào năm 2025 và 560 Câu lạc bộ vào năm 2030; phấn đấu đứng trong tốp đầu các đoàn thể thao tham gia Hội thi, Ngày hội thể thao khu vực và toàn quốc về thành tích huy chương”.
Nhiệm vụ đặt ra về xây dựng và phát triển thể dục thể thao quần chúng: Khuyến khích mỗi cơ quan, đơn vị hình thành từ 01 Câu lạc bộ Thể dục thể thao trở lên; lấy công đoàn cơ sở làm hạt nhân, lực lượng Ban Chấp hành làm nòng cốt. Đẩy mạnh phong trào “Thanh niên khoẻ”, “Khoẻ để lập nghiệp và giữ nước”, “10 nghìn bước chân mỗi ngày”, “Những bước chân vì cộng đồng”; tăng cường triển khai Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”. Lấy chi đoàn thanh niên làm hạt nhân, lực lượng đoàn viên thanh niên làm nòng cốt chăm lo giáo dục thiếu niên, nhi đồng trong phát triển văn hóa, thể thao. Vận động nông dân mỗi người tự chọn cho mình một môn thể thao thích hợp để luyện tập hằng ngày; lấy chi hội nông dân làm hạt nhân, lực lượng Ban Chấp hành làm nòng cốt. Khuyến khích người cao tuổi thành lập các Câu lạc bộ Thể dục thể thao; lấy chi hội người cao tuổi làm hạt nhân, lực lượng Ban Chấp hành làm nòng cốt.
Nhiệm vụ đặt ra về phát triển giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trường học: Tổ chức phổ cập dạy và học bơi trong các cơ sở giáo dục phổ thông, từng bước triển khai trong các cơ sở giáo dục mầm non; phát triển các loại hình Câu lạc bộ Thể dục thể thao trong trường học; củng cố, phát triển hệ thống thi đấu thể thao; lấy lớp học làm hạt nhân, lực lượng cán sự lớp làm nòng cốt trong xây dựng và phát triển phong trào văn hóa, thể thao cho học sinh, sinh viên.
Nhiệm vụ đặt ra về phát triển thể dục thể thao trong lực lượng vũ trang: Đẩy mạnh phong trào tập luyện thể dục thể thao, đặc biệt là thể thao ứng dụng nghiệp vụ, phục vụ nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu. Tổ chức các hoạt động giao lưu, thi đấu thể dục thể thao và định kỳ kiểm tra, đánh giá tiêu chuẩn rèn luyện thể lực của cán bộ, chiến sĩ theo quy định.
Nhiệm vụ đặt ra về Bảo tồn và phát triển các môn thể thao dân tộc, các trò chơi dân gian: Tiếp tục triển khai thực hiện Dự án 6 về Bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Đồng thời phát triển các môn thể thao giải trí, thể thao mạo hiểm mới đang thu hút được nhiều người quan tâm như Xe đạp, Dù lượn, Hikinh, Trekkinh, Kayak, Pickleball, Bóng chày trong lồng, Mini Golf, Teqball, Bossaball, Marathon, Leo núi ...
Để phục vụ nhu cầu phát triển phong trào luyện tập thể dục thể thao trong các tầng lớp Nhân dân, Đề án xác định tập trung đầu tư xây dựng và phát triển mạng lưới cơ sở vật chất thể dục thể thao đồng bộ: Cấp tỉnh “xây dựng mới Sân vận động sức chứa 20.000 chỗ ngồi, bể bơi trong nhà 1.000 chỗ ngồi”. Cấp huyện “10/10 huyện, thị xã, thành phố có nhà tập luyện và thi đấu, sân vận động có khán đài, 02 bể bơi”. Cấp xã và khu dân cư “71% các xã có sân thể thao; 49,7% các thôn có Khu thể thao”.
Đề án xác định hệ thống tổ chức giải thể thao và tham gia các giải khu vực, toàn quốc được tăng lên hằng năm, đến năm 2030: Cấp tỉnh tổ chức từ 12 - 14 giải/năm; cấp huyện, ngành tổ chức từ 100 - 120 giải/năm; cấp xã tổ chức từ 340 - 350 giải/năm. Đăng cai tổ chức giải khu vực và toàn quốc từ 03-05 giải/năm; tham gia giải khu vực và toàn quốc từ 05-07 giải/năm.
Khuyến khích tổ chức, cá nhân thành lập Câu lạc bộ thể thao đối với các môn thể thao giải trí, mạo hiểm như: Golf, Dù lượn, Hikinh, Trekkinh, Kayak, Xe đạp địa hình, Marathon, Leo núi, ... Vận động thành lập Liên đoàn, Hiệp hội Thể dục thể thao. Chú trọng khôi phục và nhân rộng các môn thể thao truyền thống, các trò chơi dân gian phục vụ phát triển du lịch tại các Lễ hội, tổ chức thi đấu, biểu diễn các môn thể thao dân tộc. Đồng thời phát triển các môn thể thao hiện đại, thể thao mạo hiểm, thể thao trải nghiệm đang trở thành xu hướng. Khuyến khích liên doanh, liên kết giữa các thành phần kinh tế với các đơn vị sự nghiệp công lập để khai thác, sử dụng hiệu quả các công trình thể dục thể thao của nhà nước.
Phát triển thể thao thành tích cao
Mục tiêu định hướng đến năm 2035: Đào tạo 5 môn thể thao gồm Cầu lông; Điền kinh; Karate; Taekwondo; Pencak Silat ở ba tuyến (Tuyến năng khiếu, Tuyến trẻ và Tuyến tỉnh), tổng số đào tạo 287 vận động viên. Tham gia các giải thi đấu khu vực và toàn quốc; đạt 24 huy chương/năm, trong đó trung bình 6 huy chương vàng/năm; xếp hạng từ 50-52 tại Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ XII năm 2034, 16 lượt vận động viên kiện tướng quốc gia và 49 lượt vận động viên cấp I quốc gia, 65 lượt vận động viên đạt cấp II quốc gia. Phấn đấu có vận động viên trong đội tuyển trẻ, đội tuyển quốc gia, đạt 05 huy chương quốc tế.
Đề án xác định hệ thống đào tạo theo 3 tuyến: Tuyến vận động viên năng khiếu (Tuyến III) là những vận động viên có năng khiếu thể thao rõ rệt, được lựa chọn từ đội tuyển phong trào của các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, có triển vọng, có động cơ và khả năng trở thành vận động viên ưu tú; được Hội đồng tuyển chọn vận động viên xét tuyển, tuyển chọn. Tuyến vận động viên đội tuyển trẻ tỉnh (Tuyến II) là những vận động viên xuất sắc được lựa chọn từ đội tuyển năng khiếu tỉnh, đạt thành tích cao tại các giải thi đấu vô địch nhóm tuổi toàn quốc, có triển vọng, có khả năng giành thành tích cao tại các giải vô địch trẻ, vô địch quốc gia và Đại hội Thể thao toàn quốc. Tuyến vận động viên đội tuyển tỉnh (Tuyến I) là những vận động viên xuất sắc, có thành tích cao, đạt vận động viên cấp I, kiện tướng quốc gia, được tuyển chọn từ đội tuyển trẻ tỉnh, có khả năng giành huy chương tại các giải vô địch quốc gia, Đại hội Thể thao toàn quốc.
Đề án xác định xây dựng đội ngũ Huấn luyện viên đến năm 2030 đảm bảo mỗi môn có tối thiểu 02 huấn luyện viên. Cụ thể: môn Cầu lông 02 huấn luyện viên trình độ đại học trở lên; môn Điền kinh 02 huấn luyện viên trình độ đại học trở lên; môn Karate 02 huấn luyện viên trình độ đại học trở lên, đai đen tam đẳng; môn Taekwondo 02 huấn luyện viên trình độ đại học trở lên, đai đen tam đẳng; môn Pencatsilat 02 huấn luyện viên trình độ đại học trở lên.
Hy vọng rằng với sự quan tâm của Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh, sự phối hợp giúp đỡ của các Sở, ban ngành, đoàn thể tỉnh, chính quyền cơ sở và sự vào cuộc quyết liệt của đội ngũ cán bộ, huấn luyện viên, vận động viên, trọng tài ngành thể dục thể thao thì sự nghiệp thể dục thể thao tỉnh Điện Biên sẽ phát triển vững chắc trong tương lai./.