Hang động Thẳm Quái xã Chiềng Sinh, huyện Tuần Giáo được UBND tỉnh Điện Biên công nhận xếp hạng là di tích danh lam thắng cảnh cấp tỉnh tại Quyết định số 1409/QĐ-UBND ngày 13 tháng 8 năm 2024.

Danh lam thắng cảnh hang động Thẳm Quái, gồm 05 hang động toạ lạc ở độ cao 600m so với mực nước biển, bao quanh là cánh đồng lúa bạt ngàn xanh mướt như dải lụa ôm lấy núi đồi trập trùng, tạo nên một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp, thoả sức ngắm cảnh sắc thiên nhiên bao chùm toàn bộ danh thắng. 

Nhũ đá tiêu biểu bên trong hang động Thẳm Quái

Hang động thứ nhất có ba cửa cùng quay về hướng Tây Bắc: Cửa thứ nhất chiều rộng 13,5m; chiều cao 6,5m; Cửa thứ hai nằm cách cửa thứ nhất 36,5m, chiều rộng 02m, chiều cao 1,5m; Cửa thứ ba nằm cách cửa thứ hai 20m, chiều rộng 11,7m, chiều cao 2,9m. Bên trong hang động mang hình hình chữ “V” với tổng chiều sâu 426m, mang trong mình vẻ đẹp hoang sơ. Trần hang động gồm các phiến đá liền cùng những đường viền của nhũ đá như những viền kẻ sọc dài, thạch nhũ hình thác nước, quả chuông, chiếc đèn chùm, bức rèm đường nét uốn lượn mềm mại, nối các thạch nhũ lại với nhau thành hàng dài vào cuối hang động. Hai bên vách hang động nơi rộng nhất lên đến 20m, các nhũ đá mang màu vàng xám, xanh rêu hình bức rèm, dải lụa, cây nấm khổng lồ, cột đá măng đá đường kính trên 03m chống từ nền lên đến trần động và vô số hình hài nhũ đá độc đáo, kích thích trí tưởng tượng của du khách. Nền hang động dốc dần lên phía cuối ăn sâu vào trong lòng núi đá, do quá trình dư chấn trong lòng núi cùng sự đứt gãy của các phiến đá trong lòng núi rơi xuống nền hang động hình thành nên những ụ đá lớn như những chiếc cối bằng đá màu vàng kích thước lớn xung quanh là những viên cuội nhỏ xù xì như con cóc, quả na, quả chôm chôm thấp thoáng ẩn hiện bởi những viên đá, phiến đá.

Hang động thứ hai: Nằm cách hang động thứ nhất 57m về hướng Bắc, có tổng chiều sâu là 70m, một cửa dạng vòm quay về hướng Tây Bắc, chiều cao 6,5m, chiều rộng 15m. Trần hang động nơi cao nhất từ 10 đến 15m, nhũ đá hình chiếc ô màu vàng, các con vật màu trắng xám, cỏ cây hoa lá màu xanh hay những thạch nhũ chảy dài như những thác nước nối tiếp với nhau, ở một số vị trí nhũ đá khi chiếu đèn vào phát ra những ti phản quang óng ánh. Vách hang động màu trắng vàng dải nhũ như những dải ngân hà, mâm xôi, mâm ngũ quả được bày biện khéo léo tỉ mỉ, đẹp hơn cả là những gườm đá dài nối từ nền qua vách lên đến trần hang động. Nền hang động cao hơn so với cửa hang khoảng 03m hình thành nên những ụ đá lớn màu vàng như bát, chiếc cốc lớn hay những cây nấm, chiếc ô..

Hang động thứ ba: Có cấu tạo giống hình chữ “W”, chiều sâu tổng thể là 75m, bên trong hang động nơi rộng nhất từ 02 đến 03m, nơi cao nhất từ 03 đến 04m. Hang động thứ ba nằm cách hang động thứ hai về hướng Bắc khoảng 70m. Hang động có bốn cửa cùng quay về hướng Bắc: Cửa thứ nhất có chiều rộng 03m; chiều cao 01m; Cửa thứ hai nằm cách cửa thứ nhất 17m, chiều rộng 1,5m, chiều cao 02m; Cửa thứ ba nằm cách cửa thứ hai 22m, chiều rộng 2,5m, chiều cao 01m. Cửa thứ tư nằm cách cửa thứ ba 09m, chiều rộng 1,5m, chiều cao 04m. Trần hang động nhũ đá màu vàng mang hình xoắn ốc; màu trắng của vỏ xò, màu vàng của những vựa lúa chín ngày vụ, các mảng màu xanh của rêu bám lấy phiến đá làm cho mỗi không gian trở nên khác lạ. Vách hang động chia thành những cấp độ khác nhau, cùng các gam màu trắng vàng, lòng hang động hẹp sẽ làm cho du khách liên tưởng tới những giao thông hào dài đến cuối hang động. Nền hang động chủ yếu là những tảng, phiến đá gồ ghề, cùng sự mài mòn theo thời gian nền hang động đứt, gãy cắt xẻ sâu kèm theo lớp bùn mỏng, dốc về phía cuối. Đi sâu vào bên trong nhũ đá hình tròn nhiều kích thước lớn, nhỏ tròn nhẵn khác nhau mang hình tượng sống động của thiên nhiên, những ụ đá, phiến đá tựa như bông hoa, chiếc lá,…

Hang động thứ tư: Nằm cách hang động thứ ba 10m về hướng Đông. Hang động có chiều sâu 43m, có cấu tạo giống hình chữ “V” hai cửa cùng quay về hướng Đông Bắc: Cửa thứ nhất chiều rộng 03m; chiều cao 1,5m; Cửa thứ hai nằm cách cửa thứ nhất 05m, chiều rộng 2,5m, chiều cao 1,6m. Trần hang động mái dạng vòm được hình thành từ những phiến đá màu trắng vàng với hạt óng ánh kết tinh óng ánh, dưới ánh sáng tự nhiên từ cửa lọt vào trong làm cho không gian nơi đây trở nên mờ ảo. Vách hang động nhũ đá hình hài khác lạ, chỗ giống như dải san hô, cụm lúa, quả chuông, chiếc đèn chùm nhỏ hay mảng nham thạch xù xì, nhấp nhô uốn lượn vào bên trong. Nền hang động dốc lên phía cuối, xung quanh là các trụ đá lớn nối nền lên trần hang động chia phần nền thành các ngách nhỏ, do quá trình vận động của trái đất trần hang động bị đứt gãy nhiều nhũ đá rơi xuống nền.

Hang động thứ năm: Nằm cách hang động thứ tư 17m về hướng Đông, có chiều sâu 83m, có cấu tạo giống hình chữ “L” có một cửa quay về hướng Đông chiều rộng 02m; chiều cao 4,5m. Bên trong hang động nhũ đá mang nhiều gam màu, hình hài kỳ lạ. Tại vị trí giữa hang động khoảng không rộng như một gian phòng xung quanh như được bài trí thêm chiếc đèn chùm, bức rèm mỏng manh thướt tha, hiền dịu như những áng mây hay hay những vật trang trí đang ẩn mình từ phiến đá làm không gian mờ ảo như lạc vào chốn thiên cung huyền bí. 

Danh lam thắng cảnh hang động Thẳm Quái được hình thành do quá trình kiến tạo địa chất của trái đất, quá trình karst hoà tan (là hiện tượng phong hóa đặc trưng của núi đá vôi bị nước chảy xói mòn) hình thành cách ngày nay hàng triệu năm. Tiêu biểu hơn cả là hang động thứ nhất và hang động thứ hai có khoảng không rộng, thạch nhũ phong phú đa dạng, nhiều hình hài kỳ lạ, hội tụ nhiều yếu tố địa chất, địa mạo, cảnh quan thiên nhiên.

Hiện nay, xã Chiềng Sinh đang hướng tới phát triển khu du lịch cộng đồng trong đó có bản Dửn và bản Hiệu. Việc xếp hạng di tích cấp tỉnh danh lam thắng cảnh hang động Thẳm Quái có vai trò quan trọng đối với xã Chiềng Sinh là điều kiện thuận lợi, liên kết phát triển du lịch huyện Tuần Giáo như: Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt (Đèo Pha Đin, khu tập kết hậu cần tại ngã ba Tuần Giáo, Sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở hang Thẩm Púa), Di tích Quốc gia (Danh lam thắng cảnh hang động Há Chớ, di chỉ khảo cổ hang Thẩm Khương), Di tích cấp tỉnh (Danh lam thắng cảnh hang động Bản Khá, danh lam thắng cảnh hang động Mùn Chung, di tích Pú Nhung), cùng tiềm năng văn hoá truyền thống của cộng đồng các dân tộc, là điểm đến hấp dẫn đáp ứng tham quan, nghiên cứu, góp phần phong phú hơn với các sản phẩm du lịch trải nghiệm, trở thành nguồn lực quan trọng thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm cho địa phương.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Liên kết website
Thống kê: 10.304.796
Online: 26