Dẫu biết rằng sinh - lão - bệnh - tử là quy luật của đời người, không ai có thể tránh khỏi, nhưng sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để lại niềm tiếc thương vô hạn đối với toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta.

Vĩnh biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Người chiến sĩ cộng sản kiên trung, mẫu mực, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong bài viết nhỏ này, chúng tôi xin điểm lại những cống hiến xuất sắc của Tổng Bí thư trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực - Người mang sứ mệnh bảo vệ sự tồn vong của Đảng và chế độ bằng luật pháp và văn hóa. Đó cũng là nén tâm nhang của một cán bộ, đảng viên của Đảng gửi tới Tổng Bí thư, thể hiện lòng thành kính và biết ơn sâu sắc đối với vị thuyền trưởng đáng kính.

Luôn sâu sát thực tiễn trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Trải qua nhiều cương vị công tác quan trọng do Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, đặc biệt, trên cương vị là Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã cùng tập thể Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tạo được sự thống nhất cao trong hệ thống chính trị với tinh thần “Tiền hô hậu ủng, nhất hô bá ứng, trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”, lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta vượt qua khó khăn, thách thức, giành được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực, với những dấu ấn nổi bật, làm cho “Đất nước ta chưa bao giờ có được tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Trong đó, những đóng góp, cống hiến xuất sắc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã để lại nhiều dấu ấn nổi bật.

Kể từ khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giữ vai trò cao nhất của Đảng vào năm 2011, đất nước ta đã có nhiều chuyển biến cả về kinh tế - xã hội trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực có nhiều biến động. Trong đó, người đứng đầu Đảng ta đã dành nhiều tâm sức cho công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Bước ngoặt trong cuộc chiến phòng, chống tham nhũng ở nước ta chính là việc thành lập Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị, do Tổng Bí thư làm Trưởng ban vào ngày 1-2-2013. Đến năm 2021, Ban Chỉ đạo đổi tên thành Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Có thể nói, từ khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trực tiếp làm Trưởng ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng và Nhà nước ta được nâng lên một giai đoạn mới cao hơn, mạnh mẽ hơn, hiệu quả hơn và chính cái đó đã góp phần rất quan trọng để củng cố niềm tin của nhân dân.

Phát biểu tại cuộc họp của Bộ Chính trị cho ý kiến về Đề án “Sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống tham nhũng”, ngày 10-9-2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: “Sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống thì mới dẫn đến tham nhũng, đây mới là cái gốc, cái cơ bản cần phải chống”. Có thể nói, phát biểu chỉ đạo của Tống Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thể hiện quan điểm nhất quán của Đảng là kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng với tinh thần “không ngừng, không dừng, không nghỉ”, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”.

Không dừng lại ở đó, trong mỗi lần tiếp xúc cử tri thành phố Hà Nội, chia sẻ về sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân với công tác phòng, chống tham nhũng của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn khẳng định tinh thần quyết liệt, mạnh mẽ của Đảng nhưng có lý, có tình và mang tính nhân văn sâu sắc. Tuy nhiên, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rất đau xót mỗi khi cán bộ, đảng viên dính vào tham nhũng, tiêu cực, bị kỷ luật và xử lý hình sự, trong đó có nhiều cán bộ cấp cao của Đảng và Nhà nước.

Phát biểu tại hội nghị tiếp xúc cử tri ngày 23-6-2022 tại Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nghẹn ngào rằng: “Không thích thú gì khi kỷ luật đồng chí, đồng đội của mình, thậm chí rất đau xót, nhưng buộc phải làm. Như Bác Hồ từng dạy cắt một vài cành sâu, mọt để cứu cả cây”.

Đặc biệt, nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác nhân sự chuẩn bị cho Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, phát biểu tại phiên họp đầu tiên Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV, ngày 13-3-2024, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo: “Phải bằng mọi biện pháp dứt khoát không đưa vào cơ quan lãnh đạo những người không xứng đáng, không đủ tiêu chuẩn, nhất là những người đã phạm sai lầm hoặc sa sút về phẩm chất, đạo đức, vướng vào tham nhũng, chạy chức, chạy quyền, hống hách, gia trưởng, nịnh trên, nạt dưới, bao che cho tội phạm, gây mất đoàn kết, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng”.

Từ sự chỉ đạo quyết liệt của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực “đã thật sự trở thành phong trào quần chúng, thành xu thể không thể cưỡng lại”, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, hưởng ứng, đánh giá cao.

Chỉ tính riêng trong năm 2023, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật 19 cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, trong đó lần đầu tiên có 6 cán bộ bị xử lý kỷ luật do vi phạm trong kê khai tài sản, thu nhập. Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến hết năm 2023, đã thi hành kỷ luật 105 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 22 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng. Nhất là nhiều sai phạm, vụ việc phức tạp, tồn đọng từ nhiều năm trước được kiểm tra, xử lý dứt điểm. Gần đây tiếp tục đấu tranh, mở rộng điều tra các vụ án tham nhũng, tiêu cực lớn, đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp gây bức xúc trong nhân dân để đưa ra xét xử như vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB, Công ty Việt Á, Tập đoàn FLC, Tân Hoàng Minh, Sài Gòn Co.op… Việc xử lý kỷ luật của Đảng và những vụ án xử lý hình sự trên cho thấy rõ quyết tâm “Nói đi đôi với làm” của Đảng, nhất là vai trò của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Hơn nữa, nhiều cấp ủy đảng địa phương đã và đang vào cuộc quyết liệt hơn trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, qua đó thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Các cấp, các ngành phải “Tiền hô hậu ủng”, “Nhất hô bá ứng”, “Trên dưới đồng lòng”, “Dọc ngang thông suốt” để cùng Trung ương thực hiện có chất lượng, hiệu quả cao hơn trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Đóng góp to lớn về mặt lý luận

Khi còn công tác tại Tạp chí Cộng sản, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã viết rất nhiều bài liên quan đến công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, liên quan đến công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đăng trên Tạp chí Cộng sản. Suốt từ đó đến nay, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã công bố rất nhiều bài, trong đó dòng tư tưởng chủ đạo mấy chục năm nay là làm sao cho Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh; làm sao đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong Đảng để xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên ngày càng vững mạnh hơn.

Đặc biệt, năm 2023, Ban Nội chính Trung ương phối hợp Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Đây là cẩm nang trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, vấn đề rất cốt lõi để xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, thể hiện nhuần nhuyễn phương châm: Kết hợp đồng bộ giữa “xây” và “chống”; giữa đẩy lùi và ngăn chặn từ sớm, từ xa; giữa xử lý nghiêm minh và phòng ngừa, giáo dục; giữa xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị tư tưởng, tổ chức và cán bộ gắn liền với chống suy thoái về đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên; giữa quyết tâm chính trị của người đứng đầu Đảng, của toàn Đảng và cả hệ thống chính trị với sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân, bạn bè quốc tế.

Cuốn sách có ý nghĩa cả về lý luận và thực tiễn, là sự tổng kết thực tiễn phong phú rút ra những vấn đề có tính lý luận và các bài học kinh nghiệm quý báu để củng cố thêm bản lĩnh, sức mạnh và niềm tin; định hướng giải pháp thực hiện có hiệu quả công tác đấu tranh, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian tới.

Cuốn sách thể hiện quan điểm xuyên suốt, nhất quán của người đứng đầu Đảng ta - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xây dựng, chỉnh đốn Đảng, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, góp phần phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng nói chung, về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nói riêng và góp phần làm sáng rõ bước phát triển mới trong tư duy lý luận của Đảng về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Những dấu ấn còn mãi

Thực tiễn cho thấy, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng ta đã đạt được nhiều kết quả rất quan trọng, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị, tăng thêm niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ ta, gắn liền với những cống hiến xuất sắc, vai trò to lớn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - người truyền cảm hứng mạnh mẽ cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta trong đấu tranh chống giặc “nội xâm”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thực thi sứ mệnh trên cương vị người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam trong việc bảo vệ sự tồn vong của Đảng và chế độ bằng hai con đường song song: Luật pháp và Văn hóa. Luật pháp là sự nghiêm minh và văn minh của một nhà nước, của một quốc gia, còn văn hóa là tâm hồn và đức hạnh của một dân tộc. Cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đứng đầu là thể hiện sự nghiêm minh của một Nhà nước, lối sống văn minh của một quốc gia và công cuộc chấn hưng văn hóa là việc xây dựng nhân cách và tư cách của dân tộc.

Trên cương vị Tổng Bí thư, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo quyết liệt, kiên trì, đồng bộ, toàn diện, bài bản, đi vào chiều sâu, có bước đột phá, gắn liền giữa phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị. Nhiều tư tưởng, quan điểm, phương châm chỉ đạo, nguyên tắc hành động trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực do đồng chí Tổng Bí thư khởi xướng và chỉ đạo đã phát huy hiệu quả, được khẳng định qua thực tiễn, mang lại nhiều bài học kinh nghiệm quý, có giá trị cả về lý luận và thực tiễn.

Không ai có thể phủ nhận, có được kết quả trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hơn 10 năm qua có vai trò đặc biệt to lớn của người đứng đầu Đảng ta - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Đồng quan điểm này, Giáo sư Vladimir Kolotov, Giám đốc Viện Hồ Chí Minh tại Đại học Quốc gia St. Petersburg, nhận xét: “Chiến dịch “đốt lò” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một tầm nhìn chiến lược quan trọng bắt đầu được thực hiện từ lâu. Tình hình tham nhũng đang thay đổi và công tác phòng, chống tham nhũng cũng đang thay đổi...”. Có thể khẳng định, công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại Việt Nam đã tạo nên ấn tượng sâu sắc đối với cộng đồng quốc tế, gắn liền với vai trò của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Lúc còn sống, mỗi khi muốn nói thay lời tâm sự lòng mình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thường nhắc lại một vài câu trong tác phẩm nổi tiếng “Thép đã tôi thế đấy” của nhà văn Liên Xô Nikolai Ostrovsky: “Cái quý nhất của con người là cuộc sống và danh dự sống, vì đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí; để khỏi hổ thẹn vì những việc làm ti tiện, đớn hèn, bị mọi người khinh bỉ; để đến khi nhắm mắt, xuôi tay, ta có thể tự hào rằng: Tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời - sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng con người mang lại hạnh phúc cho nhân dân!”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đi xa. Rồi đây, tên tuổi Tổng Bí thư sẽ gắn với tên đất, tên đường, tên trường học, có sức lay động và thôi thúc lòng người. Với lòng thành kính và biết hơn vô hạn, chúng ta mãi ghi nhớ công lao to lớn của Tổng Bí thư đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, đặc biệt là cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mãi xứng đáng với sự suy tôn mà nhân dân trao tặng, mãi là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu!

PGS.TS Nguyễn Danh Tiên, Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Theo HNM


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Liên kết website
Thống kê: 10.319.553
Online: 66