Trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, đèo Pha Đin là huyết mạch giao thông quan trọng để tiếp vận vũ khí, đạn dược và lương thực phục vụ cho chiến dịch Điện Biên Phủ, góp phần quan trọng làm nên chiến thắng vang dội “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Đèo Pha Đin còn được gọi là Dốc Pha Đin, là nơi nối liền biên giới hai tỉnh Sơn La và Điện Biên nằm trên Quốc lộ 6, có chiều dài 32km, điểm cao nhất trên đèo là 1.648m so với mực nước biển. Hiện nay, di tích đèo Pha Đin thuộc địa phận xã Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên và xã Phỏng Lái, huyện Thuận Châu tỉnh Sơn La. Tên gọi đèo Pha Đin nguyên gốc xuất xứ từ tiếng Thái là Phạ Đin, trong đó Phạ nghĩa là “trời”, Đin là “đất” hàm nghĩa nơi đây là chỗ tiếp giáp giữa trời và đất, cũng là cái tên ngụ ý cho sự nguy hiểm của con đèo này. Pha Đin mang trong mình truyền thuyết về việc phân định lãnh thổ từ xa xưa. Truyền thuyết kể lại rằng trước đây, đồng bào hai bên vùng núi tranh chấp nên đã tổ chức chạy ngựa thi. Ngựa của hai bên cùng xuất phát, vó ngựa chạy qua phần đất nào thì sẽ thuộc về địa phận tỉnh đó cho đến khi gặp nhau. Sau hành trình gian nan, hai dũng sĩ và hai con tuấn mã đều gắng sức trong trận tranh tài của sức mạnh và ý chí. Kết quả là ngựa Lai Châu (tên gọi tỉnh cũ trước khi tách làm 02 tỉnh Điện Biên và Lai Châu như hiện nay) chạy nhanh hơn nên phần đất thuộc về Lai Châu rộng hơn.
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ 1954, cùng với Ngã ba Cò Nòi, đèo Pha Đin cũng là một trong những trọng điểm giao thông bị thực dân Pháp đánh phá vô cùng ác liệt. Quân Pháp biết nếu cắt đứt được tuyến đường huyết mạch này thì quân đội Việt Nam sẽ không có cơi hội giành chiến thắng tại Điện Biên Phủ. Chính vì vậy, đèo Pha Đin đã trở thành “tọa độ lửa”, “túi bom” hứng chịu những hình thức oanh tạc dữ dội bằng không quân của Thực dân Pháp, mỗi ngày quân Pháp cho máy bay tuần tiễn khu vực đèo hàng chục lần, thả hàng trăm quả bom, có ngày bị địch ném xuống 160 quả các loại bom: bom napan, bom nổ chậm. Trung bình mỗi ngày chịu 16 tấn các loại bom đạn địch thả xuống hòng hủy diệt tuyết quan trọng này. Nên đèo Pha Đin là đoạn đường xung yếu, túi bom, “cửa tử” của tuyến chiến dịch. Với khẩu hiệu “tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng” ta đã đưa cả một hậu phương hùng hậu từ vùng tự do, vùng mới giải phóng, từ liên khu III, liên khu IV, Việt Bắc và Tây Bắc dồn hết sức người, sức của sẵn sàng chi viện cho Điện Biên. Hàng vạn lượt dân công hoả tuyến, thanh niên xung phong đã miệt mài băng qua đỉnh đèo Pha Đin huyền thoại, không tiếc máu xương, sẵn sàng hi sinh để thông trọn con đường nối liền hậu phương - tiền tuyến. Vách núi, đại ngàn nơi đây như luôn vang vọng những lời hiệu triệu cất lên từ sức mạnh tinh thần dân tộc:
Dốc Pha Đin chị gánh anh thồ
Đèo Lũng Lô anh hò chị hát
Dù bom đạn xương tan, thịt nát
Không sờn lòng, không tiếc tuổi xanh…
Dù bị quân Pháp đánh phá ác liệt, đội hình phân tán nhưng với quyết tâm “thanh niên xung phong còn thì mạch máu giao thông luôn được giữ vững”, các đại đội thanh niên xung phong đã anh dũng vượt qua bom đạn, lao động hết mình, kiên cường bám trụ ngày đêm làm đường, sửa đường, rà phá bom mìn, đảm bảo thông đường, thông xe ra tiền tuyến. Suốt 48 ngày đêm ròng rã quân Pháp đã cho máy bay oanh tạc, tại đèo Pha Đin đã có hơn 8.000 (số liệu theo lý lịch di tích) thanh niên xung phong ngã xuống và hàng ngàn người đã để lại một phần thân thể của mình. Với lòng quyết tâm và tinh thần quả cảm, bộ đội, dân công và thanh niên xung phong vẫn giữ vững mạnh máu giao thông, đảm bảo chi viện kịp thời cho chiến dịch Điện Biên Phủ đến ngày toàn thắng.
Đèo Pha Đin là chứng tích góp phần làm lên thắng lợi oanh liệt của chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ - một trong những biểu tượng của tinh thần, sức mạnh Việt Nam để nhân dân cả nước, bạn bè quốc tế và những người bên kia chiến tuyến bày tỏ lòng ngưỡng mộ, tự hào. Đây là di tích thành phần thuộc di tích Chiến trường Điện Biên Phủ, được Nhà nước xếp hạng là Di tích cấp Quốc gia vào năm 1962 và đến năm 2009 đã được xếp hạng là Di tích cấp Quốc gia đặc biệt. Năm tháng qua đi, quốc lộ 6, đèo Pha Đin vẫn vẹn nguyên giá trị lịch sử hào hùng, tiếp tục là con đường huyết mạch giúp tỉnh Điện Biên nối liền giao thương với Sơn La và các tỉnh miền xuôi. Truyền thống cách mạng vẫn - đã, đang và sẽ là niềm tự hào, động lực để người dân gắn bó, đoàn kết, cùng nhau xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc, xây dựng quê hương to đẹp hơn, đàng hoàng hơn như Bác Hồ kính yêu hằng mong muốn.