Dân tộc Thái, ngành Thái trắng tỉnh Điện Biên sinh sống chủ yếu ở các huyện như: Tuần Giáo, Tủa Chùa, Mường Chà, Mường Lay, Nậm Pồ, Mường Nhé. Nhờ có chữ viết riêng, người Thái đã có nhiều thuận lợi trong việc lưu giữ, bảo tồn những phong tục, tập quán, những nếp sống và cả một kho tàng văn hóa dân gian đến ngày nay, trong đó, có lễ Cầu con (Xên au lụ) là một nghi lễ tiêu biểu không biết có từ bao giờ đã ăn sâu vào tiềm thức, trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của mỗi người dân nơi đây.
Lễ Cầu con (Xên au lụ) là một trong những nghi lễ đã có từ rất lâu. Lễ cầu con với bà Bẩu, bà Nàng khi những đôi vợ chồng lấy nhau 2 đến 3 năm không có con họ thường đến nhờ thầy Then (ông Then hoặc bà Then) xem giúp nguyên nhân vì đâu mà lấy nhau đã lâu mà không có con, đồng thời đem theo áo và lễ vật đến nhờ Then dâng lên bà Bẩu, bà Nàng ban phúc, ban lộc cho... Theo quan niệm của người Thái, ngành Thái trắng, thầy Then được coi như người của mường trời cử xuống trần gian cứu giúp, giải hạn cho con người ở mường trần gian. Thầy Then có khả năng giao tiếp với thần linh, là cầu nối giữa các con nuôi với các vị thần linh.
Để tiến hành nghi lễ cúng Cầu con, tại nhà Mo Then cần phải chuẩn bị mâm lễ cúng dâng lên bà Bẩu, bà Nàng gồm: 01 chiếc túi để đựng đồ lễ; 01 chiếc áo của chủ nhà; 01 con cá nướng; 02 quả trứng gà (01 quả chín đặt trên mâm lễ, 01 quả sống để xem quẻ); 02 chai rượu; 01 chiếc đĩa để đựng 04 chén rượu; 01 bát con; 01 mảnh lá chuối xanh (dùng để bói trứng xem quẻ; tiền đặt vào mâm lễ.
Sau khi mâm lễ đã được chuẩn bị xong, thầy Then bày các đồ lễ lên bàn Một rồi tiến hành đốt nến làm từ sáp ong, tiếp đó thắp hương, rót rượu mời ma Một xuống hỗ trợ xem giúp nguyên nhân vì sao gia đình đôi vợ chồng trẻ lấy nhau đã lâu mà đến giờ vẫn chưa có con, lời khấn như sau:
“Mời Tạo ngự ở sạp ăn hương
Mời Tạo ngự ở bản mường ăn hoa
Mời Tạo ngự ở sạp cây thông
Mời Tạo ngự ở sạp vách nứa
Cùng xuống đây giúp tôi”.
Xem giúp tôi vì sao các con đến giờ vẫn chưa có con để bế bồng”.
Thầy Then thực hiện khấn 03 lần, sau khi khấn xong thì lấy quả trứng gà sống đập vào bát, tiếp đến lấy đoạn lá chuối xanh để lật lòng trứng gà xem quẻ. Sau khi xem quẻ xong, Mo Then thấy rõ nguyên nhân vì sao đôi vợ chồng vẫn chưa có con, sau đó truyền đạt lại cho đôi vợ chồng trẻ biết nguyên nhân và cần làm những việc chuẩn bị cho mâm lễ dâng cúng để cầu con. Thầy Then chọn ngày tốt, đặc biệt phải tránh những ngày kiêng kỵ của cả hai bên gia đình để tổ chức nghi lễ.
Mâm lễ cúng, trang phục và đạo cụ của thầy Then tại nhà chủ lễ:
Mâm lễ thầy Then (pán cái) gồm:
01 chiếc túi đựng dụng cụ để thầy Then làm lễ gọi là “thung Một”; 01 chiếc bàn gỗ hình chữ nhật, trên trải 01 tấm vải hoa; 03 bát gạo đặt trên mâm lễ (gồm 01 bát gạo to đặt ở giữa, 02 bát gạo nhỏ đặt hai bên); 03 quả trứng gà đặt trên 03 bát gạo; 03 chiếc vòng bạc chụp vào 03 quả trứng gà; 01 chiếc gương được đặt phía trước bát gạo to; 01 chiếc kéo, 01 chiếc răng nanh lợn rừng có tác dụng trừ ma tà; 01 chiếc quạt giấy để thầy Then sử dụng khi làm lễ...Mâm thầy Then được đặt ở vị trí gần cửa sổ phía giáp bên bếp.
Một sọt thóc (Bung khẩu mạ) trên sọt thóc ngựa có một bát gạo để nuôi rồng khi thầy Then hành lễ, có một quả trứng, ba bông hoa dâm bụt đỏ cắm trên bát gạo để dâng các ma Then, Một khoanh sợi dây đặt quanh miệng bung thóc để làm dây buộc voi buộc ngựa.
Trang phục và đạo cụ của thầy Then: Tư trang bà Then gồm: Áo Cóm đính cúc bạc, váy đen, áo choàng dài thẫm màu, mũ, thắt lưng của thầy Then. Theo quan niệm rằng, khi nào thầy Then đội khăn và thắt dây lưng thì khi đó thầy Then mới có khả năng đi vào thế giới vô hình, giao tiếp với thần linh ở thế giới bên kia. Người hỗ trợ, giúp việc cho thầy Then khi làm lễ gồm: Hai người đàn ông hỗ trợ thầy Then có trang phục quần đen, áo trắng mặc bên trong, áo đen mặc trùm bên ngoài thể hiện sự trang trọng. Khi thầy Then làm lễ một người gảy đàn tính, một người cầm lắc chùm quả nhạc. Một người phụ nữ, theo tiếng Thái trắng gọi là Ú đa là người giúp việc cho thầy then. Có trang phục áo Cóm trắng đính cúc bạc, váy đen chuyên sắp xếp mâm lễ sao cho đúng, đủ trước khi tiến hành làm lễ. Ngoài ra còn có một đội múa xòe theo tiếng Thái trắng gọi là Xao Chay, họ có trang phục áo cóm trắng đính cúc bạc, váy đen, biết múa các điệu múa và hát được dùng trong nghi lễ trong quá trình thầy Then làm lễ.
Cây Pang (Xặng Pang): Để làm một cây Pang cần chọn ba loại cây mía, đao, chuối. Các cây phải có đủ từ gốc đến ngọn, sau đó được dựng ghép lại với nhau. Cây Pang là trung tâm của nghi lễ được dựng giữa gian nhà có màu xanh mượt, hình dáng mềm mại, loan tỏa khắp gian nhà. Cành cây Pang được các cô, các chị treo trang trí các hình hoa sen, con bướm, ve sầu, quả dâu, quả vải, túi Thái truyền thống... Và một số loài hoa Mạ, hoa mào gà, hoa dâm bụt, hoa cúc…làm toát lên một không gian trang nghiêm, sống động, lung linh đẹp mắt.
Mâm lễ Cầu con và tụ hồn cho đôi vợ chồng trẻ: 01 con lợn đã được chế biến chín bày vào mâm lễ cho đầy đủ; 02 gói xôi; 02 bát canh; 05 chén rượu; 05 đôi đũa; 01 chiếc túi đựng 02 bộ quần áo của đôi vợ chồng trẻ được đặt cạnh mâm lễ; các loại hoa quả, bánh kẹo đặt quanh mâm lễ... Mâm lễ được đặt ở phía cuối chân giường nơi gian phòng của đôi vợ chồng trẻ. Khi làm lễ, đôi vợ chồng ngồi phía cuối chân giường, mặt hướng vào mâm lễ, những cô gái đội múa ngồi nối tiếp xung quanh mâm lễ để hỗ trợ Mo Then trong quá trình làm lễ.
Tiến trình diễn ra lễ:
Đến ngày làm lễ, gia đình chủ lễ cử người đi đón thầy Then về làm lễ, trước khi đi làm lễ Cầu con, thầy Then khấn báo ma Một xin phép đi làm lễ giúp người dân, Mo Then thắp nến sáp ong, thắp hương và khấn báo ma Một, lời khấn như sau:
“Mời Tạo ngự ở sạp ăn hương
Mời Tạo ngự ở bản mường ăn hoa
Mời Tạo ngự ở sạp cây thông
Mời Tạo ngự ở sạp vách nứa
Cùng xuống đây giúp tôi
Cùng đi giúp thầy Then tôi đi làm lễ Cầu con nhé”.
Sau khi khấn xong thầy Then đem theo túi hành trang của mình đi đến nhà chủ lễ.
Khi thầy Then đến nhà chủ lễ, gia đình chủ lễ xin phép thầy Then thực hiện nghi lễ cúng báo tổ tiên, lời khấn như sau:
“Ơ...tổ tiên ơi
Hôm nay gia đình con làm lễ để cầu con
Xin mời tổ tiên về thụ lễ và chứng giám
Phù hộ cho gia đình con được mạnh khỏe
Phù hộ cho lễ Cầu con được thành công tốt đẹp nhé
Phù hộ cho vợ chồng con trẻ sớm có con để bồng bế nhé”.
Sau khi đại diện gia đình chủ lễ khấn báo mời tổ tiên xong, mâm Then cúng đã được sắp xếp đầy đủ, thầy Then tiến hành làm lễ gồm 03 phần như sau:
Lời khai lễ cầu con (Khay táng mứa so lụ)
« Xin phép tổ tiên ngụ ở bàn thờ
Xin phép ông Bạc, bà Vàng
Cành nào cũng có chạc
Cành nào cũng có hoa
Ngước mắt nhìn lên hoa nở đẹp”.
Khi thầy Then làm lễ khai hội, đội múa sẽ sử dụng quạt để múa phụ họa trong quá trình làm lễ.
Đi thuyền lên mường trời (Nhủm hứa)
“Cùng nhau trèo thuyền qua sông ngân hà, cùng nhau vượt sông ngân hà để lên mường Then, cùng nhau vượt sông ngân hà để xem hoa bưởi mường trời đang nhú, cùng nhau vượt sông ngân hà để xem hoa dâm bụt đang nhú, đang nở bông”.
Đội múa chuyển sang tiết mục múa khăn, để múa phụ họa trong quá trình làm lễ.
Hát quay trở lại mường trần (quám tám má mướng lum au khoăn má hướn)
“Hồn út ơi về đi, về nhà đi hồn ơi, về với bản đừng lo nhé hồn ơi,về với mường đừng ngại nhé hồn ơi. Hồn mắt vào đừng ốm đau nhé, hồn qua sông to cũng vượt qua nhé, hồn về nhà để uống rượu nhé, hồn về nhà ăn thịt ăn cơm, hồn ở đầu vào đầu đừng ốm nhé,hồn ở mắt vào mắt cho sáng nhé. Nghe lời Mo Then tôi, lời Then già tôi dặn nhé”.
Lễ tụ hồn trong lễ cầu con (Bó khoăn)
“Hồn đi nương cũng về, hồn đi ruộng cũng về, gọi hồn về nhà hồn để ăn cho khỏe. Tổ tiên ông bà ơi, gọi hồn về nhà để uống rượu, gọi hồn về nhà để ăn cơm, ăn thịt lợn, hồn nào sai cũng ăn nhé, hồn sai nhiều cũng ăn đi nhé, về nhà uống rượu, vào nhà ăn thịt lợn, ăn xôi nhé, hồn đi nắng cũng về ăn nhé, hồn đôi mắt cũng xuống ăn đi, hồn hai bên thái dương cũng xuống ăn đi, hồn hai bên tai cũng xuống ăn đi, hồn sau gáy cũng xuống ăn đi, hồn ngự dưới cằm cũng xuống ăn đi, hồn ở hai vai vác nặng cũng xuống ăn đi, tất cả các hồn cùng về ăn nhé”.
Sau khi thầy Then khấn xong, đội múa hỗ trợ thầy Then bưng mâm lễ nhấc cao hơn đầu vợ chồng chủ lễ, với ý nghĩa là để các hồn ngự ở cơ thể vợ chồng chủ lễ nhận lễ và hưởng thụ lễ để cho các hồn được khỏe mạnh, phù hộ cho đôi vợ chồng trẻ sớm có con. Tiếp đến mâm lễ được đặt về vị trí ban đầu, tất cả mọi người cùng ngồi quanh mâm lễ để làm lễ buộc chỉ cổ tay cho đôi vợ chồng trẻ, vừa buộc chỉ vừa gửi những lời chúc tốt đẹp nhất đến với đôi vợ chồng trẻ, chúc họ sớm có con và mọi điều tốt lành. Đến đây nghi lễ cúng cầu con coi như đã kết thúc. Mọi người đến dự lễ cùng gia đình cùng ngồi vào dự tiệc, nâng chén rượu chúc mừng cho đôi vợ chồng trẻ mạnh khỏe, chúc cho sớm có con để được bế bồng...
Lễ Cầu con là một nghi lễ đặc trưng, tiêu biểu của dân tộc Thái, ngành Thái trắng tỉnh Điện Biên, trong lễ có hội, phần hội được diễn ra đan xen cùng lễ trong quá trình làm lễ. Vừa mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc, chứa đựng tính cộng đồng cao, có tác dụng vun đắp tình đoàn kết trong bản, trong mường, trong cộng đồng cư dân Thái và các dân tộc sinh sống trong khu vực.