Ném Pao theo tiếng Mông gọi là “Pov pob”. Cứ mỗi dịp tết đến, các bà, mẹ và các cô gái Mông dù bận bao công việc nhưng cũng không thể quên việc khâu Pao cho các cô con gái của mình, đây là vật dụng trong hoạt động ném Pao - trò chơi dân gian truyền thống, đặc biệt thường được những đôi trai gái sử dụng ném qua lại với nhau trong ngày Tết.

Quả Pao hay còn được gọi là “Lub pob” được khâu nối bởi các miếng vải  nhiều màu sắc thành trái tròn, to bằng quả cam, bên trong nhồi bông, hạt thóc hoặc vải dối cuộn chặt. Quả Pao có kích thước khác nhau, được tạo nên từ những đôi bàn tay khéo léo tỉ mỉ của người phụ nữ Mông, Pao dành cho các thiếu nữ thường to, màu sắc sặc sỡ hơn, còn Pao của các em gái mới lớn đơn giản, nhỏ hơn, màu sắc trầm hơn.

Ném Pao “Pov pob” thường diễn ra từ mồng 2 đến mồng 6 Tết âm lịch hoặc có thể kéo dài hơn nữa tuỳ từng địa phương. Trò chơi ném Pao được diễn ra ở những khoảng đất rộng tương đối bằng phẳng hoặc trên những mảnh nương đã gặt xong, thường thì một bản, xã sẽ có một sân riêng để tụ họp chơi Pao, người chơi được chia làm hai bên nam và nữ, những người tham gia ném Pao có thể là cùng bản hoặc khác bản nhưng việc ném Pao chủ yếu được thực hiện bởi các đôi trai gái khác dòng họ muốn tìm hiểu nhau, ngược lai trường hợp các cặp đôi trai gái cùng dòng họ sẽ không tham gia ném Pao cùng nhau.

Với những thanh niên chưa có gia đình, họ đến với hội chơi Pao để tìm người yêu, người bạn đời. Những cô gái Mông mặc trên mình bộ trang phục đẹp và ưng ý nhất, ban đầu họ chỉ chơi cho vui với nhau theo từng nhóm, sau đó đôi nam nữ sẽ ném quả Pao cho nhau và cứ ném qua, ném lại hàng giờ, thậm chí nhiều ngày tiếp theo họ luôn muốn ném Pao với nhau tức là khi đó cô gái đã đồng ý cho chàng trai tìm hiểu về mình. Trong quá trình cặp đôi nam nữ ném Pao vừa nói chuyện, vừa tạo duyên nhưng một tay vẫn ném và bắt Pao một cách uyển chuyển, chính xác. Trong các cặp đôi tham gia hội Pao, người xem có thể dễ dàng nhận thấy những cặp ném đẹp mắt và xuất sắc nhất.  

Mặt khác, hoạt động ném Pao còn là nơi tập trung, tụ họp của cộng đồng người Mông đến các điểm chơi Pao để giao lưu, tìm kiếm bạn bè. Với những người già, người lớn tuổi họ không đến chơi Pao mà họ đến để được giao lưu, gặp gỡ mọi người, để xem các hoạt động ngày Tết và chiêm ngưỡng con cháu của mình đang tiếp nối thực hành truyền thống văn hoá của cha ông đã trao truyền qua nhiều thế hệ.

Ngày nay ném Pao “Pov pob” vẫn được giữ nguyên bản sắc, nét đẹp và giá trị. Chính trò chơi này đã giúp cho cộng đồng, bản làng người Mông giữ được mối quan hệ, tinh thần đoàn kết, học tập và trao đổi kinh nghiệm. Họ đến với hội chơi Pao để giải tỏa những áp lực trong công việc, cuộc sống hằng ngày, đối với thế hệ trẻ, họ đến xem, tiếp cận và muốn được chơi, như một ý thức, trách nhiệm của mình đối với cộng đồng dân tộc. Cứ như vậy trò chơi ném Pao luôn được giữ gìn bản sắc và lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

 


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
     Liên kết website
    Thống kê: 10.155.246
    Online: 39