Lễ nhảy lửa (Nhìang chàng đao) hay còn gọi là tục Nhảy lửa của dân tộc Dao (ngành Dao đỏ). Lễ Nhảy lửa được ra đời từ xa xưa, từ khi tộc người Dao xuất hiện. Người Dao đỏ quan niệm rằng nhảy lửa không chỉ thể hiện sức mạnh, lòng dũng cảm của các chàng trai người Dao đỏ mà còn là hoạt động mang đậm bản sắc văn hoá mang tính hoang sơ, huyền bí.

Đây là một nghi thức kế tục của nghi lễ cúng Bàn Vương, người Dao (ngành Dao đỏ) thực hiện lễ Nhảy lửa với mong muốn cầu các thần linh phù hộ, bảo vệ gia đình, dòng tộc, bản làng được bình an, thịnh vượng, mừng mùa màng bội thu, bên cạnh đó lễ Nhảy lửa còn xua đuổi tà ma, bệnh tật, những đen đủi của năm cũ, cầu mong cuộc sống được ấm no hạnh phúc khi bước vào một năm mới, đồng thời qua lễ Nhảy lửa còn thể hiện sức mạnh của con người trong quá trình lao động, chế ngự thiên nhiên, chống lại thú dữ phá hoại mùa màng. 

Trong cộng đồng người Dao đỏ có rất nhiều câu chuyện kể về sự ra đời của lễ Nhảy lửa. Trong đó, có hai câu chuyện điển hình nhất:

Câu chuyện thứ nhất: Kể rằng: Khi người Dao đỏ sống trong rừng thì loài Hổ thường đến phá phách bản làng và ăn thịt những con vật nuôi của đồng bào, thậm chí chúng còn ăn thịt cả người dân trong bản. Vì vậy cứ mỗi khi loài vật này xuất hiện lại đem đến sự chết chóc, đen đủi cho người dân. Người Dao đỏ đã tìm mọi cách để xua đuổi, tiêu diệt loài vật phá hoại đó nhưng không thành công. Cuối cùng những người đàn ông trong làng đã họp nhau lại chọn một ngày đầu năm trong lịch can Chi, thường là ngày Dần cùng nhau tập trung đốt lửa và nhảy múa qua đống lửa, bốc than tung lên người để nhằm xua đi những điều đen đủi không may mắn và cầu tài, cầu lộc, cầu may mắn cho gia đình thôn bản trong năm mới. Một trong những quy định trong ngày Dần này không một ai trong làng được nhắc đến từ "Beo, hay Cọp" vì họ cho rằng như vậy sẽ đem lại sự không may mắn cho gia đình.

Câu chuyện thứ 2: Ngày xửa, ngày xưa không rõ từ bao giờ chỉ nhớ đó là năm Dần, trong năm đó hạn hán liên miên, không có hạt mưa nào từ vùng này qua vùng khác, người dân làm ăn gặp muôn vàn khó khăn, muôn thú trong rừng không kiếm được thức ăn nên chúng cũng tìm cách về phá hoại hoa màu của bà con dân bản, thậm chí Hổ, Báo và các loại thú rừng đe dọa cả tính mạng của con người và gia súc. Khi đó, cuộc sống người dân vô cùng cực khổ. Vào đầu năm mới cả làng tụ họp quây quần bên đống lửa bàn bạc, tìm cách chống chọi với thú rừng và cầu cho dân bản được sự bình an. Cuối cùng cả bản thống nhất giao cho thầy cúng có trách nhiệm làm lễ để cầu sự bình an, may mắn cho toàn thể người dân trong bản. Trong lúc làm lễ thầy cúng đã có lời chiêu binh mã để mở đường rừng, đường nước cho người dân được khai thông. Khi mọi người đang ngồi quanh đống lửa để bàn chuyện chống lại thú dữ thì đột nhiên những người đàn ông dân tộc Dao (ngành Dao đỏ) thấy trong người bỗng dưng rung lên bần bật và rồi họ nhảy vào đống lửa, tay cầm những nắm than hồng tung hô, reo hò và rồi từ đó không còn thấy các loại thú dữ đến phá hoại hoa màu và đe dọa tính mạng người dân trong bản nữa. Từ đấy cuộc sống của người dân cũng được bình an, may mắn và yên tâm làm nương rẫy.

Lễ Nhảy lửa ra đời, lưu truyền và trở thành lễ hội truyền thống không thể thiếu của mỗi dòng họ trong cộng đồng dân tộc Dao (ngành Dao đỏ). Vào dịp đầu năm, tùy vào điều kiện của mỗi dòng họ, lễ Nhảy lửa sẽ được tổ chức mỗi năm một lần hoặc hai đến ba năm một lần hoặc nhiều hơn tùy điều kiện của từng dòng họ. Lễ thường được tổ chức vào ngày mùng 1 đến mùng 5 tháng giêng, để mừng cho một vụ thu hoạch hoa màu vừa kết thúc đồng thời xua đuổi tà ma, những  điều xấu, những điều xui xẻo của một năm cũ, cầu thần Lửa mang lại sự ấm áp, bình an, sức khoẻ dồi dào cầu phúc, cầu may, cầu cho cây trái sai hoa và cầu các vị thần linh phù hộ cho dòng tộc và dân bản an khang thịnh vượng con cháu không bị ốm đau bệnh tật.

Những người dân tham gia nhảy lửa thường là đàn ông

Đối với cộng đồng người Dao đỏ, lễ Nhảy lửa là nét sinh hoạt văn hóa tinh thần độc đáo mang bản sắc văn hóa riêng của đồng bào. Qua lễ nhảy lửa, các chàng trai dân tộc Dao muốn chứng minh cho sức mạnh, lòng dũng cảm đương đầu với những khó khăn, nguy hiểm trong quá trình lao động sản xuất và chế ngự thiên nhiên. Nhảy lửa không chỉ là ngày vui của bản làng người Dao, mang ý nghĩa gắn kết cộng đồng mà còn bảo lưu được nhiều giá trị văn hóa truyền thống qua nhiều thế hệ. Góp phần quảng bá, thu hút các nhà nghiên cứu và du khách thập phương đến nghiên cứu, tìm hiểu và thưởng thức bởi những yếu tố kỳ bí, chưa có lời giải thích. Bản thân những người nhảy lửa cũng không hiểu vì sao họ không bị bỏng khi lao vào lửa, chỉ biết rằng sau phần lễ cúng họ như được truyền năng lượng đặc biệt.   

Lễ Nhảy lửa mang ý nghĩa: Tắm rửa sạch sẽ, giải hạn cho con người và cho cả làng, bản. Lễ nhảy lửa được tổ chức cúng là dịp để cho toàn thể dân làng tạ ơn trời đất, thần linh đã cho một mùa vụ tươi tốt, mang lại sự ấm áp, may mắn; đồng thời đây cũng là dịp xua đi những đen đủi của năm cũ, xua đuổi tà ma, bệnh tật, cầu mong mưa thuận, gió hoà, cuộc sống no ấm, dân bản khỏe mạnh trong năm tới. Đó là cơ sở tâm linh để củng cố niềm tin, tạo mối liên hệ thiêng liêng giữa các thành viên trong cộng đồng, giữa con người với con người, với thần linh... và đây cũng là dịp để mọi người cùng gặp gỡ, trao đổi, giao lưu, thưởng thức các làn điệu dân ca độc đáo của dân tộc mình. Lễ hội Nhảy lửa là di sản văn hóa phi vật thể có vai trò quan trọng trong đời sống cộng đồng của người Dao đỏ ở tỉnh Điện Biên.

Đến với cộng đồng dân tộc Dao, ngành Dao đỏ, nơi lưu giữ những nét tinh hoa, những giá trị văn hóa phi vật thể mang đậm bản sắc của đồng bào chắc hẳn du khách gần xa sẽ cảm nhận được những nét văn hóa phong tục, tập quán rất riêng của người dân Dao đỏ tỉnh Điện Biên. Hy vọng rằng đồng bào dân tộc Dao (ngành Dao đỏ) luôn bảo tồn và giữ gìn nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình, góp phần tô điểm thêm vào bức tranh đa sắc màu văn hoá các dân tộc Việt Nam./.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
     Liên kết website
    Thống kê: 10.310.883
    Online: 31