Đề cương về văn hóa Việt Nam do cố Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo vào tháng 2/1943 đây văn kiện chính thức đầu tiên về công tác văn hoá, văn nghệ được thông qua tại Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng. Cho đến nay, giá trị và tính hiện thực của bản Đề cương này vẫn còn nguyên giá trị. Ra đời trong hoàn cảnh Đảng vẫn còn hoạt động bí mật, đang làm công tác vận động cách mạng, xã hội mang tính chất nửa thực dân nửa phong kiến tình hình chính trị đang có nhiều diễn biến phức tạp nhưng cũng đặt ra những thời cơ cho cuộc cách mạng xã hội.

Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 đã đem lại một không khí mới cho văn hóa Việt Nam. Sự khai phóng về tư tưởng văn hóa, đường hướng trở về với dân tộc, nhân dân và góc nhìn sự vật dưới con mắt biện chứng đã đem lại một cảm hứng mới cho những người làm văn hóa, những trí thức đang muốn thay đổi, muốn tìm đường đi mà chưa thấy lối. Sự tin yêu vào chủ trương cứu quốc, văn hóa soi đường cho quốc dân đi, đã khiến nhiều văn nghệ sĩ, nhân sĩ, các nhà hoạt động văn hóa từ bỏ quan niệm cũ, chấp nhận một thế giới quan và nhân sinh quan mới. Đây là cuộc nhận đường đầu tiên của đội ngũ trí thức để đến với Cách mạng. Họ là những người tiên phong đi đến với cách mạng và là lực lượng chủ chốt để tham gia xây dựng nền văn hóa mới. Đề cương nêu ra ba phương châm lớn (gọi là ba nguyên tắc) của cuộc vận động văn hóa mới Việt Nam trong giai đoạn này "Dân tộc hóa, đại chúng hóa và khoa học hóa". Trong văn bản quan trọng này, nhiệm vụ xây dựng nền văn hoá dân tộc, nhân dân đã sớm được  xác định. Đề cương là trang bị cơ sở lý luận căn bản cho cán bộ hoạt động văn hóa - tư tưởng trong cách mạng dân tộc dân chủ. Văn hoá  được coi là một trong ba mặt trận cách mạng (chính trị, kinh tế, văn hoá). Nhấn mạnh 3 thành tố đặc biệt quan trọng của văn hóa là: Tư tưởng, học thuật và nghệ thuật. Cùng với đó, 3 nguyên tắc vận động để xây dựng nền văn hóa mới được nêu ra: Dân tộc, khoa học, đại chúng. Cho đến thời điểm hiện nay ba nguyên tắc này vẫn tiếp tục là nguyên tắc cơ bản, là "kim chỉ nam" trong chỉ đạo và hoạt động văn hoá.

Đề cương về văn hóa Việt Nam trở thành tài liệu đầu tiên, quan trọng và duy nhất, có tác dụng tập hợp lực lượng rất lớn những người có tư tưởng tiến bộ bấy giờ trong mặt trận Văn hóa cứu quốc. Tư tưởng cứu quốc với khẩu hiệu “Tổ quốc trên hết” đã trở thành ngọn cờ tập hợp lực lượng, khơi dậy ở mỗi người dân, cộng đồng, dân tộc,tôn giáo lòng yêu nước và khát vọng độc lập. Tư tưởng Tổ quốc trên hết, văn hóa soi đường cho quốc dân đi mà Chủ tịch Hồ Chí Minh là ngọn cờ đã tập hợp được rất nhiều những người thuộc các xu hướng xã hội khác đi theo cách mạng, kháng chiến, đem hết sức lực, trí tuệ ra phụng sự Tổ quốc. Nếu không có tư tưởng này soi đường, khó có thể chỉ với hơn 5.000 đảng viên làm nòng cốt của mặt trận Việt Minh, Đảng có thể lãnh đạo cuộc khởi nghĩa giành chính quyền trọn vẹn như vậy. Tư tưởng vì dân tộc, đại chúng với một thái độ khách quan, đúng đắn của nhãn quan khoa học luôn có sức hút, sức hấp dẫn và khả năng quy tụ trí thức tâm huyết với đất nước ở bất kỳ giai đoạn nào trong lịch sử.

Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng về lĩnh vực văn hóa ngày 24/11/2021 Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu chỉ đạo, và một lần nữa vai trò của văn hoá được đề cao. Tổng Bí thư nhấn mạnh xét cả lĩnh vực văn hoá vật thể và phi vật thể, văn hoá là những gì tinh hoa, tinh tuý nhất, được kết tinh, hun đúc thành những giá trị tốt đẹp, đặc sắc, nhân văn, nhân ái và tiến bộ. Một lần nữa đề cao và  khẳng định vai vai trò của văn hoá và mong muốn sau Hội nghị công tác văn hoá sẽ có bước chuyển biến, tiến bộ mới, mạnh mẽ hơn nữa, hiệu quả cao hơn nữa, ghi một dấu mốc mới trên con đường chấn hưng, phát triển nền văn hoá Việt Nam trong thời kỳ mới.

Nhìn lại quá trình 80 năm phát triển của dân tộc, của đất nước, về những chặng đường đầy khó khăn đã qua và những thành tựu của nền văn hoá Việt Nam đã đạt được, mới thấy giá trị to lớn của việc Đảng ta sớm nhìn thấy vai trò và định hướng đúng phát triển văn hoá, thể hiện bằng những văn bản trí tuệ và cơ sở mang tính lý luận cao. Chúng ta tự hào về những thành tựu và di sản  mà cha ông ta để lại, đồng thời có trách nhiệm gìn giữ, bảo lưu và phát triển phù hợp với xu thế thời đại, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

 

 

 


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Liên kết website
Thống kê: 10.318.759
Online: 63