Khu di tích Sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ nằm ở xã Mường Phăng, TP. Điện Biên Phủ những dịp cuối tuần thường nhộn nhịp khách tới dâng hương, tham quan và tìm hiểu lịch sử. Ngay khi khách mới đến khu vực đỗ xe, các chủ cửa hàng duyên dáng trong bộ váy cóm đon đả ra chào hỏi, mời du khách dừng chân uống nước, mua hàng... Lời mời rất nhiệt tình nhưng thể hiện lịch sự, nhẹ nhàng chứ không còn tình trạng chào mời mua các loại thuốc “kém duyên” như trước. Du khách khi đến đây đều thấy có thiện cảm với các chủ cửa hàng này… Từ đó có thể thấy, việc chuẩn bị đón tiếp khách chu đáo và ứng xử văn minh với du khách đã được cán bộ Ban Quản lý di tích ở đây thực hiện khá bài bản và nghiêm túc.
Ông Lò Văn Hoàng, Tổ trưởng Tổ trưởng tổ quản lý bảo vệ di tích Sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ chia sẻ: “Việc giao tiếp, ứng xử văn minh, lịch sự với du khách được Ban Quản lý di tích quán triệt nghiêm túc tới tất cả cán bộ, viên chức, người lao động của đơn vị. Khi đón tiếp khách phải niềm nở, nhiệt tình, thân thiện… Hàng năm, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng mở các lớp tập huấn cho hướng dẫn viên kỹ năng giao tiếp, ứng xử với khách. Ngoài ra, với các hộ hiện đang kinh doanh quanh khu vực di tích, về phía Tổ quản lý cũng phối hợp với Công an xã, lãnh đạo địa phương tuyên truyền, hướng dẫn các chủ cơ sở cách ăn nói, cư xử với khách lịch sự, không được chèo kéo khách làm ảnh hưởng tới hình ảnh của du lịch địa phương. Đặc biệt, tình trạng các cháu nhỏ đi theo đoàn để thuyết minh đã chấm dứt hẳn từ một vài năm trở lại đây…”.
Vừa tham quan một vòng khu di tích Sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ, bà Bùi Thị Hương đến từ Thanh Hóa dừng chân nghỉ lại một cửa hàng ven đường. Nhấp chén nước từ loại cây rừng bản địa lại được chủ cửa hàng xinh xắn trong trang phục truyền thống dân tộc Thái hỏi han, chuyện trò vui vẻ khiến bà Hương cười không ngớt. Bà Hương chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên tôi đến Mường Phăng. quả thật ở đây cảnh quan thiên nhiên xanh mát, tươi đẹp, không khí trong lành. Hơn nữa, thái độ phục vụ của những người làm du lịch, người dân sinh sống tại đây đối với du khách thân thiện, cởi mở. Tôi rất hài lòng khi đến tham quan, hi vọng tại các điểm di tích khác cũng sẽ được chào đón niềm nở như vậy”.
Công ty Du lịch Điện Biên cùng thổ địa dịp gần đây nổi lên với phong cách làm việc trẻ trung nhưng vẫn đón tiếp, dẫn đoàn du khách chu đáo, nhiệt tình và thân thiện. Chính vì vậy dù là một công ty còn non trẻ với rất nhiều người trẻ, Du lịch Điện Biên cùng thổ địa đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ phía du khách. Điều đó không chỉ tạo nên uy tín của riêng công ty mà còn góp phần vào xây dựng hình ảnh về du lịch tỉnh nhà đầy thân thiện, mến khách. Anh Phan Thành, Giám đốc Công ty Du lịch Điện Biên cùng thổ địa chia sẻ: “Hiện nay công ty có 3 hướng dẫn viên chính và một số cộng tác viên tiếng nước ngoài làm việc theo thời điểm. Dù là hướng dẫn viên chính hay cộng tác viên thì việc giao tiếp, ứng xử với khách luôn là vấn đề được công ty đặt lên hàng đầu. Công ty yêu cầu hướng dẫn viên phải am hiểu rõ 2 vấn đề, một là kiến thức lịch sử, hai là kiến thức đời sống. Bởi khác với nhiều điểm du lịch khác, Điện Biên là mảnh đất lịch sử, hướng dẫn viên dẫn đoàn phải am hiểu về lịch sử mới có thể truyền đạt lại cho khách chính xác được. Tiếp nữa là về vốn sống thường ngày, nhiều khi dẫn đoàn chỉ cần những câu hỏi rất vu vơ của khách, như: Đây là núi gì? Cây này cây gì? Mà hướng dẫn viên của mình không trả lời được thì cũng là một điểm trừ không đáng có…”.
“Hướng dẫn viên điều cần thiết là phải hoạt ngôn. Thế nhưng việc nắm bắt tâm lý từng nhóm khách hàng khác nhau để lựa chọn cách giao tiếp cũng quan trọng không kém. Thấy khách “hướng nội” thì phải lựa chọn cách giao tiếp nhẹ nhàng. Còn đối với những khách thích chia sẻ về cuộc sống, bản thân mình thì hướng dẫn viên phải đổi chiều là người biết lắng nghe, chia sẻ… Như vậy thì mới phục vụ du khách chu đáo” - anh Phan Thành nói.
Có thể thấy rằng, để tạo nên sức hút của điểm đến du lịch, ngoài các yếu tố về phát triển đa dạng sản phẩm du lịch, đầu tư cơ sở hạ tầng thì nhân tố có tính chất quyết định chính là việc xây dựng môi trường văn hóa, văn minh du lịch từ những điều nhỏ nhất như vệ sinh, cảnh quan môi trường, ứng xử của người làm du lịch... Chắc hẳn nhiều người còn nhớ một vài sự việc trước đây khi người bán hàng tại một số điểm di tích “chặt chém” du khách với giá trên trời cho một ly nước giải khát. Điều đó đã khiến cho du khách có cái nhìn không mấy thiện cảm về hình thức làm ăn “chộp giật” này. Bởi vậy, ngay từ năm 2018, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã triển khai và đẩy mạnh thực hiện Bộ quy tắc ứng xử văn minh trong du lịch tới các khu, điểm tham quan du lịch, đơn vị kinh doanh du lịch, bản văn hóa... Trong đó có các quy định, như: Ứng xử đúng mực, tôn trọng khách; có thái độ thân thiện, niềm nở khi phục vụ khách; biết lắng nghe, chia sẻ, tiếp thu ý kiến của khách; giữ gìn vệ sinh môi trường sạch sẽ, tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp. Đồng thời nghiêm cấm các hành động: Phân biệt đối xử với khách du lịch; đeo bám, chèo kéo, làm phiền du khách...
Từ đầu năm đến nay, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã mở 5 lớp tập huấn để nâng cao kỹ năng giao tiếp, ứng xử và nghiệp vụ cho những người làm du lịch tỉnh. Cụ thể như: Lớp tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ hướng dẫn du lịch; Tập huấn bồi dưỡng kỹ năng hướng dẫn du lịch cho đội ngũ cộng tác viên; Lớp tập huấn kỹ năng giao tiếp tiếng Anh trong hoạt động du lịch năm 2023; Lớp tập huấn nâng cao kiến thức về công tác quảng bá, xúc tiến du lịch; Lớp tập huấn về kỹ năng giao tiếp bằng tiếng Lào… Qua đó, góp phần xây dựng và nâng cao văn hóa ứng xử, tạo nên môi trường du lịch thân thiện, văn hóa, lành mạnh, góp phần phát triển du lịch bền vững.