Điện Biên là một tỉnh miền núi, biên giới có điều kiện tự nhiên còn nhiều khó khăn, dân cư sinh sống rải rác, trong đó đa số các bản thuộc các xã đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới với 19 dân tộc cùng sinh sống. Đến nay, mặc dù được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc đã được cải thiện đáng kể song so với mặt bằng chung của cả nước vẫn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Trình độ nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế. Chính vì yếu tố đó, các thế lực thù địch đã lợi dụng vấn đề “dân tộc”, “tôn giáo”, “dân chủ”, “nhân quyền” để tăng cường lôi kéo, dụ dỗ người dân và ra sức tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước nhằm thực hiện âm mưu chiến lược “diễn biến hòa bình”.
Trước thực tế đó, trong những năm qua, Trung tâm Văn hóa, Điện ảnh tỉnh đã bám sát chủ trương, định hướng, chỉ đạo của tỉnh và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch để tổ chức triển khai có hiệu quả nhiều hình thức tuyên truyền, cổ động phong phú, đa dạng, phù hợp với đặc điểm tình hình và nhu cầu, trình độ tiếp nhận của người dân. Tiêu biểu như tuyên truyền cổ động mặt đường (căng treo pano, áp phích, băng rôn, cờ phướn, màn hình led…); tuyên truyền thông qua biểu diễn văn nghệ, câu chuyện thông tin, tuyên truyền miệng; tuyên truyền trên các phương tiện thông tin (xuất bản ấn phẩm, trang thông tin điện tử, mạng xã hội…); phát hành xuất bản phẩm; phát hành phim và chiếu bóng.
Trong số các loại hình tuyên truyền trên, công tác chiếu bóng lưu động phục vụ cơ sở được đơn vị nói riêng, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch nói chung quan tâm triển khai thực hiện và đã đem lại nhiều hiệu quả thiết thực, được nhân dân cơ sở đón nhận. Các hình thức, nội dung tuyên truyền được triển khai thường xuyên, liên tục, gắn với nhiệm vụ chính trị chung của tỉnh, ngành và đơn vị, thường xuyên có sự đổi mới, qua đó tích cực tuyên truyền, phổ biến kiến thức tới người dân. Đồng thời, với các hình thức hấp dẫn, dễ hiểu, dễ tiếp nhận, đây còn là món ăn tinh thần đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số thuộc các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.
Các buổi chiếu phim lưu động thu hút đông đảo nhân dân đến xem
Với biên chế 03 đội chiếu phim lưu động trực thuộc, hằng năm Trung tâm Văn hóa, Điện ảnh đã tổ chức thực hiện theo kế hoạch trung bình 1.400 buổi chiếu phim tuyên truyền phục vụ cơ sở; thu hút hàng trăm ngàn lượt khán giả trong toàn tỉnh. Đối với một địa bàn miền núi, biên giới, đa dân tộc như tỉnh Điện Biên, đây là kết quả thể hiện sự cố gắng, nỗ lực của những người làm công tác chiếu bóng lưu động cũng như sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền trên địa bàn tỉnh Điện Biên.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác chiếu bóng lưu động tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị cũng bộc lộ nhiều khó khăn, bất cập trong điều kiện hiện nay. Nguồn phim, tư liệu cung cấp chủ yếu phụ thuộc vào nguồn phân bổ của Cục Điện ảnh nên còn hạn chế; nhiều nội dung chưa thực sự phù hợp với đặc điểm vùng miền và nhu cầu hưởng thụ của đồng bào các dân tộc Điện Biên. Đặc biệt trong bối cảnh bùng nổ thông tin như hiện nay, các phương tiện nghe nhìn hiện đại như vô tuyến, máy tính, điện thoại thông minh hết sức phổ biến đã giúp người dân có điều kiện tiếp cận với thông tin và điện ảnh một cách nhanh chóng nên có xu thế thay đổi sở thích cũng như nhu cầu, đặc biệt là đối với các thế hệ trẻ. Hình thức tuyên truyền của hoạt động chiếu phim lưu động đã được duy trì qua nhiều năm nên không tránh khỏi tình trạng đi vào lối mòn, sự thiếu sáng tạo, đổi mới dẫn đến khó thu hút được lương đông khán giả đến xem, chưa thực sự tạo nên một chương trình tuyên truyền phong phú, đa dạng, giàu sức hấp dẫn để thu hút người xem, đồng thời phát huy được tính năng tuyên truyền thông qua nhiều cách tiếp cận.
Để khắc phục khó khăn, hạn chế, phát huy tính chủ động, sáng tạo nhằm nâng cao hiệu quả phục vụ, các đội chiếu phim lưu động đã không ngừng tìm tòi, áp dụng nhiều biện pháp cụ thể, thiết thực. Công tác dân vận được chú trọng với phương châm “hướng về cơ sở”. Các đội viên đội chiếu bóng lưu động quan tâm khai thác, tìm hiểu đặc điểm dân cư, điều kiện kinh tế - xã hội của địa bàn và nhu cầu của nhân dân để có những nhận thức, đánh giá về các đối tượng khán giả, từ đó làm cơ sở lựa chọn nguồn phim tuyên truyền phù hợp. Họ chủ động gặp gỡ già làng, người có uy tín trong cộng đồng khu dân cư, phối hợp tham gia nhiều phong trào thiết thực của Chi đoàn thanh niên, từ đó tạo được sự gắn bó, niềm tin và tình cảm của nhân dân.
Trước các buổi chiếu phim, thực hiện công tác tuyên truyền xe loa giới thiệu nội dung chương trình bằng tiếng dân tộc, tiếng phổ thông xen kẽ mở các bài hát tuyền truyền phù hợp với chủ đề của chương trình để thu hút sự chú ý quần chúng nhân dân. Với bà con ở nhiều vùng sâu, vùng xa, việc tiếp xúc, giao lưu với bên ngoài là hết sức hạn chế, phần lớn những người nhiều tuổi đều chưa thạo tiếng phổ thông. Nên nếu không tuyên truyền bằng tiếng dân tộc, những thông tin của đội chiếu bóng lưu động sẽ không được truyền đạt đầy đủ, thậm chí là không có tác dụng. Không chỉ vậy, việc tuyên truyền bằng tiếng dân tộc sẽ tạo nên sự gần gũi đối với nhân dân, qua đó tạo nên thiện cảm và sự quan tâm của người dân đối với chương trình.
Bên cạnh đó, cần khai thác một số hình thức tuyên truyền phụ trợ trước chương trình phim chính thức. Kết hợp nhiều hình thức tuyên truyền, hoạt động văn hóa, văn nghệ đa dạng khác nhau để đổi mới cách thức tổ chức chương trình, thu hút sự quan tâm của khán giả như: Chiếu các phim phóng sự ngắn, video clip giới thiệu, quảng bá văn hóa, du lịch tỉnh Điện Biên, video ca nhạc, phim hoạt hình thiếu nhi, các phim ngắn hay và có độ thu hút…, tổ chức biểu diễn, giao lưu văn nghệ với diễn viên quần chúng xã, bản; đan xen các nội dung tuyên truyền do các đại biểu là cán bộ văn hóa xã phát biểu tuyên truyền trước nhân dân, tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho đồng bào.
Khi giải pháp được thực hiện tại một số điểm bản của huyện Điện Biên, Mường Nhé, Nậm Pồ, Tuần Giáo, Tủa Chùa... đã thu được kết quả khả quan. Số lượt người đến xem tăng lên đáng kể, người dân hài lòng tiếp nhận thông tin tuyên truyền. Qua đó không chỉ làm phong phú thêm chương trình chiếu phim, thu hút sự quan tâm của đông đảo đồng bào tại điểm chiếu mà còn tăng cường mối quan hệ mật thiết với người dân tại cơ sở. Các nội dung tuyên truyền có điều kiện thấm sâu hơn tới nhận thức đồng bào, đồng thời, các thành viên đội chiếu phim lưu động cũng hiểu sâu hơn về tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của người dân để có thể điều chỉnh nguồn phim, xây dựng kế hoạch, chương trình phù hợp hơn với các địa bàn dân cư khác nhau. Từ đó nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động chiếu phim lưu động, góp phần đưa điện ảnh đến với mọi người, phát triển sự nghiệp văn hóa tỉnh Điện Biên.