Thượng tướng Nguyễn Hữu An là một trong những vị tướng nổi tiếng Việt Nam. Đồng chí được giao đảm đương những trọng trách, trên các cương vị khác nhau, trực tiếp chỉ huy nhiều trận chiến đấu và giành được nhiều chiến thắng quan trọng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Đồng chí luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, xứng đáng là một nhà chỉ huy quân sự quyết đoán và mưu lược được Đại tướng Võ Nguyên Giáp mệnh danh là "Vị tướng trận mạc”.

Đồng chí Nguyễn Hữu An (09/10/1926 - 09/4/1995) sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng thuộc xã Trường Yên, huyện Gia Viễn (nay là huyện Hoa Lư) tỉnh Ninh Bình. Tham gia cách mạng và nhập ngũ từ năm 1945. Đồng chí đã được rèn luyện, trưởng thành từ những ngày đầu cuộc kháng chiến chống Pháp.

Đồng chí Nguyễn Hữu An nổi tiếng là một cán bộ chỉ huy mưu trí, dũng cảm từ những trận đánh ở Mặt trận Cao - Bắc - Lạng năm 1947-1948, trận Đông Khê trong Chiến dịch Biên Giới năm 1950. Với vai trò là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 251 Trung đoàn 174 đơn vị luôn được giao nhiệm vụ chủ công trên hướng đột phá, xử trí những tình huống khó khăn với tinh thần tiến công, tiêu diệt các vị trí quan trọng,  góp phần quyết định thắng lợi.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, đồng chí Nguyễn Hữu An là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 174, Đại đoàn 316 (là một trong những vị chỉ huy trẻ tuổi nhất của mặt trận Điện Biên Phủ). Trung đoàn 174 là đơn vị vừa lập công xuất sắc ngăn chặn không cho quân đội Pháp từ Lai Châu về co cụm về Điện Biên Phủ với chiến thắng tại Mường Pồn ngày 12/12/1953.

Kết thúc đợt tấn công thứ nhất, Bộ chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ tiến hành Hội nghị sơ kết đợt 1 và giao nhiệm vụ đợt 2 cho các đơn vị, trong đó Trung đoàn 174 là đơn vị chủ công được giao đánh cứ điểm đồi A1 - vị trí quan trọng của đợt tấn công thứ 2. Đồng chí Nguyễn Hữu An trình bày phương án đánh A1 và trả lời các câu hỏi một cách rõ ràng. Cuối cùng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp hỏi: “Đồng chí có đề nghị gì với Bộ chỉ huy chiến dịch không?” Đồng chí Nguyễn Hữu An nói: “A1 là vị trí  rất cứng mà trên chi viện có 100 viên đạn pháo 105mm, như vậy ít quá”. Đại tướng đã đồng ý cho thêm 5 viên nữa. Đó cũng là kỉ niệm khó quên trong đời ông khi mỗi lần nhớ lại chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra trong hoàn cảnh nước ta còn nghèo, vị Tổng tư lệnh phải cân nhắc, chia từng viên đạn pháo cho từng trung đoàn, càng thấm thía thắng lợi vĩ đại mà quân và dân Việt Nam đã giành được.  

Trong trận tấn công đồi A1 ngày 30/3/1954, do đường dây điện thoại bị đại bác cắt đứt. Trung đoàn 174 bị mất liên lạc với Đại đoàn ngay từ đầu nên không nhận được lệnh tiến công. Khi thấy trên những cao điểm các khác tiếng súng của bộ binh nổ ran, Trung đoàn trưởng Nguyễn Hữu An chủ động ra lệnh cho hỏa lực của Trung đoàn bắn vào yểm hộ cho xung kích mở cửa. Trận chiến đấu diễn ra gay go và ác liệt, cuối cùng mỗi bên chiếm 1 nửa điểm cao. Nguyên nhân không tiêu diệt được A1 chủ yếu là do Trung đoàn 174 nổ súng chậm nửa giờ, pháo binh Pháp đã hoàn hồn, tập trung bắn vào cửa đột phá làm tiêu hao nhiều lực lượng. Trong Hội nghị tổng kết đợt 2 đồng chí Nguyễn Hữu An đã bị Đại tướng Võ Nguyên Giáp phê bình nghiêm khắc vì mở cửa đột phá chậm. Đây là thất bại đầu tiên trong những trận đánh công kiên của đồng chí Nguyễn Hữu An. Sau này, khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp gặp lại đồng chí Nguyễn Hữu An ở Bảo tàng Quân đội, khi đó kỷ niệm 30 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Đại tướng đã bắt tay đồng chí và nói: “Mình công nhận hồi ở Điện Biên Phủ cậu bị phê bình oan”. Đồng chí Nguyễn Hữu An đã nói: “Tôi cảm ơn anh đã thông cảm. Việc đó với tôi đã qua rồi, nhưng được anh nghĩ tới và cư xử công bằng như vậy tôi hết sức trân trọng”. Đó là những điều thường gặp trong chiến tranh . Nếu có kinh nghiệm ta có thể khắc phục được. Chính vì vậy đồng chí Nguyễn Hữu An đã cùng đồng đội tiêu diệt cứ điểm A1 và giành chiến thắng vào sáng 7/5/1954, góp phần vào chiến thắng và kết thúc Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954.

Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đồng chí Nguyễn Hữu An là Sư đoàn trưởng chỉ huy Sư đoàn 325 vào mặt trận miền Nam chiến đấu rồi sau đó làm Phó Tư lệnh B3 tại mặt trận Tây Nguyên vào năm 1965. Trong năm đó, đồng chí tiếp tục là người chỉ huy đưa đội quân Việt Nam giành chiến thắng trong trận đánh nổi tiếng ở thung lũng Ia Đrăng với quân đội Mỹ.

Trong chiến dịch Đường 9 - Nam Lào rồi chiến dịch Cánh Đồng Chum (cuối năm 1971 - đầu năm 1972) - những chiến dịch có ý nghĩa chiến lược quan trọng, đồng chí Nguyễn Hữu An trên cương vị Tư lệnh Sư đoàn 308 - đơn vị chủ lực cơ động đã giáng cho quân đội Mỹ-ngụy những đòn sấm sét, làm thất bại một bước quan trọng chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh", đẩy Mỹ sa lầy vào một cuộc chiến "không lối thoát". Với lực lượng lục - không quân được trang bị mọi thứ vũ khí tối tân hiện đại nhất, quân đội Mỹ đã phải đối mặt với lực lượng của ta với nhiều chiến thuật, cách đánh dũng cảm, mưu trí và quả cảm - đó là cách đánh "mang kiểu cách Việt Nam, nó phát triển một cách độc lập, sáng tạo cách đánh của Việt Nam" như Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã từng đánh giá.

Năm 1975, đồng chí tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh. Quân đoàn 2 dưới sự chỉ huy của đồng chí đã giải phóng lần lượt các tỉnh thành phố như Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng. Đồng thời, quân đoàn của đồng chí cũng là một trong 5 cánh quân đã nhanh chóng cắm lá cờ đỏ lên nóc dinh Độc Lập, bắt toàn bộ nội các chính quyền Sài Gòn, buộc Tổng thống Dương Văn Minh phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiện lúc 11 giờ 30 phút ngày 30 tháng 4 năm 1975.

Vào tháng 12/1977, đồng chí Nguyễn Hữu An với cương vị là chỉ huy Quân đoàn 2 tham gia vào chiến dịch phản công biên giới Tây - Nam Việt Nam chống quân Khmer Đỏ Pol Pot kết thúc vào năm 1981. Sau khi chiến tranh kết thúc, đồng chí là người đảm nhận nhiều chức vụ quan trọng: Từ năm 1984 đến năm 1987 là Phó Tổng Thanh tra quân đội đồng thời là Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng kiêm Quyền Tư lệnh Quân khu 2; Từ năm 1988 đến năm 1991, Giám đốc Học viện Lục quân; Từ năm 1991 đến năm 1995 là Giám Đốc Học viện Quốc phòng.

Năm 1958, đồng chí Nguyễn Hữu An được phong quân hàm Thượng tá; Năm 1966, phong quân hàm Đại tá; Năm 1974, phong quân hàm Thiếu tướng; Năm 1980, phong quân hàm Trung tướng; Năm 1986, phong quân hàm Thượng tướng. Thượng tướng Nguyễn Hữu An đã "lập nhiều công tích, góp những cống hiến xuất sắc đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc" đồng chí đã được Đảng và Nhà nước phong tặng nhiều huân huy chương cao quý như: Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng, Huân chương Độc lập hạng Nhất; 2 Huân chương Quân công hạng Nhất; Huân chương Quân công hạng Ba; Huân chương Quân công Giải phóng hạng Ba; 2 Huân chương Chiến công hạng Nhất, hạng Nhì; Huân chương Chiến thắng hạng Nhì.

Thượng tướng Nguyễn Hữu An đã đi xa nhưng những giá trị quý giá, tấm gương đạo đức sáng trong, bình dị và những tình cảm thương mến mà đồng chí để lại cho đồng đội và gia đình mãi mãi còn in đậm trong tâm tưởng bao người. Để tưởng nhớ một vị tướng tài ba với nhiều công lao đóng góp cho sự nghiệp giải phóng, bảo vệ Tổ quốc và xây dựng Quân đội Nhân dân Việt Nam, tên đồng chí đã được đặt tên cho đường Nguyễn Hữu An ở thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình./.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Liên kết website
Thống kê: 10.317.635
Online: 51