Điện Biên là một tỉnh miền núi nằm ở phía Tây Bắc của Tổ quốc, nơi hội tụ của 19 dân tộc cùng sinh sống, trong đó có dân tộc Dao. Đồng bào dân tộc Dao gồm 3 ngành: ngành Dao quần chẹt, Dao đỏ và Dao khâu. Người Dao thường cư trú ở những nơi vùng núi cao và tập trung nhiều ở các huyện như: Tủa Chùa, Mường Nhé, Nậm Pồ; người Dao thường ở nhà sàn, nhà nửa sàn nửa đất hoặc nhà đất.

Văn hóa của  người dân tộc Dao giàu bản sắc với  một kho tàng văn hóa dân gian phong phú, độc đáo, đa dạng. So với một số dân tộc thiểu số khác, dân tộc Dao có ngôn ngữ và chữ viết riêng, họ sử dụng chữ Nôm Dao. Nghề thủ công khá phát triển, đặc biệt là nghề làm giấy rất được quan tâm và chú trọng để thể hiện và lưu giữ những bức tranh thờ bàn vương, tranh chân dung bàn vương, mặt nạ cúng. Người Dao sống chủ yếu bằng nghề canh tác nương rẫy và trồng lúa nước. Nghề làm giấy được đồng bào quan tâm và chú trọng. Họ lưu giữ những bức tranh thờ bàn vương, tranh chân dung bàn vương và mặt nạ cúng. Tranh thờ bàn vương là loại tranh dùng trong tín ngưỡng và tôn giáo, đóng một vị trí vô cùng quan trọng trong đời sống tâm linh, là hình ảnh thu nhỏ của vũ trụ, là di sản văn hóa quan trọng của đồng bào. Các nhân vật trong tranh có cuộc sống riêng, được coi là linh thiêng, là thần bí. Mỗi bộ tranh đều có ý nghĩa tôn giáo riêng và được sử dụng trong các nghi lễ tôn giáo khác nhau.

Hiện nay, Bảo tàng tỉnh Điện Biên đang lưu giữ 16 bức tranh thờ bàn vương do ông Lý Vân Páo trú tại bản Po Cha, xã Mường Mơn, tỉnh Lai Châu bàn giao cho Bảo tàng tỉnh Điện Biên vào năm 1997. Đây là 16 bức tranh nằm trong bộ tranh thờ thuộc gia phả của dòng họ người Dao dùng để tế lễ, xưng vua, xưng quan, mỗi bức tranh được vẽ theo những cách khác nhau có nội dung và ý nghĩa riêng.

Tranh thờ Bàn Vương được các nghệ nhân vẽ trên giấy dó, được bồi nhiều lớp. Phía trên và dưới tranh được nẹp bằng một thanh tre nhỏ mỏng để buộc dây treo. Tranh được làm thủ công, đây là loại giấy xốp nhẹ, bền dai, không nhòe khi viết và vẽ, ít bị mối mọt, ẩm mốc. Tranh vẽ hình người mặc những bộ trang phục khác nhau, bố trí ở các vị trí khác nhau, thường vẽ từ một hoặc nhiều người, ở các vị trí phía trên hay trung tâm của bức tranh là hình ảnh con người được vẽ to hơn thể hiện sự uy nghiêm, quyền lực với những đường nét mềm mại và được tả rõ nét các chi tiết đặc điểm và tính cách của nhân vật. Màu sắc sử dụng trong tranh được vẽ bằng bột màu, phẩm màu nên có màu sắc tươi tắn với các màu chủ đạo là đỏ, đen, vàng,…Màu được tô với kỹ thuật tán màu đậm nhạt tạo nên các mảng màu ấn tượng và sống động.

Trong đời sống tâm linh, tranh thờ của một số các dân tộc miền núi phía Bắc phản ánh khá rõ nét tư tưởng, suy nghĩ, nhận thức về thế giới quan, nhân sinh quan của họ bằng hình ảnh, màu sắc và ngôn ngữ hội họa. Họ không dùng tranh thờ để trang trí nhà cửa bởi họ quan niệm tranh thờ là vật linh thiêng chỉ dùng trong các nghi lễ. Mỗi bộ tranh khi đã vẽ hoàn tất, không thể đưa vào thờ cúng, thực hành tín ngưỡng ngay được, bởi theo truyền thống các bức tranh phải được thực hiện lễ khai quang cẩn trọng. Khi đó, các thần linh mới ứng nghiệm vào tranh, giá trị tâm linh mới được hiện hữu.Việc khai quang phải được thực hiện bởi thầy cúng có kinh nghiệm và đủ khả năng, có uy tín trong cộng đồng thực hiện. Trong một số nghi lễ tranh mới được mở ra treo, kết thúc nghi lễ phải thực hiện lễ thu tranh, cất và bảo quản cẩn thận ở vị trí trang trọng trên ban thờ. Vào ngày thường tranh không được tùy tiện mở, xem bởi làm như vậy sẽ phạm đến thần linh, bị các thần quở, phạt.

Đối với các tỉnh thuộc khu vực miền núi phía Bắc, dân tộc Dao là dân tộc sử dụng nhiều tranh thờ nhất. Tranh thờ không chỉ phổ biến ở tầng lớp thầy Tào, mà còn gắn liền với lễ thành đinh (Cấp sắc) của người con trai. Còn các dân tộc Tày, Nùng, Sán Chỉ thì tầng lớp thầy Tào mới có tranh thờ. Ở cộng đồng các dân tộc này có khá nhiều tranh thờ được dùng chung. Tuy nhiên vẫn có một số bộ tranh thờ thể hiện rõ dấu ấn nghệ thuật, văn hóa tâm linh riêng mang sắc thái đặc trưng của từng tộc người rõ rệt. Từ đó tạo nên nhiều dòng tranh thờ mang đặc thù khác nhau từ nét vẽ, màu sắc cho đến số lượng tranh trong mỗi bộ. Tranh thờ giúp con người có thêm niềm tin vào cuộc sống, tin rằng thần linh, tổ tiên luôn theo dõi, phù hộ, trợ giúp con cháu trong những lúc khó khăn, tránh khỏi sự quấy nhiễu của ma quỷ. Cùng với đó, thể giới thần linh được sắp xếp theo một trật tự cơ cấu quyền lực thống nhất, có trên có dưới, có trách nhiệm cai quản vùng miền với sự chấp pháp nghiêm minh và có tính hướng thiện cho con người và mang lại tính kỷ luật nhằm phát huy các tập tục truyền thống cho gia đình, cộng đồng.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Liên kết website
Thống kê: 9.429.978
Online: 53