Tỉnh Điện Biên có 19 dân tộc sinh sống, trong đó có khoảng trên 4.000 người là dân tộc Lào và sống tập trung tại một số khu vực thuộc các huyện Điện Biên và Điện Biên Đông. Qua nhiều thế hệ sinh sống tại mảnh đất này, dân tộc Lào đã trở thành một trong những cộng đồng dân tộc tiêu biểu, giàu truyền thống, góp phần làm đa dạng sắc màu văn hóa địa phương.

 

Lọ đựng vôi ăn trầu

Trong quá trình sống cùng với cộng đồng các dân tộc trên địa bàn tỉnh, người Lào vẫn giữ được những nét văn hóa truyền thống khá riêng biệt, trong đó có tục ăn trầu. Thông qua việc nhai trầu, thể hiện văn hóa giao tiếp cũng như tình nghĩa thủy chung son sắt. Gặp nhau sau câu chào, người ta mời nhau ăn trầu “Miếng trầu là đầu câu chuyện”, trao nhau miếng trầu để làm quen, để giãi bày tâm sự. Ăn trầu là một cách nói gọn, bởi ăn trầu còn có sự kết hợp của các thành phần khác. Mỗi miếng trầu là sự kết hợp giữa lá trầu không, cau, vỏ cây, vôi tôi. Về sau, người nào ăn được thuốc lào thường nhai thêm vài sợi thuốc lào hoặc vo nhúm thuốc lào nhỏ thành viên để xỉa và miết vào răng giữ lại hương vị của miếng trầu. Bộ dụng cụ ăn trầu được tạo bằng nhiều nguyên liệu có thể dùng từ đồng, bạc cho đến gốm và còn kèm thêm ống nhổ, dao bổ cau, ống ngoáy, chìa ngoáy. Ăn trầu trước đây còn là để bảo vệ hàm răng của mình, chất chát của trầu cau làm cho lợi răng co lại bám sát lấy chân răng, giúp hàm răng cứng chặt lại không lung lay, trong miếng trầu không thể thiếu vôi, nên họ thường có lọ đựng vôi kèm theo. Không chỉ những ngày lễ, ngày tết, mà cả những ngày bình thường đồng bào dân tộc Lào vẫn giữ thói quen ăn trầu, miếng trầu và lọ đựng vôi luôn được họ mang theo bên mình ở mọi nơi.

Bảo tàng tỉnh Điện Biên đang lưu giữ, bảo quản và phát huy giá trị gần 10 hiện vật là lọ đựng vôi ăn trầu của đồng bào dân tộc Lào. Lọ đựng vôi có màu đen được làm bằng chất liệu đồng gồm 02 phần: phần nắp và phần thân. Phần nắp đậy có dạng hình chuông, trên đỉnh nắp có họa tiết chấm tròn nổi nối liền nhau tạo thành các vòng tròn nối tiếp, đỉnh hình chóp có 01 tai để buộc dây và hoa văn hình xương cá, hình khắc vạch. Thân lọ hình trụ tròn, phình dần về đáy. Trên thân có các hoa văn hình xương cá, chạy quanh thân lọ. Đáy lọ tương đối phẳng, chính giữa có một lỗ nhỏ. Lọ được đồng bào dùng để đựng vôi mang theo bên mình và dùng đến mỗi khi ăn trầu.

Ngày nay với sự phát triển và hội nhập mạnh mẽ của nền kinh tế thị trường, cùng với sự trẻ hóa dân số và sự giao thoa văn hóa đã khiến cho một số phong tục truyền thống bị mai một dần trong đó có tục ăn trầu của đồng bào dân tộc Lào.Tuy nhiên, dân tộc Lào tỉnh Điện Biên là một trong những dân tộc vẫn luôn ý thức được việc gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, họ đã duy trì sử dụng trong đời sống hàng ngày và giáo dục con cháu kế thừa, bảo vệ bản sắc văn hoá của dân tộc mình./.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Liên kết website
Thống kê: 10.135.719
Online: 18