Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam (LHCHVHNTVN) được thành lập ngày 25/7/1948, là tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, là mặt trận của các Hội Văn học nghệ thuật trong cả nước. Liên hiệp bao gồm các Hội Văn học nghệ thuật chuyên ngành Trung ương và các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

 Hồ Chủ tịch với Đoàn Ca múa nhân dân (ảnh tư liệu)

LHCHVHNTVN hoạt động dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, dưới sự quản lý của Nhà nước và theo quy định của pháp luật, là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và hoạt động theo nguyên tắc liên hiệphiệp thươngdân chủ.

Liên hiệp có tiền thân là Hội Văn hoá Cứu quốc. Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, ngay từ năm 1943, trong lúc cả dân tộc bị buộc vào ách thống trị và bóc lột một cổ hai tròng của phát xít Nhật và thực dân Pháp, và trong hoàn cảnh bị rút vào bí mật, trước biết bao vấn đề nước sôi lửa bỏng của cách mạng, Đảng vẫn tập trung trí tuệ xây dựng và công bố Bản đề cương Văn hóa Việt Nam, không chỉ nhằm giải quyết những vấn đề cách mạng dân tộc, mà còn có ý nghĩa như bản Cương lĩnh về xây dựng nền văn hóa mới. Tiếp đó, Hội Văn hóa Cứu quốc ra đời, đánh dấu mốc quan trọng về công tác vận động nhân sĩ, trí thức của Đảng. Hội Văn hóa Cứu quốc đã vận dụng linh hoạt và khôn khéo mọi hình thức công khai và bí mật, tiến hành tuyên truyền vận động tập hợp lực lượng, chuẩn bị tổng khới nghĩa.

Trong những ngày đầu của nền độc lập, để thích hợp với tình hình mới, Hội Văn hóa Cứu quốc được mở rộng và đổi tên thành Hội Văn hóa Việt Nam. Với dã tâm cướp nước ta một lần nữa, ngày 24 tháng 11 năm 1946 thực dân Pháp nổ súng tấn công Hải Phòng. Cũng ngày đó Đại hội Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất khai mạc. Với phong thái ung dung, tượng trưng cho tư thế của toàn dân tộc chủ động, sẵn sàng bước vào cuộc chiến đấu mới, Bác Hồ đến dự và phát biểu với Đại hội, Người nói "Văn hóa soi đường cho quốc dân đi".

Tháng 7 năm 1948, Đảng lại tổ chức Đại hội Văn hóa toàn quốc lần thứ hai, xốc lại đội ngũ văn hóa, coi đó là một binh chủng đặc biệt trong chiến tranh. Hội nghị thảo luận Báo cáo của đồng chí Trường Chinh "Chủ nghĩa Mác và những vấn đề Văn hóa Việt Nam" và quyết định thành lập Hội Văn nghệ Việt Nam. Ngay sau đó Hội nghị Văn nghệ toàn quốc được triệu tập, họp tại Phú Thọ từ ngày 25 đến 27 tháng 7 năm 1948, thảo luận thông qua chính cương, điều lệ và bầu cơ quan lãnh đạo mới, do nhà văn Nguyễn Tuân làm Tổng Thư ký, nhà thơ Tố Hữu làm Phó Tổng Thư ký. Với các quyết định lịch sử, Hội nghị được xem như một Đại hội, đánh dấu sự ra đời của LHCHVHNTVN. Hội nghị cũng quyết định thành lập Đoàn Âm nhạc Việt Nam, Đoàn Sân khấu Việt Nam và cùng với Đoàn Kiến trúc sư đã được thành lập từ trước đặt cơ sở cho sự ra đời các Hội chuyên ngành về sau này. Trước Hội nghị, tạp chí Văn nghệ do nhà thơ Tố Hữu làm thư ký tòa soạn đã ra mắt số đầu tiên và có tiếng vang lớn trong cả nước. Sau Đại hội văn nghệ lại có thêm Nhà xuất bản Văn nghệ do nhà thơ Nguyễn Đình Thi làm Giám đốc hoạt động hiệu quả.

Từ buổi tìm đường trong bí mật, đến việc hình thành một tổ chức hoàn chỉnh và thống nhất là một bước tiến rất quan trọng của văn nghệ cách mạng, đưa khẩu hiệu "tổ chức để sáng tác, sáng tác để kháng chiến" thành phương châm hành động hàng ngày của mỗi văn nghệ sĩ. Khi văn nghệ được xem là một mặt trận, có nghĩa là mỗi văn nghệ sĩ tìm thấy một lẽ sống, tình nguyện đứng vào một vị trí, dốc sức làm tròn thiên chức của mình trước Tổ quốc, trước nhân dân.

74 năm qua, các thế hệ văn nghệ sĩ nối tiếp nhau vững bước trên con đường cách mạng, sống và sáng tạo ở mũi nhọn cuộc chiến đấu và lao động vĩ đại của nhân dân, bằng sáng tạo nghệ thuật công phu và bền bỉ đã góp phần xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đã có rất nhiều tác phẩm kết tinh cuộc sống lớn lao của đất nước trong tất cả các loại hình nghệ thuật, trở thành kho lưu giữ tinh thần vô giá về một trong những thời đại vẻ vang nhất của lịch sử dân tộc, thời đại Hồ Chí Minh. Các thế hệ văn nghệ sĩ đã không ngừng sáng tạo nên những công trình, tác phẩm nghệ thuật giàu giá trị, thực hiện theo lời căn dặn của Bác Hồ trong thư gửi Đại hội Văn hóa toàn quốc lần thứ hai, ngày 19 tháng 7 năm 1948: "Các nhà văn hóa ta phải có những tác phẩm xứng đáng chẳng những để biểu dương sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc bây giờ mà còn để lưu truyền những gương mẫu oanh liệt kháng chiến kiến quốc cho con cháu đời sau".

74 năm qua ngoài các chuyên ngành truyền thống như văn học, sân khấu, âm nhạc, kiến trúc, hội họa đều có bước trưởng thành nhanh chóng, chuyên ngành mới như nhiếp ảnh, điện ảnh, múa, văn nghệ dân gian, văn nghệ các dân tộc thiểu số Việt Nam cũng được hình thành và phát triển. Bất cứ chuyên ngành nào cũng xuất hiện những tên tuổi và tác phẩm sáng giá. Nhìn lại thành tựu và truyền thống vẻ vang của văn học nghệ thuật nước nhà 74 năm qua, LHCHVHNTVN đã rút ra được nhiều bài học quý giá: Văn học nghệ thuật luôn luôn đồng hành cùng dân tộc, phục vụ lợi ích tối cao của dân tộc; kết hợp với nhuần nhuyễn giữa lý tưởng xã hội và lý tưởng thẩm mỹ; tôn trọng tự do sáng tác gắn liền với trách nhiệm xã hội của văn nghệ sĩ; mối quan hệ giữa dân tộc và hiện đại (gìn giữ bản sắc và tiếp thu tinh hoa nhân loại); coi vấn đề phát hiện, tài năng trẻ là một vấn đề trọng yếu để phát triển đội ngũ.

Qua 74 năm phấn đấu, xây dựng, toàn giới văn học nghệ thuật đã có gần 400 người được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, hơn 1000 Nghệ sĩ ưu tú, rất nhiều văn nghệ sĩ được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước. Nhiều Hội chuyên ngành được trao tặng các phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước như Huân chương Sao vàng, Huân chương Độc lập. Riêng Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam đã được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh và Huân chương Độc lập.

Phát huy truyền thống vẻ vang 74 năm, LHCHVHTNVN tiếp tục đồng lòng đưa văn học nghệ thuật đi sâu vào đời sống, phấn đấu nâng cao chất lượng và hiệu quả sáng tạo, lý luận, phê bình, quảng bá tác phẩm; góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng văn hóa, xây dựng con người, vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Liên kết website
Thống kê: 10.137.064
Online: 74