Tối 18.7, tại Nhà hát Lớn Hà Nội đã diễn ra Lễ khai mạc Tuần văn hóa Lào tại Việt Nam do Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch (TTVHDL) Lào và Bộ VHTTDL Việt Nam phối hợp tổ chức.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước hai nước Việt Nam - Lào cùng các nghệ sĩ tại Lễ khai mạc Tuần văn hóa Lào tại Việt Nam 

Tham dự buổi lễ, về phía nước CHDCND Lào có Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư TƯ Đảng Nhân dân cách mạng Lào, Phó Chủ tịch nước Bounthong Chitmany; Ủy viên Bộ Chính trị Chủ tịch mặt trận Lào xây dựng đất nước Sinlavong Khoutphaitoun; Bí thư TƯ Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Sounthone Xayachak; Ủy viên TƯ Đảng, Bộ trưởng Bộ TTVHDL Lào Suansavanh Viyaketh cùng các đại biểu Lào.

Về phía Việt Nam có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh; Bí thư TƯ Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo TƯ Nguyễn Trọng Nghĩa; Bí thư TƯ Đảng, Chánh văn phòng TƯ Đảng Lê Minh Hưng; Ủy viên TƯ Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng; Uỷ viên TƯ Đảng, Bí thư thứ nhất TƯ Đoàn TNCS HCM Nguyễn Anh Tuấn.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam- Lào tham dự Lễ khai mạc

Tham dự còn có lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương của 2 nước; các đơn vị trực thuộc của Bộ TTVHDL Lào, Bộ VHTTDL Việt Nam; các đại sứ, đại diện ngoại giao đoàn, Hội cựu chiến binh, Hội hữu nghị cùng đông đảo du học sinh, người dân Lào đang sinh sống làm việc tại Việt Nam và người dân Việt Nam yêu đất nước Lào.

Sau màn chào cờ 2 nước trang nghiêm, Bộ trưởng Bộ TTVHDL Lào Suansavanh Viyaketh đã có bài phát biểu khai mạc đầy xúc động tại Lễ khai mạc Tuần văn hóa Lào tại Việt Nam. Theo Bộ trưởng Suansavanh Viyaketh, Tuần văn hóa Lào tại Việt Nam gồm hai chương trình chính: Triển lãm với chủ đề “Tình hữu nghị Lào- Việt Nam đời đời bền vững” từ 19-21.7 tại Trung tâm Nghệ thuật và Văn hóa Việt Nam tại Hà Nội và Chương trình nghệ thuật do các nghệ sĩ trẻ xuất sắc và nổi tiếng của Lào biểu diễn. Đây là những tiết mục múa, hát, xiếc… ca ngợi truyền thống văn hóa tốt đẹp, đất nước Lào giàu có, tươi đẹp và thành tựu của sự nghiệp bảo vệ và phát triển đất nước, đồng thời ca ngợi truyền thống hữu nghị, đoàn kết đặc biệt, tình nghĩa sâu đậm, gắn bó keo sơn của hai dân tộc Việt Nam và Lào.

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Việt Nam Nguyễn Văn Hùng chào đón khách quý

Ngoài biểu diễn tại Thủ đô Hà Nội, Đoàn nghệ thuật Lào sẽ tiếp tục lưu diễn phục vụ khán giả tại một số địa phương khác của Việt Nam.

Ôn lại tình hữu nghị keo sơn, gắn bó của 2 dân tộc Việt Nam- Lào, Bộ trưởng Suansavanh Viyaketh nhấn mạnh: Hơn nửa thế kỷ qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào và Đảng Cộng sản Việt Nam, quan hệ hai nước do Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và Chủ tịch Kaysone Phomvihane, Chủ tịch Souphanouvong muôn vàn kính yêu đã được các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước dày công vun đắp, trân trọng, trở thành "tài sản vô giá”, hiếm có trên thế giới.

 

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu hai nước thực hiện nghi lễ chào cờ hai quốc gia

“Từ đó đến nay, hai dân tộc Việt Nam, Lào đã giúp đỡ lẫn nhau, vui buồn có nhau, cùng chung lý tưởng, đứng chung một chiến hào, “hạt gạo cắn đôi, cọng rau sẻ nửa”, máu của các chiến sĩ cách mạng và của nhân dân hai nước, hai dân tộc chúng ta đã chảy trên mảnh đất của hai dân tộc để giành độc lập, tự do”, Bộ trưởng Suansavanh Viyaketh khẳng định.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Bộ, ngành hai nước Việt Nam - Lào cùng đông đảo khán giả

Trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước, hai dân tộc Việt, Lào tiếp tục đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau toàn diện và có hiệu quả. Qua đó, làm cho đất nước và nhân dân 2 nước từng bước phát triển vững mạnh, cùng kề vai sát cánh với nhân dân khu vực và trên thế giới, góp phần vào sự nghiệp bảo vệ, gìn giữ hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

Bộ trưởng Bộ TTVHDL Lào Suansavanh Viyaketh phát biểu tại Lễ khai mạc

Mặc dù tình hình thế giới hiện nay diễn biến rất phức tạp, nhanh chóng và khó lường, nhân dân Lào luôn luôn biết ơn sự giúp đỡ to lớn, vô giá của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam anh em đã dành cho sự nghiệp cách mạng của Lào trong suốt thời gian qua.

Đặc biệt trong thời gian đại dịch Covid-19 lan rộng và nguy hiểm, Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam sẵn sàng giúp đỡ thuốc điều trị, trang thiết bị y tế; các y, bác sĩ chữa trị cho nhân dân Lào một cách "kịp thời và có hiệu quả".

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Việt Nam Nguyễn Văn Hùng phát biểu chào mừng

Bộ trưởng Suansavanh Viyaketh khẳng định: “Nhân dân Lào sẽ tiếp tục gìn giữ và giáo dục các thế hệ trẻ hiểu, học tập, kế thừa, phát huy và gìn giữ mối quan hệ vĩ đại, đoàn kết đặc biệt Việt Nam- Lào, Lào- Việt Nam đời đời bền vững.

Chương trình nghệ thuật đặc biệt tại Lễ khai mạc Tuần Văn hóa Lào tại Việt Nam 2022

Phát biểu chào mừng tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Việt Nam Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh: “Sự kiện "Tuần Văn hóa Lào tại Việt Nam", "Tuần Văn hóa Việt Nam tại Lào" cùng chuỗi các sự kiện trọng đại trong quan hệ ngoại giao giữa hai nước trong năm 2022 có ý nghĩa hết sức quan trọng, góp phần củng cố, tăng cường quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Lào. Đây cũng là chuỗi hoạt động thiết thực kỷ niệm 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao, 45 năm ngày ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Lào, chào mừng “Năm Đoàn kết Hữu nghị Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam 2022”.

Dẫn lại lời Chủ tịch Kaysone Phomvihane “Núi có thể mòn, sông có thể cạn, song tình nghĩa Lào - Việt Nam sẽ mãi mãi vững bền hơn núi hơn sông”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng, 60 năm qua, kể từ năm 1962 khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao, hai quốc gia láng giềng uống chung một nguồn nước, cùng dựa lưng vào dãy núi Trường Sơn hùng vĩ đã đoàn kết cùng nhau chia ngọt sẻ bùi, vượt qua mọi khó khăn, thử thách trong quá trình kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước.

“Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng từng khẳng định “Việt - Lào hai nước chúng ta/Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long”. Ngày nay, quan hệ giữa hai nước không ngừng được củng cố và phát triển, đi vào chiều sâu, đạt được những kết quả quan trọng trên mọi lĩnh vực trong đó có lĩnh vực văn hóa và du lịch”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.

Bộ trưởng tin tưởng, thông qua các sự kiện văn hóa lần này, nhân dân Việt Nam và Lào, đặc biệt là thế hệ trẻ hai nước cũng như bạn bè quốc tế có cơ hội hiểu rõ hơn về nền văn hóa Việt Nam và văn hóa Lào. Đồng thời, vun đắp thêm mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt- Lào mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững.

 

Tại Lễ khai mạc, một chương trình biểu diễn nghệ thuật đặc biệt của Đoàn nghệ thuật Quốc gia Lào đã được các nghệ sĩ trẻ, tài năng của Lào thể hiện. Chương trình mở đầu bằng màn múa hát Phàu Lào Sa Mắc Khi, thể hiện tình đoàn kết, yêu thương của nhân dân Lào, các bộ tộc đồng lòng dưới sự chỉ đạo của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào khi cùng nhau xây dựng đất nước Lào thân yêu. Màn biểu diễn thắm tình đoàn kết, trong các bộ trang phục truyền thống Lào và dân tộc của Việt Nam. Những bàn tay mềm mại, khéo léo, những đôi chân dập nhịp rộn ràng của các nghệ sĩ trẻ đã đưa khán giả vào những điệu múa mê hoặc, thể hiện nghĩa tình keo sơn của các dân tộc Lào và Việt Nam. Đồng thời phô diễn vẻ đẹp văn hoá của 2 đất nước qua các trang phục độc đáo, đầy màu sắc.

Ngay sau đó, khán phòng Nhà hát Lớn Hà Nội như lặng đi khi giọng ca dày ấm, dạt dào tình cảm của nữ ca sĩ Lotchana cất lên ca khúc Bác Hồ một tình yêu bao la và Chim hoà bình bằng 2 thứ tiếng.

Nhà hát Lớn Hà Nội tối nay đông kín khán giả. Nhiều người dân Việt Nam đến đây với tình cảm đặc biệt dành cho đất nước Lào. Có những người đã tới Lào, nhiều người chưa từng được đến nhưng những gì đã có giữa 2 đất nước, những hiểu biết về đất nước Lào thanh bình, tươi đẹp đã để lại ấn tượng sâu đậm với khán giả Việt Nam. Những tiết mục Mát mẻ nông dân, Cô gái Sầm Nưa được biểu diễn bằng những nhạc cụ độc đáo của Lào phần nào hiểu thêm về văn hóa đất nước này. Bài hát với ca từ mộc mạc, gần gũi, phác họa cả một không gian núi rừng, sông hồ và con người nước bạn Lào thật xinh đẹp, thơ mộng và đầy vui nhộn, tươi sáng.

Bài hát Bác Kaysone lại được ca sĩ Surat Thammavong thể hiện với giai điệu hiền hòa, sâu lắng, đầy kính trọng với người lãnh tụ kính yêu của đất nước Lào. Tiết mục múa Tấm vải màu chàm như những người con gái Lào dịu dàng, tinh tế khiến khán giả ở Nhà hát Lớn Hà Nội không thể rời mắt. Tiết mục xiếc khéo léo, đặc sắc, bắn cung tên bằng chân rất chính xác… thể hiện sự mềm dẻo khó tin của con người. Hay bản nhạc Cây đàn ghi ta vui nhộn được nghệ sĩ trẻ của Lào thể hiện với giọng ca trong sáng. Giọng hát cao vút của ca sĩ khiến khán giả như trở về những ngày lạc quan chống giặc của những người lính cụ Hồ trên đất nước Lào anh em. Phần kết của ca khúc được nữ ca sĩ thể hiện sáng tạo với lời hát đầy da diết Ơi cây đàn ghi ta… vang mãi trong khán phòng.

Chương trình khép lại với tiết mục Lam Vong Samakhi Lào- Việt Nam do ca sĩ  Lotchana và Surat Thammavong thể hiện trong tà áo dài Việt Nam và trang phục Lào ngợi ca tình hữu nghị vĩ đại của hai dân tộc, 2 đất nước.

Những giai điệu ngọt ngào, thắm thiết, cùng cầm tay nhau tiến lên dưới lá cờ Việt Nam- Lào đã để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng khán giả ở Nhà hát Lớn hôm nay.

http://www.baovanhoa.vn/


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Liên kết website
Thống kê: 10.157.932
Online: 43