Dân tộc Xinh Mun là một dân tộc thiểu số có số dân rất ít, sinh sống chủ yếu ở khu vực miền núi Tây Bắc của nước ta. Ở tỉnh Điện Biên, người Xinh Mun sinh sống duy nhất tại xã Chiềng Sơ, huyện Điện Biên Đông. Qua nhiều đời, họ duy trì tập quán canh tác nương rẫy, số ít hộ có ruộng nước. Gieo trồng trên đất dốc và sản xuất phụ thuộc vào tự nhiên nên năng suất cây trồng, vật nuôi không cao. Chính bởi vậy, đời sống đồng bào dân tộc Xinh Mun rất khó khăn. Qua nhiều năm chung sống, hội nhập với các dân tộc khác, nhiều nét văn hóa truyền thống của người Xinh Mun như: Trang phục, tiếng nói, phong tục tập quán... đã không còn được bảo tồn nguyên vẹn, thậm chí bị mai một.

Từ bao đời nay, người Xinh Mun xã Chiềng Sơ, huyện Điện Biên Đông luôn quan niệm rằng, âm thanh phát ra từ trống mang sức mạnh siêu nhiên, là vũ khí để xua đuổi ma quỷ hay những hiện tượng tự nhiên mà trước đây người dân chưa hiểu được và cho rằng đó là điềm gở. Người Xinh Mun xem trống là vật thiêng mang yếu tố tín ngưỡng tâm linh nên họ rất quý trọng, giữ gìn trống và cất giữ ở nơi trang trọng nhất trong nhà.

Trống của người Xinh Mun có điểm khác biệt so với trống của người Kinh, đó là thân trống không phải được ghép từ nhiều thanh gỗ dài và cong lại với nhau mà là một khối thống nhất lấy từ thân cây được đục thủ công ,rỗng ruột, hình trụ, thuôn dần về 2 đầu, trên thân trống có quai làm bằng cao su. Hai mặt trống được bịt bằng da bò còn để nguyên lông, mặt trống được cố định vào thân trống bằng đinh. Trống được dùng để đánh trong các dịp lễ, hội, lên nhà mới.

Dân tộc Xinh Mun có một kho tàng âm nhạc rất phong phú và đa dạng. Bên cạnh các loại nhạc cụ truyền thống thì trống là một loại nhạc cụ được người Xinh Mun rất coi trọng. Với người Xinh Mun, trống được xem là vật thiêng. Trống có vị trí đặc biệt chẳng những về giá trị vật chất mà cả về giá trị tinh thần trong đời sống sinh hoạt của họ.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Liên kết website
Thống kê: 10.158.809
Online: 42