Tại tỉnh Điện Biên, dân tộc Mông thường cư trú hầu hết ở các huyện, thị xã và được chia thành 5 ngành: Mông Trắng (Môngz Đơư), Mông Hoa (Môngz Si), Mông Đỏ (Môngz Lênhs), Mông Đen (Môngz Đuz), Mông Xanh (Môngz Njuaz). Địa bàn cư trú chủ yếu của dân tộc Mông là trên những rẻo núi cao, giao thông đi lại khó khăn, cuộc sống hoạt động sản xuất chủ yếu còn phụ thuộc vào tự nhiên.

Trước sự giao thoa về văn hóa của các dân tộc khác, dân tộc Mông cơ bản vẫn giữ được những nét văn hóa độc đáo và đậm đà bản sắc được thể hiện qua: Tiếng nói, chữ viết, trang phục truyền thống, tập quán xã hội, tín ngưỡng, ẩm thực, lễ hội...Với điều kiện sống, địa bàn cư trú từ xa xưa, người Mông vùng Tây Bắc nói chung, người Mông tỉnh Điện Biên nói riêng luôn có ý thức tự chế tạo cho mình những vật dụng để sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày cũng như trong quá trình lao động, sản xuất với nhiều nghề thủ công truyền thống khá phát triển và còn được lưu giữ đến ngày nay như: nghề rèn đúc công cụ lao động (dao, lưỡi cày, lưỡi cuốc, xẻng); nghề trồng lanh dệt vải, kỹ thuật tạo hình trên vải bằng sáp ong; nghề làm giấy; nghề đan lát (lu cở, rổ, mâm)…

Trong gia đình người Mông cũng như các dân tộc khác vùng Tây Bắc, nếu như nghề làm giấy, thêu thùa, may mặc do người phụ nữ đảm nhiệm, thì việc đan lát, rèn đúc công cụ lao động là công việc đòi hỏi bàn tay khỏe khoắn, kỹ thuật khéo léo của người đàn ông. Cứ mỗi độ xuân về, đến với những bản làng của người Mông sinh sống, chúng ta không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của hoa mơ, hoa mận hay vào bất cứ mùa nào trong năm thì cảnh sắc vùng rẻo cao nơi đây cũng thật thoáng đãng và đầy thơ mộng với núi non hùng vĩ trùng trùng điệp điệp, hoa rừng đua nhau khoe sắc đón nắng mai. Trong khung cảnh đó, một hình ảnh quen thuộc và rất dễ bắt gặp đó là hình ảnh người phụ nữ dân tộc Mông đang đeo trên lưng chiếc lu cở với đầy lúa, ngô, khoai, sắn với những bước chân thoăn thoắt và vội vã trên đường. Từ xa xưa, chiếc lu cở luôn là vật dụng đi liền với đồng bào Mông trong nhiều công việc thường ngày, khó ai có thể xác định được chiếc lu cở của người Mông có tự bao giờ, chỉ biết rằng, trong nét văn hóa của đồng bào Mông, lu cở là hình ảnh rất đỗi quen thuộc, gắn liền với đời sống văn hóa, lao động của họ và được lưu truyền, gìn giữ qua nhiều thế hệ. Để có một chiếc lu cở như ý và có độ bền cao, tất cả các khâu đan lát từ chuẩn bị đến thực hiện và hoàn thiện sản phẩm cần phải được tiến hành kĩ càng.

Đầu tiên là việc lựa chọn nguyên vật liệu: cần chọn những cây tre không quá non và quá già, không bị sâu đục. Loại tre mà người Mông thường trồng và để phục vụ cho việc đan lát là loại tre gần như đặc ruột (người Mông gọi là “xông trở”). Đây cũng là loại tre mà người Mông sử dụng để làm cánh nỏ, bởi nó có độ rẻo cao, ít bị mối mọt.  Tùy thuộc vào mục đích cũng như đối tượng sử dụng là người lớn hay trẻ em, người Mông cũng sẽ lựa chọn cây tre to hoặc nhỏ tùy ý. Để đảm bảo lu cở sau khi đan xong có thể sử dụng lâu dài, không bị mối mọt, sau khi chặt tre về người đan lu cở sẽ dùng dao cạo lớp vỏ xù xì bên ngoài và để lộ ra lớp bóng của bề mặt cật sau đó ngâm cật tre xuống nước từ 7 đến 10 ngày hoặc lâu hơn mới vớt ra để trong bóng râm cho ráo nước rồi chẻ thành nhiều nan nhỏ, dài, đều nhau và được vót mịn, các nan rộng khoảng 1cm. Các nan tre được chẻ thành hai loại: nan của lớp vỏ và nan lớp lõi. Các nan phải được vót nhỏ và đều nhau, nếu nan quá to, không đều thì lu cở sẽ bị mất tính thẩm mĩ và không được bền chắc.

Tiếp theo là công đoạn đan lu cở: Lu cở sẽ bắt đầu được đan từ đáy lên hoặc cũng có thể đan từ miệng xuống đáy. Thông thường người Mông sẽ đan từ miệng xuống đáy. Chiếc lu cở có miệng tròn được tạo bởi một nan tre lớn có độ rộng 5 - 7cm uốn lại thành vòng tròn có đường kính khoảng 30 - 40cm(vòng tròn quyết định kích thước to, nhỏ của lu cở), sau đó đưa các nan của lớp vỏ vòng qua đan vặn lại với nhau để tạo và cố định cho miệng lu cở và chia thành cặp nan ngoài - nan trong. Các nan phía trong, khi bắt đầu đan bề mặt bóng của cật sẽ xoay ra phía ngoài để tạo sự đồng bộ với các nan ở ngoài tạo vẻ đẹp cho chiếc lu cở. Cứ như vậy đan theo hướng tỏa ra để tạo thân lu cở, cứ một cặp nan trong - nan ngoài sẽ lần lượt bắt chéo lên xuống với các cặp nan khác. Mỗi lần các nan tre lên xuống sẽ luồn quan và ôm gọn các nan lõi xếp sát với nhau và  người làm lu cở sẽ kéo chặt lại sao cho các nan tre thật khít. Cứ như vậy đan thuôn dần cho đến khi chiếc gùi có độ cao vừa mắt. Sau đó tạo đáy hình chữ nhật, phần đáy chính là phần thừa của các nan đan, gập lại. Phía trong của đáy lu cở tạo ra mặt bằng để dễ đựng đồ, phía ngoài là các nan tre bện lại và xoắn cài vào nhau giữ lu cở vững chắc hơn. Thời gian hoàn thiện một lu cở là từ một đến hai ngày, tùy vào mức độ khỏe khoắn, sự nhanh nhẹn của đôi bàn tay người đàn ông.

Khi đan xong, người Mông thường sẽ buộc hai sợi dây vải mềm hai bên vừa với vai đeo để khi đeo đồ nặng vai không bị đau. Lu cở đan xong có thể sử dụng được ngay, tuy nhiên người Mông vẫn thường hong trên gác bếp cho tre khô lại và để có thể yên tâm sử dụng lâu dài. Thời gian hong khô từ 2 đến 3 tháng hoặc lâu hơn. Sau khoảng thời gian đó, lấy lu cở ra khỏi gác bếp và đem đi rửa, chải qua lớp bồ hóng đen bám ở ngoài rồi phơi khô là có thể sử dụng được. Trong tất cả các công việc hàng ngày khi lên nương, khi ở nhà, khi xuống chợ, người Mông đều sử dụng đến lu cở dùng để đựng công cụ lao động, nước uống, đồ ăn, củi, rau, đôi khi là cõng những đứa con ở trong đó...

Trong lễ cưới, tết, trong tang ma và trong lễ ăn mừng lúa mới, làm nhà, … chiếc lu cở luôn hiện diện với vai trò như một thành viên không thể thiếu. Trong những lễ nghi đó, lu cở được người Mông dùng để đựng lễ vật để cúng, đồ dùng,  để đựng của hồi môn của cô dâu khi về nhà chồng…Dù ở trong hoàn cảnh nào đi nữa thì chiếc lu cở cũng được ví như một phương tiện hỗ trợ việc truyền tải kết nối giữa cuộc sống đời thực với thế giới thần linh để cảm tạ thần linh đã cho mùa màng bội thu, gia đình no ấm, hạnh phúc lứa đôi, đồng thời gửi gắm những mong ước, niềm tin về cuộc sống ngày mai tươi sáng hơn.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Liên kết website
Thống kê: 10.150.658
Online: 170