Nhân dịp kỷ niệm 76 năm ngày Thể thao Việt Nam (27/3/1946 - 27/3/2022), Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch trân trọng giới thiệu đến bạn đọc lịch sử ra đời và ý nghĩa ngày Thể thao Việt Nam 27/3.
Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà (nay là nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Bác cũng là người khai sinh nền thể dục, thể thao (TDTT) của chế độ mới. Ngày 30/01/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ Liên hiệp lâm thời nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà ký Sắc lệnh số 14, thành lập Nha Thể dục Trung ương trong Bộ Thanh niên. Với mục tiêu “Xét vấn đề thể dục rất cần thiết để tăng bổ sức khoẻ quốc dân và cải tạo nòi giống Việt Nam”, Sắc lệnh nêu rõ: Nha thể thao Trung ương có nhiệm vụ “Liên lạc mật thiết với Bộ Y tế và Bộ Quốc gia Giáo dục để nghiên cứu và thực hành thể dục trong toàn quốc”.
Gần hai tháng sau, căn cứ theo quyết định của Quốc dân Đại hội Việt Nam (Quốc hội khoá 1) họp ngày 02/3/1946 khẳng định tổ chức của Chính phủ Liên hiệp kháng chiến, thay mặt Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà, ngày 27/3/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 38 thiết lập Nha Thanh niên và Thể dục trong Bộ Quốc gia Giáo dục. Nha gồm có Phòng Thanh niên Trung ương và Phòng Thể dục Trung ương. Đây là văn kiện lịch sử, được coi như cương lĩnh đầu tiên về xây dựng nền thể dục, thể thao cách mạng của nước Việt Nam, thể hiện tập trung tư tưởng Hồ Chí Minh về thể dục, thể thao, phục vụ sức khỏe của dân tộc và sự cường thịnh của đất nước.Trên thực tế, với những quy định của Bộ Quốc gia Giáo dục, Phòng Thể dục Trung ương đảm nhiệm toàn bộ chức năng, nhiệm vụ của Nha Thể dục Trung ương cũ.
Tư tưởng Hồ Chí Minh đã chỉ hướng cho sự hình thành và phát triển nền TDTT mới. Để nền thể thao mới hình thành và phát triển mang bản chất cách mạng, vì lợi ích của toàn dân và đất nước thì điều cơ bản nhất là có sự định hướng đúng đắn, chỉ ra được mục tiêu, nhiệm vụ rõ ràng. Nhằm đáp ứng điều đó, cũng trong ngày 27/3/1946, trên các báo Cứu quốc, Việt Nam khoẻ và nhiều tờ báo khác đăng lời “Hồ Chủ tịch hô hào đồng bào tập thể dục: Sức khoẻ và thể dục”. Cuối tháng 3 năm 1946, Hồ Chủ tịch viết Lời kêu gọi toàn dân tập thể dục”. Trong đó có 6 câu 148 chữ Bác viết: “Hỡi đồng bào toàn quốc. Giữ gìn dân chủ, xây dựng nước nhà, gây đời sống mới, việc gì cũng cần có sức khỏe mới thành công. Mỗi một người dân yếu ớt, tức là làm cho cả nước yếu ớt một phần; mỗi một người dân mạnh khỏe, tức là góp phần cho cả nước mạnh khỏe. Vậy nên tập luyện thể dục, bồi bổ sức khỏe, tức là góp phần cho cả nước mạnh khỏe. Vậy nên tập luyện thể dục, bồi bổ sức khỏe là bổn phận của mỗi một người dân yêu nước. Việc đó không tốn kém, khó khăn gì, gái trai, già trẻ ai cũng nên làm và ai cũng làm được. Mỗi người lúc ngủ dậy, tập ít phút thể dục, ngày nào cũng tập thì khí khuyết lưu thông, tinh thần đầy đủ. Như vậy là sức khỏe. Dân cường thì nước thịnh. Tôi mong đồng bào ai cũng gắng tập thể dục. Tự tôi ngày nào cũng tập”.
Trong những năm kháng chiến ở khu Việt Bắc, Bác Hồ là người tập luyện TDTT đều đặn. Người còn động viên chiến sĩ quân đội trong nhân dân cần gìn giữ sức khỏe, tăng cường thể lực phục vụ cho công tác và chiến đấu để giành độc lập tự do cho dân tộc với lời thề “Quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”, “nhân dân Việt Nam thà hy sinh tất cả chứ không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”. Bác luôn luôn sống lạc quan yêu đời, thường xuyên tập luyện TDTT. Một trong những bài tập sử dụng rộng rãi là bài tập quân sự gồm 32 động tác với súng gậy và một số môn như việt dã, chạy vũ trang, bóng chuyền, bơi… Ở cả 3 miền đất nước, trong các chiến khu, TDTT đã trở thành một động lực lớn cho cuộc chiến đấu chống Thực dân Pháp xâm lược.
“Lời kêu gọi toàn dân tập thể dục” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã định hướng cho sự hình thành và phát triển nền TDTT mới của nước Việt Nam. Lời kêu gọi của Bác Hồ với ý tưởng cao đẹp có ảnh hưởng sâu sắc với tình cảm, tinh thần và hành động của nhân dân và mọi người hăng hái làm theo tiếng gọi của Bác. Chỉ hai tháng sau khi “Lời kêu gọi toàn dân tập thể dục” được đăng trên báo Cứu quốc số 199, ngày 27/3/1946, trong toàn quốc đã dấy lên phong trào Khỏe vì nước sôi nổi. Phong trào thực chất là bước đầu của nền TDTT mới còn non trẻ nhưng đầy sinh lực phát triển.
Với những việc làm như: Ra Sắc lệnh thành lập ngành TDTT, viết “Lời kêu gọi toàn dân tập thể dục”, đích thân phát động phong trào Khỏe vì nước phát triển sôi nổi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khai sinh nền TDTT mới của nước Việt Nam. Cùng với chiều dài lịch sử cách mạng việt nam, với các tên gọi phù hợp theo từng giai đoạn phát triển của đất nước: Nha Thể thao Trung ương thuộc Bộ Thanh niên rồi đến Nha Thanh niên và Thể dục thuộc Bộ Quốc gia Giáo dục (1946) và sau này là Ban TDTT Trung ương (1957), đổi thành Ủy ban TDTT (1960), Ủy ban TDTT đã giữ được vị trí trong xã hội và trong các giai đoạn cách mạng khác nhau. Lãnh đạo các phong trào thể thao trong nước phát triển và hội nhập với nền thể thao quốc tế.
Kể từ khi thành lập đến nay, ngành TDTT Việt Nam đã nhận được rất nhiều thư của các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước như: Thư của Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công, Chủ tịch nước Trần Đức Lương, Thủ tướng Võ Văn Kiệt Thủ tướng Phan Văn Khải và gần đây nhất là thư chúc mừng của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc… gửi cho cán bộ, viên chức, huấn luyện viên, vận động viên, trọng tài ngành TDTT. Điều đó thể hiện sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Chính phủ đối với ngành TDTT nước nhà và cũng chính là nguồn lực làm cho ngành TDTT Việt Nam ngày càng phát triển.
Trải qua những năm tháng lịch sử, dưới sự lãnh - chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, từ quan điểm, chỉ thị, kế hoạch và lộ trình cụ thể, ngành TDTT của Việt Nam đã từng bước phát triển và giành được nhiều kết quả trên bình diện đấu trường khu vực và quốc tế. Đặc biệt qua các môn thể thao thi đấu truyền thống, lợi thế, những vận động viên, con người Việt Nam đã lan tỏa hình ảnh và nâng tầm vị thế của Việt Nam trên trường Quốc tế.
Với những ý nghĩa, lịch sử sâu sắc đó, ngày 27/3 hàng năm, được Nhà nước ta lấy làm “Ngày Thể thao Việt Nam”.