Những năm qua, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã được triển khai đồng bộ và có bước phát triển sâu rộng từ tỉnh đến cơ sở, thu hút đông đảo sự tham gia của các tầng lớp nhân dân, tạo chuyển biến tích cực trong xây dựng đời sống văn hóa - xã hội, góp phần quan trọng hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới của mỗi địa phương.
Tích cực triển khai phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” giúp diện mạo nông thôn mới tại xã Thanh Minh (TP. Điện Biên Phủ) ngày càng khởi sắc.
Tại xã Thanh Minh (TP. Điện Biên Phủ), với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của nhân dân, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được triển khai có chiều sâu và thực sự lan tỏa tới quần chúng nhân dân. Để đạt được kết quả đó, xã chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền về nội dung, tiêu chuẩn, ý nghĩa và tầm quan trọng của phong trào gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” được thực hiện qua hệ thống loa truyền thanh, các buổi sinh hoạt thôn, bản hay các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao. Việc đăng ký, bình xét và đề nghị công nhận gia đình văn hóa được thực hiện công khai, dân chủ, đúng chuẩn nên số lượng, chất lượng gia đình văn hóa ngày càng được nâng lên. Nhiều cá nhân, gia đình văn hóa tiêu biểu là gương sáng điển hình trong xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, hòa thuận, tiến bộ và hạnh phúc.
Ông Lường Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Thanh Minh cho biết: Triển khai hiệu quả các nội dung phong trào đã góp phần nâng cao đời sống kinh tế, tinh thần của người dân cũng như thay đổi diện mạo nông thôn mới của địa phương. Thời gian tới, cấp ủy, chính quyền xã tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thường xuyên đổi mới nội dung, không ngừng nâng cao chất lượng phong trào. Đồng thời, tăng cường huy động nguồn xã hội hóa hoàn thiện các thiết chế và tổ chức nhiều hoạt động, phát huy hiệu quả công năng của thiết chế văn hóa, thể thao.
TP. Điện Biên Phủ là một trong những địa phương điển hình thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên địa bàn tỉnh. Mặc dù vẫn còn một số hạn chế: Phong trào xây dựng gia đình, tổ dân phố, bản văn hóa phát triển không đồng đều; các công trình văn hóa, thể thao, nhà văn hóa và trang thiết bị phục vụ cho các hoạt động văn hóa, văn nghệ tại một số tổ dân phố, bản còn thiếu; chế độ báo cáo, rà soát, thống kê số liệu còn chậm, chưa chính xác. Tuy nhiên, để triển khai hiệu quả phong trào, Ban chỉ đạo thành phố đã tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền bằng nhiều hình thức; triển khai lồng ghép với các phong trào thi đua yêu nước, các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của thành phố; củng cố, kiện toàn Ban chỉ đạo từ thành phố đến xã, phường… Nhờ đó, các mục tiêu, nhiệm vụ thực hiện phong trào đề ra trong năm 2021 thành phố đều đạt và vượt kế hoạch.
Ông Nguyễn Văn Giảng, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin thành phố cho biết: Thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” năm 2022, thành phố đề ra mục tiêu duy trì 100% phường đạt chuẩn văn minh đô thị, 100% xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, 92% tổ dân phố, bản, 92% gia đình đạt danh hiệu văn hóa, 98% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa; 100% cán bộ làm công tác phong trào được bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ.
Bám sát các nội dung của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và thực tiễn địa phương, các cấp, các ngành đã tích cực, chủ động phối hợp tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân tích cực tham gia phòng, chống tệ nạn xã hội, đẩy lùi hủ tục, thực hiện tốt các quy định về nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; triển khai hiệu quả phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống, phát huy giá trị tốt đẹp trong gia đình. Kết quả trong năm 2021, toàn tỉnh có 96.082 hộ đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”, đạt 71,5%; có 1.124 thôn, bản, tổ dân phố đạt danh hiệu “Thôn, bản, tổ dân phố văn hóa”, đạt 77,8%; 40 xã đạt danh hiệu “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới” đạt 34,8%; 11/14 phường, thị trấn đạt danh hiệu “Phường, thị trấn văn minh đô thị”, chiếm 78,6%; 1.124 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa, đạt 93,2%. Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, trong năm, trên địa bàn tỉnh có 2.267 đám cưới được thực hiện theo nếp sống văn minh chiếm 97,85%; 1.795 đám tang thực hiện theo nếp sống văn minh chiếm 98,7%; 33 lễ hội được tổ chức tiết kiệm, phù hợp với điều kiện kinh tế, phong tục tập quán và truyền thống dân tộc.
Việc thực hiện tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” chính là động lực để thúc đẩy kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng đời sống cho nhân dân. Từ đó, góp phần lan tỏa ý thức chấp hành pháp luật, thực hiện nếp sống văn minh, giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống, tạo nên diện mạo mới cho địa phương.