Ngày 13/3 của 68 năm về trước là ngày mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ. Thế nhưng, để ngày 13/3 trở thành ngày mở màn cho một chiến dịch lịch sử, trước đó, Đảng ủy và Bộ chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ đã có những quyết sách đúng đắn trong việc thay đổi phương châm tác chiến, góp phần đưa chiến dịch đến thắng lợi.

Tháng 11/1953, khi phát hiện hướng tiến công chiến lược của ta vào Tây Bắc, Lai Châu và Thượng Lào thì ngày 20/11/1953, Pháp đã cho quân nhảy dù chiếm Điện Biên Phủ, manh nha ý định xây dựng căn cứ quân sự ở đây. Đến ngày 03/12/1953, sau khi cân nhắc kĩ vị trí chiến lược của Điện Biên Phủ, tướng Henrry Navarre – Tổng chỉ huy quân đội Viễn chính Pháp ở Đông Dương quyết định chọn Điện Biên Phủ làm điểm quyết chiến chiến lược với Quân đội Việt Nam và bắt tay vào xây dựng nơi đây thành một Tập đoàn cứ điểm kiên cố, với hệ thống binh lực, hỏa lực mạnh, hệ thống công sự chiến hào vững chắc, hàng rào dây thép gai và bãi mìn dày đặc, dưới sự dẫn dắt, chỉ huy của Đại tá De Castries - Chỉ huy trưởng Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Tướng De Castries - Chỉ huy trưởng Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ

Pháp và Mỹ đã liên tiếp cho tăng cường lực lượng, xây dựng Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương, với 16.200 quân gồm 21 tiểu đoàn trong đó có 17 tiểu đoàn bộ binh, 3 tiểu đoàn pháo binh, 1 tiểu đoàn công binh, 1 đại đội xe tăng, 1 phi đội không quân, 1 đại đội vận tải cơ giới, được bố trí thành 3 phân khu Bắc, Trung, Nam với 49 cứ điểm; hệ thống hỏa lực mặt đất có 2 tiểu đoàn pháo 105mm, 1 đại đội pháo 155mm, 1 đại đội súng cối 120mm được bố trí ở Mường Thanh và Hồng Cúm; hai sân bay Mường Thanh và Hồng Cúm với gần 100 lần máy bay lên, xuống mỗi ngày có thể vận chuyển khoảng 200 đến 300 tấn hàng và thả dù từ 100 đến 150 tên địch. Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ được tướng Navarre coi như “một pháo đài không thể công phá”, là nơi thu hút để tiêu diệt bộ đội chủ lực của ta.

Trước tình hình đó, ngày 06/12/1953, Bộ Chính trị họp bàn, quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ và thông qua phương án tác chiến, thành lập Bộ Chỉ huy chiến dịch, Đảng ủy mặt trận do Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm Tư lệnh kiêm Bí thư Đảng ủy chiến dịch.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí trong Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp quyết định mở Chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954 và Chiến dịch Điện Biên Phủ

Sau khi Điện Biên Phủ được chọn làm điểm quyết chiến, chiến lược trong Đông Xuân 1953 – 1954, nhiệm vụ được đặt lên hàng đầu là sửa đường, mở đường để hành quân, vận chuyển lương thực, thực phẩm, vũ khí, đạn dược vào mặt trận, đặc việt là công tác mở đường đưa pháo vào trận địa. Thực hiện phương án tác chiến “Đánh nhanh, thắng nhanh”, chiều ngày 16/01/1954, quân ta bắt đầu kéo pháo vào trận địa. Tuy nhiên, do tình hình địch có nhiều thay đổi cùng với đó việc kéo pháo vào của quân ta gặp nhiều khó khăn chưa kịp chiếm lĩnh trận địa nên ngày nổ súng được lùi từ ngày 20/01 đến 25/01/1954 và sau đó chuyển sang ngày 26/01/1954.

Thế nhưng, Bộ chỉ huy chiến dịch nhận thấy nếu đánh theo phương châm “đánh nhanh, giải quyết nhanh” thì khó bảo đảm “chắc thắng”. Trên cơ sở phân tích so sánh tương quan lực lượng, đánh giá khả năng của ta và địch tại Điện Biên Phủ, đặc biệt là thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh”, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng với tập thể Đảng ủy và Bộ chỉ huy chiến dịch bàn bạc, thống nhất quyết định thay đổi phương châm tác chiến, chuyển từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”. Đầu tháng 3/1954, sau khi mọi công tác chuẩn bị cho chiến dịch theo phương châm tác chiến “Đánh chắc, tiến chắc” cơ bản được hoàn tất, ngày 13/3/1954 được chọn là ngày mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ.

Đúng 17 giờ ngày 13/3/1954, quân ta nổ súng tấn công cứ điểm Him Lam, mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ.

Bộ đội ta tấn công, tiêu diệt cứ điểm Him Lam

Lá cờ “Quyết chiến, quyết thắng” trên cứ diểm Him Lam

Sau 3 đợt tiến công, đến ngày 7/5/1954, Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bị tiêu diệt hoàn toàn, buộc Pháp phải ngồi vào bàn đàm phán và ký Hiệp định Geneve, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình tại Đông Dương.

Lá cờ “Quyết chiến, quyết thắng” tung bên trên nóc hầm DeCastries

Có thể thấy, việc thay đổi phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” là một quyết định quan trọng song cũng hết sức khó khăn. Thực tiễn lịch sử đã chứng minh, cùng với sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, quyết định chuyển phương châm tác chiến của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một trong những nhân tố quan trọng góp phần tạo nên chiến thắng Điện Biên Phủ.

68 năm đã trôi qua, chiến thắng Điện Biên Phủ sẽ mãi mãi là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam vì ý nghĩa to lớn và tầm vóc vĩ đại của nó. Chiến thắng Điện Biên Phủ là thành quả 9 năm kháng chiến anh dũng, đầy gian khổ, hy sinh, là thắng lợi của sức mạnh đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế, thắng lợi của khát vọng hòa bình và ý chí độc lập, tự do của Nhân dân Việt Nam.

Ngày nay, vào tháng 3, khi lên Tây Bắc và về với mảnh đất Điện Biên Phủ anh hùng, ngoài tham quan những điểm di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, du khách còn được chiêm ngưỡng vẻ đẹp tinh khôi của loài hoa Ban - đặc trưng vùng Điện Biên Tây Bắc. Và đặc biệt hơn nữa du khách có thể tham gia Lễ hội Hoa Ban để được trải nghiệm các chương trình, không gian văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc tỉnh Điện Biên. Lễ hội Hoa Ban năm 2022 được khai mạc vào đúng ngày 13/3 như một lời gợi nhớ, một lời nhắc nhở đến ngày mở màn của một chiến dịch lịch sử trong cuộc kháng chiến chống thực dân Phân của quân và Nhân dân Việt Nam - Chiến dịch Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

 


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Liên kết website
Thống kê: 10.315.499
Online: 110