Hoa ban từ vẻ đẹp thuần khiết nơi núi rừng, mang trong mình câu chuyện huyền thoại và lịch sử, giờ đây đã trở thành loài hoa đặc trưng, biểu tượng cho con người, văn hóa, du lịch của mảnh đất Điện Biên. “Lung linh miền hoa ban” là ý tưởng chủ đạo của Chương trình nghệ thuật Khai mạc Lễ hội Hoa Ban năm 2022, cũng là ước mong, gửi gắm, là mục tiêu của cấp ủy, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh nhà, về một Điện Biên đổi mới, phát triển, tỏa sáng, thu hút nhà đầu tư và khách du lịch.

Tuyến đường tại xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên rực rỡ mỗi mùa ban về.

Loài hoa đi từ huyền thoại vào đời sống

Những cánh trắng mỏng manh tinh khôi, nhấn nhá sắc hồng, sắc tím thơ mộng cùng hương thơm thoảng nhẹ của hoa ban làm xao xuyến bao trái tim, viết nên bao vần thơ, câu hát. Nhắc đến hoa ban là nhắc đến mảnh đất Điện Biên, Tây Bắc - bao la hùng vĩ mà lãng mạn sắc hoa. Mùa xuân đến, giữa bao la chồi non, lộc biếc đại ngàn, những cây ban trút lá khẳng khiu vươn cao, dồn nhựa sống nuôi những nụ hoa. Tháng 3 về, từng cây, từng cành, từng chùm hoa bung nở trắng bồng bềnh như mây, “trôi” lưng chừng đồi, trải xuống thung sâu, rồi vắt lên đỉnh núi cao sừng sững. Từ đất sỏi cằn cỗi hay vách đá cheo leo, cây ban vẫn mạnh mẽ vươn mình làm đẹp cho núi rừng.

Từ TP. Hồ Chí Minh, lần đầu tiên đặt chân đến mảnh đất Điện Biên Phủ vào những ngày đầu tháng 3, chị Nguyễn Lê Ngọc Ánh cùng gia đình đã ngỡ ngàng, say mê khi thấy hoa ban ngoài đời thực. Chị Ánh chia sẻ: “Ban đầu từ sân bay về khách sạn, thấy một số cây hoa bên đường, gia đình tôi còn băn khoăn hỏi có phải là hoa giả không, vì cây rụng gần hết lá, hoa chi chít từng chùm trắng muốt. Sau được người dân địa phương nói mới biết là hoa ban. Cả nhà tôi đều thích loài hoa này, trông tinh khôi, thuần khiết mà thơm dịu ngọt. Không chỉ tham quan các di tích và làng bản, gia đình đã thuê xe, nhờ người hướng dẫn đưa đi “check in” một số điểm nhiều cây hoa ban trong TP. Điện Biên Phủ”.

Đẹp là thế, loài hoa ban còn thêm huyền ảo, như thực như hư, cuốn hút mạnh mẽ khi đi vào huyền thoại và đời sống văn hóa, tâm linh của đồng bào dân tộc Thái Tây Bắc nói chung, Điện Biên nói riêng. Có lẽ hầu hết mọi người đều biết về câu chuyện tình yêu ngang trái nhưng thủy chung son sắt của chàng Khum, nàng Ban - đôi trai gái dân tộc Thái. Tên của nàng được đặt cho loài hoa. Câu chuyện tình này có ý nghĩa đặc biệt với đồng bào dân tộc Thái. Có lẽ bởi vậy mà ban thường được ẩn dụ, so sánh với hình ảnh người con gái Thái tuổi đôi mươi rực rỡ mà mộc mạc, tinh khôi. Hoa ban được ca ngợi, tôn thờ, biểu tượng hóa, dần dần đi vào tâm linh người Thái, sinh ra các nghi thức, lễ hội. Rồi từ năm này qua năm khác, thế hệ này qua thế hệ khác, hoa ban trở nên thân thuộc, song hành cùng dân tộc Thái, đi vào mọi hoạt động văn hóa và trở thành một biểu tượng muôn đời của một dân tộc giàu bản sắc.

Từ xa xưa, nhiều gia đình người Thái ở Điện Biên có thói quen chọn những bông hoa ban nở đầu mùa để đem về trưng trong nhà. Theo họ, hoa đầu mùa thường có hương sắc đậm đà, không chỉ làm đẹp, tỏa hương thơm cho ngôi nhà mà còn thể hiện những điều thiêng liêng. Thông qua loài hoa, người Thái cầu mong sức khỏe, bình an, hạnh phúc. Những bậc cao niên còn nhìn hoa mà dự báo một năm sắp trải qua. Hoa bung nở rực rỡ là dấu hiệu cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no, yên vui.

Hoa ban đi vào thơ, ca, nhạc, họa. Dù ở thể loại văn học, nghệ thuật nào, hoa ban cũng tượng trưng cho vẻ đẹp cao quý trong tâm hồn, tính cách con người. Các tác giả thường lấy hoa ban làm thước đo để đánh giá đạo đức, tư tưởng, tình cảm. Đó chính là điều làm cho các tác phẩm văn học của người Thái thêm thi vị và mang tính nhân văn sâu sắc. Lấy cảm hứng từ hoa ban, các nghệ nhân, đội văn nghệ quần chúng dân tộc Thái cũng đã sáng tạo, gìn giữ những điệu múa về loài hoa đẹp này, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ cộng đồng, và ngày nay góp phần tạo ấn tượng với du khách. Không chỉ nuôi dưỡng cội nguồn văn hóa truyền thống dân tộc Thái, mà ban còn có rất nhiều công dụng trong đời sống thường ngày. Vỏ cây ban là bài thuốc quý lưu truyền từ bao đời nay. Hoa, ngọn ban là món ăn ngon đặc trưng, được trân trọng mời khách quý...

Khát vọng miền hoa ban

Với vẻ đẹp và ý nghĩa, cùng sự gắn bó ấy, hoa ban trở thành biểu tượng của đất và người Điện Biên. Ngày nay dọc tuyến đường dẫn vào các di tích lịch sử chiến trường xưa, các con phố trong lòng chảo Mường Thanh... đâu đâu cũng thấy sắc trắng hoa ban. Hoa ban không chỉ gợi nhắc huyền thoại, mà còn báo hiệu cho những ngày hội vui rộn rã. Đã trở thành hoạt động thường niên và “thương hiệu” của xứ sở Mường Trời, tháng 3 về, người dân địa phương và du khách muôn nơi lại đổ về Điện Biên để chứng kiến, tham gia các hoạt động vui chơi, văn hóa, văn nghệ mang đậm bản sắc truyền thống các dân tộc trong khuôn khổ Lễ hội Hoa ban.

Ông Nguyễn Minh Phú, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: “Để phát triển du lịch và lấy hoa ban là màu sắc đặc trưng của Điện Biên, Tỉnh ủy đã có Nghị quyết chuyên đề về phát triển cây hoa ban trên địa bàn. Trên cơ sở đó UBND tỉnh có kế hoạch cụ thể, phân công cho các cấp, ngành triển khai phát triển cây hoa ban. Hiện nay có thể nhận thấy, trên đường phố và khắp các nơi trên địa bàn tỉnh bạt ngàn hoa ban. Ý thức các cấp, ngành, người dân trong việc giữ gìn, bảo tồn, phát triển cây hoa ban cũng được nâng lên rõ rệt. Tất cả góp sức để hoa ban trở thành biểu tượng, mời gọi du khách đến với Điện Biên chiêm ngưỡng sắc đẹp cũng như các câu chuyện huyền thoại nên thơ về một mối tình thủy chung son sắt. Lễ hội Hoa Ban năm 2022 tiếp tục được tổ chức sau 2 năm hoãn vì dịch bệnh, vừa góp phần phát triển du lịch, vừa gửi gắm khát vọng Điện Biên hôm nay và mai sau trở thành một miền hoa ban “lung linh, bừng sáng”.

Để thực hiện được mong muốn ấy và tạo ấn tượng với du khách, mọi công tác chuẩn bị cho Lễ hội Hoa Ban năm 2022 được lên kế hoạch chi tiết, chu đáo. Các nhà hàng, khách sạn, cơ sở lưu trú tích cực chuẩn bị tốt nhất có thể để đón khách sau 2 năm Lễ hội bị tạm dừng. Anh Vũ Khắc Quang, Quản lý Khu Du lịch sinh thái Him Lam cho biết: “Ngay từ đầu năm, đơn vị đã tập trung chuẩn bị các điều kiện đón du khách đến lưu trú, giao lưu ẩm thực, văn hóa, đồng thời tăng cường nhiều tour du lịch để quảng bá các điểm đến, sản phẩm du lịch của đơn vị và địa phương đến du khách. Trước khi Lễ hội Hoa Ban diễn ra, chúng tôi nhận được sự quan tâm của nhiều khách hàng, tiếp nhận đặt 40 - 50% lượng phòng của khách sạn. Đa phần là các tour khách từ TP. Hồ Chí Minh. Ngoài tư vấn các chương trình, hoạt động đặc sắc cho khách trong mùa lễ hội, chúng tôi cũng chú trọng đảm bảo an toàn phòng dịch, hạn chế tối đa bùng phát dịch bệnh trong khu du lịch, cũng như đảm bảo an toàn cho khách hàng”.

Trong quan niệm của người Thái, hoa Ban tượng trưng cho ước mơ, hạnh phúc, khát vọng yêu thương, tình yêu chung thủy và sức sống mãnh liệt. Bởi thế, chủ đề “Lung linh miền hoa ban” của Lễ hội Hoa Ban năm nay, mang tính khái quát và hình tượng, thể hiện sự lung linh trong vẻ đẹp của hoa ban cũng như sự thay đổi, tỏa sáng với những thành tựu phát triển trên các lĩnh vực và tiềm năng của tỉnh Điện Biên. Lung linh miền hoa ban - Lung linh Điện Biên cũng là khát vọng mà cấp ủy, chính quyền và nhân dân Điện Biên mong muốn về một Điện Biên bứt phá mạnh mẽ trong giai đoạn tới, đẹp đẽ, tự thân tỏa sáng, tạo sức hút cho các nhà đầu tư và khách du lịch trong, ngoài nước.

Theo Báo Điện Biên Phủ


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Liên kết website
Thống kê: 10.317.670
Online: 58