Để tôn vinh loài hoa đặc hữu của núi rừng Điện Biên - Tây Bắc, từ năm 2014, tỉnh Điện Biên đã tổ chức Lễ hội Hoa Ban gắn với đại lễ kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Qua nhiều mùa tổ chức, đến nay Lễ hội Hoa Ban được tổ chức thường niên đã trở thành sản phẩm, thương hiệu du lịch đặc trưng, để lại những dấu ấn tốt đẹp trong lòng đồng bào các dân tộc cũng như bạn bè trong nước, quốc tế khi đặt chân đến với Điện Biên.

Lễ hội Hoa Ban lấy vẻ đẹp của loài hoa ban làm hình tượng đặc trưng và xuyên suốt, được coi như "hồn cốt" của lễ hội. Đây là loài hoa gắn với truyền thuyết về chuyện tình chàng Khum và nàng Ban, trở thành biểu tượng của tình yêu và khát vọng, mong ước về hạnh phúc trường tồn.

Cùng với sự phát triển của văn hóa - xã hội, tỉnh Điện Biên đã và đang tập trung xây dựng và phát triển Lễ hội Hoa Ban - một lễ hội văn hóa - du lịch mang tính đặc trưng, riêng có, phù hợp với tâm nguyện của đồng bào. Theo thời gian, Lễ hội đã hòa vào dòng chảy cuộc sống, trở thành ngày hội chung của cộng đồng 19 dân tộc, là nơi hội tụ sắc màu văn hóa đa dạng trong bức tranh tổng hòa của văn hóa Điện Biên. Qua đó bảo tồn, phát huy và phát triển các loại hình di sản văn hóa tiêu biểu; biến các giá trị di sản thành tài nguyên du lịch, thành nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội.

Chương trình nghệ thuật khai mạc Lễ hội (Ảnh minh họa)

Lễ hội Hoa Ban thực sự đã gặt hái được nhiều thành công qua 6 kỳ tổ chức, tạo điểm nhấn thu hút du khách đến với vùng Tây Bắc và tỉnh Điện Biên, từng được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi nhận, đánh giá là lễ hội tiêu biểu trong việc quảng bá, thúc đẩy phát triển du lịch trên phạm vi toàn quốc. Tỉnh Điện Biên đã chú trọng khai thác “thương hiệu du lịch” này khi đưa Lễ hội Hoa Ban vào Nghị quyết 03-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch tỉnh Điện Biên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với vị thế là một trong những sản phẩm du lịch văn hóa, sinh thái tiêu biểu.

Với mục tiêu xây dựng Lễ hội Hoa Ban trở thành thương hiệu nổi bật, tỉnh đã có những cách rất riêng để phát huy lợi thế, đánh thức tiềm năng. Những năm qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch với vai trò tham mưu chủ đạo đã luôn xác định xây dựng sản phẩm du lịch Lễ hội Hoa Ban mang tính hấp dẫn, độc đáo, duy nhất, nguyên bản và đại diện, tạo sức cạnh tranh và động lực cho các sản phẩm du lịch khác cùng song hành phát triển.

Sở đã nghiên cứu và thực hiện đa dạng hoá các nội dung hoạt động, tạo nên tính độc đáo, sáng tạo, sự khác biệt hoá với các lễ hội khác trong và ngoài tỉnh. Qua từng năm, những góc nhìn mới, hoạt động mới lại được đưa vào khai thác, lựa chọn những giá trị di sản văn hoá tiêu biểu của các dân tộc để trình diễn và quảng bá. Mỗi mùa lễ hội, du khách lại được đắm mình trong một lát cắt riêng đến từ phong tục cổ truyền, ẩm thực, kiến trúc cảnh quan, trang phục truyền thống hay tập quán sinh hoạt sản xuất, đời sống tinh thần của đồng bào Điện Biên. Để rồi từ đó, khi đến với Lễ hội Hoa Ban là du khách được trải nghiệm trong không gian, phong vị rất riêng, rất Điện Biên, không thể trộn lẫn với bất cứ lễ hội hay sự kiện văn hoá, du lịch nào khác.

Du khách quốc tế trải nghiệm du lịch văn hóa dân tộc Mông

Quá trình xây dựng sản phẩm, thương hiệu không chỉ đơn thuần tạo ra một sản phẩm du lịch đặc thù mà còn là sự bổ sung các loại hình dịch vụ, kết nối với các sản phẩm khác nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách, kéo dài thời gian lưu trú của họ, đặc biệt là mời gọi du khách quay trở lại Điện Biên trong mùa hoa ban. Cùng với Lễ hội Hoa Ban, du khách sẽ được giới thiệu khám phá văn hoá, lịch sử, thiên nhiên và con người Điện Biên, trải nghiệm các loại hình du lịch tâm linh, du lịch cộng đồng, sinh thái, nghỉ dưỡng, tạo cho du khách những chương trình du lịch đa trải nghiệm…  Điều đó đồng nghĩa với việc sản phẩm du lịch đặc thù là phần quan trọng mang lại ý nghĩa cho sự phát triển du lịch chung của tỉnh.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng luôn coi trọng việc gắn kết Lễ hội Hoa Ban với cộng đồng người dân để sản phẩm đó mang nét văn hóa đặc trưng của địa phương. Đồng bào không chỉ là người thưởng thức Lễ hội mà còn trực tiếp tham gia các hoạt động và thông qua lối sống, sinh hoạt thường ngày để xây dựng nên một hình ảnh thân thiện, mến khách, từng bước tham gia vào hoạt động du lịch. Như vậy Lễ hội mới thực sự có sức sống trong cộng đồng, là sản phẩm mang tính xã hội hoá cao, có nền tảng và nguồn lực mạnh mẽ để phát triển.

Quá trình phát triển sản phẩm gắn chặt chẽ với quá trình nâng cấp chất lượng cơ sở vật chất, kỹ thuật và dịch vụ, các điểm tham quan, với xúc tiến, quảng bá, marketing và phát triển nguồn nhân lực du lịch; nâng cao hiệu quả của hoạt động quản lý và hướng dẫn đối với các dự án đầu tư phát triển sản phẩm du lịch. Qua đó không chỉ khẳng định thương hiệu mà còn góp phần nâng cao giá trị, hiệu quả kinh tế và năng lực cạnh tranh của du lịch Điện Biên.

Vòng xòe đoàn kết mùa Lễ hội (Ảnh minh họa)

Sự phát triển của thương hiệu du lịch Lễ hội Hoa Ban đã mang lại cho tỉnh hiệu quả thiết thực trên nhiều mặt. Trong thời gian diễn ra Lễ hội Hoa Ban năm 2019 (kỳ lễ hội gần đây nhất được tổ chức), lượng khách du lịch đến Điện Biên trong 6 ngày (từ ngày 13 - 18/3) ước đạt khoảng 83.000 lượt khách, tăng 3,7% so với Lễ hội Hoa Ban năm 2018, trong đó khách du lịch quốc tế đạt 4.800 lượt. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 41,5 tỷ đồng, tăng 3,75% so với năm trước. Việc tổ chức Lễ hội Hoa Ban đã tăng đáng kể lượng khách du lịch đến thăm Điện Biên, góp phần tăng thu ngân sách, phát triển kinh tế - xã hội. Kết quả 3 tháng đầu năm đạt 297.100 lượt khách, đạt 35,8% kế hoạch năm, tăng 9% so với cùng kỳ 2018). Với những con số ấn tượng đó, có thể khẳng định được Lễ hội Hoa Ban đang ngày càng hấp dẫn hơn, thu hút lượng du khách đông đảo hơn.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh covid-19, trong hai năm 2020, 2021 vừa qua, Lễ hội Hoa Ban đã tạm ngừng tổ chức để đảm bảo theo tinh thần chung của cả nước. Nhưng hình ảnh của Lễ hội vẫn được quảng bá, nhận diện trên các phương tiện truyền thông, tuyên truyền của tỉnh, ngành. Để rồi khi dịch bệnh được kiểm soát, tỉnh tái khởi động lại kế hoạch tổ chức Lễ hội Hoa Ban năm 2022, vừa như một lời khẳng định Điện Biên cùng cả nước đã từng bước chiến thắng đại dịch, vừa là ngày hội vui chung của đồng bào các dân tộc tỉnh Điện Biên sau thời gian dài gián đoạn; đồng thời cũng là bước đà để chuẩn bị nội lực cho các hoạt động quy mô, ý nghĩa chào mừng kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ vào năm 2024.

Theo ông Nguyễn Minh Phú, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (cơ quan thường trực của Ban Tổ chức Lễ hội), để Lễ hội Hoa Ban năm 2022 diễn ra thành công, thích ứng linh hoạt với tình hình dịch bệnh covid-19, Sở đã kịp thời tham mưu Ban Tổ chức báo cáo Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh cho chủ trương điều chỉnh quy mô, nội dung một số hoạt động thành phần trong Lễ hội. Cơ bản, các hoạt động chính của Lễ hội sẽ bao gồm chương trình Khai mạc (không tổ chức bắn pháo hoa); các hoạt động tuyên truyền; cuộc thi ảnh Check-in Điện Biên và trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm văn hóa, du lịch. Tin tưởng rằng với sự chủ động của Ban Tổ chức, tỉnh Điện Biên sẽ có một Lễ hội thật sự ấm áp, vui vẻ và phù hợp với tình hình dịch bệnh covid-19 hiện nay.

Lễ hội Hoa Ban năm 2022 được kỳ vọng sẽ là tín hiệu vui cho giai đoạn phát triển khá “đặc biệt” của du lịch Điện Biên trong trạng thái xã hội “bình thường mới”. Thương hiệu du lịch ấy có vững bền, có thực sự mang lại hiệu quả trên các mặt kinh tế - văn hóa - xã hội hay không là dựa vào nỗ lực chung của tỉnh, sự quan tâm hưởng ứng của đồng bào các dân tộc cũng như những hỗ trợ, động viên về vật chất hay tinh thần của toàn xã hội./.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Liên kết website
Thống kê: 10.265.318
Online: 87