Dân tộc Thái có bề dày văn hóa được ghi chép qua các bộ sử thi dân gian, tục ngữ, ca dao, dân ca, đáng chú ý là thơ ca dân gian với những Xống chụ xôn xao (tiễn dặn người yêu); Khun Lú, Nàng Ủa. Người Thái còn gìn giữ và phát huy nghệ thuật trình diễn dân gian như các làn điệu khắp (hát) và đặc biệt nổi bật về Nghệ thuật Xòe, tiêu biểu phải kể đến Xòe vòng, Xòe khăn, Xòe nón, Xòe quạt, Xòe sạp, Xòe nhạc, Xòe chai. Trong đó Xòe vòng là điệu múa mang ý nghĩa truyền thống và phổ biến nhất của người Thái. Hiện nay, Nghệ thuật Xòe là tài sản vô giá và là sản phẩm văn hóa đặc sắc của người Thái, là sân chơi giải trí sau những ngày lao động vất vả, Xòe trở thành phương tiện giao tiếp để kết nối mọi người xích lại gần nhau. Duy trì nghệ thuật Xòe là một trong những tập tục tốt đẹp của người Thái, đã cuốn hút mọi người rộn ràng trong tiếng trống, tiếng chiêng mỗi dịp tết đến, xuân về, trong lễ hội, ngày hội, các cuộc vui hay trong một số nghi lễ của người Thái. Nghệ thuật Xòe Thái đã trở thành biểu tượng của tình yêu, tình đoàn kết, là sự kết tinh những kinh nghiệm sống và lối tư duy sáng tạo của con người trong sinh hoạt thường ngày.

“Xòe” theo tiếng Thái dịch ra nghĩa là múa, Nghệ thuật Xòe Thái được hiểu là nghệ thuật trình diễn các điệu múa dân gian của dân tộc Thái, qua các điệu múa giúp người thưởng thức hiểu được nét đẹp văn hóa đặc trưng của một dân tộc.

Để nói về  nguồn gốc ra đời của Nghệ thuật Xòe Thái, đồng bào dân tộc Thái cho rằng Xòe vòng là hình thức múa dân gian mang nét đẹp văn hóa đặc trưng và là di sản có sức sống bền vững trong cộng đồng; đây cũng là điệu múa cổ xưa và rất khó để xác định chính xác về nguồn gốc ra đời, thời điểm xuất hiện Xòe vòng. Bàn về vấn đề này có nhiều giả thiết được đưa ra: có ý kiến cho rằng Xòe vòng xuất phát từ trong lao động sản xuất, từ nhu cầu của con người muốn được thư giãn, giải trí sau những giờ lao động vất vả, mệt nhọc. Trong cuốn “Người Thái ở  Tây Bắc Việt Nam” của tác giả Cầm Trọng đã viết: “Cũng có thể coi Xòe vòng là hình thức múa sơ khai nhất trong dân vũ Thái. Nó sơ khai nhất có lẽ đó là hình thức múa tập thể không phải luyện tập mà ai cũng có thể tham gia được. Trong đám múa có mặt cụ già đồng thời cũng có thanh niên, có nam, có nữ...Nó sơ khai có lẽ vì động tác rất đơn giản. Với yêu cầu người chỉ có một bước chân vững cũng có thể tham gia được”.  Có người lại cho rằng Xòe vòng bắt nguồn từ trong lễ Kin pang then (Lễ tạ ơn), mọi người cầm tay nhau nhảy múa xung quanh mâm cúng, sau đó phát triển thành điệu xòe quanh cây nêu, quanh đống lửa như ngày nay. Theo một số nhà nghiên cứu múa dân gian của tỉnh Điện Biên lại thấy Xòe vòng được hình thành sau khi hệ thống múa cơ bản đã ra đời và những động tác đã được định hình, trên cơ sở đó động tác của điệu xòe được đơn giản hóa, được cô đọng và hội tụ trên tất cả các động tác cơ bản của múa dân gian truyền thống. Cũng có thể các nghệ nhân xưa đã cải biên và bớt bỏ để đơn giản hóa những động tác múa tạo nên một động tác xòe thật đơn giản để phù hợp với tính chất sinh hoạt văn hóa cộng đồng và nhiều người cùng được tham gia. Vì vậy xác định nguồn gốc của Xòe vòng người ta mãi đặt ra một câu hỏi “Điệu xòe, điệu xòe có từ bao giờ” như trong bài hát “Điệu xòe thương nhau” của nhạc sĩ Vương Khon.

Còn đối với Xòe khăn, Xòe nón, Xòe quạt, Xòe sạp, Xòe nhạc, Xòe chai là những điệu múa bắt nguồn từ lối tư duy sáng tạo của con người đã sử dụng ngôn ngữ múa là hình thể để miêu tả những động tác, những hoạt động trong đời sống sinh hoạt thường ngày của người dân. Thông qua các điệu múa được sử dụng đạo cụ là những vật dụng trong sinh hoạt  như khăn, nón, quạt, chai , ống tre, ống nứa đã khiến bức tranh sinh động, chân thực về đời sống xã hội và quá trình lao động của dân bản như được tái hiện lại.

Đối với tỉnh Điện Biên, khi tìm hiểu về vùng đất gắn với nguồn gốc của Xòe Thái cho thấy Mường Lay là nơi ghi dấu về sự phát triển của những điệu Xòe. Người có công mở rộng và phát triển Nghệ thuật Xòe của địa phương phải kể đến quan thổ ty Đèo Văn Long. Ông đã biết phát hiện và khai thác nghệ thuật Xòe, đã tuyển chọn những cô gái xinh đẹp, hát hay, múa giỏi để thành lập các đội Xòe.  Đèo Văn Long đã đưa những đội Xòe đi biểu diễn ở nhiều nơi như Hà Nội, Huế, Sài Gòn, thậm chí còn phục vụ cả vua Bảo Đại và những vị quan cai trị Pháp. Vì lẽ đó, Nghệ thuật Xòe Thái được gìn giữ và phát triển.

 Ngày nay, Nghệ thuật Xòe Thái được cộng đồng và các chủ thể văn hóa thực hành trong sinh hoạt văn hóa và tín ngưỡng.

Tỉnh Điện Biên đã quan tâm phát triển nghệ thuật chuyên nghiệp và nghệ thuật quần chúng, dù phát triển loại hình nghệ thuật nào cũng đều phát huy được các vũ điệu xòe của người Thái. Nhưng cách thức phát triển một cách sâu rộng, có tính bền vững đó là duy trì Nghệ thuật Xòe trong đời sống sinh hoạt. Điều này dễ nhận biết bởi hầu hết các bản người Thái sinh sống đều thành lập đội văn nghệ, họ thường xuyên thực hành các điệu múa trong các cuộc vui của bản hoặc tham gia các hoạt động, sự kiện văn hóa của địa phương. Đây thực sự là những hạt giống để cùng với cộng đồng duy trì, truyền dạy và phát triển Nghệ thuật Xòe Thái.

Chúng ta dễ nhận thấy rằng trong cuộc sống bình dị, bỏ qua những lo toan,  người Thái đã tự tạo cho mình những niềm vui để cân bằng cuộc sống; họ yêu thích, đam mê nghệ thuật truyền thống và có trách nhiệm với văn hóa của dân tộc mà bao đời đã gây dựng và trao truyền. Bởi thế, họ cùng nhau nhóm lên đống lửa bập bùng và cất lên tiếng trống gọi xòe để cả cộng đồng được chìm đắm trong vũ điệu xòe vòng. Cái nắm tay trong Xòe vòng có ý nghĩa vừa để gắn kết cộng đồng, vừa để truyền nhau hơi ấm chia sẻ những niềm vui hay tiếp thêm sức mạnh vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. Xòe vòng thực sự đã trở thành điệu múa tập thể độc đáo và có ý nghĩa lớn trong đời sống tinh thần, góp phần làm nên sự phong phú cho đời sống văn hóa cộng đồng . Khi xòe vòng, người Thái còn kết hợp với hát đối, ứng thơ, mời rượu, cuộc vui có thể kéo dài thâu đêm tới sáng. Trong men rượu nồng say, được hòa mình trong âm hưởng của các làn điệu dân ca đằm thắm và âm thanh rộn ràng của các loại nhạc cụ trống, chiêng,  tính tẩu...đã thôi thúc người dân có thêm động lực và niềm tin vào một tương lai tốt đẹp.

 Người Thái thường xòe trong dịp Tết nguyên đán. Trong không khí rộn ràng của mùa xuân, người Thái nô nức, hớn hở chuẩn bị mọi thứ để đón năm mới, đi chúc tết và cùng nhau đưa bước chân xòe với mong muốn "năm mới có nhiều niềm vui mới", họ quan niệm rằng nếu đầu năm mà không múa, không hát thì cả năm sẽ không có nhiều niềm vui và thiếu may mắn. Hay khi lên nhà mới, trong tiệc rượu, những người đến dự thường hát chúc chủ nhà có nơi ở tốt, con cái khỏe mạnh, làm ăn khấm khá đồng thời còn tổ chức xòe với nhiều người cùng chung vui nhảy múa ngay trên sàn nhà. Lễ mừng cơm mới của người Thái được coi là ngày hội của các gia đình trong bản. Sau nghi lễ mừng cơm mới, các thành viên trong gia đình, dòng họ cùng nâng chén rượu mừng cho thành quả của mùa vụ mới, tiếp đến là cùng nhau xòe vòng....

Tại tỉnh Điện Biên có một lễ hội truyền thống được tổ chức với quy mô lớn nhất, thu hút cộng đồng các dân tộc tham gia, đó là lễ hội đền Hoàng Công Chất hay còn gọi là Lễ hội thành Bản Phủ được tổ chức thường niên vào ngày 24 - 25/2 âm lịch hàng năm. Lễ hội đền Hoàng Công Chất là dịp hội tụ, đoàn kết các dân tộc và thể hiện đặc trưng văn hóa vùng miền, đã trở thành điểm du lịch đặc biệt hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước khi đến với Điện Biên Phủ. Du khách đến với lễ hội sẽ cùng ôn lại lịch sử hào hùng của dân tộc thông qua nghi lễ, đồng thời có thể tham gia cùng cộng đồng các trò chơi dân gian, nghệ thuật trình diễn dân gian mà nghệ thuật tiêu biểu được kể đến là Nghệ thuật Xòe Thái. Tại đây, các đội văn nghệ đến từ các thôn, bản sẽ thi nhau múa xòe; các điệu múa nón, múa khăn, múa quạt, múa chai, múa sạp...đều tưng bừng thể hiện qua sự dẻo dai, mềm mại và khéo léo của các cô gái Thái. Tại lễ hội, múa xòe không chỉ thể hiện trên sân khấu mà cộng đồng các dân tộc đều có thể thiết lập vòng xòe, có thể hình thành nhiều vòng xòe kết hợp di chuyển.

Như vậy, trong đời sống sinh hoạt của người Thái luôn có sự gắn kết với các điệu Xòe, trong đó xòe vòng được thực hành thường xuyên và phổ biến hơn cả. Tuy nhiên, Nghệ thuật xòe Thái không chỉ được phát huy trong đời sống sinh hoạt mà còn thể hiện rõ nét trong một số nghi lễ của người Thái như: Lễ Kin pang then, Lễ bắc cầu truyền nghề then, Lễ Then cầu con.

Nghệ thuật Then Thái là loại hình nghệ thuật tổng hợp vì đây là di sản chứa đựng cả kho tàng về Tri thức dân gian, Nghệ thuật trình diễn dân gian cũng như mang đậm sắc màu về tập quán xã hội và tín ngưỡng của người Thái, đặc biệt là người Thái Trắng. Đó là những tri thức về quan niệm thế giới quan, nhân sinh quan của người Thái; qua việc thực hành nghi lễ Then cũng đồng nghĩa với việc bảo tồn, gìn giữ những tập tục tốt đẹp của dân tộc

Lễ Kin pang then thường diễn ra vào dịp đầu xuân (sau tết nguyên đán), đây là thời điểm đẹp nhất của mùa xuân, khi hoa ban nở trắng núi rừng, hoa đào, hoa bưởi khoe sắc tỏa hương khắp bản mường, tiết trời mát mẻ, vạn vật sinh sôi, cây cối nảy lộc, đâm chồi, đơm hoa, kết trái; thiên nhiên như hòa quyện với lòng người là lúc thầy Then tổ chức lễ Kin pang Then để gặp mặt các con nuôi về mừng mệnh Then được “vững như trụ bạc, chắc như trụ vàng". Diễn trình lễ Kin pang Then gồm các lễ thức: Mừng chúc lễ Kin pang then (chụm kiệu pang); Ra mắt, mời rượu (ók nả, mợ lảu); Niệm chú xin thông họng (cặm măn khọ púng); Trình báo bàn thờ kiểm tra lễ (lau chơng pạn then); Mở đường (đóng tạng); Then lên núi (Pú khău sam bắc; Then Dâng lễ thần núi (Pú khău sam bắc); Hành trình lên Mường Trời; Mời Vua Trời, Vua Then (mợi Pô Phạ, Pô Then) về dự lễ; Mời vua trời, vua then vào dự lễ; TiễnVua Trời, Vua Then (xúng báo xôông); Tiễn thầy của Then; Quét hoa tàn. Bên cạnh các nghi lễ trang nghiêm, người tham gia còn vui với các trò chơi dân gian như: Tó má lẹ, ném còn, hái nấm, cày bừa, chọi trâu... đặc biệt có 02 điệu xòe không thể thiếu trong lễ Kin pang Then là xòe vòng và xòe khăn.

Lễ bắc cầu truyền nghề then (tiếng Thái  gọi là Cái khô hâư lụk liệng),  ngoài ra còn có tên gọi khác: lễ Bắc cầu then (cái khô mượng); lễ Kin pang then lên bậc; lễ Kin pang then lấy sắc phong hay lễ Kin pang then cấp sắc. Thầy then chủ trì tổ chức Lễ bắc cầu truyền nghề then cho các con nuôi có khả năng thực hành nghi lễ Then. Đối với các ông (bà) Then chưa được làm lễ bắc cầu then thì không được phép lên Mường Trời, chưa đủ sức mạnh để cứu giúp cho dân. Vì vậy, lễ bắc cầu truyền nghề then là minh chứng để cho một người đã có căn duyên hành nghề then được chính thức nối nghiệp và cũng là để đánh dâu sự trưởng thành của người làm nghề Then. Lễ chứa đựng yếu tố văn hóa truyền thống góp phần bảo tồn nghệ thuật hát Then, đàn Tính. Bảo tồn loại hình nghệ thuật này có nét tương đồng như việc gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại - đó là tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt ở đồng bằng bắc bộ (trong đó có hát chầu văn). Trong Lễ bắc cầu truyền nghề then cũng sử dụng xòe vòng và xòe khăn. Trong nghi lễ, các xao chay vừa hát, vừa múa điệu chào vua, quan then Mường Trời về dự lễ (còn gọi là Múa chầu vua – xé chấu pùa). Những dải khăn xòe màu hồng, lá mạ được các thiếu nữ thanh tân nâng cao ngang trán kính cẩn, khiêm cung, nâng lên, hạ xuống duyên dáng nhịp nhàng, đội hình dàn hàng ngang rồi kết thành hoa; những dải khăn xòe bung lượn quyện vào lời hát tạo nên không khí vui tươi, đầm ấm. Khi thầy Then hát mời Vua trời, Vua then, các thần linh vào dự hội cũng là lúc phần hội diễn ra quanh cây pang  (cây dựng để làm lễ, được trang trí rực rỡ sắc màu và đặt tại không gian thiêng trong nhà - đó là trước bàn thờ của thầy Then). Tiếng trống, chiêng vang lên rộn rã như thúc giục lòng người, để mời gọi bạn xòe. Âm hưởng tiếng đàn, tiếng hát của thầy Then hòa chung điệu múa của cộng đồng. Tất cả cùng hân hoan, mê say trong các điệu xòe vòng, xòe khăn. Phần cuối nghi lễ, thầy Then hát, các xao chay (người múa) và báo khỏa (người đánh đàn tính)  hát theo lời tiễn các quan Then về tận Mường Trời. Các xao chay múa điệu khảm khái tiễn các thần linh về cõi trời và đóng cổng mường trời. Kết thúc nghi lễ, các xao chay múa quét hoa tàn – xé quát bó héo phụ họa cho then cả hát. Cộng đồng vui múa hát quanh cây pang; tiếng đàn, tiếng hát của thầy Then thể hiện triết lý nhân sinh, khẳng định con người, muôn loài, muôn vật không nằm ngoài qui luật tự nhiên: sinh-lão-bệnh-tử; có khởi đầu thì phải có kết thúc; hoa nở rồi hoa sẽ tàn; đời người cũng như đời cây, tre già thì măng sẽ mọc...con người hãy sống và tuân theo quy luật tự nhiên, cùng có niềm tin và hướng về tương lai tốt đẹp.

Đối với Lễ Then cầu con cũng mang sắc màu riêng của Nghệ thuật Then Thái.Cũng giống như Kin pang Then là phải dựng cây pang và chuẩn bị đồ lễ để Then đàn, hát và thực hiện các nghi lễ. Tuy nhiên có sự khác biệt  ở nghi lễ này là lập bàn thờ Me Bẩu - tên của một bà Then ở cõi Mường Then, bà có khuôn chuyên đúc dập thành hài nhi trai hoặc gái rồi giáng xuống đầu thai vào các bà mẹ ở cõi trần. Thầy Then sẽ cầu Me Bẩu ban phúc, cứu giúp những người hiếm muộn, mong muốn có con. Lễ Then cầu con là một trong những tập quán xã hội và tín ngưỡng của người Thái mang tính nhân văn sâu sắc. Lễ cúng Then cầu Me Bẩu không những là tín ngưỡng được đồng bào tin theo mà còn là nét văn hóa đặc sắc, là hình thức diễn xướng dân gian độc đáo của người Thái. Múa khăn và múa quạt cũng là hai điệu múa duy nhất trong lễ Then cầu con. Trong đó múa khăn là khi thầy Then hát điệu mở đường (hát Then lên trời) thì có khoảng 08 cô gái bước ra cầm khăn để múa phụ họa cho làn điệu Then. Đến đoạn thầy Then hát xin con thì các cô gái sẽ múa quạt để phụ họa.

Sự tồn tại và phát triển của Nghệ thuật Xòe Thái đến nay là nhờ những chính sách quan tâm của Đảng, nhà nước đối với văn hóa các dân tộc, một phần phải kể đến ý thức, trách nhiệm của mỗi người dân trong việc phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, coi đó là tài sản vô giá cần được gìn giữ và bảo vệ. Nghệ thuật Xòe Thái được coi là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống của đồng bào các dân tộc, được coi đó là sân chơi cho người dân  giải trí sau những ngày lao động vất vả, đồng thời Nghệ thuật Xòe được coi là phương tiện giao tiếp để kết nối mọi người xích lại gần nhau. Nghệ thuật Xòe là nét đẹp văn hóa được nhân dân các dân tộc gửi gắm những tâm tư tình cảm và lấy làm hãnh diện, tự hào về văn hóa truyền thống mà cha ông đã gây dựng và trao truyền. Không những thế, Nghệ thuật Xòe Thái còn là nơi khởi nguồn cho tình yêu đôi lứa, những đôi trai gái  có thể tìm hiểu và  gửi gắm tâm tình, trải lòng qua ánh mắt nụ cười, cùng nắm tay nhau để xòe, sau đó là kết tình hạnh phúc. Nghệ thuật Xòe Thái đã mang đậm tính dân tộc sâu sắc bởi đã khẳng định được bản sắc riêng có không lẫn với dân tộc nào đồng thời có tính lan tỏa rất lớn bởi đã trở thành sản phẩm nghệ thuật chung của toàn xã hội.

Ngày nay cùng với sự phát triển về kinh tế - văn hóa xã hội, Nghệ thuật Xòe đã trở thành nếp sinh hoạt văn hóa tinh thần không thể thiếu của đồng bào Thái nói riêng và các dân tộc tỉnh Điện Biên nói chung, Xòe Thái là nét văn hóa đặc trưng trong việc tổ chức các hoạt động, sự kiện chính trị; các hoạt động văn hóa, du lịch và được cộng đồng tích cực tham gia thực hành, gìn giữ. Xòe không chỉ là di sản văn hóa của người vùng cao, Xòe đã trở thành di sản văn hóa  đại diện của nhân loại. Do vậy Nghệ thuật Xòe Thái  cần tiếp tục được bảo tồn và phát huy giá trị, giúp cho loại hình nghệ thuật này mãi tồn tại cùng sự phát triển của xã hội và quá trình hội nhập của đất nước.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Liên kết website
Thống kê: 10.151.535
Online: 47