Dân tộc Thái nói chung, ngành Thái trắng tỉnh Điện Biên nói riêng có rất nhiều nghi lễ được lưu truyền cho tới ngày nay, trong đó có các lễ như : Lễ Kin pang then, lễ Cúng ma nhà, lễ Cúng giải hạn, lễ Bắc cầu truyền nghề mo Then...

  Theo quan niệm của dân tộc Thái, ngành Thái trắng. Để trở thành một mo Then, người đó phải có căn duyên với Một Then (có thể hiểu là vị thần ở thế giới bên kia) để làm Then. Người làm mo Then là những người có dòng dõi nối nghiệp tổ tiên, là người có gốc từ dòng họ bên ngoại hoặc dòng họ bên nội. Thông qua các nghi lễ cúng, nhập hồn, có khả năng giao tiếp với các thần linh, là trung gian giữa các thần linh và con người.

  Mo Then có mường “Một” và các thần linh ở mường “Một” bảo vệ, giúp sức. Mỗi khi mo Then tiến hành làm một nghi lễ cúng, đều phải làm lễ mời các thần xuống giúp (pung Một). Họ được coi là người của trời, của Then cử xuống giúp người ở mường trần.

  Đối với gia đình, dòng họ có người làm then, mỗi một thế hệ phải có một người theo nghề làm mo Then. Khi người đó có căn duyên và được Then chọn làm người hành nghề nối tiếp “Một” tổ, nhưng do người được chọn không biết, nên không nhận lấy “Một”, không lập bàn thờ ma “Một”, thì ma “Một” sẽ làm cho người đó ốm đau, làm ăn không phát... Do vậy, người có căn duyên đã được chọn bắt buộc phải hành nghề làm mo Then xướng lễ cứu người.

  Muốn trở thành mo Then phải có tâm huyết, thầy Then gốc (Then cốc) truyền nghề phải tinh thông các nghi lễ. Do đó, người học việc cần phải dành thời gian học ít nhất từ ba tháng trở lên để học và nắm bắt kiến thức cơ bản về thực hành các nghi lễ cho đúng cách thức, đúng luật tục của lễ Then.

  Người có căn duyên sau khi nắm bắt được những kiến thức cơ bản sẽ  phải chuẩn bị: 01 cái áo, 01 đĩa trầu cau, tiền, 01 chai rượu để đến nhà thầy Then làm lễ xin học làm Then.

  Đầu tiên, thầy Then sẽ truyền dạy cho học trò cách cầm đàn tính (tính tẩu), cách đánh đàn tính theo từng làn điệu hành lễ mo Then như: Hành lễ (Tiếu táng), vượt thác (khảm khái), dỗ hồn (ỏn khuôn)...

  Tiếp đến là đánh đàn tính theo các nhịp điệu múa như: Quét hoa tàn (Xé quát bó héo), múa khăn (xé khăn), múa quạt (xé ví)...Khi nào thấy học trò của mình đánh đàn tính tương đối thành thạo, Then gốc sẽ dạy hát Then, kết hợp với đàn tính hát từng câu, từng đoạn, cứ thế học cho đến khi thông thạo tất cả các kỹ thuật của làn điệu then về tiến trình lễ và các hoạt động khác từ Then gốc truyền dạy.

 Thủ tục xin Một Then về: Sau khi đã học xong, người học trò có khả năng tự đi làm lễ được, sẽ chọn ngày lành tháng tốt mang lễ vật đến nhà “Then” gốc xin Một Then về nhà mình và lập bàn thờ Một Then để thờ cúng, từ đó người học trò trở thành mo Then.

  Lễ vật phục vụ cho thủ tục xin “Một” gồm có: 04 quả trứng gà, 04 bát gạo, 04 sải vải khít, 04 sải vải trắng, 02 bông hoa, 02 con gà mổ luộc chín, 01 gói xôi, 01 bát canh, 04 chén rượu, sắp mâm đặt lên bàn thờ nhà Then gốc. Khi mâm lễ đã được chuẩn bị đầy đủ, Then gốc vào xướng lễ Một Then truyền nghề mo Then cho học trò, lời xướng lễ như sau:

  “Tạo ở nơi gác thiêng, tạo nằm trên gác nhà, tạo ở trên thềm hoa, tạo ở móc vân chìm, tạo ở thềm sàn chắc đan dày. Nàng Han người gan dạ, chủ trời người dũng mãnh giỏi dang, sợi vàng giăng hồn thiêng, chủ tạo lớn mường trần, tạo mường, tạo Then, mười tạo, hai mươi án nha. “Một” trong buồng ngăn liếp, “Một” giữa buồng ngăn phên, “Một” từ xưa ở gác ngăn liếp, “Một” từ nhỏ mới sinh, “Một” từ nhú hình người, “Một” cả dòng, cả họ, cả nhà, cả cửa, khéo bói ở mường Xo, khéo bắt quẻ ở Mường Lay. Họ đến xin làm con “Then”, đến xin Then gốc chia gốc Một cho về nhà lập bàn thờ (hỉnh Một). Nhà Xá nó sẽ lên, nhà Thái nó sẽ đến, để hành lễ cúng  nối nghiệp dòng dõi tổ tiên. Xin “Một” tổ hãy chia ma “Một” cho nó nhé”.       

  Sau khi nhận “Một” do thầy Then truyền dạy, tại nhà người học trò sẽ tiến hành nghi lễ truyền nghề chính thức cho học trò. Lễ vật gồm: 01 con lợn, 05 con gà, xôi, rượu, hoa quả. Khi đã sắp lễ đặt trước bàn thờ nhà học trò (mo Then mới). Thầy Then gốc vào xướng lễ công nhận và chia “Một” cho học trò của mình, kể từ nay người học trò ấy đủ khả năng hành lễ kế thừa từ mo tổ.       

  Đạo cụ của mo Then trong nghi lễ truyền nghề chính thức gồm: 02 tính tẩu để đánh đàn hát dẫn đường khi mo Then xướng lễ, 01 thanh kiếm, 01 quả trứng, 01 đồng xu, 01 chiếc quạt tay, 01 túi đựng các loại ngọc bùa còn gọi là “thung Một”. Và 02 đoạn tre ngắn, tấm vải trắng dùng để bắc cầu nối với thế giới vô hình cho “Một” lên ở. Cùng với khăn đội đầu (mụ bao), thắt lưng (xai tài khóa). Khi đã chuẩn bị mâm lễ xong, mo Then gốc tiến hành xướng lễ theo từng “Đẳm”, lời xướng lễ như sau:

  “Tạo ở nơi gác thiêng, tạo nằm trên gác nhà, tạo ở trên thềm hoa, tạo ở móc vân chìm, tạo ở thềm sàn chắc đan dầy. Nàng Han người gan dạ, chủ trời người dũng mãnh giỏi dang, sợi vàng chăng hồn thiêng, chủ tạo lớn mường trần, tạo mường, tạo xen, mười tạo, hai mươi án nha “Một” trong buồng ngăn liếp, “Một” giữa buồng ngăn phên, “Một” từ xưa ở gác ngăn liếp, “Một” từ nhỏ mới sinh, “Một” từ nhú hình người, “Một” cả dòng, cả họ, cả nhà, cả cửa, khéo bói ở mường Xo, khéo bắt quẻ ở mường Lay. Họ đến xin làm con “Một”, đến xin “Một”gốc chia gốc “Một” cho về nhà lập bàn thờ (hỉnh Một). Nhà Xá nó sẽ lên, nhà Thái nó sẽ đến, để hành lễ cúng nối nghiệp dòng dõi tổ tiên. Xin “Một” tổ hãy chia ma “Một” cho nó nhé”.

  Mo Then xướng lễ đi theo từng “Đẳm”, xướng lễ mời “Đẳm” nhà của mo Then mới được truyền dạy. Tiếp đến xướng mời “Một” tổ tiên ăn, xướng cho “Một” mường trần ăn, xướng cho “Một” mường trời ăn, lời xướng lễ như sau:

   “Gốc “Một” từ họ ngoại, dòng “Một” từ họ nội, “Một” từ nhỏ mới sinh, “Một” từ nhú hình người, “Một” cả dòng, cả họ, cả nhà, cả cửa…Ăn xong hãy phù hộ giúp cho lời nói thiêng, giúp cho con “Một” khi xướng lễ, đi theo bảo vệ đằng trước, canh giữ đằng sau nhé”.

  Xướng báo “Tạy” trước khi thực hiện nghi lễ chính thức Bắc cầu truyền nghề Then, theo tập tục của dân tộc Thái, mỗi người con trai trong gia đình đều có một túi vía, được rắt trên mái nhà nơi bàn thờ tổ tiên (thung Tạy), khi mâm lễ đã chuẩn bị xong, mo Then vào xướng lễ mời và xin phép tổ tiên của nhà Then mới, lời xướng lễ như sau:

  “Ơ…Đẳm dòng họ tổ tiên, vía áo của Lò Cằm quan A (tên người đến học nghề) bị ốm đau đến nhờ đến cạy, họ có gói trầu đến gửi, gói cau đến nhờ. Bây giờ “Tạy” quan B (nói tên ông Mo), tạy quan C (tên bố ông Mo), “Tạy” quan D (tên con trai ông Mo)…Cùng nhau nhai miếng trầu thơm miệng, cùng nhau nhai miếng cau thơm họng. Trầu xuống bụng rộng lượng tốt tính, cau xuống bụng mát mẻ ngọt ngào”.

  Mâm mo Then bắc cầu truyền nghề hát Then gồm: 02 mâm lễ mỗi mâm lấy 2 sải vải trắng gấp lại chải xuống; mỗi mâm lấy 03 bát gạo đổ vào vải trắng (gạo kê mâm lễ), gạt bằng phẳng, rồi đặt bát gạo lễ lên trên gạo kê mâm. Đặt lên trên bát gạo lễ mỗi bát 01 quả trứng gà (sáy Ỏ) để giúp cho việc làm bói chính xác. Phía trước quả trứng đặt một mảnh lưỡi rìu bằng đá tượng trưng dìu đồng thần sét (khoan tóng phạ phá) sẵn sàng chặt, bổ mọi vật cản đến hại mâm mo. Mâm mo của Then mới, phía trước quả trứng gà để một hình chân voi, ngựa bằng đá. Sẵn sàng cùng voi ngựa hành lễ theo con đường hát Then cứu người. Trên bát gạo đặt hai chiếc răng nanh lợn rừng già tự chết trong rừng, hai cái răng nanh trở thành ngọc bùa quý, trừ khử được ma tà (khẻo nu lóng tai xạ), quay vào nhau thành một vòng tròn ôm lấy quả trứng gà, tạo thành hàng rào bảo vệ vững chắc, cắm ba bông hoa dâm bụt đỏ và thắp ba nén hương là để trình báo ma Then, mong ma Then tiếp nhận cuộc lễ. Phía trên bát gạo lễ đặt 4 chén rượu để dâng các ma Then, phía trước bát gạo lễ đặt một chiếc gương nhỏ để soi đường lên xuống giữa mường trần và mường trời (bắc cầu giao lưu). Mỗi mâm một cây nến thắp sáng trong quá trình làm lễ.

  Mâm thờ tổ tiên gồm có: 01 đĩa trầu cau, 01 con lợn luộc chín, 01 bát Lạp sống, 02 bát nước canh, 05 chén rượu, 05 đôi đũa, 02 gói xôi.

   Khi đã chuẩn bị xong, mo Then thực hiện thủ tục thông báo với tổ tiên, lời xướng báo như sau: “Hôm nay con cháu của tổ tiên là mo Then xin làm lễ truyền nghề hát Then cho thế hệ trẻ nối tiếp hát Then, làm phúc cứu người của Then tổ, phù hộ cho con cháu làm lễ được thuận lợi nhé...”.

  Khi đã chuẩn bị xong, thầy Then tiến hành xướng lễ theo trình tự: Mời Then xuống giúp (pung Then), chọn voi, chọn ngựa để cùng tiến lên mường trời, đi qua “Đẳm” nhà lành, đánh thức ngọc thiêng, qua bãi tha ma mường trần, mở cổng bản mường, đến đường lên mường trời, qua mường người chết trẻ (khái lạn cướt), đi qua sân chơi trai gái mường trời, qua con sông ranh giới giữa mường trời và mường trần (nặm ta khái)... những việc ở mường trời đã xong, cùng nhau trở xuống mường trần, làm thủ tục thu dọn lễ và kết thúc là đóng cổng bản mường.

Khi người học trò đã thực hiện được đầy đủ các nghi lễ hát Then theo các tiến trình của Then gốc truyền dạy, từ nay người học trò của Then gốc đã trở thành một thầy Then chính thức, có thể tự thực hiện đầy đủ các nghi lễ, nghi thức của lễ Then làm việc tốt chữa bệnh cho người ở mường trần gian.

  Nghi lễ Bắc cầu truyền nghề mo Then là một nghi lễ quan trọng, thông qua nghi lễ để chứng nhận người học trò của Then gốc từ nay trở thành một thầy Then, có khả năng giao tiếp với thế giới tâm linh, là người trung gian giữa mường trời và mường trần, làm việc tốt chữa bệnh cho người mường trần. Đây là một nghi thức tín ngưỡng dân gian truyền thống, cần được gìn giữ, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị của nghi lễ Then nói riêng, tập quán xã hội và tín ngưỡng dân gian của dân tộc Thái tỉnh Điện Biên nói chung.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Liên kết website
Thống kê: 9.467.313
Online: 104