Tại tỉnh Điện Biên, dân tộc Cống là một trong những dân tộc thiểu số, chủ yếu phân bố tại bốn bản thuộc ba xã của ba huyện biên giới. Trong đó 2 bản là Huổi Moi và Púng Bon thuộc xã Pa Thơm, huyện Điện Biên; bản Nậm Kè thuộc xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé và bản Lả Chà thuộc xã Pa Tần, huyện Nậm Pồ.

Người Cống tại bản Púng Bon, xã Pa Thơm, huyện Điện Biên đến nay vẫn giữ được những nét văn hóa truyền thống như tiếng nói, tục thờ cúng tổ tiên. Trong năm, người Cống có một số lễ hội như: Lễ cúng tổ tiên, lễ cúng bản, lên nhà mới, cúng thổ địa, cúng gốc cây, Tết hoa hay còn gọi Tết hoa mào gà... Người Cống có đời sống dựa vào việc canh tác trên nương là chính, họ tin rằng kết quả sản xuất chủ yếu dựa vào sự quyết định của hồn lúa và thần nương, thần nước và sự phù hộ từ tổ tiên, ông bà của họ. Do vậy họ thường tiến hành các nghi lễ nông nghiệp, trong đó có Lễ mừng cơm mới, đây là một trong những nghi lễ quan trọng trong đời sống của họ.

Lễ Mừng cơm mới thường được tổ chức vào khoảng tháng 8 âm lịch, đây là lúc những bông lúa đang vào độ chín, thời điểm thích hợp để làm món cơm cốm. Đây là lễ vật không thể thiếu được trong mâm lễ cúng Mừng cơm mới của dân tộc Cống, là lễ vật để dâng lên thể hiện sự biết ơn ông bà, tổ tiên và các vị thần linh, đồng thời đánh dấu kết thúc vụ mùa. Đây cũng là thời gian đông bào được nghỉ ngơi sau những ngày lao động vất vả và cũng là dịp gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, hỏi thăm sức khỏe để chuẩn bị tâm thế bước sang năm mới, mùa vụ mới gặt hái được nhiều thành quả trong đời sống.

Chủ nhà thực hiện nghi thức cúng 

Để chuẩn bị cho ngày lễ Mừng cơm mới, tại thời điểm trước đó một tuần, đại diện các gia đình cùng với trưởng bản, già làng sẽ họp bàn, thống nhất việc đóng góp lễ vật để chuẩn bị cho mâm lễ cúng thần linh, ma bản.

Thầy cúng thực hiện nghi lễ cúng tại nhà già làng

Đến ngày đã được thống nhất để tổ chức, các gia đình mang lễ vật đến nhà già làng góp lễ. Đồ lễ gồm một số loại con vật và nông sản như: chim, sóc, bọ nhộng ong, sâu măng, cá suối...  ngoài ra còn có thịt gà, lợn, vịt, ngan và các loại nông sản được trồng trên nương rẫy của gia đình như: mía, dưa, bông lúa non, cốm...ngoài ra còn có bánh, kẹo, rượu. Trước ngày dân bản ăn mừng cơm mới, vào buổi chiều ngày hôm trước khoảng từ 16h -17h già làng cùng dân bản bắt đầu tiến hành làm lễ mời các vị thần linh, ma bản về thụ lễ chứng giám lòng thành của dân bản. Tại gian thờ cúng ma bản ở nhà già làng, gồm có mâm lễ cúng do dân bản góp, ngoài ra còn có một bếp củi và hai ống tre rượu cần (tượng trưng cho hai hũ rươu cần). Sau khi mọi thứ đã được chuẩn bị xong, già làng cùng dân bản tiến hành làm lễ. Đầu tiên, già làng thắp hai ngọn nên làm bằng sáp ong sau đó cúng mời các vị thần linh, ma bản về thụ lễ, nội dung lời khấn:

“ Hôm nay, dân bản làm cơm mới có lễ vật dâng mời các thần linh, ma bản về hưởng lễ vật mà dân bản đã làm ra, ăn xong thì mong được sự phù hộ cho dân bản khỏe mạnh không bị ốm đau, bệnh tật. Thời tiết mưa thuận, gió hòa, không có bão lũ, hạn hán, bảo vệ ruộng nương, cây trồng không cho con chuột, con sâu phá hoại để cho mùa màng bội thu...”

Tiếp theo đó, già làng ra chỗ có hai ống rượu cần và mời rượu các vị thần linh và ma bản. Buổi lễ kết thúc, già làng chia lễ vật cho các gia đình. Sau khi cúng tại nhà già làng xong, các hộ gia đình trong bản mới bắt đầu cúng tại gian thờ nhà mình. Tiền trình lễ cúng tại gia đình được diên ra hai lần:

Cúng lần một: Chủ nhà là đàn ông (nếu bố đã mất thì con trai trưởng) tiến hành làm lễ cúng, đồ lễ được chuần bị gồm có cá sấy, sóc sấy, gà sống, cốm và các loai nông sản gia đình trồng trên nương. Sau khi mâm lễ đã được chuẩn bị xong, chủ nhà đốt lửa bếp trong gian thờ bên ngoài gian phòng ngủ của chủ nhà, sau đó đốt nến làm bằng sáp ong cúng mời thần linh, tổ tiên về thụ hưởng lễ vật.

Nội dung lời khấn:  “ Hôm nay, gia đình làm cơm mới có lễ vật dâng mời các vị thần linh, tổ tiên về hưởng lễ vật mà con cháu đã làm ra, ăn xong thì mong được sự phù hộ cho con cháu được khỏe mạnh không bị ốm đau, làm ăn được thuận lợi, trồng cây ngô lúa, sắn, khoai được năng suất cao, chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà...lớn nhanh không bị bệnh tật.

Sau đó chủ nhà cúng con gà đang sống và cắt tiết gà trước mâm cúng, tiếp theo chủ nhà nhổ hai lông cánh mang cài trong gian thờ bên trong phòng ngủ của chủ nhà.    

Cúng lần hai: Sau khi gà đã được luộc chín, chủ nhà mang lên mâm cúng cùng với xôi nếp nương. Tiếp theo chủ nhà khấn mời thần linh, tổ tiên hưởng thụ từng lễ vật trên mâm cúng. Cũng cùng trong nghi lễ này, chủ nhà sẽ ra mời rượu đã được chuẩn bị trong một ống tre buộc vào cây tre gần với bếp củi trong gian thờ tổ tiên.

Sau khi các nghi lễ cúng mời tiễn kết thúc, gia chủ cùng các thành viên trong gia đình vui bên nhau và chuẩn bị cho bữa cơm ngày hôm sau. Trong không khí vui tươi phấn khởi của cả bản, các gia đình nhộn nhịp chuẩn bị mâm cơm mừng lúa mơi. Dưới bàn tay khéo léo của những người phụ nữ dân tộc Cống cùng sự nhiệt tình của các tràng trai và thành viên trong gia đình. Sau khi mọi thứ đã được hoàn tất với những món ăn mang đậm nét văn hóa riêng.

Lễ mừng cơm của dân tộc Cống bản Púng Bon, xã Pa Thơm không chỉ là dịp gia đình, họ hàng, bạn bè sum vầy, đoàn kết, chúc nhau những điều tốt đẹp, tỏ lòng biết ơn các đấng thần linh, tổ tiên ban cho sức khỏe, thịnh vượng, mùa màng tươi tốt, mà còn là dịp để các tầng lớp nhân dân nâng cao ý thức giữ gìn, phát huy các giá giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Liên kết website
Thống kê: 9.466.163
Online: 7