Đồng bào Si La tại tỉnh Điện Biên tập trung ở bản Nậm Sin, xã Chung Chải, huyện Mường Nhé là một huyện miền núi, nằm bên ngã ba biên giới Việt - Trung - Lào. Ngoài ra, người Si La còn phân bố rải rác ở các huyện Mường Chà, thành phố Điện Biên Phủ là 8 người thuộc một dòng tộc họ Hù có nguồn gốc từ bản Seo Hay, huyện Mường Nhé trước khi chia tách tỉnh khá lâu. Là 1 trong 5 dân tộc thiểu số trong cả nước có số dân dưới 1.000 người.

Dân tộc Si La ở Điện Biên tuy là một dân tộc thiểu số ít người có nền văn hóa rất đa dạng, phong phú chứa đựng sắc thái riêng của tộc người, góp phần làm phong phú thêm nền văn hóa Việt Nam, cơ bản những giá trị văn hoá đồng bào Si La tích luỹ, nuôi dưỡng từ bao đời nay vẫn được lưu giữ trong trí nhớ, tiềm thức của những người cao tuổi như tập quán xã hội và tín ngưỡng, lễ hội, các nghi lễ liên quan đến gia đình, cộng đồng, lễ hội, tín ngưỡng và nghi lễ nông nghiệp như: Lễ tra hạt xuống giống (cà si le), Lễ mừng cơm mới (ồ mí khe ); Lễ Cúng bệnh, Tang ma, Lễ cưới, Lễ lên nhà mới (ý đạ khệ), Lễ cúng bản (Plạ khơ thú), Tết (U xì dệ), tập quán Sinh đẻ và nuôi con…

Đồng bào dân tộc Si La có quan niệm hôn nhân tự do, tự nguyện. Chàng trai khi đến tuổi trưởng thành, muốn xây dựng gia đình sẽ được tự do tìm hiểu và lựa chọn người con gái mà mình thương để lấy làm vợ.

Người Si La thực hiện hôn nhân một vợ một chồng và ngoại hôn dòng họ. Con cô con cậu được phép kết hôn, nhưng phải cách ba đời. Luật tục chấp nhận hôn nhân giữa con dì con già, nhưng không cho phép "hôn nhân nối dây", không chấp nhận ly hôn, nhưng cho phép tái hôn đối với những người góa bụa.

Mùa cưới của người Si La cũng giống như nhiều tộc người khác, thường được tổ chức vào tháng 11, 12 âm lịch, đây là thời điểm nông nhàn, cũng là thời điểm sửa sang nhà cửa để chuẩn bị đón năm mới và dựng vợ, gả chồng cho con cái. Theo phong tục của người Si La, trai, gái từ 14 - 15 tuổi trở lên đã được coi là người lớn và bắt đầu quá trình tìm hiểu, xây dựng gia đình.

 Khi đôi trai gái tìm hiểu chín muồi họ quyết định tiến tới hôn nhân, chàng trai về thưa chuyện với bố mẹ để nhờ ông mối (kề lề số dê) sang thưa chuyện với gia đình cô gái. Trong lễ dạm hỏi (Nó tè dẹ), ông mối là người thay mặt cho gia đình nhà trai đến thưa chuyện, bàn bạc các công việc liên quan đến đám cưới với họ nhà gái như: ngày đẹp để tổ chức lễ cưới, giờ đẹp để đón dâu, những lễ vật mà nhà gái yêu cầu nhà trai đáp ứng. Lễ cưới thường được tổ chức tại nhà trưởng họ.

Lễ cưới được diễn ra trong hai ngày, ngày thứ nhất như đã hẹn trước, chị hoặc em gái của chú rể sẽ đến nhà cô gái thật sớm ngỏ lời xin dâu. Ngày hôm sau, ngay từ sáng sớm, nhà chú rể đã nhộn nhịp người đến. Ông mối cũng có mặt giúp gia đình chú rể chuẩn bị lễ vật, thực hiện các nghi lễ theo phong tục truyền thống của dân tộc mình. Đồ lễ chuẩn bị cho lễ cưới gồm 1 con gà, 2 bát gạo nếp, 2 quả trứng, 1 chai rượu, 1 bát nước, 1 cái cân tiểu li, 1 chiếc vòng cổ và 5 đồng bạc. Đến giờ đẹp đã định trước, từ sáng sớm (trước khi gà gáy), chị hoặc em gái của chú rể sẽ sang nhà gái xin dâu và được mẹ hoặc chị dâu của cô gái dắt tay cô gái ra cửa, trao cho các cô gái của gia đình nhà trai. Sau đó, em gái hoặc chị gái chú rể cùng bạn bè của cô dâu đến đưa cô dâu đi từ biệt xóm làng. Từ biệt xong, đoàn đưa cô dâu vào rừng để làm lễ nhập họ nhà trai.

Ảnh minh họa

Các cô gái bên nhà trai sẽ đưa cô dâu vào rừng chốn hết một ngày không cho ai thấy mặt, đến khuya mới cùng nhau về nhà trai. Khi đến nhà trai mọi người phải ngồi ngoài hiên chờ mẹ chồng lấy trang phục mới, để cô dâu thay. Lúc này trưởng tộc ngồi nơi bếp thiêng ở trong nhà sẽ làm lễ báo cáo tổ tiên thông báo là gia đình sẽ có thêm nhiều thành viên mới. Sau đó, mẹ chú rể mang 1 vòng cổ, 1 vòng tay và 1 bộ váy áo mới ra cho cô dâu. Mẹ chú rể đeo vòng tay, vòng cổ cho cô dâu. Những người phụ nữ quây lại xung quanh cô dâu, che cho cô dâu mặc bộ áo mới, quấn tóc và đội khăn lên đầu cho cô dâu ngay trước cửa nhà.

 Sau khi cúng xong, trưởng tộc trao trứng gà luộc và xôi cho chú rể để thực hiện các thủ tục, nghi thức trước sự chứng kiến của tổ tiên và mọi người trong gia tộc. Chú rể từ trong nhà bước ra, tay cầm xôi, tay cầm trứng, hai tay bắt chéo nhau chạm vào tay cô dâu. Cô dâu đứng ở ngoài cửa cũng bắt chéo hai tay trong lúc nhận. Lúc này, đôi vợ chồng trẻ phải cùng ăn hết xôi và trứng ngay tại cửa trước sự chứng kiến của tổ tiên và mọi người trong họ. Nghi thức này thể hiện sự chung thủy trong tình yêu của đôi vợ chồng trẻ trước sự chứng kiến của mọi người.

 Sau khi tiến hành các nghi thức trên, đoàn đón dâu và cô dâu vẫn phải ngồi ngoài hiên nhà, chỉ khi bữa tiệc rượu mời các bậc cha, chú, quan khách bên bếp thiêng kết thúc, khách ra về hết mới được vào nhà ăn cơm.

Đêm đầu tiên, đôi vợ chồng trẻ phải ngủ ở gian phía bên trái, chưa được phép vào ngủ trong buồng của mình.

Sau khoảng một năm chung sống, đôi vợ chồng trẻ sẽ phải làm đám cưới lớn. Gia đình nhà trai phải có lợn to để mổ, vừa cúng tổ tiên, vừa làm thực phẩm đãi khách. Khi mổ lợn xong nhà trai sẽ nhờ ông mối và một số chàng rể của họ đem một đùi lợn và một phần lá gan làm đồ dẫn cưới sang nhà gái làm lý. Xin hẳn dâu về. Nhà gái đón nhận đồ lễ rồi cắt ba miếng thịt mỡ và ba miếng gan bầy lên bàn thờ cúng tổ tiên và thông báo con gái đã đi lấy chồng.

Bên nhà trai cũng bày một mâm lễ tương tự đặt lên bàn thờ cúng tổ tiên và gọi đôi vợ chồng trẻ ra lạy trước ban thờ để tổ tiên chứng giám là gia đình từ nay chính thức nhập thành viên mới, cầu mong tổ tiên phù hộ. Làm lý xong, nhà trai bày mâm mời họ hàng và khách cùng nâng chén mừng hạnh phúc đôi vợ chồng trẻ. Tối hôm cưới, vợ chồng chàng rể sang nhà bố mẹ vợ làm lễ lại mặt và nhận của hồi môn. Như vậy, lễ cưới đã xong, đôi vợ chồng trẻ trở về nhà mình chăm lo làm ăn và vun đắp hạnh phúc gia đình.

Đối với người Si La, trong đám cưới không thể thiếu những bài hát chúc phúc và cả những điệu múa vui nhộn, điều này làm cho đám cưới không chỉ mang ý nghĩa mừng vui cho hai gia đình, cho đôi vợ chồng trẻ, mà còn thực sự là một nét sinh hoạt văn hóa mang tính chất cộng đồng. Những điệu múa đặc sắc và mang đậm dấu ấn văn hóa tộc người Si La.

Dân tộc Si La ở Điện Biên tuy là một dân tộc thiểu số ít người nhưng có nền văn hóa rất đa dạng, phong phú chứa đựng sắc thái riêng của tộc người, góp phần làm phong phú thêm nền văn hóa Việt Nam. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển hòa nhập cộng đồng, những gì thuộc về bản sắc văn hóa Si La đã có phần mai một. Văn hóa truyền thống của dân tộc này đã không còn nguyên vẹn, trong tiến trình phát triển của xã hội, do ảnh hưởng sự giao thoa văn hóa các vùng miền, các dân tộc láng giềng, văn hóa ngoại lai, đồng bào chưa biết cách tiếp thu có chọn lọc để bảo tồn và phát huy vốn văn hóa quí báu của dân tộc mình.

Để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc Si La, trong những năm tới cần sự quan tâm hơn nữa trong việc nghiên cứu, bảo tồn, phục dựng các loại hình văn hóa đang đứng trước nguy cơ mai một, thất truyền nhằm bảo tồn, tôn vinh bản sắc văn hóa dân tộc trước những yêu cầu về phát triển và hội nhập, góp phần đưa nền văn hóa Việt Nam lên vị trí mới, vươn tới tầm cao mới./.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Liên kết website
Thống kê: 10.134.938
Online: 88