Cũng giống như một số đồng bào các dân tộc khác, người Mông quan niệm vạn vật hữu linh. Vì thế họ luôn quan niệm đồi núi, sông suối, cây cối đều có các thần linh ngự trị. Bởi vậy, bà con luôn tôn thờ các thần linh để bày tỏ sự biết ơn, sự tôn sùng để cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, người người được khỏe mạnh, bản làng no ấm, điều này được thể hiện rõ trong lễ hội “Gầu tào”, với ý nghĩa chính là cầu mong các vị thần linh phù hộ, che chở cho bản làng sức khỏe, may mắn, mùa màng được bội thu trong năm mới, vụ mới. Đồng thời, đây cũng là dịp để gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, hỏi thăm sức khỏe, chuẩn bị tâm thế bước vào năm mới. Nội dung chủ đạo là cầu may mắn cho bà con tại các bản làng trong những ngày đầu năm mới, tuy nhiên nếu có gia đình nào lấy nhau được nhiều năm không có con cái hay những thành viên gia đình nào hay ốm đau chữa không khỏi thì những gia đình đó sẽ góp lễ vật cho nghi lễ “Gầu tào” để cầu may. Dù tổ chức theo hình thức nào lễ “Gầu tào” phải được tổ chức trong 3 năm liên tục. Lễ nghi tổ chức trong các năm đều giống nhau từ khâu thông báo đến mọi người dân trên địa bàn cho đến việc mời thầy, người chủ trì tổ chức lễ hội.
Ảnh minh họa
Thời gian tổ chức Lễ hội “Gầu tào” vào dịp tết nguyên đán hàng năm, trong khoảng thời gian từ ngày mùng 03 đến ngày 10.
Lễ hội “Gầu tào” được tổ chức tại một khu đất đủ rộng cho việc tổ chức nghi lễ và tham gia phần hội của bà con các bản. Lễ vật dâng cúng là đóng góp chung của bà con các bản trong xã dâng cúng các vị thần linh để cầu sức khỏe, may mắn, sinh sôi phát triển, không ốm đau bệnh tật cho bà con các thôn bản. Vì vậy, lễ hội “Gầu tào” là lễ hội đặc trưng của cộng đồng.
Thành phần tham gia: 01 thầy cúng (Là người chịu trách nhiệm thực hiện nghi lễ, am hiểu về văn hóa dân tộc, thuộc các bài cúng trong lễ hội “Gầu tào”); 01 người thổi khèn (Sau khi thầy cúng thực hiện nghi lễ khấn mời thần linh, người thổi khèn sẽ thổi bài đi vòng quanh gốc “cây nêu” để chào đón các vị thần linh về hưởng thụ đồ dâng lễ); 02 người phụ giúp thầy cúng (Dân bản sẽ cử 02 người nhanh nhẹn phụ giúp thầy cúng trong như công tác chuẩn bị đồ lễ, sắp xếp đồ lễ, rót rượu, thắp hương, hóa vàng mã…); Một cặp đại diện cho làng bản tham gia hát đối, hướng dẫn đội tham gia hội; 01 đội múa (từ 10 - 15 người) sẽ tham gia phần hội.
Vật tư, đồ lễ: Lợn 1 con; Gà 4 con; Gạo 30 kg; Bánh dày; Dải vải chàm; Túm thóc, ngô; Rượu; Hương, tiền, vàng mã; 01 bộ thẻ xin âm dương (bằng tre); Cây nêu. (Cây nêu là cây tre hoặc cây gỗ - là biểu tượng chính trong Lễ hội “Gầu tào” của người Mông, tượng trưng cho chiếc thang đưa lời cúng của các vị thần lên trời).
Diễn trình phần lễ: Để chuẩn bị cho việc tổ chức lễ hội “Gầu tào”, ngoài việc chuẩn bị đón tết năm mới, bà con các bản còn chuẩn bị cho lễ hội “Gầu tào”. Đại diện các bản sẽ tham gia họp bàn, thống nhất từ việc chọn ngày tổ chức, đóng góp lễ vật đến việc chọn thầy cúng chính và các thành viên tham gia lễ, đặc biệt là việc chuẩn bị “cây nêu”. “Cây nêu” được chọn phải thẳng, xanh tốt và không bị cụt ngọn, gãy cành; việc chặt hạ cũng được lưu ý cẩn thận để tránh phần ngọn chạm xuống đất, vì theo đồng bào nếu để phần ngọn chạm đất thì “cây nêu” sẽ mất thiêng. Trước khi chặt cây về dựng làm lễ “Gầu tào”, người đi chặt phải mang một con gà, ba nén hương theo, khi tìm chọn được cây, thầy cúng sẽ khấn xin phép được chặt cây về tổ chức lễ hội và dâng thân cây và thần linh con gà.
Sau thời gian chuẩn bị đến ngày đã định, từ sáng sớm bà con tập trung đông đủ tại quả đồi (hấu tào), “cây nêu” sẽ được những người phụ giúp thầy cúng dựng lên tại địa điểm đã được lựa chọn trước đó. Sau đó, thầy cúng cùng với những người phụ giúp để bày đồ lễ. Khi đồ lễ được chuẩn bị xong, thầy cúng trong bộ trang phục truyền thống màu chàm đen, đứng trước mâm lễ. Mọi người khác tập trung phía đằng sau để nghe thầy cúng mời các thần linh về hưởng thụ đồ lễ và phù hộ cho bà con. Khi mọi thứ đã chuẩn bị xong thầy cúng thắp hương, chắp tay lạy bốn hướng và bắt đầu khấn:
Bài khấn của thầy cúng:
“Hỡi các vị thần linh, thần canh quản đồi núi, thần sấm thần sét, thần canh quản vùng đất, vùng núi Nà Bủng!
Hôm nay là ngày lành tháng tốt, đầu xuân năm mới để tạ ơn trời đất, thần linh sông núi đã phù hộ, độ trì ban cho mưa thuận, gió hoà làm ăn, làm mặc nhà nhà được bội thu con cái khoẻ mạnh, học hành giỏi giang, công tác thành đạt nhờ cậy hồng phúc thần linh sông núi.
Tôi thay mặt Nhân dân xã Nà Bủng xin được phép chọn địa điểm này để cắm cây nêu mở lễ hội “Gầu tào” để tạ ơn với trời đất thần linh, sông núi đã ban cho mưa thuận gió hoà để các gia đình nhân dân trong xã có một năm qua người người, nhà nhà công tác, học hành làm ăn thuận lợi. Cầu cho sang năm mới nhà nhà, người người có sức khoẻ, con cái học hành giỏi giang, ngoan ngoãn, tấn tài, tấn lộc xin các vị thần linh chứng giám và cho phép tôi đại diện cho toàn thể Nhân dân trên địa bàn dựng “cây nêu” mở hội năm nay tại đây” .
Sau khi khấn xong, thầy cúng cầm 4 chén rượu đổ ra 4 hướng với quan niệm để mời các vị thần linh. Sau đó, thầy cúng tuyên bố trước bà con:
“Hôm nay tôi thay mặt bà con nhân dân trong xã xin phép dựng “cây nêu” mở hội “Gầu tào” tại đây. Cầu cho một năm mới người người, nhà nhà khoẻ mạnh, con cái chăm ngoan và làm ăn phát đạt, tấn tài tấn lộc”.
Đồng thời, thầy cúng nhắc nhở mọi người tham gia lễ hội:
“Hôm nay mở hội tại đây tất cả mọi người cần tuân thủ, thực hiện đúng các nội quy, quy định của lễ hội. Không được ai suy nghĩ và làm những điều cấm kỵ tại khu vực diễn ra lễ hội. Nếu ai vi phạm sẽ bị nghiêm trị”.
Phần hội: Phần này được tổ chức rất vui với nhiều trò chơi bổ ích, lý thú. Sau chén rượu lộc mời các thành viên tham gia lễ, trưởng lễ bắt đầu thông báo các nội quy, quy định của ngày hội; Sợi chỉ màu đã được căng quanh cột “cây nêu” (cách chân cột 3m) và khi trưởng lễ hát bài “Lễ dựng hội” thì cuộc vui chơi, ca hát, thi thố tài năng bắt đầu. Ngoài những trò chơi dân tộc như đánh cầu lông gà, trọi gà, ném pao, leo cột hái lộc, đánh cù… còn có những trò chơi mang tính nghệ thuật như múa khèn, thổi sáo, thi hát đối đáp, múa sinh tiền, hát ống…. Cũng được tổ chức thi diễn sôi nổi. Hội “Gầu tào” là dịp để các chàng trai, cô gái thể hiện tài năng, sự khéo léo… Phần hội là một hình thức sinh hoạt văn hoá đặc sắc với đủ loại hình văn hoá nghệ thuật dân gian, từ trò chơi đến ca hát, nhảy múa. Qua phần hội, lễ hội “Gầu tào” thật sự trở thành nơi giao lưu, gìn giữ văn hóa.
Kết thúc lễ hội (hạ “cây nêu”): Lễ hội “Gầu tào” kéo dài trong ba ngày, chiều ngày thứ ba, chủ lễ tuyên bố lễ hạ “cây nêu”, rồi cầm ô dẫn đoàn người đi ngược chiều kim đồng hồ xung quanh cây, hát bài “khâu dìn sê” (hạ cây nêu). Cũng như nghi thức lúc chặt tre, khi hạ nêu, người ta phải cho cây ngả xuống theo hướng mặt trời mọc, thân cây không chạm đất, rồi vác cây nêu về nhà thầy cúng (hoặc gia chủ). Gần tới nơi, người ta cắt một đoạn gốc nêu dài khoảng 1m, tẽ hạt của ba bông lúa nếp và bỏ tiền vào mẹt thóc. Gia chủ nhận lộc lễ và kết thúc lễ hội “Gầu tào”.
Thực trạng hiện nay Lễ hội “Gầu tào” của người Mông nói chung, ở xã Nà Bủng nói riêng, đang dần mai một, vì đã được khoảng 30 năm không được tổ chức và duy trì, các nghệ nhân đều đã cao tuổi trao truyền cho thế hệ kế tiếp. Hơn nữa, thế hệ trẻ ngày càng không mặn mà với việc tham gia các nghi lễ cũng như các hoạt động trình diễn truyền thống trong lễ hội.
Việc kế thừa, phát huy văn hóa của các dân tộc thiểu số nói chung và dân tộc Mông nói riêng trong huyện dù đã có nhiều cố gắng nhưng vẫn chưa đạt kết quả như mong muốn. Công tác quản lý, những phương thức tổ chức sinh hoạt văn hóa chưa thực sự hiệu quả ở cơ sở. Sinh hoạt lễ hội, văn nghệ dân gian nhiều lúc còn mang tính hình thức và việc biến những sinh hoạt bổ ích, lành mạnh có tính thường xuyên và tính xã hội còn gặp nhiều khó khăn.
Giá trị của lễ hội “Gầu tào” nhằm tạ ơn trời đất, thần núi, thần sông đã ban cho mưa thuận gió hòa để mùa màng nhà nhà bội thu; Chăn nuôi gia súc đầy chuồng và ban cho con cái để nối dõi gia đình, dòng họ... Góp công sức của xây dựng cuộc sông ấm no, hạnh phúc cho đồng các dân tộc trên địa bàn giữ yên bờ cõi vùng phên dậu biên giới của đất nước. Vì vậy, có thể khẳng định đây là một lễ hội có giá trị di sản phi vật thể dân tộc truyền thống của mảnh đất vùng cao biên giới Nà Bủng - Nậm Pồ, là một địa danh tiềm ẩn nhiều di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào các dân tộc trong huyện.
Lễ hội “Gầu tào” được tổ chức vào dịp tết nguyên đán đầu xuân hàng năm là nơi vui chơi sau một năm làm ăn vất vả, nay có cơ hội để nghỉ ngơi, tâm sự, tỏ bày với anh em trong cộng đồng cùng nhân dân các dân tộc trong xu hướng tưởng nhớ về người có công với dân với nước và tạ ơn trời đất, cầu mong một năm mới mưa thuận, gió hòa. Do đó, đây là sinh hoạt văn hóa tinh thần không thể thiếu được của đồng bào dân tộc Mông xã Nà Bủng nói riêng và người Mông tỉnh Điện Biên nói chung.
Với giá trị trên, năm 2022 UBND huyện giao Phòng Văn hóa và Thông tin huyện chủ trì phối hợp với phòng chuyên môn Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bảo Tàng tỉnh tiến hành phục dựng lễ hội Gầu tào dân tộc Mông tại xã Nà Bủng.